Trịnh qua góc cảm nhận của nữ danh ca Khánh Ly

09:03, 30/03/2017

Vậy là đã 16 năm Trịnh lìa xa cõi tạm và công chúng yêu nhạc. Nhưng di sản âm nhạc của ông vẫn được bao thế hệ nghệ sĩ tiếp nối giữ gìn lan tỏa… 

Vậy là đã 16 năm Trịnh lìa xa cõi tạm và công chúng yêu nhạc. Nhưng di sản âm nhạc của ông vẫn được bao thế hệ nghệ sĩ tiếp nối giữ gìn lan tỏa… Nhắc đến di sản Trịnh, không thể không nhắc đến Khánh Ly - tiếng ca định mệnh, giọng hát tri âm có một không hai đã đồng thời đẩy tên tuổi cùng dòng nhạc Trịnh Công Sơn lên một vị thế đặc biệt trong suốt một giai đoạn dài của đời sống sinh hoạt âm nhạc. Phút hạnh ngộ tình cờ với nữ danh ca Khánh Ly ngay trên phố núi được ca sỹ chia sẻ nhiều chi tiết thú vị...
 
Danh ca Khánh Ly và tác giả
Danh ca Khánh Ly và tác giả
PV: Thưa nữ danh ca Khánh Ly, phần đời tuổi trẻ, cuộc gặp gỡ định mệnh giữa Trịnh Công Sơn với nghệ sĩ đã được đề cập trong Hồi ký Khánh Ly. Nhưng với nghệ sĩ, Trịnh Công Sơn là một con người như thế nào?
 
Ca sỹ Khánh Ly: Ông Trịnh Công Sơn thì thương tôi lắm, thương như thương một đứa em côi cút không gặp nhiều may mắn trong đời sống thường. Tôi thì lại kính ông Sơn như một người cha dạy cho con những điều tốt để sống ở đời. Ông cho tôi cả một sự nghiệp, ông cho tôi cả một đời sống. Thực ra nếu tôi không được ông Sơn chọn thì bây giờ tôi chắc là cũng chẳng có ai biết đến tôi và tôi cũng chẳng biết mình sẽ sống như thế nào, không biết được, lại cũng là may mắn của số mệnh đã kết hợp nhạc của anh Trịnh Công Sơn với đời sống của tôi. Cũng giống như những nhạc sĩ khác đã tìm được cho mình một cái giọng ca trở thành tri âm tri kỷ, biết tiếng, biết lòng người để đi với nhau suốt cả cuộc đời. 
 
Trong số nhiều bài hát viết ở Đà Lạt (Như cánh vạc bay, Tôi ru em ngủ, Tuổi đá buồn, Lời buồn thánh, Phúc âm buồn, v.v…) tôi nhớ có bài Phúc âm buồn ( tên ban đầu là Phúc âm), ông là người dạy cho tôi hát các bài hát sáng tác, dạy rất nghiêm và rất kỹ, phải hát như thế này, phải thể hiện đúng như thế kia v.v… Nhưng vì là người tinh nghịch, tôi đã lấy bút viết thêm một chữ buồn vào sau, sau đó không ngờ khi cho phát hành, ông giữ nguyên Phúc âm buồn. Ra hải ngoại mấy chục năm xa cách và được hội ngộ, điều ông từng nhắc nhở tôi: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, dù chẳng để làm gì cả, dù chỉ để gió cuốn đi …” được ông lý giải thêm “ở Việt Nam mình sau này còn có một câu hay hơn nữa, đó là phải sống tử tế…”.
 
PV: Vậy, giữa một rừng tác giả và số lượng nhạc phẩm đã từng thu âm, trình bày… âm nhạc Trịnh Công Sơn có một vị trí như thế nào với riêng cá nhân nghệ sĩ?
 
Ca sỹ Khánh Ly: Cái khác biệt giữa ông Trịnh Công Sơn và những tác giả khác qua những ca khúc mà tôi nhìn thấy và tìm thấy được thì nhạc của ông Trịnh Công Sơn đẹp quá. Không phải là thơ, mà lời ở những ca từ ca khúc của Trịnh Công Sơn nhiều khi tôi nghĩ còn hay hơn thơ nữa! Cái điều thú vị nữa: Bất cứ bài hát nào của ông mình cũng nhìn thấy mình trong đó. Không phải mình là một mình tuyệt vọng, hay là phải xa lánh cuộc sống này. Nhưng mà, nhạc của ông dẫu buồn mình vẫn cảm thấy được an ủi, vẫn cảm thấy cuộc đời là cái nơi đáng sống chứ không đến nỗi phải bi lụy, phải gào thét hay lăn lộn với khổ đau. Mình vẫn cảm thấy là chung quanh mình ánh sáng không phải chỉ ở một đường hầm mà nó ở rất nhiều con đường mà mình sẽ đi qua, lúc nào cũng có ánh sáng của hy vọng, ấm áp của yêu thương của gần gũi.
 
PV: Vâng, điều này cũng góp phần lý giải sức sống riêng của nhạc Trịnh. Nhạc Trịnh Công Sơn kể ra cho tới giờ đã có ba bốn thế hệ trình bày, nhưng vì sao công chúng vẫn khó quên tiếng hát của thế hệ ban đầu?
 
Ca sỹ Khánh Ly: (Cười) Ở đời thì không quá nhiều Bá Nha - Tử Kỳ đâu. Nhưng mà cứ nghĩ thế này: Dẫu cho mình yêu một cái gì, thời gian qua, cái gì rồi cũng sẽ phải thay đổi, con người cũng thay đổi. Nhưng có những cái, mình không thể, không bao giờ thay đổi được đó là “những cái mình đã mất!”. Thí dụ như cái tuổi trẻ của mình nó cũng chỉ đến với mình một lần thôi. Khoảng thời gian nghe Trịnh Công Sơn và Khánh Ly nó cũng chỉ đến một lần trong đời thôi. Bây giờ lớn tuổi, ngồi nghĩ lại, là mình đang đi tìm chính mình. Không thể nói là mọi người không chấp nhận cái mới - không phải đâu - họ cũng chấp nhận những cái mới vì những cái mới rất hay, nhưng chỉ vì họ không thể tìm được ở những cái mới hình ảnh của họ ở trong đó mà thôi. Đó là lý do tại sao mà người ta không nỡ rời xa những kỷ niệm. Kỷ niệm thì nó không nuôi ai sống cả, nó không cho chúng mình cơm ăn áo mặc nhưng nó làm cho đời sống của mình đáng sống hơn, tốt đẹp hơn. 
 
PV: Như nghệ sĩ vừa nói ở trên, triết lý của nhà Phật, triết lý vô thường của Trịnh Công Sơn có ảnh hưởng phần lớn nào đối với cuộc sống cũng như con đường ca hát của Khánh Ly?
 
Ca sỹ Khánh Ly: Triết lý nhạc của anh Sơn là bị ảnh hưởng bởi triết lý của nhà Phật. Mà triết lý nhà Phật hay triết lý của Thiên Chúa giáo hình như là không khác nhau lắm đâu. Chẳng có đạo dạy cho người ta phải hãm hại nhau và đạo nào thì cũng nói “Sinh ký tử quy”. Bên Công giáo quan niệm con người được tạo dựng bằng cát bụi thì sẽ trở về với cát bụi… Chúa cho và Chúa lấy đi. Cho nên hai điều đó rất giống nhau, không có gì khác cả. Đó là lý do vì sao mình sống theo triết lý nhà Phật hay của Thiên Chúa giáo đều tốt cho cuộc sống của mình. Sống biết cho đi, sống tử tế với người với đời là điều tôi thẩm thấu và học được từ âm nhạc Trịnh Công Sơn…
 
MINH LÂN (thực hiện)