Đi tìm "Ruồi trâu" giữa đời thực

08:03, 30/03/2017

Ra đời năm 1897, tác phẩm Ruồi trâu của nữ văn sĩ Ethel Lillian Voynich được đón nhận nồng nhiệt trên khắp thế giới. Khi được dịch và xuất bản ở Nga năm 1898, câu chuyện về chàng thanh niên mang bí danh lạ lùng ngay lập tức tạo được tiếng vang rộng rãi và gây ảnh hưởng lớn đến nhiều thế hệ nơi đây...

Ra đời năm 1897, tác phẩm Ruồi trâu của nữ văn sĩ Ethel Lillian Voynich được đón nhận nồng nhiệt trên khắp thế giới. Khi được dịch và xuất bản ở Nga năm 1898, câu chuyện về chàng thanh niên mang bí danh lạ lùng ngay lập tức tạo được tiếng vang rộng rãi và gây ảnh hưởng lớn đến nhiều thế hệ nơi đây. Sức hút của nhân vật chính khiến cho nhiều nhà nghiên cứu cố công đi tìm nguyên mẫu của anh giữa đời thường như một nỗ lực tiến đến gần thần tượng dù cho chính tác giả Ethel khẳng định đây hoàn toàn là nhân vật hư cấu. Vậy Ruồi trâu có thể là ai?
 
Phải chăng anh bước ra từ giấc mơ thời thiếu nữ của cô gái Ethel khi tới thăm Viện bảo tàng Louvre của Pháp năm 17 tuổi? Giữa bao nhiêu di sản văn hóa đồ sộ, nàng chỉ bị đánh gục bởi hình ảnh một chàng trai người Ý trong bức tranh Chân dung người không quen biết của danh họa thế kỉ XVI Franciabigio. Chàng trai da ngăm ngăm với ánh mắt rực lửa và cái miệng mím chặt, tóc đen, đội mũ nồi đen đã trở thành hình mẫu cho những khát khao của một thời thanh xuân nồng nhiệt. Bản sao của bức tranh mang hình ảnh “người tình trong mộng” ấy luôn đi theo Ethel đến bất cứ nơi đâu. Ngay cả khi cận kề cái chết, bà có tâm nguyện là hãy hỏa táng một phiên bản của bức tranh cùng với mình! Sự gắn bó kì lạ và những tình cảm đặc biệt của nữ sĩ với bức họa trứ danh đã được gửi gắm vào những dòng miêu tả về Athur trong tác phẩm: “Vóc người nhỏ nhắn, mảnh khảnh, anh giống chân dung một chàng trai Ý ở thế kỉ mười sáu hơn là một thanh niên”. Không có gì sai nếu như nói một phần nguyên mẫu của Athur đến từ những ám ảnh mãnh liệt được gợi ra từ chân dung bí ẩn trong bức tranh trên.
 
Nhưng Athur cũng có thể được gợi hứng từ cuộc đời của Kravchinsky - một chiến sĩ cách mạng Nga gốc Ukraina, người được cho là thần tượng của Ethel trong một thời gian dài. Kravchinsky là một người đàn ông điển trai với ngoại hình góc cạnh và một tiểu sử anh hùng. Thời trẻ anh đã từng tham gia cuộc chiến tranh du kích chống lại Thổ Nhĩ Kỳ trên bán đảo Balkan rồi sau đó lại gia nhập lực lượng du kích chống chính phủ ở miền Nam nước Ý. Thoát thân sang Anh, Kravchinsky đã dồn sức vào các hoạt động văn học và tuyên truyền sôi nổi. Cũng ở đây, anh gặp thiếu nữ Ethel và gây ra những “chấn động” cho cô gái vốn dĩ mang trong mình nhiều mộng tưởng về chiến sĩ cách mạng. Kravchinsky chính là thần tượng, là ngôi sao dẫn đường cho cô gái trẻ Ethel. Vì ông đã có vợ nên cô chấp nhận làm trợ lí cho ông, giúp ông biên tập tờ tạp chí Nước Nga tự do, cùng ông xuất bản Tuyển tập trào phúng Nga của Gogol, Ostrovski, Dostoievski… Chính Kravchinsky đã gợi ý cho Ethel viết Ruồi trâu. Cái chết bất ngờ của Kravchinsky đã khiến ông không kịp đọc tác phẩm của người bạn tri kỉ để nhận ra hình bóng của mình trong nhân vật trung tâm. Không còn mang vẻ măng tơ của một chàng công tử sống trong nhung lụa, Athur trở về quê hương dưới một bộ dạng mới, một cái tên mới, một tính cách mới. Sau mười ba năm lưu lạc nơi xứ người, nếm trải đủ mọi va vấp, tủi nhục, đắng cay, giờ đây Athur là Rivarex, với những vết sẹo hằn trên thân thể và những chấn thương không thể xoa dịu trong tâm hồn. Anh đã chống chọi với mọi thử thách nghiệt ngã của tự nhiên và xã hội để tồn tại và dâng hiến đời mình cho một lí tưởng cao đẹp: chiến đấu cho tự do của nhân dân. Tác giả Ethel đã tạc dựng nên hình tượng một người anh hùng quả cảm, sẵn sàng xả thân vì đất nước, sẵn sàng gạt bỏ mọi tình cảm cá nhân riêng tư để đấu tranh vì hạnh phúc của dân tộc mình. Nhưng đó cũng là một con người với đời sống nội tâm phong phú và tâm hồn mẫn tiệp, một trái tim ấm nóng luôn bị che giấu bởi một vỏ bọc lạnh lùng, ngạo mạn. Không dưới một lần khi đọc tác phẩm, chúng ta không khỏi nghẹn ngào đến ứa lệ trước những khoảnh khắc giằng xé tâm can đau đớn của Ruồi trâu. Người anh hùng không sợ cái chết, coi thường mọi súng đạn, coi thường mọi sự phỉ nhổ của người đời nhưng lại dễ dàng bị đánh gục trong đôi mắt thăm thẳm của người yêu, trong đôi bàn tay ấm nóng mà người cha lạc loài không dám dành cho anh. Khoảnh khắc Athur-Rivarex cố gắng kiềm chế không gọi người cha - Hồng y giáo chủ Monateli - vì sợ bị lộ tung tích, khoảnh khắc anh gục xuống đôi bàn tay của Giemma mong một sự trục vớt cho tâm hồn, khoảnh khắc anh mỉm cười nơi pháp trường và cả những lời âu yếm chân thành anh dành cho người cha và người yêu của mình trước lúc chết - tất cả đều khiến chúng ta phải nghiêng mình kính phục trước một người anh hùng thực sự. Và không thể nào quên được những lời anh đã viết trong bức di thư cuối cùng: “Phần tôi, tôi sẽ bước ra pháp trường, tâm hồn thư thái như bất kì chú bé nào đang về nhà nghỉ ngơi. Tôi đã làm xong công việc được giao phó, và bản án tử hình kia là bằng chứng cho thấy tôi đã hoàn thành nhiệm vụ một cách trọn vẹn...”.
 
Athur - còn có thể là ai nữa trong cuộc đời này? Nhiều nhà nghiên cứu còn nhận ra bóng dáng của Sidney Raily - nguyên mẫu của điệp viên 007 trong seri phim cùng tên nổi tiếng - người từng có quan hệ tình ái khá mật thiết với nữ tác giả Ethel. Trong cuốn sách Bậc thầy hoạt động gián điệp xuất bản năm 1967, nhà tình báo Anh Loccart đã cho rằng Raily mới chính là nguyên mẫu của Ruồi trâu. Bố của Raily cũng từng dàn dựng một vụ tự sát giả giống như Athur trong truyện. Quan trọng và thú vị hơn là anh chàng điệp viên thông minh, quả cảm nhưng vô cùng đào hoa, đa tình này đã có thời gian sống cùng Ethel ở Italia. Mối tình chớp nhoáng này có thể là chất liệu cho những trang viết của nữ sĩ khi bà miêu tả Ruồi trâu như một người đàn ông lãng tử với những đặc điểm lí thú: trên bàn của anh luôn có những bông hoa tươi, động tác bóp cánh hoa tung xuống khi anh muốn gây sự chú ý, sở thích đánh đàn ghi ta đệm cho phụ nữ hát, luôn xuất hiện với những bộ quần áo đắt tiền và chải chuốt, nổi tiếng và tai tiếng cùng bộ sưu tập những người tình bốc lửa mà cô đào Dita chỉ là một trong số đó - người theo như lời Rivarex chỉ như “một trò tiêu khiển”. Những ấn tượng ban đầu về người đàn ông tuy không đẹp mã nhưng nam tính và đầy sức hút như Ruồi trâu có thể khiến cho bất cứ cô gái nào cũng dễ bị đổ gục vì tiếng sét ái tình. Chỉ có Giemma, người phụ nữ thông minh và nhạy cảm mới nhận ra sau vỏ bọc hào nhoáng, bóng bẩy kia là một linh hồn đau đớn đang tìm lối thoát, một con người cô đơn đáng thương qua những tiếng thở dài, những giọt nước mắt chực trào ra trong những phút yếu lòng không thể kiềm chế, những cái xiết tay ấm nóng như muốn tìm một đồng minh thực sự. Dù kết cục anh đã dâng hiến đời mình cho một lí tưởng đáng ca ngợi nhưng tâm hồn anh, trái tim anh đầy những vết thương không thể khỏa lấp. Những câu thơ vang lên trong lá thư cuối cùng anh gửi người yêu dấu càng khiến người đọc như muốn vỡ òa vì xót xa: Vẫn là ta/ Chú ruồi sung sướng/ Sống xứng đáng/ Chết chẳng vấn vương…
 
Như vậy, một nhân vật có thể là tập hợp của vô số những nguyên mẫu trong đời thường. Nhà văn tài năng không hạn chế việc lấy chất liệu sáng tác ở một vài cá nhân đơn giản. Chính bản thân người đọc, khi tiếp nhận tác phẩm ở những “tầm đón” khác nhau, hoàn toàn có thể cấp cho nhân vật những hình mẫu mà mình đã từng gặp giữa đời thường. Hiện tượng thú vị này chỉ càng khiến nhân vật có thêm sức sống và sức hấp dẫn với nhiều thế hệ bạn đọc khác nhau. Ruồi trâu là một hình tượng nhân vật như thế. Anh bất chấp thời gian và những khoảng cách không gian để ở mãi trong những ấn tượng khó quên của mọi người. Vì anh xứng đáng!
 
TRẦN THỊ HỒNG HOA
(Theo vannghequandoi.online)