Khoảng trời biếc xanh trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ

09:03, 16/03/2017

Lâm Thị Mỹ Dạ là nhà thơ được bạn đọc yêu quý ngay từ những sáng tác đầu tay, lúc tuổi đời còn rất trẻ. Điều đó có liên quan đến cái mà người ta gọi là năng khiếu bẩm sinh. Nhưng năng khiếu bẩm sinh sẽ chẳng là gì nếu nó không hiện lên thành hình hài câu chữ thi ca, nếu tâm hồn người thơ nguội lạnh thờ ơ với những tơ non hoa cỏ và những hệ lụy của hiện sinh cõi người.

Lâm Thị Mỹ Dạ là nhà thơ được bạn đọc yêu quý ngay từ những sáng tác đầu tay, lúc tuổi đời còn rất trẻ. Điều đó có liên quan đến cái mà người ta gọi là năng khiếu bẩm sinh. Nhưng năng khiếu bẩm sinh sẽ chẳng là gì nếu nó không hiện lên thành hình hài câu chữ thi ca, nếu tâm hồn người thơ nguội lạnh thờ ơ với những tơ non hoa cỏ và những hệ lụy của hiện sinh cõi người. Lâm Thị Mỹ Dạ hiểu sâu sắc cái chân lý bình thường đó của thơ, của sự đam mê thơ. Chị chân thành thổ lộ: “Sự đam mê thơ, đam mê cái đẹp là sự thành công một nửa của người làm thơ. Thơ là cái mới mẻ trong cái bình thường. Nhìn thấy nó đã khó, mà diễn tả được nó càng khó. Người ta chỉ đạt đến thơ như khi một quả trứng nóng bức tới mức tự nó phải tách vỏ nở ra đời sống - một đời sống sinh động, có hình hài. Nếu vội vã bóc lớp vỏ đi khi chưa đến độ thì sẽ chẳng bao giờ đạt đến thơ mà chỉ có những ngôn từ chết”(1).
 
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ thời trẻ. Ảnh: Tư liệu
Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ thời trẻ. Ảnh: Tư liệu
Trong bài viết ngắn này, tôi muốn ôn lại những vần thơ hồn nhiên nhưng thấm đẫm cảm thức về cuộc sống và con người trong chiến tranh của Lâm Thị Mỹ Dạ từ những ngày đầu chị dấn thân vào nghiệp bút ở chiến trường. Phải nói là xúc động khi đọc lại những bài thơ của chị viết về những người nữ thanh niên xung phong, những người anh hùng trong chiến đấu, những người mẹ, người chị, người bạn một thời trận mạc và… những người mẹ, người lính Mĩ ở bên kia chiến tuyến. Tất cả đều chân thành, da diết, nhân văn, làm bật lên tình người trong chiến trận và những giá trị nhân văn vĩnh hằng của nhân dân và Tổ quốc Việt Nam.
 
Mỹ Dạ quan sát cuộc sống thời chiến bằng con mắt ngỡ ngàng, độ lượng. Vì vậy thơ chị có sức hóa giải theo chiều hướng tích cực và nhân bản: Đêm qua bom nổ trước thềm/ Sáng ra, trời vẫn ngọt mềm tiếng chim/ Nghe hương cây vội đi tìm/ Hai chùm ổi chín lặng im cuối vườn (Hương vườn).
 
Nhìn đâu cũng thấy trời xanh, chim ca và hoa nở. Phải chăng đó là liệu pháp tâm lý để hóa giải sự khốc liệt của đạn bom? Ngày tiễn bạn ra chiến trường, nhìn hoa sen, tác giả như thấy được niềm vui chia sẻ và khát vọng trong cách sẻ chia: Bông sen trắng, bông sen hồng/ Nở ra từ giữa xanh trong vòm trời/ Lòng em - hồ rộng anh ơi!/ Mỗi bông hoa nói mỗi lời yêu thương (Tiễn anh bên đầm sen).
 
Cả trong biệt mù xa cách, Lâm Thị Mỹ Dạ cũng có cái nhìn biếc xanh như thế. Đứa con chào đời không có bố kề bên, nhưng có một sợi dây tình cảm thiêng liêng gắn chặt. Hình ảnh người mẹ thật cảm động: Mẹ sẽ nhận phần bão táp/ Khi đạn bom thù chuyển rung/ Cho con ngọt ngào êm mát/ Hai bầu sữa mẹ thơm trong để ngày chiến thắng trở về: Bố sẽ thơm lên má con/ Chiếc hôn dài hơn xa cách/ Bố sẽ bế con quay tròn/ Như xoay mấy vòng quả đất.
 
Lâm Thị Mỹ Dạ thường liên hệ sự sống, sự hồi sinh thông qua những hình ảnh non tơ, bé bỏng nhưng có sức lay động lớn. Từ tứ thơ Trẻ con là nơi sinh nở những chiếc hôn, tác giả liên hệ đến cái chết của những người mẹ chiến đấu không còn gặp lại con mình để rồi chính mình tự nguyện làm người mẹ tinh thần xoa dịu nỗi đau cho những thiên thần bé nhỏ: Tôi chạy về với các em lòng như lửa cháy/ Mắt trong veo, các em ngồi đấy/ Ôi bầy chim nhỏ của tôi!/ Chiến tranh còn là còn trẻ mồ côi (Chuyện một cô bảo mẫu).
 
Tôi đặc biệt chú ý đến các bài thơ sáng tác trực tiếp của Lâm Thị Mỹ Dạ ở chiến trường vì cách quan sát, nắm bắt cuộc sống và con người rất tinh tế và sâu sắc của chị. Nhìn ngã ba ở hỏa tuyến, tác giả lại nghĩ về những điều cao hơn chính nó. Ngã ba của bi thương và hi vọng, của sự hóa thân vào đất những khát vọng vĩnh cửu: Thức mấy đêm ròng cho xe pháo vượt qua/ Ngã ba, ngã ba/ Những chùm sao tụ lại/ Trời xanh thế, sao thì trẻ mãi/ Đêm trực đường sao rơi đầy mắt em/ Ngã ba, ngã ba/ Trái tim của đất/ Lại hồng hào những mạch máu đi xa/ Ở nơi đây máu đồng chí đổ ra/ Đất nhận lấy như nhận về lẽ phải (Ngã ba).
 
Cùng mạch cảm hứng và triết lý này, Lâm Thị Mỹ Dạ có bài thơ độc đáo: Khoảng trời hố bom. Bài thơ nói về hình ảnh người nữ thanh niên xung phong lấy tình yêu Tổ quốc mình thắp lên ngọn lửa trong đêm để đánh lạc hướng thù giữ con đường vẹn nguyên cho đoàn xe ra mặt trận và nhận cái chết cao cả về mình. Cái chết của cô gái liền biến thành sự sống, thành tình yêu sâu nặng cho đời. Nhìn khoảng trời hố bom, hình ảnh cô gái như vẫn còn vẹn nguyên trong tâm tưởng mọi người: Một nấm mồ nắng ngời bao sắc đá/ Tình yêu thương bồi đắp cao lên. Trực giác và cảm xúc đã giúp Lâm Thị Mỹ Dạ nảy ra tứ thơ sâu sắc. Chết không có nghĩa là mất đi mà chết là sự hóa thân vào đất để mãi còn đây khoảng trời xanh con gái, thành sự bất tử long lanh dưới ánh nắng trời: Em nằm dưới đất sâu/ Như khoảng trời đã nằm yên trong đất/ Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng/ Những vì sao ngời chói, lung linh/ Có phải thịt da em mềm mại trắng trong/ Đã hóa thành những làn mây trắng?/ Và ban ngày khoảng trời ngập nắng/ Đi qua khoảng trời em - Vầng dương thao thức/ Hỡi mặt trời, hay chính trái tim em trong ngực/ Soi cho tôi/ Ngày hôm nay bước tiếp chặng đường dài (Khoảng trời hố bom).
 
Sự hi sinh của anh hùng Trần Thị Tâm cũng được nhà thơ tư duy theo tinh thần bất tử đó. Một cuộc đời âm vang như biển, một niềm tin trắng ngát thời gian trước khi vĩnh biệt cuộc đời, có đất đai tỏa rạng: Đất gầm lên rồi đất bỗng im lìm/ Chiếc hầm nổ tung, chị vỡ thành ánh sáng/ Máu xương chị đất đai tỏa rạng (Một cuộc đời âm vang).
 
Đặc biệt, Lâm Thị Mỹ Dạ có chùm thơ viết về người lính Mĩ, về những người mẹ Hoa Kỳ có con tham chiến và chết ở Việt Nam rất xúc động. Chị nhập vai - hay đúng hơn là chị đã hóa thân vào họ để nói lên tiếng nói sẻ chia, thức nhận niềm tin và chính nghĩa cùng những giá trị tốt đẹp của cuộc sống. Qua đó, tự chúng cũng có giá trị tố cáo cái ác đã làm hủy hoại mọi giá trị nhân bản vốn có của con người. Thông điệp thơ là những lời tự thú của những người lính Mĩ mang trái tim không thù hận, thơ ngây: Tôi muốn làm con nai nhỏ/ Chạy hoài dưới trời cỏ xanh/ Đừng bắt tôi đi vào rừng rậm/ Tôi sẽ hóa thành chó sói dữ dằn/ Những mưu chước lưới đời ai lường được/ Sự dối lừa/ Trá hình trong giọng lưỡi ngọt ngon/ Tôi là con nai quá đỗi ngu đần/ Đã xa đi đồng cỏ tươi xanh/ Khuôn mặt tôi khuôn mặt chó sói/ Trong hang sâu, trong bóng tối lặng thầm/ Nghe ai gọi giật mình chợt tỉnh/ Nhớ một thời trong suốt mắt nai in/ Rồi có lúc cuối đường tôi gục ngã/ Viên đạn ai găm khuôn ngực máu đầy/ Xin hãy giở dưới làn da chó sói/ Trái tim nai thắm đỏ, thơ ngây! (Khuôn mặt ẩn kín).
 
Nhà thơ đã tận mắt nhìn thấy những người mẹ Mĩ run rẩy bên bức tường đen khắc tên 580 nghìn lính Mĩ tử trận tại Việt Nam tìm tên con trong nhạt nhòa nước mắt: Bức tường đen - Những linh hồn chết/ Bức tường đen - Những con người/ Những cuộc đời/ đã biến thành khói/ đã biến thành bụi/ đã biến thành gió/ đã biến thành sương/ đã biến thành vết thương/ Trong ngực bà - người mẹ Mĩ. Và tác giả đã nhập thân vào hình ảnh lặng lẽ của bà mẹ Mĩ lần những ngón tay gầy lên từng bia đá mà nhói buốt tâm can: Tôi đã đến đây bằng trái tim người Mẹ/ Khóc cùng người mẹ Mĩ mất con. Những âm bản cuộc sống hiện ra qua màu đen của sự ngộ nhận, của ám ảnh về cái chết, của sự thơ ngây để còn đây bức tường đen như một lời cảnh tỉnh, như một khát vọng về hòa bình mãi mãi tồn hiện trên trái đất bão giông này: Ở đây chỉ có một màu đêm/ Những bình minh đã chết/ Tuổi trẻ đầu xanh đã chết/ Cái ác, sự ngộ nhận, niềm thơ ngây đã chết/ Những tâm hồn tắt lặng…/ Nhưng/ Hãy nhìn xem/ Những tên người đang chảy máu/ Hãy nhìn xem/ Những tên người đang chảy máu/ Hãy nhìn xem/ Bức tường đen như một vết thương/ Nằm im lặng giữa lòng nước Mĩ/ Nhức nhối/ Không bao giờ thành sẹo (Bức tường đen).
 
Thơ viết về chiến tranh của Lâm Thị Mỹ Dạ mãi đánh thức tình yêu và lòng nhân ái của con người hôm qua, hôm nay và mai sau bởi cái nhìn của người trong cuộc, luôn cháy bỏng những khát vọng hòa bình và tươi xanh màu hy vọng. Chiến tranh đã kết thúc và cuộc sống đã hồi sinh nhưng những bài học về đạo đức và tinh thần lại mở ra từ những bài học về nỗi đau và kinh nghiệm của chiến tranh. Thơ hơn thể loại nào khác phải mang thông điệp nhân văn từ cảm thức của con người hôm nay để con người nhận thức về chúng và biết chắt chiu tình yêu trong hiện tại. Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã xuất phát từ nhu cầu đó của con người trong chiến tranh và cả trong hòa bình để tái hiện và nhận thức. Và thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã tìm được điểm gặp nhau muôn thuở của nhân loại, đó là vấn đề lựa chọn hành vi đạo đức và thông điệp chung sống hòa bình cho hành tinh mang tên trái đất của chúng ta. Mãi còn đây khoảng trời xanh buốt nhức nhưng đầy tin yêu da diết trong thơ Lâm Thị Mỹ Dạ: Như cái chết cháy thành ngọn lửa/ Thắp sáng mùa đông sưởi ấm những mầm non.
 
(1) Nhà văn Việt Nam hiện đại, Nxb Hội Nhà văn, 2010, tr.366.
 
HỒ THẾ HÀ