Tết Đinh Dậu 2017, ngắm tranh gà

08:02, 03/02/2017

Thực ra, không phải đến bây giờ con gà mới trở thành nhân vật của nghệ thuật tạo hình. Minh chứng rõ nhất là trong tranh dân gian Đông Hồ có những 4 bức vẽ về hình tượng con gà: Gà trống gáy sáng, Gà mẹ gà con, Em bé ôm gà và Đại cát. Chưa hết, con gà còn góp mặt trong tranh dân gian Hàng Trống, tranh dân gian Làng Sình... và có mặt cả trong điêu khắc dân gian.

Thực ra, không phải đến bây giờ con gà mới trở thành nhân vật của nghệ thuật tạo hình. Minh chứng rõ nhất là trong tranh dân gian Đông Hồ có những 4 bức vẽ về hình tượng con gà: Gà trống gáy sáng, Gà mẹ gà con, Em bé ôm gà và Đại cát. Chưa hết, con gà còn góp mặt trong tranh dân gian Hàng Trống, tranh dân gian Làng Sình... và có mặt cả trong điêu khắc dân gian. Tiến thêm một bước, thời kỳ 1925 - 1945, các họa sĩ xuất thân từ Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, như Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm... cũng dành nhiều sự ưu ái và thời gian tìm kiếm vẻ đẹp tạo hình nơi giống gia cầm gần gũi, quen thuộc với con người này. Tất nhiên, vẻ đẹp tạo hình đặc biệt đó vẫn không ngừng khêu gợi các họa sĩ đương đại tiếp tục khai phá bất chấp thời gian kim cổ. Trong số những họa sĩ này, có Giang Phong ở xứ trà B’Lao. 
 
Thiếu nữ B’Lao bên tác phẩm chú gà trống của họa sĩ Giang Phong. Ảnh: Trịnh Chu
Thiếu nữ B’Lao bên tác phẩm chú gà trống của họa sĩ Giang Phong. Ảnh: Trịnh Chu

Tết Đinh Dậu 2017, họa sĩ Giang Phong đã giới thiệu 12 bức tranh vẽ con gà mà như anh chia sẻ đấy cũng là 12 lời thưa của Giang Phong gửi đến công chúng yêu nghệ thuật tạo hình. “12 bức tranh tượng trưng cho 12 tháng trong 1 năm. Con số 12 còn ngầm chỉ chu kỳ của 1 con giáp. Từ xưa, con gà được dân gian coi như một biểu tượng của may mắn và tài lộc. Thông qua ngôn ngữ tạo hình, tôi muốn gửi đến người xem tranh một năm Đinh Dậu đại cát”, anh hào hứng.
 
Theo họa sĩ Giang Phong, B’Lao ở một góc độ nào đó có thể gọi là xứ sở của nhiều giống gà. Nơi đây có ít nhất cũng vài chục giống gà khác nhau. Gần gũi như gà di. Xa hơn một chút thì có giống gà tre (giống gà rừng đã được thuần dưỡng nuôi trong nhà từ nhiều năm nay). Xa nữa thì có gà Mỹ, gà Thái, gà nuôi công nghiệp... Mỗi giống gà là một hình ảnh riêng biệt. Ngay trong một giống gà cũng đã tự chia ra làm hai đối tượng hội họa hoàn toàn khác nhau: gà trống diêm dúa, hùng dũng và gà mái nhu mì, tảo tần. Do đó, người vẽ tha hồ lựa chọn thể hiện. 
 
Cũng theo anh, vẽ con gà không khó. Thứ nhất, hình thể con gà sẵn mang rất nhiều yếu tố trang trí. Thứ hai, con gà có nhiều giống loài nên màu sắc, hình dáng cũng thiên hình vạn trạng. Cùng đó, các động tác (đi, đứng, chạy, nhảy, bay...) rất dễ tạo nên những biến chuyển hình thể đậm đặc tính tạo hình để thể hiện ra tác phẩm. “Chỉ cần một trình độ quan sát vừa phải, tay nghề cũng chả lấy gì làm ghê gớm lắm là đã có thể thử sức ở tranh con gà”, họa sĩ Giang Phong nói. 
 
Mang trong mình nhiều yếu tố tạo hình nên con gà rất dễ thể hiện lên tranh. Tuy vậy, vẽ được bức tranh con gà đẹp thì lại không hề dễ dàng. Đó là chưa nói đến việc cùng một lúc vẽ 12 bức tranh về con gà. Mà nguyên tắc bất di bất dịch trong hội họa là không được lặp lại bố cục và màu sắc. Mối bận tâm này quả là không hề nhỏ. Nó đòi hỏi người vẽ không chỉ dùng trí tưởng tượng và ký ức về hình ảnh con gà mà còn phải tìm kiếm tư liệu: vẽ trực họa hoặc thông qua chụp ảnh. Bản thân Giang Phong thừa nhận: “Có những bức tranh tôi phải vẽ đi vẽ lại nhiều lần. Có bức tôi phải bỏ ra 1 tuần để chỉnh sửa thì mới hoàn thành”. 
 
Cái hay của họa sĩ Giang Phong khi vẽ con gà là đã vượt qua được các giới hạn về bố cục và màu sắc trong cả 12 bức tranh. Mỗi con gà là một sắc thái, một chuyển động riêng được họa sĩ khéo léo đan cài trong cùng một chủ điểm để qua đó tương tác và cùng cất lên một tiếng nói chung mang đậm phong vị Tết. Tranh con giáp Đinh Dậu của anh ám gợi người xem vì nét vẽ dung dị. Tất cả đều quen thuộc như cuộc sống thường ngày. Cũng vì sự giản dị và tự nhiên ấy mà tranh con gà của Giang Phong khơi gợi cả miền ký ức yêu thương đâu đó trong mỗi chúng ta. Nó gợi nhắc chúng ta về một góc vườn xưa, một mái nhà cũ, một tiếng gà thanh bình đủ ấm áp và che chở.
 
TRỊNH CHU