Thiên thần giấu mặt

09:03, 23/03/2017

Tính lười nhác, rượu chè và lối sống trụy lạc đã hoàn thành phần việc khó khăn của chúng, và người mẹ tắt thở nằm im lìm, lạnh lẽo giữa sắp nhỏ tội nghiệp. Bà ta đã ngã qụy ngay bậc cửa trong lúc chếnh choáng vì men rượu và ra đi ngay trước những khuôn mặt hãi hùng của bầy con thơ.

T. S. Arthur Là Một Nhà Văn Nổi Tiếng Của Nước Mỹ Vào Thế Kỷ XIX. Tiểu Thuyết Ten Nights In A Bar-Room And What I Saw There (Tạm Dịch: Mười Đêm Trong Quán Bar Và Điều Tôi Đã Thấy) Phê Phán Việc Rượu Chè Đã Làm Thay Đổi Cách Nhìn Của Người Dân Mỹ Về Các Loại Thức Uống Có Cồn Này. Ngoài Ra, Ông Cũng Là Tác Giả Của Rất Nhiều Truyện Ngắn Trên Tạp Chí Godey’s Lady’s Book, Một Tạp Chí Nổi Tiếng Giai Đoạn Trước Cuộc Nội Chiến.
 
Truyện Ngắn Thiên ThầN Giấu Mặt (An Angel In Disguise) Của Ông Rất Cảm Động, Nói Về Tình Thương Giữa Những Con Người Bất Hạnh Nhưng Giàu Lòng Nhân Hậu.

Tính lười nhác, rượu chè và lối sống trụy lạc đã hoàn thành phần việc khó khăn của chúng, và người mẹ tắt thở nằm im lìm, lạnh lẽo giữa sắp nhỏ tội nghiệp. Bà ta đã ngã qụy ngay bậc cửa trong lúc chếnh choáng vì men rượu và ra đi ngay trước những khuôn mặt hãi hùng của bầy con thơ.

 
Cái chết đã chạm đến lòng trắc ẩn của con người. Người đàn bà đã từng bị khinh miệt, dè bỉu và lên án gay gắt bởi hầu hết đàn ông, đàn bà và cả con nít ở trong làng; nhưng giờ đây, sự thật là, cái chết của bà ta được truyền miệng từ người này sang người khác với giọng nghẹn ngào, thương cảm đã thế chỗ của phẫn nộ, xót xa đã thay cho sự chỉ trích. Hàng xóm láng giềng gấp gáp đi vào túp lều dột nát, nơi không chỉ để tránh cái nóng mùa hè và những cơn gió đông lạnh lẽo đối với bà, một số còn mang theo ít đồ mã để chuẩn bị cho đám tang được tươm tất, một số khác xách theo thức ăn cho đám trẻ sắp chết đói, cả thảy có 3 đứa. Trong đó, John, thằng lớn, 12 tuổi, một cậu bé khỏe mạnh, đã có thể giúp việc trong bất cứ điền trang nào. Kate, khoảng 10, 11 tuổi, thông minh, nhanh nhẹn, sẽ là một cô thợ khéo tay nếu được dạy bảo đến nơi đến chốn; nhưng còn Maggie tội nghiệp, cô em út, thì lại mắc bệnh hiểm nghèo. Hai năm trước, cú ngã từ bậu cửa sổ đã làm tổn thương xương sống của cô bé và khiến cô không thể rời khỏi giường kể từ đó, ngoại trừ những lúc được bà mẹ bồng bế.
 
“Lũ trẻ phải tính sao đây?”. Đó là câu hỏi quan trọng hiện tại. Người mẹ sẽ được chôn cất và không còn là mối bận tâm của dân làng nữa. Nhưng không thể bỏ mặc bọn trẻ chết đói được. Sau khi suy đi tính lại, rồi bàn bạc với vợ mình, tá điền Jones tuyên bố ông sẽ nhận nuôi John và đối xử tốt với cậu một khi không còn bà mẹ phiền phức kia nữa, và Ellis, mụ đang tìm một người ở gái, cho rằng mụ đã rất độ lượng khi chọn Kate mặc dù cô bé còn quá nhỏ để làm việc trong vòng vài năm tới.
 
 “Tôi có thể làm nhiều hơn nữa, tôi biết chứ”, mụ nói, “nhưng vì chẳng ai muốn nhận con bé nên tôi phải đảm đương trách nhiệm với đứa trẻ rắc rối này, vì nó là đứa vô kỷ luật, suốt ngày lông bông”.
 
Nhưng không một ai thốt lên rằng “Tôi sẽ nuôi Maggie”. Cái nhìn đáng thương hiện rõ trên thân hình xanh xao và bất lực còn những lo âu thì quấn lấy tâm trí em. Các bà mẹ lấy ra những bộ đồ cũ, lột hết đống quần áo bẩn thỉu và rách rưới của em, và mặc cho em bộ đồ sạch sẽ hơn. Đôi mắt đượm buồn và gương mặt kiên nghị của em gái nhỏ đã làm nhiều trái tim thổn thức, và thậm chí còn gõ cửa để xin vào trong. Nhưng chẳng ai chịu mở lòng với em. Ai lại muốn nuôi không một đứa trẻ nằm liệt giường chứ?
 
“Hãy mang nó đến nhà tế bần”, một người đàn ông cộc cằn nói, đó cũng chính là người đặt ra câu hỏi: Phải làm gì với Maggie? “Sẽ không ai phải lo lắng cho con bé cả”.
 
“Nhà tế bần là một nơi tuyệt vọng dành cho một đứa bé bệnh tật và ốm yếu”, ai đó trả lời.
 
“Cho con chị hay con tôi”, một người khác thì thầm tiếp lời, “nhưng đối với nó thì có lẽ lại là một sự may mắn, nó sẽ được tắm rửa, có đồ ăn tử tế và được săn sóc, thế đã tốt hơn trước đây rồi”.
 
Điều đó rất có lý, nhưng vẫn chưa thỏa đáng. Một ngày sau cái chết đó, người ta tiến hành mai táng. Vài ba nhà hàng xóm đến dự lễ trong căn nhà nhỏ tồi tàn nhưng không ai đi theo chiếc xe chở thi thể bị miệt thị ra phần mộ sơ sài của nó. Tá điền Jones, sau khi cỗ quan tài được mang đi, liền đặt John lên xe và đánh ngựa đi, hài lòng vì đã làm xong phần việc của mình. Mụ Ellis thì vội vàng bảo Kate “Chào tạm biệt em mày đi”, rồi kéo cô bé đi trước khi hai đứa trẻ kịp chạm môi hôn vĩnh biệt trong nước mắt. Những người khác cũng nhanh chóng rời khỏi, một vài người có liếc mắt nhìn Maggie, nhưng số khác thì kiên quyết không, cho đến khi tất cả đã đi hết. Cô bé chỉ còn lại một mình! Bên ngoài cửa, Joe Thompson, người thợ sửa xe, dừng lại và bảo với mụ vợ lão thợ rèn, người cũng đang vội vã đi ra.
 
“Thật tàn nhẫn khi bỏ mặc con bé như vậy”.
 
“Thế thì đem nó vào nhà tế bần đi, nó sẽ phải vào đó”, mụ vợ lão thợ rèn trả lời, rồi quay đi, bỏ lại Joe phía sau.
 
Người đàn ông lúng túng trong giây lát, rồi ông quay lại, bước vào trong túp lều lần nữa. Maggie, với nỗ lực đau đớn, đang ngồi thẳng trên giường, hướng mắt ra phía cửa nơi mọi người đều đã bỏ đi. Một nỗi sợ hãi vô định hiện lên trên khuôn mặt gầy gò trắng bệch của cô bé.
 
“Ôi, bác Thompson!”. Cô bé la lên, trong tiếng thở đứt quãng, “Đừng để cháu lại đây một mình!”.
 
Dù bề ngoài trông thô lỗ, Joe Thompson, bác thợ sửa xe, vẫn có một trái tim, và còn là một trái tim nhân hậu. Ông thích trẻ con, và rất vui mỗi khi chúng đến cửa hàng của ông, nơi những chiếc xe ngựa trong làng được sửa chữa hay đóng mới mà không hề uổng phí một xu nào của chủ nhân.
 
“Không đâu, cháu yêu”, ông trả lời với giọng trìu mến, tiến về phía chiếc giường, và cúi xuống nhìn đứa bé, “cháu sẽ không bị bỏ lại một mình đâu”. Rồi ông choàng lên người cô bé, bằng một động tác nhẹ nhàng như của một người phụ nữ, chiếc khăn trải giường mà mấy người hàng xóm mang đến và nâng cô bé lên bằng đôi tay chắc khỏe, bế cô ra ngoài, băng qua cánh đồng nằm giữa nhà ông và túp lều nát.
 
Giờ thì, vợ của Joe Thompson, một người đàn bà vô sinh, không phải là một tâm hồn cao thượng, cũng không hề muốn hi sinh cho bất kì ai và Joe hoàn toàn có lí khi nghi ngờ về lời chào hỏi mà ông sắp nhận được khi về nhà. Bà Thompson đã quan sát ông qua cửa sổ và giận dữ nhìn chồng ở cách lối vào vài bước chân khi ông mở cổng bước vào. Ông đã mang về một gánh nặng quý hóa, ông cảm thấy như vậy. Khi ông bồng đứa bé đau yếu trên tay, cảm giác dịu dàng tỏa ra từ người nó lan đi khắp người ông. Một sợi dây liên kết vô hình như kéo hai người lại với nhau, và tình thương trỗi dậy.
 
 “Ông mang về cái gì đấy?”. Bà Thompson hỏi sắc lịm.
 
Joe nhận thấy đứa bé trên tay bắt đầu co lại. Ông không trả lời ngoài cái nhìn van nài và cảnh báo, tỏ ý rằng, “Đợi một chút và hãy tử tế”, và bước tiếp, mang Maggie vào căn phòng nhỏ trên tầng một và đặt cô bé xuống giường. Sau đó, ông đi ra, đóng cửa lại và đối diện với người vợ đang nhăn nhó ở ngoài hành lang.
 
“Anh mang về đây thứ tật nguyền ấy!”. Tức giận và kinh ngạc là những gì trong lời nói của bà Joe Thompson; đôi mắt bà như tóe lửa.
 
“Anh nghĩ lòng dạ đàn bà đôi khi cứng như sắt đá vậy”. Joe nói. Bình thường Joe Thompson không bao giờ làm trái ý vợ, hoặc chỉ im lặng và không tranh cãi bất cứ điều gì mỗi khi bà khơi mào; vì vậy, bà thoáng ngạc nhiên khi bắt gặp vẻ mặt nghiêm nghị và đôi mắt cương quyết.
 
“Trái tim đàn bà dù cứng nhưng chưa bằng phân nửa của đàn ông!”.
 
Joe, bằng trực giác, nhận thấy thái độ cương quyết của ông đã khiến vợ bất ngờ và ông trả lời lại ngay, “Cứ cho là thế đi, tất cả đàn bà trong đám tang đều dửng dưng nhìn con bé, và vội vã bỏ đi khi xe tang rời khỏi cùng với cỗ quan tài, để lại nó một mình trong túp lều, chỉ trong chưa đầy một giờ đồng hồ”.
 
“Còn John và Kate đâu?”. Bà Thompson hỏi.
 
“Lão nông dân Jones đẩy John lên xe ngựa và phóng đi. Kate thì về nhà mụ Ellis, nhưng không ai muốn đứa trẻ bệnh tật đáng thương này cả. “Mang nó đến trại tế bần”, họ bảo thế đấy!”.
 
“Vậy sao anh còn chưa mang nó đi. Anh đem nó về đây làm gì?”.
 
. “Con bé đâu thể đi bộ tới nhà tế bần”, Joe nói, “Phải có ai đó bồng nó trên tay và tay anh thì đủ khỏe cho chuyện đó”.
 
“Thế sao anh không làm đi? Sao phải dừng lại ở đây?”. Người vợ hỏi gặng.
 
“Bởi vì anh không muốn hành xử như thằng ngốc. Đầu tiên phải gặp người giám hộ đã, rồi mới nhận giấy phép”.
 
Không có lời đáp lại.
 
“Khi nào thì anh đến gặp người giám hộ?”.
 
“Ngày mai”.
 
“Tại sao phải chờ đến ngày mai? Hãy đi lấy giấy phép ngay bây giờ và phủi tay hết tất cả trong tối nay”.
 
“Jane”, người thợ sửa xe nói, giọng đầy uy lực khiến vợ ông phải khuất phục, “Anh đã từng đọc trong Kinh thánh nhiều thứ về trẻ con. Về Chúa đã trách móc các môn đệ của mình thế nào khi họ không chịu cưu mang chúng; về Ngài đã ôm chúng trên tay và ban phước cho chúng như thế nào; và Ngài đã dạy rằng “Bất kì ai đưa cho chúng dù chỉ một cốc nước lạnh thôi đều đáng bị trừng phạt”. Bây giờ, chúng ta chỉ có một việc nhỏ nhặt là cho đứa bé côi cút đáng thương này ở lại một đêm; chỉ một đêm yên ấm duy nhất trong đời nó thôi”.
 
Giọng của người đàn ông lực lưỡng, thô kệch bắt đầu run và ông phải quay mặt đi để giấu những giọt nước nơi khóe mắt. Bà Thompson không trả lời, nhưng bên trong bà đã mềm lòng.
 
“Hãy nhìn nó thật trìu mến, Jane ạ; nói với nó thật trìu mến”, Joe nói. “Hãy nghĩ tới bà mẹ đã chết, và nỗi đau, nỗi cô đơn, nỗi bất hạnh trong cuộc đời sau này của con bé”. Lòng thương cảm đã khiến lời nói của ông thuyết phục đến không ngờ.
 
Bà Thompson vẫn không nói năng gì, nhưng quay sang căn phòng nhỏ mà chồng bà đã đặt Maggie vào; và bà đẩy cửa, lặng lẽ bước vào. Joe không đi theo vợ, ông đã thấy, thái độ của bà đã thay đổi, ông nghĩ tốt nhất nên để bà lại một mình với đứa trẻ. Thế là ông đi sang cửa hàng, nó nằm gần nhà ông, và làm việc mãi đến khi màn đêm xuống giải phóng cho ông. Ánh sáng hắt ra từ ô cửa nhỏ của căn phòng là điều đầu tiên khiến ông chú ý đến ngôi nhà: đó là một điềm lành. Đường về nhà chạy ngang qua khung cửa sổ, mặc dù trái chiều, ông vẫn dừng lại để ngó vào trong. Bên ngoài đã đủ tối để giúp ông bí mật quan sát. Maggie hơi nhổm dậy và dựa vào chiếc gối, khuôn mặt cô bé được cây đèn chiếu sáng. Bà Thompson thì đang ngồi cạnh giường, trò chuyện với cô; bà quay lưng về phía cửa sổ nên không thể thấy mặt. Vì vậy, Joe phải suy đoán về cuộc trò chuyện của họ qua biểu cảm của Maggie. Ông thấy cô bé nhìn vợ rất chăm chú; thỉnh thoảng lại mấp máy như thể đang trả lời gì đó; khuôn mặt cô bé hiện lên vẻ buồn bã và tủi thân; nhưng tuyệt nhiên không có dấu hiệu của đau đớn và xót xa. Một tiếng thở phào nhẹ nhõm, hình như ông vừa trút được một gánh nặng trong tim.
 
Về đến nhà, Joe không đi ngay vào căn phòng nhỏ. Tiếng bước chân nặng nề trong bếp của ông khiến người vợ vội vã đi ra khỏi phòng Maggie. Joe nghĩ tốt nhất không nên nhắc đến cô bé hay bất cứ chuyện gì liên quan đến cô.
 
“Chừng nào mới có bữa tối thế?”. Ông hỏi.
 
“Ngay thôi”, bà Thompson đáp và bắt đầu lăng xăng. Giọng bà không còn khó chịu nữa.
 
Sau khi đã rửa sạch bụi và đất đá trên mặt và hai tay, Joe ra khỏi bếp, đi vào phòng ngủ kia. Đôi mắt sáng ngời ngước nhìn ông từ trên chiếc giường trắng tinh; ánh mắt trìu mến, biết ơn, van nài. Trái tim ông như muốn nhảy khỏi lồng ngực! Kèm theo với tiếng tim đập rộn! Joe ngồi xuống, giờ đây, lần đầu tiên, được nhìn kĩ hình hài nhỏ bé đó dưới ánh sáng ngọn đèn, ông thấy một khuôn mặt đáng yêu, vô cùng ngây thơ trong sáng mà không khổ đau nào xóa nhòa đi được.
 
“Cháu tên là Maggie?”. Ông hỏi, vừa ngồi xuống vừa nắm lấy bàn tay mềm mại của cô bé.
 
“Vâng, thưa ông”. Tiếng cô bé vang lên du dương như một điệu nhạc.
 
“Cháu bị bệnh lâu chưa?”.
 
“Lâu rồi, thưa ông”. Giọng từ tốn của cô mới thật là dễ thương!
 
“Bác sĩ có đến khám cho cháu không?”.
 
“Ông ấy từng đến ạ”.
 
“Dạo này thì không ư?”.
 
“Không, thưa ông”.
 
“Cháu có đau không?”.
 
“Thỉnh thoảng ạ, nhưng giờ thì không”.
 
“Khi nào thì đau?”.
 
“Sáng nay hông cháu nhói và lưng cháu đau khi ông bế cháu”.
 
“Cháu đau mỗi khi bị mang đi phải không?”.
 
“Vâng, thưa ông”.
 
“Hông cháu còn nhói không?”.
 
“Không, thưa ông”.
 
“Có đau lắm không?”.
 
“Có, thưa ông; nhưng nó không còn đau nữa từ khi cháu nằm trên chiếc giường êm ái này”.
 
“Chiếc giường êm ái này tuyệt lắm”.
 
“Ồ, vâng, thưa ông - rất tuyệt!”. Tiếng cô bé không giấu sự hài lòng xen lẫn cảm kích!
 
“Bữa tối xong rồi”. Một lúc sau, bà Thompson vừa nói vừa nhìn vào trong phòng.
 
Joe liếc từ vợ mình sang Maggie; bà hiểu ý, trả lời: “Con bé có thể chờ đến khi ta ăn xong, sau đó em sẽ mang cho nó cái gì đó”. Bà cố giữ giọng lãnh đạm, nhưng ông chồng đã thấy tất cả qua cửa sổ, nên ông hiểu rằng vẻ lạnh nhạt chỉ là cái vỏ bọc. Joe chờ đợi, sau khi họ ngồi vào bàn, cho đến khi vợ ông bắt đầu chủ đề mà cả hai đang nghĩ đến, nhưng bà vẫn im lặng, trong rất nhiều phút, ngược lại ông cũng thế. Cuối cùng, bà cất tiếng, rất đột ngột:
 
“Anh tính sao với đứa trẻ ấy?”.
 
“Anh tưởng là em đã hiểu con bé phải đến nhà tế bần rồi”, Joe đáp, tỏ vẻ ngạc nhiên với câu hỏi của vợ.
 
Bà Thompson ném về phía chồng một cái nhìn lạ lẫm rất nhanh, rồi lại cúi xuống. Câu chuyện đó không được nhắc lại nữa trong suốt bữa ăn. Sau bữa tối, bà Thompson nướng một khoanh bánh mì, làm xìu nó với bơ và sữa, kèm theo một tách trà, bà mang lên cho Maggie, rồi cầm chiếc khay bê thức ăn, đứng nhìn đứa trẻ ăn ngấu nghiến trong sung sướng.
 
“Ngon chứ?”. Bà Thompson hỏi khi thấy món ăn rất được ưa thích.
 
Cô bé toan cầm tách trà lên uống, dừng lại và trả lời bà bằng cái nhìn cảm kích như đánh thức lòng nhân hậu đã ngủ quên trong bà suốt chục năm qua.
 
“Chúng ta nên để con bé lại thêm một hai ngày nữa; nó quá yếu và bất lực”, bà Thompson nói, đáp lại lời nhắc của chồng vào bữa sáng hôm sau, khi ông phải đi gặp người giám hộ của trại tế bần về việc của Maggie.
 
“Con bé sẽ làm phiền em lắm”. Joe đáp.
 
“Một hai ngày thì chẳng sao. Thật tội nghiệp!”.
 
Và Joe không hề đi gặp người giám hộ ngày hôm đó, và cả hôm sau hay bất cứ ngày nào sau đó. Mà thật ra, ông không bao giờ đi nói chuyện với họ về Maggie nữa, vì chưa đầy một tuần sau bà Thompson đã gạt phăng cái ý định mang con bé đến đó cũng nhanh như khi bà đòi ông phải làm vậy.
 
Đứa bé ốm yếu ấy quả thật đã mang đến ánh sáng và phước lành cho gia đình Joe Thompson, người thợ sửa xe! Nơi đó đã từng rất tối tăm, lạnh lẽo và đầy khổ đau trong một thời gian dài bởi bà vợ không có ai để yêu thương và quan tâm ngoại trừ bản thân bà, thế là người đàn bà hóa ra cao ngạo, khó chịu, gắt gỏng và tự giày vò mình trong cuộc sống quạnh hiu của chính bà. Giờ đây vẻ đáng yêu của cô bé, nhìn bà bằng tình yêu, kiên nhẫn và lòng biết ơn, như một thứ mật ngọt đổ vào tâm hồn bà, và bà mang hình ảnh cô bé trong tim cẩn thận như khi bồng cô trên tay, một thứ gánh nặng quý giá. Còn với Joe Thompson, không ông bạn hàng xóm nào được uống mỗi ngày thứ rượu quý nhất đời như ông. Một thiên thần đã hạ cố xuống mái ấm của ông, giấu mình trong hình dáng một em bé đau ốm bất hạnh, rồi sau đó lấp đầy ngôi nhà u ám của họ với ánh sáng tình yêu thương.
 
Theo: Tuần Báo Văn nghệ TP.HCM số 439
 
T. S. Arthur (Mỹ)
Feehily (dịch)