Đau đáu hồn quê trên đất mới

09:03, 30/03/2017

Trong một ngôi nhà nhỏ ở Khu phố Chi Lăng III, thị trấn Nam Ban, những câu dân ca quan họ Bắc Ninh vẫn ngày ngày vang lên giữa cao nguyên đang ngan ngát hương hoa cà phê. Đó là nơi mà "thầy giáo" Vũ Đình Nhiễu và những "học trò" ở tuổi măng non cùng chung một tình yêu, hát những câu dân ca quan họ ngay giữa cao nguyên xanh.

Trong một ngôi nhà nhỏ ở Khu phố Chi Lăng III, thị trấn Nam Ban, những câu dân ca quan họ Bắc Ninh vẫn ngày ngày vang lên giữa cao nguyên đang ngan ngát hương hoa cà phê. Đó là nơi mà “thầy giáo” Vũ Đình Nhiễu và những “học trò” ở tuổi măng non cùng chung một tình yêu, hát những câu dân ca quan họ ngay giữa cao nguyên xanh.
 
Ông Vũ Đình Nhiễu được gọi là “thầy giáo”, hàng ngày truyền dạy dân ca quan họ Bắc Ninh cho thế hệ măng non. Ảnh: V.Quỳnh
Ông Vũ Đình Nhiễu được gọi là “thầy giáo”, hàng ngày truyền dạy dân ca quan họ Bắc Ninh cho thế hệ măng non. Ảnh: V.Quỳnh
Giữa vùng kinh tế mới Nam Ban, Lâm Hà, những người con đến từ vùng Kinh Bắc luôn đau đáu nỗi nhớ quê hương và cố gắng giữ gìn, duy trì hoạt động của những CLB dân ca quan họ Bắc Ninh qua việc truyền dạy tình yêu, niềm đam mê quan họ cho thế hệ trẻ, để các em biết yêu quý, trân trọng và gìn giữ di sản văn hóa này. Vậy là lớp học dân ca quan họ Bắc Ninh được ra đời đến nay đã gần 6 năm, nhiều em nhỏ đã thành “liền anh, liền chị” từ lớp học này. 
 
Ông Vũ Đình Nhiễu - Phó Chủ nhiệm CLB đã mở lớp quan họ hết sức đặc biệt này, bởi các học viên đều còn rất nhỏ, chủ yếu còn đang là học sinh tiểu học, em nhỏ nhất cũng chỉ mới 5 tuổi. “Nhỏ vậy thôi” - ông bảo - “nhưng niềm say mê và năng khiếu thì không thua gì người lớn. Có lẽ vì đều là con cháu của vùng Kinh Bắc, nên dù có sinh ra và lớn lên trong này, nhưng những làn điệu dân ca quan họ đều đã ngấm trong máu của mỗi đứa nhỏ”. Cứ đều đặn, chiều chủ nhật hàng tuần, ngôi nhà của ông Nhiễu lại vang lên những câu luyến láy tha thiết và say sưa của các em nhỏ. Tự tay sưu tầm những làn điệu dân ca thành một bộ tương đối đầy đủ, ông Vũ Đình Nhiễu truyền dạy cho các em những làn điệu từ đơn giản đến phức tạp. Cũng chính vì lòng đam mê và tâm huyết mà ông tự bỏ tiền ra đầu tư trang phục, đạo cụ cho các cháu hoặc mượn từ CLB của người lớn. 
 
Hiện tại, lớp học của ông có hơn 20 em nhỏ, có những em mới 5 tuổi, chưa biết chữ nhưng đã thuộc lời nhiều làn điệu quan họ, bởi từ lúc nằm nôi đã được nghe bà, nghe mẹ hát ru. Bé Vũ Ngô Thúy Hòa con ông Nhiễu, năm nay 12 tuổi đã được bố dạy hát từ năm sáu năm nay. Cô bé chia sẻ: “Được nghe bố hát quan họ từ nhỏ và khi được dạy, cháu thấy rất thích thú và thuộc lời rất nhanh. Cháu và các bạn đều biết rằng đây là nét văn hóa truyền thống của quê hương mình, nên cảm thấy rất tự hào mỗi khi được hát dân ca quan họ Bắc Ninh và thấy mình cần phải giữ gìn”. 
 
Mang bên mình nón quai thao, khoác lên tà áo tứ thân và chít khăn mỏ quạ, những cô bé 12 tuổi như Thúy Hòa, Minh Lý, Vân Dung hiện ra như những liền chị. Có trực tiếp nhìn các em chăm chú vào những làn điệu mới, trực tiếp nghe các em ngân nga “Hoa thơm bướm lượn”, “Xa bến xa bờ”, mới biết rằng trên vùng kinh tế mới này, “hồn” Kinh Bắc vẫn cháy trong mỗi thế hệ. 
 
Sự trưởng thành nhanh chóng của các cháu thiếu nhi trong lớp học dân ca quan họ dường như đã phần nào thỏa mãn nỗi niềm trăn trở của ông Vũ Đình Nhiễu. Để tập luyện cho các cháu các làn điệu cổ, ông đã dày công sưu tầm trên 400 bài quan họ, trong đó có nhiều lời mới được sáng tác trên lời cổ để phù hợp với phong cách biểu diễn của các cháu. Qua những buổi học hát, các em không những được rèn kỹ năng về ca từ, kỹ năng nhấn nhá, luyến láy, lấy hơi, nhả âm, mà còn được tìm hiểu những nét văn hóa trong truyền thống giao tiếp, ứng xử của người quan họ.
 
Đến nay, các em nhỏ trong lớp học đã có thể thông thuộc nhiều làn điệu dân ca quan họ từ dễ đến khó. Những câu quan họ Bắc Ninh cũng đã được các em mang đi so tài trong nhiều hội thi, hội diễn và đoạt được nhiều giải cao. Không một đồng học phí, không có khen thưởng cho “thầy giáo” mỗi lần trò đoạt giải, thế nhưng “Nhìn các cháu nhỏ yêu thích và đam mê với quan họ là tôi thấy hạnh phúc rồi. Sợ nhất vẫn là sự quay lưng của giới trẻ, nên tôi phải làm sao để các cháu thật sự thấy được tình yêu quan họ từ trong tim mình” - ông Nhiễu tâm sự. 
 
Rời khỏi lớp dạy quan họ, tôi còn nghe vẳng theo câu hát như lời tiễn đưa:
 
“Mỗi khi khách đến chơi nhà
Đốt than quạt nước pha trà em mời người xơi
Trà này quý lắm người ơi
Mỗi người một chén cho em vui lòng”.
 
VIỆT QUỲNH