Khi hoa cúc nở

08:03, 09/03/2017

Chị tôi năm nay 80 tuổi, thượng thọ, như ngày xưa chết đốt pháo được rồi. Tai phải chị điếc đặc, tai trái chỉ nặng thôi, còn nghe được. Biết ý con cháu muốn nói chuyện cứ ngồi bên trái. Chúng trang bị cho cụ chiếc di động cục gạch, cụ dùng như điện thoại bàn, nghe là chính...

Chị tôi năm nay 80 tuổi, thượng thọ, như ngày xưa chết đốt pháo được rồi. Tai phải chị điếc đặc, tai trái chỉ nặng thôi, còn nghe được. Biết ý con cháu muốn nói chuyện cứ ngồi bên trái. Chúng trang bị cho cụ chiếc di động cục gạch, cụ dùng như điện thoại bàn, nghe là chính. Chị đưa tôi mảnh giấy ghi số di động của người nào đấy nhờ bấm hộ. Đã có tiếng chuông reo, tôi vội trả lại máy cho chị, chị áp máy vào bên trái bằng cả hai tay.
 
- Alô? - Đầu bên kia lên tiếng rõ to.
 
- Alô…
 
- Alô cái gì mà alô, gọi người ta thì nói đi!
 
Chị tôi cười sằng sặc, nước mắt giàn giụa, chưa thèm trả lời ngay.
 
- Phi Yến phải không? - Vẫn giọng bên kia.
 
- Ừ, Phi Yến đây.
 
- Ơ….
 
- Ơ cái gì mà ơ?
 
- Sao bảo mày chết rồi?
 
- Chưa, vẫn “sống nhăn răng” ra đây này.
 
Và cả hai đầu đổ một trận cười ngặt nghẽo. 
 
Giờ thì tôi nhớ ra rồi, người mà chị tôi gọi hẳn là Phi Long chứ không thể ai khác, Phi Long, Phi Yến đều là những hoa khôi của trường phổ thông nhỏ bé nơi tôi cùng học. Tên của họ - “Song Phi” trở thành điểm nhấn của nhà trường một thời. Tôi được thơm lây vì là dây nối giữa họ và các bậc đàn anh. Những bức thư tay, những món quà tặng nho nhỏ đều nhờ tôi, đương nhiên có “hối lộ”, ít nhất là được mời đi ăn phở.
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
Tôi còn nhớ mùa hè phổ thông cuối cùng của các chị. Phượng nở cháy trời, ve kêu ran ran vừa khắc khoải vừa giục giã. Mùa hè cuối cùng của tuổi thơ trong sáng. Mấy ngày nữa thôi, kẻ vào đại học, người ra chiến trường hoặc ở lại sản xuất nơi quê nhà. Vui buồn trong quá khứ thành kỷ niệm đẹp, nghĩ đến chia tay ai cũng rộng lượng đáng yêu hơn và cảm giác thành người lớn lúc ấy mới thực sự hiện hữu. Thầy bớt đi vẻ đạo mạo và trò cũng đỡ e dè.
 
Hai chị “Song Phi” của tôi gấp rút chuẩn bị tiết mục song ca. Họ là (ủi) áo dài bằng chiếc thau đồng đựng đầy nước sôi rồi ướm thử, mặc vào soi gương cười với mình. Thầy dạy văn mang cả đàn accordeon đến nhà tôi luyện hát cho các chị, sững người nhác thấy hai chị trong gương, làm ra vẻ không quan tâm.
 
“Ta bắt đầu!”. Hất mái tóc xõa trước trán theo thói quen, thầy ngửa mặt nở nụ cười khích lệ. Vòng tay dang rộng, accordeon mở ra tiếng đàn hòa cùng giọng hát trong trẻo: “Nhìn hai bông hoa xinh xinh bên đồi…”. Những ngón tay thanh tú của thầy dạy văn tài hoa lướt nhẹ trên bàn phím, ép đàn lại, mái đầu thầy nghiêng nghiêng má áp hẳn xuống như tự thưởng thức tiếng đàn của mình, mắt không rời người hát. Phi Long, Phi Yến đều có nước da trắng xanh với thân hình nhẹ nhõm. Thầy nhắc các em phải tròn miệng lại. Chưa son phấn mà môi Phi Long đã đỏ mọng, nổi bật chiếc răng khểnh với nụ cười thường trực. Môi Phi Yến hơi mỏng và cặp mắt to nhìn thẳng. Phi Long cúi đầu hiền dịu đến yếu ớt, tóc búi tó vống lên lộ rõ những chân tóc xanh đen sau ót.
 
Họ đi hai bè, Phi Yến bè cao, Phi Long bè trầm, lúc lại hát nối, đuổi nhau ríu ran rộn lên như chim: “Nhìn hoa ta càng nhớ người - Nhìn hoa ta càng nhớ người/ Yêu năm nao ước nguyền - Yêu năm nao ước nguyền/”. Rồi hòa chung: “Say sưa sống bên nhau êm đềm”. Có mấy câu cứ hát đi hát lại mãi không chán. Hai bờ vai mềm đung đưa như có gió thổi khẽ chạm vào nhau theo giai điệu bài hát và tiếng đàn giọng ca ùa ra ngoài khung cửa sổ vang xa rung rinh những cánh hoa đang khoe sắc dưới nắng mai.
 
Lòng xốn xang, rạo rực, những phút giây này liệu có còn lặp lại? Trong lưu bút viết cho Phi Yến thầy mở đầu: “Cuộc sống cũng như thời tiết…”. Hay quá! Có ấm áp và giá lạnh, có gặp gỡ sum vầy và chia ly… Những dòng dành cho Phi Long cũng mở đầu như thế nhưng ở cuối thêm câu tái bút: “Em vào trường nào nhớ biên thư cho thầy!”.
 
- Á à… - Phi Yến cười hóm - Lại muốn có địa chỉ của nàng đây!
 
Con gái mới lớn cũng nhạy cảm ranh mãnh đáo để, lúc hát Phi Long cúi đầu tránh ánh mắt của thầy khiến Phi Yến chạnh buồn, tự dưng bị tách ra khỏi nhóm. Đêm ấy về nhà, Phi Long lật lại từng trang lưu bút chợt rơi ra tờ 5 đồng (mệnh giá cao nhất) mới cứng kẹp vào tờ pơluya với dòng chữ “để em thêm tiền tàu xe đi thi”.
 
- Thế này là thầy chê nhà tao nghèo? - Cô tâm sự với Phi Yến. Phi Yến phản bác:
 
- Bậy. Mày nghĩ vớ vẩn.
 
- Có cảm tình sao không mời chúng mình đi ăn phở?
 
- Khỉ ạ, - Phi Yến đấm lưng bạn - con này… đúng là tham ăn.
 
Dù gì đi nữa cũng là tình cảm thật của thầy, đồng tiền một khi là tình cảm thì càng hay chứ sao, chẳng có gì xấu, thậm chí đáng trân trọng. Cô gái có giáo dục đỏ mặt cảm thấy bị xúc phạm cũng là lẽ thường tình.
 
Phi Yến vào ngành Bưu điện, Phi Long học trường Y, họ cứ xa nhau dần, chẳng hiểu thầy có đến với Phi Long nữa hay không.
 
* * *
 
“Cuộc sống cũng như thời tiết…” đúng lắm, nhưng câu ấy trước hết lại dành cho người viết, cho thầy.
 
Đầu đuôi là thế này, ba năm sau khi Phi Long, Phi Yến ra trường, chắc là cảm xúc cái đêm liên hoan bế giảng, tiết mục song ca “Hai Bông Hoa” được vỗ tay yêu cầu hát lại nhiều lần và song hậu Phi Long, Phi Yến rực rỡ dưới ánh đèn, nhất là Phi Long, cứ như cô dâu trong tiệc cưới khiến thầy không tài nào quên được. Thầy cầm bút viết truyện ngắn đầu tay “Hai Bông Hoa” trùng tên với bài hát, đăng trên báo tường của nhà trường do chính thầy làm chủ biên. “Báo tường” là báo viết tay dán lên tường, trong kháng chiến chống Pháp mấy năm trước còn gọi là “báo liếp”, bài viết xong dán lên liếp cả cơ quan cùng đọc, nhà tranh tre nứa lá thưng phên liếp lấy đâu ra nhà xây mà có tường.
 
Cái tội của thầy là tả hai cô đẹp quá, đáng yêu quá: “Khuôn ngực căng tròn như muốn nổ tung, nhúng nhính cặp nhũ hoa sừng bò có thể chọc thủng làn áo dài mỏng tang cánh chuồn chuồn”. Chưa hết, thầy còn dừng bút ở mảng da trắng ngần lộ ra bên eo. Chết thật, ống tay áo không đủ dài để che đi cái cổ tay tròn lẳn đã bị mẹ nhắc trước khi ra đường. Chỉ tầng lớp tiểu tư sản mới có cái nhìn “tội lỗi” ấy. Sao không tả cái đẹp của những cô gái cầm súng cầm cày? Cái đẹp cũng mang tính giai cấp thật, tiếp tục để thầy lên bục giảng sẽ làm hỏng cả một thế hệ. Thầy được chuyển sang giữ thư viện. Học sinh sợ gần thầy bị tiêm nhiễm, liên lụy nên chẳng ma nào đến đọc sách. Ngồi không ăn lương là một hình thức tra tấn, danh dự khiến tự thầy thôi việc. Kết thúc đời dạy học của một ông thầy dạy văn đẹp trai, tài hoa, tiểu thuyết Pháp nguyên bản đọc làu làu.
 
Nhưng trong cái rủi có cái may, chính những ngày ấy Phi Long đã đến với thầy.
 
Đúng như Phi Yến dự đoán, có được địa chỉ của Phi Long, thầy đến thăm nhiều lần trong suốt thời gian cô học ở Hà Nội, khi ghế đá vườn hoa, khi xem phim trong rạp, có lần vào cả Nhà Hát Lớn xem kịch… Bao giờ thầy cũng tươm tất, lịch sự, có khi còn xức cả nước hoa nữa. Với thói quen nghề nghiệp, thầy phân tích cho cô nhiều điều hay trong các tác phẩm nghệ thuật. Chiến tranh leo thang, trường cô sơ tán ở một vùng rừng núi hẻo lánh. Xa xôi quá, chắc chẳng bao giờ thầy lên đây được. 
 
Gần trường có một quán nước của bà già, sinh viên thường ra đấy ăn cái bánh chưng, mua cây kẹo lạc hoặc uống chén nước chè rồi về. Một buổi chiều bà nhắn Phi Long ra có người gặp. Cô ngờ ngợ, trước mặt là một người đàn ông gầy guộc, toàn thân phủ kín bụi đường. Tóc đỏ, mặt đỏ, quần áo đỏ, đến cả cái túi xách trên tay cũng đỏ nốt, trừ hai con mắt, chính nhờ cái ánh mắt ấy cô nhận ra thầy. Không chút ngượng ngùng, quên cả xấu hổ, cô lao đến ôm chầm lấy thầy, dụi đầu vào ngực, nức nở.
 
Thế đấy, dáng vẻ lịch lãm ư? Quần áo chỉnh tề ư? Nước hoa loại sang ư? Ngay cả cái văn chương của thầy nữa cũng không làm cô xúc động bằng lúc này. Hoa mỹ như lông cánh con gà trống, chỉ làm người ta thích. Tâm hồn đồng điệu và sự hy sinh cho nhau mới là yêu. Tình yêu thật sự đến cũng bất ngờ như ta ngộ ra một điều gì, nó không có hình thức, ngoài những kịch bản tưởng tượng. Và, cái ôm bột phát đã nâng cuộc tình của họ lên một cung bậc mới.
 
Mấy năm sau, một hôm vô tình tôi hỏi chị Phi Yến:
 
- Chị Phi Long giờ thế nào?
 
- Lấy thầy, rồi lại bỏ thầy rồi!
 
- …?
 
- Ông ấy đánh nó.
 
Tôi không tin, một ông thầy dạy văn tao nhã thế lại có thể đánh vợ. Những ngón tay quen cầm phấn, lướt trên phím đàn ngày nào. Nhưng sự thể như chị tôi kể thì không thể bịa được.
 
Khi ấy đứa con đầu lòng của họ mới ra đời. Suốt đêm Phi Long xếp hàng mua gạo mua mì. Dắt chiếc xe đạp Phượng Hoàng cũ đèo đủ thứ sau gác-ba-ga về đến nhà tập thể thì đứt quai dép rọ. Nắng đổ lửa, bàn chân trần đặt lên gạch bỏng rộp. Cô đẩy vội xe lên tấm ván kê trên bậc thềm vào nhà mà không được. Con nhỏ, thức suốt đêm, chồng mất việc làm, công việc cơ quan vất vả, đồng lương thấp mới ra trường… cuộc sống đã sớm lấy đi tuổi thanh xuân của cô. Người đét lại, đen đủi như con cá mắm. Chiếc xe đạp cũ thồ đủ thứ lủng củng cứ đẩy đến lưng chừng lại trôi tụt xuống. Phi Long dừng lại, thở, nhìn đức ông chồng vẫn ngồi bất động trên bàn viết:
 
- Anh có nhìn thấy em không? - Cô phát cáu.
 
- Tôi không phải thằng ở nhà cô!
 
- Thế thì em là con ở nhà anh!
 
A, hỗn! Nên nhớ tôi là chồng cô nhưng cũng là thầy cô. Đừng thấy tôi ăn nhờ ở đợ mà nói thế nào cũng được. Dám bốp chát đôi co với người trên. Láo! Ông ném bút xuống bàn, xăm xăm bước ra cửa thẳng tay tát vào mặt vợ. Bị bất ngờ không giữ nổi thăng bằng, Phi Long ngã lăn ra, chiếc xe đạp nặng đè lên người, mì, gạo, rau muống đè lên người. Ông quay vào, nghĩ thế nào lại quay ra nhưng bà vợ đã kịp gượng dậy. Kéo chiếc xe Phượng Hoàng cũ 18 kilô với mì gạo rau dưa 30 kilô nữa, đứng thẳng người, căm phẫn trân trân nhìn chồng.
 
Cái gì khiến ông trở nên thô bạo thế?
 
Ông đang bị một cú sốc tâm lý và cáu bẳn với chính mình. Phải chăng cái nhìn hạn hẹp của ban giám hiệu nhà trường đã đẩy ông đến nông nỗi này? Ông gửi truyện ngắn của mình cho tờ báo văn nghệ Trung ương. Về nguyên tắc thì không in không trả lại bản thảo, nhưng trường hợp này họ gửi lại với lời nhận xét viết tay ở ngoài lề: “Hay đến mức không thể in được, tôi có đem về cho vợ tôi xem!”. Dưới là chữ ký của một nhà văn nổi tiếng. Ông quyết định gửi lại với bút danh khác. Họ lại trả lời: “Một giọng văn quí hiếm không lẫn vào đâu được!”. Chữ nghĩa thế là hết đường, không được dạy, viết cũng không xong. “Cơm áo không đùa với khách thơ”, là giáo viên văn cấp 3 ông còn lạ gì chuyện đó nên mấy hôm trước đã làm một “dịch vụ” nho nhỏ: Mua sợi thuốc lá trên miền ngược về bán cho những người sản xuất thuốc cuốn. Cũng có thể hiểu là buôn lậu, gặp học sinh cứ gằm mặt xuống nhấn pe-đan để thầy trò khỏi khó xử.
 
Mua được cái áo mới cho Phi Long, cô cầm lên ngắm nghía, nghĩ thế nào buột miệng: “Phe phẩy”! Có ý chê đồng tiền không sạch. Hôm rồi cãi nhau ông tức quá: “Này, cái áo cô đang mặc trên người là từ đồng tiền “phe phẩy” của tôi đấy!”. Phi Long vùng vằng lột áo quăng giữa giường. Còn hôm nay thì ông có nhìn ra cửa nhưng bị cái lời phê của nhà văn nọ ám ảnh, đầu óc mông lung có để ý gì đâu.
 
Chiến tranh lạnh giữa hai vợ chồng bắt đầu bằng một cái tát. Ly thân không ra ly thân, ly dị chẳng ra ly dị. Im lặng hố thẳm, không ai nói xấu ai một lời, người thân sợ không dám đả động và không khí gia đình nặng nề lê thê kéo ngày này qua ngày khác.
 
* * *
 
Tôi đưa chị Phi Yến đến thăm gia đình thầy theo địa chỉ.
 
Phi Long ở với gia đình con gái trong ngôi nhà hai tầng giữa một vườn cây. Góc vườn có một cái chòi nhỏ gỗ thưng, cầu thang lên xuống xây áp vào bức tường khuôn viên. Ông ấy ở đấy, Phi Long giải thích qua loa, cũng mới về đây thôi, trước ở chỗ khác, chúng nó sợ chết không ai biết, kéo về gần còn chạy đi chạy lại.
 
Không ngờ chiến tranh lạnh của cặp vợ chồng thầy trò này kéo dài đến thế. Nửa thế kỷ còn gì, hơn chứ, sáu mươi năm! Bà ngoài 80 tuổi tụng kinh gõ mõ suốt ngày, ông gần 90, vài chục năm trước cũng có mấy bà sồn sồn vãng lai nhưng chẳng ai trụ lại được quá một năm. Độc thân hoàn độc thân, độc thân ngay bên những người thân của mình. Cái bạo lực tinh thần mà Phi Long hiền dịu đáp trả ghê gớm biết bao lần cái tát của ông chồng trong lúc cả giận mất khôn. Phi Yến ái ngại toan lựa lời góp ý thì Phi Long nhận ra ngay, lập tức chặn họng:
 
- Chưa đổ vỡ, đừng bàn!
 
Không khí trở nên nặng nề, tôi xin phép sang thăm thầy. Tóc bạc da mồi là đương nhiên, sống được đến tuổi này là kiên cường lắm rồi. Thầy mở lớp dạy tiếng Pháp cho bọn trẻ. Hôm nay sau giờ học chúng chuẩn bị sinh nhật gì đó cho một đứa trong lớp. Thầy kéo tôi vào một góc kê chiếc bàn nhỏ, chìa ra tập giấy có chữ viết tay đã ngả vàng tơi tả, góc trên gài chiếc kim băng hoen rỉ.
 
- Cái truyện ngắn tớ viết ngày ấy vừa rồi nó lại cho giải đấy.
 
- Thưa thầy, họ nhận xét thế nào?
 
- À… Cái ông nhà văn ghi chữ bên lề này là bố của cái cậu cho giải bây giờ. Nó bảo viết thế này chưa “xi-nhê”, chiếu cố ông già thôi, yêu đương gì mới chạm ngõ.
 
- “Cuộc sống cũng như thời tiết”, mỗi thời mỗi khác.
 
- Cậu nói hay đấy.
 
- Là thầy viết trong lưu bút cho chị em mà.
 
- Ờ…
 
Nhà bên kia, song hậu ngắm lại dung nhan mình thời son trẻ trong bức ảnh đen trắng chụp trên sân khấu ngày tốt nghiệp phổ thông.
 
- Sao không thấy thầy kéo ác-coóc?
 
- Cắt đốt đi rồi. Để lại một nửa tao với mày.
 
- Cái ác-coóc còn không?
 
- Quẳng cho đồng nát từ đời nào.
 
Họ lại cất tiếng hát: “Nhìn hai bông hoa xinh xinh bên đồi…” nhưng đến câu: Say sưa sống bên nhau “êm đềm” thì im bặt. Từ cầu thang nhà chòi, một cháu gái lững thững thả bước, tay ôm con gấu bông to đùng bị cái đầu gối hất lên tưng tưng, miệng hát vô tư: “Tình yêu đến em không mong đợi gì/ Tình yêu đi em không hề luyến tiếc”. Hai bà cụ móm mém nhìn nhau phì cười, khe khẽ câu hát mà hồi trẻ họ rất thích:
 
“Khi hoa cúc nở là mùa đinh hương đã tàn
 
Hỡi các cô gái trẻ
 
Đừng yêu những chàng trai đẹp
 
Họ chẳng bao giờ có mối tình chung thủy đâu…”.
 
Truyện ngắn: CHU BÁ NAM