Người giấu mặt

08:01, 05/01/2017

Căn cứ quân sự Trung đoàn "Qủy đen" của giặc nằm trên một quả đồi, án ngữ con đường huyết mạch từ cao nguyên xuống đồng bằng với tham vọng ngăn cản mọi hoạt động của Quân giải phóng. Chúng dồn dân vào ấp chiến lược, tổ chức một vành đai an toàn có đội "Bảo an" dưới sự chỉ huy của cố vấn Mỹ khét tiếng tàn bạo, dã man

Căn cứ quân sự Trung đoàn “Qủy đen” của giặc nằm trên một quả đồi, án ngữ con đường huyết mạch từ cao nguyên xuống đồng bằng với tham vọng ngăn cản mọi hoạt động của Quân giải phóng. Chúng dồn dân vào ấp chiến lược, tổ chức một vành đai an toàn có đội “Bảo an” dưới sự chỉ huy của cố vấn Mỹ khét tiếng tàn bạo, dã man. Những ấp dân cư của đồng bào công giáo các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam và một số nơi khác ở miền Bắc, di cư vào Nam năm 1954 lập thành “Khu liên kết”. Tuyên truyền và huấn luyện những tên ấp trưởng trở thành một lực lượng chống “Cộng” điên cuồng. Xây dựng nhà thờ để đồng bào đến lễ cầu Chúa, đồng thời trà trộn những điệp viên khoác áo “thầy tu” theo dõi những người Cộng sản nằm vùng. Giặc đã từng tuyên bố “Con chuột của Cộng sản chui qua cũng không lọt”!
 
Đường quốc lộ dài ngoằn ngoèo như một con rắn khổng lồ nằm vắt vẻo giữa núi rừng. Bên đường là nghĩa địa, những ngôi mộ nhấp nhô phơi dưới nắng mưa. Ban đêm là thủ đô của “Những linh hồn chết”.
 
Minh họa: H.Toàn
Minh họa: H.Toàn

Lê Phúc, trung đội trưởng Đội đặc nhiệm nhận nhiệm vụ trinh sát cứ điểm của giặc, lập kế hoạch tiêu diệt. Anh dẫn đồng đội đến gần, bất ngờ bị phục kích. Tiếng súng nổ, đạn bắn ra như mưa. Những viên đạn xuyên vào màn đêm như tia lửa găm vào gốc cây, vách đá. Phúc bị thương. Sơn bò đến băng bó cho Phúc. Anh nói: “Đồng chí đã bị thương, tôi đưa về đơn vị!”, rồi cõng Phúc trên lưng. Đạn của địch vẫn bắn ra liên tiếp, dữ dội. Cảm thấy không an toàn, Phúc nói: “Nếu đồng chí dìu tôi về căn cứ, giặc đuổi theo, chết cả lũ. Cậu về ngay đơn vị báo cáo, mình tôi ở lại cầm chân địch”. Sơn nói: “Nguy hiểm lắm Phúc ạ!”. Phúc nói: “Đây là mệnh lệnh không bàn cãi nữa, thôi đi ngay kẻo muộn”.
 
Trời gần sáng, chân đau tê dại nằm trong vùng bị địch kiểm soát sẽ rơi vào tay giặc. Còn một bên chân  Phúc gắng đến một quả đồi ẩn náu. Đã hai đêm nằm trong hang đói và rét. Vết thương ở chân nhiễm trùng tấy sốt. Mùi tanh tưởi của hang đá, mùi phân của những con dơi, mùi khăm khẳm của vết thương bốc lên tởm lợm.
 
Cơn mưa rừng ào ào ập tới, toàn thân ướt sũng. Lạnh. Phúc run cầm cập.  Những con muỗi rừng vo ve hút máu. Nhớ gia đình, nhớ đồng đội. Bỗng... hình như có tiếng  người? Tiếng rì rầm to nhỏ mỗi lúc mỗi gần. Đang cơn sốt, anh nép vào vách đá lắng nghe. Tiếng hú gọi nhau, tiếng hú đáp lại. Một vệt sáng quét lên ngọn cây,  hai vệt sáng liếm qua cửa hang, quét xuống mặt đất. Phúc cảnh giác cầm chốt lựu đạn “Kiên quyết không để rơi vào tay giặc”. Tiếng rì rầm xa dần xa dần rồi mất hẳn. Phúc thở phào “Có lẽ họ đi săn thú!”.
 
Bạch Liên, một cô gái còn rất trẻ lên rừng chăm sóc cà phê. Mọi lần cô đi với má, nhưng lần này má ở nhà bận việc. Má nói: “Út tới một mình. Má mắc việc chút xíu”. Cô chăm bón vườn cà phê bạt ngàn hoa trắng. 
 
Chiều. Nắng đã lui dần về đỉnh núi. Bạch Liên chuẩn bị đi về. Phúc quyết định bò ra gặp Út. Nhìn thấy một người “gớm ghiếc” nơi rừng núi hoang vu, cô hoảng sợ kêu toáng lên: “Cứu tôi với, cứu tôi với” rồi tính bỏ chạy. Phúc bình tĩnh nói: “Đừng sợ, xin cô đừng sợ”! “Ông là ai”? “Tôi là quân giải phóng, bị thương, cô đừng sợ”. Nghe thấy hai tiếng “giải phóng, bị thương” liên tưởng đến lời của má giải thích “Những thanh niên ở miền Bắc vào Nam đánh Mỹ, ông Quốc gia gọi là Việt cộng, còn mình gọi là Quân giải phóng”, Bạch Liên không nỡ bỏ đi. Thấy người con gái có thể tin cậy, anh nói: “Cô có gì ăn được không, cho tôi xin miếng nước”. Nước!... Có gì ăn được không? Những câu nói của thanh niên giọng Bắc dễ thương làm cô ái ngại, nhưng lấy đâu những thứ đó bây giờ? Cô đến gần Phúc bảo: “Ông nằm ở đây nguy hiểm lắm, mật thám nó thấy chỉ có mà tiêu”. Phúc hỏi: “Cô có cách nào giúp tôi không?”. Đứng lặng, suy tính một lát sau, cô căn dặn: “Ông cứ nằm ở đây, đừng đi đâu nữa... tôi về sẽ bàn với má!”.
 
* * *
 
Phúc đã kiệt sức nằm trên vạt cỏ cạnh một nấm mồ. Chân đau, xung quanh yên tĩnh. Màn đêm trùm kín một khoảng mênh mông hoang vu đến rợn người. Đêm đã khuya. Đàn đom đóm lập lòe bay lượn. Tiếng chim lợn kêu éc éc, thỉnh thoảng có những vệt lân tinh bay vụt lên vật vờ như ma trơi. Bạch Liên có cảm giác ớn lạnh. Cô ngồi bên cạnh Phúc bón từng miếng bánh: “Ông gắng ăn một chút nghe!”. Phúc ăn ngon lành! Út ngóng về phía chân trời xa. Nơi ấy có vầng sáng hắt lên bầu trời, đó là thành phố. Có người cậu, em ruột của má làm bác sỹ hẹn về đây giúp đỡ. Ông Giải phóng đau nằm rên rỉ, cô lại gần động viên: “Gắng lên, ông gắng lên một chút”! Thời gian nặng nề trôi, Út nóng ruột thốt lên: “Sao lâu thế cậu ơi?!”.  
 
Xa xa có tiếng ô-tô, cô mừng quýnh. Tiếng động cơ mỗi lúc mỗi gần. Ánh sáng quét vào nghĩa địa, liếm qua rồi lao vút đi thẳng... Bỗng có một vệt sáng từ từ ngoặt trái. Cô theo dõi. Chiếc xe đã đỗ. Đèn pha tắt. Đầu xe chỉ để hai ngọn đèn vàng. Cánh cửa mở. Một bà mẹ bước ra, bà quan sát xung quanh cất tiếng gọi “Út... Út”! Có tiếng đáp: “Dạ dạ con đây”. Sung sướng đến lạ lùng, cô chạy lại kéo ông Giải phóng ngồi dậy. Phúc bị bất ngờ kêu “Ôi ối... đau quá!”. Cô hối hận nói nhẹ nhàng: “Ồ... tôi quên, ông đang bị thương mà, tôi xin lỗi”, nói xong cô dìu Phúc đi, hai người quện vào nhau từng bước tiến đến chiếc xe đợi sẵn. Đèn trong xe bật sáng. Phúc trông thấy một tên Thiếu tá Việt Nam Cộng hòa ngồi trong xe, tay cầm lái. Nhìn bộ mặt lạnh lùng, lì lợm anh khững lại. 
 
Bạch Liên thấy Phúc ngần ngại cô nói: “Lẹ lên ông Giải phóng lẹ lên”. Vừa nói vừa đẩy Phúc vào trong xe. Cánh cửa đóng phập. Nhanh quá, nguy hiểm rồi, đối phó làm sao? Chẳng lẽ cô gái này lại lừa ta? Mắc bẫy!”. Ranh giới giữa lòng trung thực, tử tế với sự dối trá, lừa lọc còn lẫn lộn chưa được rạch ròi! Viên Thiếu tá nhìn thẳng vào mặt Phúc không nói một lời. Hắn cầm vô lăng, nổ máy. Thấy Phúc ngồi không vững, hắn thò đầu ra ngoài nói như ra lệnh: “Út”! “Dạ”. “Dô trỏng, ngồi đỡ ổng”. Cô bối rối cất tiếng gọi “Má, má!”. Bà mẹ đáp: “Con cứ dô”. Bạch Liên chui vào trong xe ngồi cạnh Phúc đỡ anh như một người thân.
 
Mưa đêm. Con đường nhựa loang loáng như gương. Chiếc xe lao vun vút chạy vào những vũng nước bắn lên tung tóe. Đến một căn cứ quân sự xe dừng lại. Một toán cảnh binh đội mũ sắt, tay bồng súng đòi kiểm soát. Viên Thiếu tá đưa cho chúng một tờ giấy, tên cảnh binh giơ tay chào. Một tên khác ngó vào trong xe. Viên Thiếu tá đưa cho hắn một gói thuốc lá Phi-líp kèm theo mấy tờ tiền đô-la, hắn nói: “Hê lô, hê lô”. Chiếc xe từ từ đi qua vọng gác.
 
Ngôi biệt thự xây khép kín biệt lập, có vườn hoa cây cảnh, hàng liễu rũ xuống hồ nước nhỏ. Đưa xe vào ga-ra, viên Thiếu tá chỉ tay vào trong phòng: “Mời dô”. Căn phòng lộng lẫy. Chùm đèn pha lê tỏa sáng  mờ dịu. Bộ sa lông bọc vải nhung, giữa kê một chiếc bàn tròn làm bằng đá hoa cương. Trên tường treo bức tranh cảnh rừng thông Đà Lạt. Viên Thiếu tá xòe bàn tay “Mời”. Bạch Liên ngồi bên Phúc.
 
- Ông ở đơn vị nào?
 
- E13, f3, CT5.
 
- Quân lực Việt Nam Cộng hòa không có phiên hiệu này.
 
- Tôi là quân Giải phóng.
 
Viên Thiếu tá giấu một nụ cười khó hiểu.
 
- Ông là Việt cộng?
 
- Tôi là quân Giải phóng!
 
- Ủa!... quân Giải phóng mà bận đồ rằn ri?
 
Phúc trả lời: - Thưa ông, sắc màu áo lính không thể hiện lý tưởng con người! 
 
- Ông nói lý tưởng là lý tưởng nào?
 
- Ông là lính Quốc gia mang lý tưởng quốc gia, tôi là quân Giải phóng mang lý tưởng giải phóng!
 
- Ông nói hay lắm. Nhưng ông đang ở trong tay tôi. Hai người mang hai lý tưởng khác nhau, hai trận tuyến khác nhau. Một mất, một còn. Ông nghĩ sao? Muốn sống hay muốn chết?
 
- Thưa ông, không ai muốn chết, nhưng nếu phải chết, chết cho vinh quang.      
              
-  Như vậy ông vẫn còn muốn sống?
 
- Nếu được sống thêm một ngày mà có ích thì nên sống lắm chứ ông! 
 
Viên Thiếu tá cười nhạt. Hắn cầm một viên đạn súng lục tung lên tung xuống trong lòng bàn tay: - Chỉ một viên kẹo đồng bé nhỏ này bắn vào đầu ông để xem những lời nói ngông cuồng, rỗng tuếch nó thế nào? Ông nghĩ sao?
 
- Thưa ông. Rủi ro trong chiến tranh, sống chết là lẽ thường tình, người cách mạng đâu có sợ. Cô gái này đưa tôi đến gặp một bác sỹ chữa vết thương cho tôi, chứ không nói đưa đến gặp ngài Thiếu tá Quân lực Việt Nam Cộng hòa!
 
- Hà hà... Cháu tôi làm đúng. Tôi là bác sỹ sẽ chữa vết thương cho ông. Lương tâm của người thầy thuốc chân chính không ai giết bệnh nhân của mình. Đó là việc thứ nhất. Nhưng thưa ông, tôi là sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng hòa phải làm tròn bổn phận của người lính đối với quốc gia. Có nghĩa là chữa vết thương cho ông xong, hoặc bắn bỏ, hoặc nộp cho Mỹ. Tất nhiên sẽ được thưởng một bông mai trên ve áo. Ăn cây táo phải rào cây táo chứ ông? Như vậy tôi đã làm tròn cả hai bổn phận!
 
Bạch Liên tái mặt hoảng sợ nói: - Cậu à... đừng cãi nhau nữa. Cậu hãy chữa vết thương cho ổng, đừng bắn ổng, đừng nộp cho Mỹ cậu ơi! Cậu mà làm thế má và con sẽ từ mặt cậu!
 
Tiếng chuông điện thoại kêu leng keng. Thiếu tá chạy vào phòng cầm ống nghe. Bên kia đầu dây “Tôi, đại tá Smít”. “Xin chào ngài cố vấn”. “Cảm phiền ngài Bác sỹ Thiếu tá, mời đến ngay bệnh viện được không? Quân ăn hại đánh đấm gì mà bị thương nhiều đến thế?”. Viên Thiếu tá trả lời: “Thưa ngài cố vấn chờ cho ít phút”. Nói xong ông ta gọi Út vào phòng căn dặn: - Cậu phải đi ngay. Đưa ổng dô phòng bệnh thay bộ đồ, lấy lọ thuốc này rửa vết thương, cho ăn tô cháo, cho uống bốn viên thuốc này sau khi ăn. Nhớ... Có điện thoại không nhấc máy, chuông ngoài cửa không mở. Đợi cậu về...
 
Thiếu tá lấy xe đi, treo tấm biển ở ngoài cửa Bác sỹ Thiếu tá Nguyện đi vắng.
 
Bạch Liên chăm sóc Phúc như một người thân, tận tình như một người hộ lí cần mẫn. Vết thương ở chân làm gãy xương, nhiễm trùng nặng. Cô cởi tấm băng thấm máu đã khô. Phúc đau không kêu một lời. Đêm đã khuya Phúc nằm nghỉ nhưng vẫn suy nghĩ miên man.
 
Viên Thiếu tá về, tắt bớt những ngọn đèn không cần thiết vội vàng chạy lên lầu thay bộ quần áo nhà binh, mặc bộ đồ blouse trắng. Út hớn hở: - Cậu đã về! 
 
- Ông Giải phóng sao rồi?
 
- Thưa cậu ông đang nằm nghỉ.
 
- Cho uống thuốc chưa?
 
- Rồi ạ!
 
Ông Thiếu tá đi sang phòng bên gặp Phúc.
 
- Chào, ông vẫn thức?
 
- Cảm ơn, ông đã về! 
 
Viên Thiếu tá nhìn đồng hồ nói: - Thời gian không còn nhiều, ông cho thăm bệnh chứ?
 
- Chân đã nhiễm trùng nặng. Phần xương đã bị gãy không khắc phục được đành phải cưa bỏ, bảo vệ phần trên. Ông đồng ý chứ?
 
 Phúc nói: - Thưa ông, rủi ro trong chiến tranh là điều không tránh khỏi. Tôi may mắn được cô gái này đưa đến gặp ông, một bác sỹ, tôi hoàn toàn tin ở ông!
 
Phúc nằm trên giường bệnh như một người ngủ say. Bên chân trái đã ngắn một đoạn được băng bó cố định. Lọ nước truyền nhỏ từng giọt.
 
Ông bác sỹ căn dặn Bạch Liên: - Sau vài tiếng nữa ông ta sẽ tỉnh, đau. Con cho ăn tô cháo. Cho uống mấy viên thuốc này sau khi ăn. Lọ nước truyền chảy hết, con tháo kim, ông ta sẽ đi tiểu. Có chiếc pô ở cuối giường, con giúp ổng. Mọi việc đợi cậu về... À quên, nhớ những điều cậu đã căn dặn từ bữa trước.
 
Mấy ngày sống bên cạnh một cô gái có tấm lòng nhân ái, đồng thời sống trong vòng tay của viên sỹ quan lạnh lùng hãnh tiến làm Phúc suy nghĩ căng thẳng. Nhớ đồng đội, nhớ quê hương chân đi tập tễnh anh suy tính phải tìm lối thoát.
 
Một tuần lễ trôi qua. Bạch Liên và Phúc như có một sợi dây vô hình xếp đặt. Họ thân thiết bên nhau tự nhiên và tin tưởng. Tuy vậy, Phúc vẫn giữ một khoảng cách. Đôi lúc Bạch Liên quá tự nhiên làm anh ngượng. Sức khỏe đã bình phục nhưng câu nói của viên Thiếu tá: “Thực hiện bổn phận của một sỹ quan Quân lực Việt Nam Cộng hòa” vẫn còn đó!
 
Ngoài sân, Thiếu tá đã về.
 
- Út.
 
- Dạ!
 
- Ông Giải phóng sao rồi?
 
- Thưa cậu, đã bình phục.
 
- Phải cho “đi”.
 
- Đi đâu hở cậu? 
 
- Nộp cho Mỹ hoặc bắn bỏ.
 
- Đừng... đừng cậu ơi, sao lại làm thế? Má sẽ từ mặt!  
 
Viên sỹ quan chạy sang phòng bên.
 
- Ông đã khỏe chưa?
 
- Cảm ơn! Tôi khá hơn.
 
- Bây giờ cho tôi thực hiện bổn phận của người sỹ quan Quân lực Việt Nam Cộng hòa chứ?
 
- Trước hết, tôi cám ơn cô Út, cám ơn ông, người bác sỹ đã chữa vết thương cho tôi. Còn ngài sỹ quan Cộng hòa thực hiện điều gì đó tùy ông! 
 
Viên thiếu tá đi đi lại trong phòng, quay lưng nói với Phúc: - Có hai con đường. Một là ông trở về với chánh phủ Quốc gia, sẽ trọng thưởng. Hai, ông sẽ “nếm mùi của viên kẹo đồng, đi về với Chúa”!
 
- Thưa ông, cảm ơn ông là một người bác sỹ, đã không sợ nguy hiểm chữa vết thương cho tôi và khuyên tôi tìm đến con đường “được sống”! Nhưng con đường tôi đã chọn không thể thay đổi...
 
- Như vậy ông muốn tìm đến cái chết hay sao?
 
- Không ai muốn chết, nhưng chết vì Tổ quốc, vì nhân dân thì không hối hận và luyến tiếc!
 
- Ông sẽ từ chối về với chánh phủ Quốc gia?
 
- Thưa ông. Như tôi đã nói: “không thể”. Chắc ông còn nhớ lịch sử nước nhà còn ghi nhớ câu nói khẳng khái của vị tướng Trần Bình Trọng: “Ta thà làm quỷ nước Nam, còn hơn làm vương đất Bắc!”.
 
Viên sỹ quan cười, gật gật cái đầu tủm tỉm: - Hay!... Nhưng chỉ khuyên ông một điều… Đã “đi”, đi cho đàng hoàng. Út đâu?
 
- Thưa cậu con đây!
 
Viên sĩ quan nói giọng Bắc:
 
- Mở tủ... lấy bộ quần áo mới thay cho hắn.
 
Nhắc đến “bộ quần áo mới”, Bạch Liên nhớ đến hình ảnh cố vấn Mỹ buộc xác “Việt cộng” vào một gốc cây, bắt bà con giáo dân đến xem mặt, ra lệnh phơi xác ba ngày. Bà con đấu tranh đòi mai táng ngay lập tức. Trước khi mai táng má sai Út về nhà lấy bộ quần áo mới thay cho ổng. Nghĩ đến... Út hoảng sợ, mặt tái nhợt. Viên Thiếu tá nói:  - Lấy chiếc nạng gỗ đưa ổng... xuống! Mau lẹ lên. Nói xong hắn lặng lẽ bước đến chiếc ô-tô đợi sẵn. Út buồn, dìu Phúc từng bậc cầu thang đi đến nơi ông cậu chờ.
 
Thành phố sau cơn mưa. Cành cây hoa lá như trút được bụi bặm của thời gian. Gió nhẹ thổi. Những cành liễu đung đưa như chìa bàn tay tiễn biệt một người sắp sửa ra đi. Chiếc xe chờ sẵn. Viên sỹ quan ngồi đợi. Út dìu Phúc vào trong xe ngồi bên cạnh. Viên sỹ quan ngoái lại, ra lệnh: “Út ở lại”. Cô lặng lẽ chui ra ngoài nét mặt buồn thiu. Hai giọt nước mắt cay xè nấc như muốn khóc. Cô hét to: - Cậu không được bắn ổng, đừng làm thế... Má con, má con... rồi nghẹn ngào không nói được nữa. Phúc nhìn Bạch Liên lưu luyến: - Mãi mãi tôi cám ơn cô. Thôi chào vĩnh biệt!
 
Tiếng xe nổ nhẹ êm. Họ không nói với nhau một lời. Xe đi qua con đường nhỏ, rẽ vào thành phố. Những tòa nhà nguy nga cổ kính ẩn sau màu xanh tím của hàng thông già. Phố đã lên đèn. Ánh sáng hắt xuống mặt hồ lung linh như các vì sao. Mặt hồ phẳng lặng, nhưng có biết đâu trong cái phẳng lặng yên bình ấy, dưới đáy là lớp bùn nhơ, rác rưởi thậm chí có cả những bộ xương người! 
 
Cái gồ ghề lồi lõm của “Thế giới phẳng” được che đậy vụng về. Nó giống như bộ mặt của gã Thiếu tá khi mặc áo blouse trắng, hắn nói: “Lương tâm của người thầy thuốc không ai giết bệnh nhân của mình, tôi cứu ông”. Nhưng khi khoác trên mình bộ đồ sỹ quan hắn nói: “Sẽ nộp cho Mỹ”. Khi được thưởng mề đay, dây chiến thắng, khẩu súng lục lặc lè bên hông, hắn tuyên bố: “Sẽ bắn bỏ”. Cũng bộ mặt ấy, khi nhìn thấy một chút hào quang thì cao ngạo, tỏ ra “vĩ đại”, khi có một chút quyền lực, danh vọng thì sẵn sàng hành xử hèn hạ như một kẻ sát nhân! Cuối cùng hắn đưa ta đi đâu?
 
 Chiếc xe ô tô leo lên đỉnh dốc, xuống đèo. Hai bên đường là những hàng cây. Hương rừng thơm phảng phất, cơn gió nhẹ thoảng qua làm dịu bớt phút giây căng thẳng của Phúc!  
 
Con đường nhầy nhụa sương đêm. Ngược chiều Phúc gặp một đoàn xe quân sự đang đi tới. Dẫn đầu là chiếc xe bọc thép, nòng pháo dài ngoẵng, binh lính ngồi ngất ngưởng trên xe. Giàn ăng ten điện đài sáng loáng ầm ầm tiến đến mặt trận nào đó. Phúc nóng ruột!
 
Xe chạy được một quãng đường khá xa, viên Thiếu tá ngoái lại nhìn Phúc thấy nét mặt bình thản hắn hỏi: - Ông có lạnh không? Phúc trả lời: - Cảm ơn!
 
Mảnh trăng mùa đông tỏa xuống cánh rừng một thứ ánh sáng pha sương mờ ảo. Con đường tun hút chạy vào một cõi hoang vu. 
 
Đến một cánh rừng sâu, xe dừng lại. Viên sỹ quan mở cửa bước ra ngoài. Một tiếng hú cất lên, tiếng hú đáp lại. Bóng người trong bụi cây xuất hiện. Hai người nói với nhau Phúc không hiểu. Viên sỹ quan chui vào trong xe, nổ máy.
 
Chiếc xe lao vào thành phố N qua những trạm kiểm soát nghiêm ngặt, dày đặc những thám báo, cảnh binh. Thành phố phồn hoa nhưng cũng đầy màu sắc lính, ngột ngạt bầu không khí chiến tranh.
 
Đến trước cửa một vũ trường, những ánh đèn xanh, đỏ đủ màu sắc nhấp nháy hòa cùng tiếng nhạc xập xình cuồng loạn, xe dừng lại. Viên sỹ quan nói với Phúc: 
 
- Ông giải phóng.
 
- Có tôi!
 
- Một điều tôi phải nói với ông... vì Út... Tôi không muốn giết ông. Nhưng phải nhớ: Một, không bao giờ nói ra việc này. Hai, không gặp Út và tôi nữa. Ba, kể từ giờ phút này ông không phải là “Quân giải phóng”, sẽ mang một cái tên khác. Còn lại ông tự lo liệu. - Nói xong viên Thiếu tá đưa cho Phúc một cái ví, trong đó có một số giấy tờ và một ít tiền…
 
Viên sỹ quan mở cửa xe ra ngoài, bộ quân phục chỉnh tề, mắt đeo kính màu đen, nghênh ngang đứng ngoài đường. Một người đạp xe xích lô đầu đội chiếc mũ đen, quần áo cũ rách vòng đi, vòng lại.
 
- Ê xích lô!
 
- Thưa ngài về đâu ạ?
 
- Đưa ông khách về Yagout 8 sẹc 2/20
 
Người đạp xích lô không nói gì. Viên Thiếu tá quát: “Câm miệng hả?”.
 
- Thưa ngài: Không có địa chỉ này!
 
- Mi làm nghề này mà không biết đâu với đâu?
 
- Thưa ngài Thiếu tá! Cái thành phố này ngõ ngách nào mà con không biết! Đường Thành Thái chỉ có Yagout 8, hai trên mười bảy ạ! Viên Thiếu tá lẩm bẩm “Hai trên mười bảy!” (2+17=19+8­=27). Ông ta kiểm tra lại.
 
- Hình như chủ nhà này đã chuyển đi nơi khác?
 
- Dạ! Dạ! Đã chuyển về 27 đối diện với quán phở của ông Hai chín (2-9)! Viên sỹ quan thử một lần nữa. Ông ta đưa cho người đạp xích lô một tờ tiền có mệnh giá 100 đô la. Người đạp xích lô xuýt xoa: - Thưa ngài con chỉ xin “ba mươi” đô la, không có tiền thối!
 
- Khỏi thối. - Nói xong ông ta mở cốp xe, lấy một cái ca táp đưa cho Phúc: - Những thứ ông phải cần!.
Người đạp xích lô đỡ Phúc ngồi lên chiếc xe đợi sẵn...
 
Ngoài đường phố, những tốp lính viễn chinh say bia, say rượu cười hô hố. Người đạp xích lô đưa Phúc đi, miệng lẩm bẩm “Quán phở ông Hai chín, ông Hai chín! Phúc nghĩ “Có lẽ cấp trên đưa ta về với trận tuyến sống trong lòng địch!”.
 
Truyện ngắn: NGUYỄN ÐÌNH THĂNG