Áo trắng một thời

09:03, 02/03/2017

Dù thời gian ngắn hay dài, dù bền lòng theo đuổi hay chỉ là những cung bậc ngắn ngủi xen kẽ vào năm tháng chảy trong huyết quản của những người làm thơ, viết văn chân chính vẫn là những xúc cảm thẩm mỹ về nghĩa tình, về cái đẹp, những điều dễ đổ vỡ, nhạt phai, cần nâng niu, níu giữ trong cuộc sống.

Dù thời gian ngắn hay dài, dù bền lòng theo đuổi hay chỉ là những cung bậc ngắn ngủi xen kẽ vào năm tháng chảy trong huyết quản của những người làm thơ, viết văn chân chính vẫn là những xúc cảm thẩm mỹ về nghĩa tình, về cái đẹp, những điều dễ đổ vỡ, nhạt phai, cần nâng niu, níu giữ trong cuộc sống. Xúc cảm ấy tượng hình và bung nở trong những người trẻ ở tuổi Áo trắng (học sinh, sinh viên) sục sôi với đam mê được giãi bày trên trang viết. Nhóm Gia đình áo trắng Đà Lạt của một thời chưa xa đã có những năm tháng như vậy.
 
Khởi xướng từ nhà văn Đoàn Thạch Biền (còn có biệt danh là ông Biền áo trắng), Gia đình áo trắng Đà Lạt hình thành tập hợp những học sinh, sinh viên, người viết trẻ có đam mê viết văn, làm thơ. Và, suốt một thời gian dài, nhà thơ Nguyễn Tấn On đóng vai trò “nhạc trưởng”, anh hăng say sáng tác thơ, miệt mài truyền cảm hứng cho các thế hệ sau. Những năm 2000-2009, lúc nào Gia đình áo trắng Đà Lạt cũng sôi nổi khí thế tuôn trào cảm xúc lên trang giấy. Trong các buổi sinh hoạt văn nghệ, nhiều cái tên trìu mến, thân thương đã qua tuổi áo trắng, từng gắn bó với phong trào văn nghệ trẻ ở Đà Lạt nhưng vẫn chất chứa nội lực sáng tạo mạnh mẽ như: La Văn Tuân, Lê Văn Tiến, Hồ Thế Sinh, Thùy Linh… luôn được nhắc đến như là cộng hưởng thêm sự động viên, thôi thúc sáng tạo cho các bạn trẻ.
 
Gia đình đặc biệt ấy có lúc trên 30 người tham gia, những buổi chuyện trò, những bình luận thâu đêm suốt sáng về thơ ca thực sự là những ngày cuối tuần, ngày hè ý nghĩa, ấm cúng. Đó như là liều “thần dược” giúp cuộc sống cân bằng để rồi lại lao vào hăng say học tập, làm việc. Bởi, xét đến tận cùng, những người làm thơ, viết văn dù là những người kỳ cựu hay người đang tập tành luôn tồn tại một khát khao muốn chia sẻ, nhất là những nỗi buồn và mất mát hay những hạnh phúc, nỗi hàm ơn to lớn với cuộc sống này. Có những đêm mưa tầm tã, những buổi chiều hắt hiu nắng gió, các đoàn văn nghệ sỹ từ nhiều tỉnh khác đến Đà Lạt sáng tác, lại kết nối cho các thành viên trong gia đình áo trắng có những cuộc giao lưu thú vị, cảm xúc khi gặp mặt bao văn nghệ sỹ tên tuổi. Đến với thi ca, văn chương nhiều bạn tìm được sự đồng điệu, giải phóng được những ý tưởng thai nghén trong xúc cảm. Nhiều thành viên trong gia đình ở thời kỳ ấy đã lần lượt được giới thiệu trên tập san Áo trắng và một số tạp chí văn nghệ khác như: Lê Như Nam, Trần Thị Diệu Linh, Trần Xuân Quỳnh, Hà Văn Đạo, Trần Thị Thanh, Võ Thị Mỹ, Thu Thủy, Kim Hoàng, Lê Văn Thuận, Võ Tấn Phú… Số nào của tập san Áo trắng xuất bản, các thành viên cũng háo hức chờ đón và hăng say đọc, góp ý, phân tích. Khi ấy, đọc văn, đọc thơ như món ăn tinh thần cần phải bổ sung hàng ngày với các bạn trẻ. Có những đêm dài ở gác trọ, nhiều thành viên Gia đình áo trắng chong đèn nắn nót những vần thơ. Tình yêu quê hương đất nước, yêu cha mẹ, thầy cô được viết từ những trái tim với sự rung cảm chân thật nhất, sáng trong ước vọng nhất nhưng cũng đằm sâu nghĩa tình nhất. Nhiều câu thơ, bài thơ của các bạn trẻ đã thực sự chạm đến miền rung cảm của người đọc. Hòa theo dòng chảy của thời gian, tiếp cận mạch đập cuộc sống, cứ thế các thành viên áo trắng từng bước trưởng thành về mọi mặt. Nuôi dưỡng sự trưởng thành ấy chính là một phần của niềm đam mê không ngừng nghỉ về văn chương. Cái thời cháy hết mình cho những ý tưởng, sôi nổi với những cuộc sinh hoạt văn nghệ tuổi áo trắng ấy mãi là những trang kí ức ghim sâu vào tâm thức mỗi người. Ra trường, qua thời áo trắng, có người ở lại Đà Lạt, có người về quê dạy học, có người công tác ở các tỉnh khác, nhưng nhiều thành viên vẫn gắn bó theo nghề viết, vẫn ùa về bao nỗi niềm nhung nhớ với một thời áo trắng, đã trôi qua nhưng mãi đẹp. Đến thời điểm hiện nay, các thế hệ tiếp theo lại tiếp tục nuôi dưỡng cảm xúc sáng tạo đầu đời ở Gia đình áo trắng Lâm Đồng. 
 
Nhà thơ Tường Huy đã tiếp tục những ý tưởng sáng tạo đầy tâm huyết đối với giới trẻ tại tỉnh nhà, anh mở ra cuộc thi thơ và tùy bút, ngỏ hầu phát hiện những cây viết từ các trường trung học, cao đẳng, đại học, anh đã đến tận nơi kể cả các trường dân tộc nội trú, các trường dạy nghề, mở rộng ra các vùng huyện Di Linh, Bảo Lộc, Đạ Huoai, Cát Tiên; thành Gia đình áo trắng Lâm Đồng. Tin vui đến với Gia đình áo trắng, đầu năm 2017, ông Vũ Hoàng - Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Lâm Đồng đã ủng hộ cho Gia đình áo trắng Lâm Đồng dùng mặt bằng tại trung tâm để tổ chức các cuộc họp định kỳ cũng như giao lưu gặp mặt các Gia đình áo trắng các tỉnh về Đà Lạt. Hy vọng mạch nguồn ấy sẽ mãi như nguồn nước mát trong chảy tràn cảm thức mỗi người trẻ để đủ sức đề kháng lại sự mai một của văn hóa đọc.
 
NGUYỄN TRẦN ÐÀ LẠT