Những người ở quanh ta

09:04, 27/04/2017

Mấy ngày đầu tháng 4 năm 2017 đều có mưa. Bắt đầu mùa mưa ở Tây Nguyên. Mưa thì ngại ra đường, nhất là người đã nghỉ hưu như tôi. Quanh quẩn trong nhà, cứ loay hoay tìm lấy một tập thể hoặc cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để viết bài, thì rất may, ông Hồ Quốc Phong - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đạ Tẻh ghé qua nhà cho tôi biết một gương tiêu biểu 5 năm qua, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. 

Mấy ngày đầu tháng 4 năm 2017 đều có mưa. Bắt đầu mùa mưa ở Tây Nguyên. Mưa thì ngại ra đường, nhất là người đã nghỉ hưu như tôi. Quanh quẩn trong nhà, cứ loay hoay tìm lấy một tập thể hoặc cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để viết bài, thì rất may, ông Hồ Quốc Phong - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đạ Tẻh ghé qua nhà cho tôi biết một gương tiêu biểu 5 năm qua, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Tôi mừng lắm, không ngờ người ấy là bạn thân, lại cùng quê của tôi mà tôi không biết. Cũng chỉ vì về hưu rồi, không có dịp đi cơ sở xã, nên không biết cũng là điều dễ hiểu.
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
Và, dù trời vẫn ào ào đổ nước, tôi khoác áo che mưa phóng xe vào nhà nhân vật mà tôi cần tìm.
 
Vâng, đúng là ông. Thấy tôi vào đến sân, ông từ trong nhà chạy ra thềm, tươi cười hỏi:
 
- Mưa gió thế này mà vào đến đây, quý hóa quá, anh bạn già ạ. Đến 7 năm rồi ông mới vào nhà tôi!
 
Ông hơn tôi 2 tuổi, nên tôi vẫn gọi anh xưng em:
 
- Em mắc việc trông nhà. Bà xã nhà em về thành phố liên tục từ 10 năm nay, hết nuôi cháu nội lại đến cháu ngoại. Nay các cháu đã lớn, bà ấy mới về nhà được 4 ngày…
 
Sau tuần trà Blao, tôi đi thẳng vào vấn đề. Ông im lặng một lát rồi nói tôi ngại lên mặt báo lắm, chú em già ạ. Nhưng, thôi thì, cứ thong thả đã nào.
 
Ông bạn già cao 1m68 như tôi. Chân tay còn rắn chắc, người đậm, đi đứng nhanh nhẹn lắm. Tai vẫn thính, răng chưa bay ra ngoài một cái nào.
 
Sau vài câu hỏi han về các con các cháu ra sao, ông đột ngột hỏi tôi:
 
- Chú em già còn nhớ 26 năm về trước chứ? Ngày ấy chúng ta còn trẻ, khỏe. Ngày ấy… cái ngày ấy, gian khổ mà vui.
 
Tôi gật đầu đồng tình với ông, và nhớ lại ngày ấy…
 
Tháng 10 năm 1990, tôi đưa gia đình vào lập nghiệp tại huyện Đạ Tẻh. Là phóng viên của đài TT-TH huyện, tôi được đi khắp các thôn, xã trong huyện nên quen biết nhiều người, trong đó có ông. Nhiều người vào lập nghiệp ở Đạ Tẻh những năm 84, 85 của thế kỷ 20 đã nói với tôi:
 
- Tại sao ông lại đưa vợ con vào cái đất này? Một năm 6 tháng nắng nóng dữ dội, 6 tháng mưa thối đất. Ở đây thuộc vùng 3 thời chống Mỹ, khí hậu khắc nghiệt lắm. Người ta vẫn truyền cho nhau câu nói “Gái vùng Ba, không bằng bà già Bảo Lộc”.
 
Nghe vậy, tôi hoang mang. Vào công tác tại xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh - gặp ông, lúc ấy là Chủ tịch UBND xã. Tôi đem chuyện trên hỏi ông, ông nói:
 
- Họ nói đúng đấy chú em ạ. Nhưng gian khổ ở đây sao bằng thời chống Mỹ mà quân và dân ta vẫn vượt qua. Nay trời đất là của ta, ta được tự do lao động, sợ gì gian khổ chứ? Vùng quê mới khai phá thì gặp nhiều khó khăn là đương nhiên.
 
Xong đoạn đối thoại trên, ông đưa tôi đi thăm các vườn điều, vườn hồ tiêu của các gia đình trong thôn. Chỉ tay vào những vườn cây xanh lá và bên cạnh là những vườn cây úa vàng, tàn lụi, ông nói:
 
- Đất tốt thế này mà người ta lại bỏ đi nơi khác.
 
Thấy tôi ngạc nhiên, anh kể (bây giờ xin gọi là anh - trở về thời gian trước) cho tôi nghe. Và tôi thật cảm phục khi hình dung ra những khó khăn của người nông dân huyện kinh tế mới Đạ Tẻh, trong đó có gia đình anh.
 
… Chú em ạ, tôi sinh năm 1951 ở Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Tây. Nhập ngũ tháng 12/1972, ở Đoàn đặc công 403, hoạt động tại Quảng Ngãi. Sau giải phóng còn làm nhiệm vụ ở biên giới Tây Nam rồi phía Bắc. Đến tháng 5/1983 xuất ngũ. Là bệnh binh 2/3, về quê, tôi định chăm lo kinh tế gia đình, không tham gia công tác. Nhưng các anh Đảng ủy xã động viên, tôi nhận làm Thường vụ Đảng ủy kiêm Trưởng Công an xã năm 1985. Đến hết tháng 11/1987 có đợt Nhà nước vận động nhân dân các tỉnh phía Bắc vào xây dựng quê mới ở Lâm Đồng, thế là tôi xung phong. Vì… lúc ấy tôi hiểu rõ, đất quê nhà chật chội lắm. Quanh năm cày cấy chỉ đủ ăn, làm gì có thừa mà sắm sửa quần áo, xe đạp!
 
Vào đến Đạ Tẻh bây giờ, tôi thích quá vì được cấp những 5 hecta. Đất thì tốt, cắm hom sắn, vãi thóc xuống, không cần chăm bón nhọc công, chỉ tốn ít công làm cỏ là có thu hoạch.
 
Ấy nhưng, vùng này là rừng núi, là nơi sinh ra căn bệnh sốt rét. Lác đác trong xã Mỹ Đức này đã có người tử vong. Nhiều người sợ quá bỏ về quê cũ. Thêm nữa, 6 tháng mùa mưa, cỏ mọc nhanh hơn lúa, phải đội mưa mà làm cỏ. Muỗi rừng thì nhiều. Trạm y tế xã, rồi bệnh viện huyện ngày nào cũng chật bệnh nhân sốt rét. May mắn gia đình tôi - một vợ, 3 con không ai bị.
 
Tôi vào Đạ Tẻh tháng 12/1987 lúc huyện thành lập đã được 1 năm 6 tháng. Cán bộ xã, cán bộ huyện quá thiếu. Các anh ở huyện biết tôi từng làm việc ở xã ngoài quê, vận động tôi làm Chủ tịch UBND xã Mỹ Đức, mà tôi chỉ muốn làm kinh tế, nhưng nghĩ từ chối không tiện. Vả lại, đã là lính Cụ Hồ, là đảng viên mà thoái thác nhiệm vụ khi Đảng cần trong lúc khó khăn thì khó coi quá. Và tớ nhận lời làm Chủ tịch xã Mỹ Đức vào đầu năm 1989. Giai đoạn tôi làm Chủ tịch xã này, năm nay là năm 1991 nhỉ? Chú em mới vào được 6 tháng à? Đúng là hiện nay còn khó khăn. Lý do để nhiều gia đình bỏ về quê cũ là do vấn đề nguồn nước. Nhưng nước cho lúa, cho cây trái thì ứ thừa về mùa mưa. Còn 6 tháng mùa khô cây cối héo rũ. Lúa chỉ trồng một vụ vào mùa mưa. Năm 1986, Nhà nước đã đầu tư ngăn đập, xây dựng một hồ chứa nước ngay tại xã tôi đây. Dung lượng nước đủ tưới cho 2.700 hecta ruộng trong toàn huyện. Mùa mưa tích nước, mùa khô sử dụng. Nhân dân phấn khởi lắm. Vậy mà không hiểu vì sao, có lệnh dừng thi công. Có người nêu lý do: Một hồ nước nhỏ, tốn kém quá nhiều cho xây dựng, nhưng hiệu quả kinh tế không cao, phải 70 năm sau mới thu hồi được vốn…
 
Tôi liền chạy ra gặp lãnh đạo huyện nói rằng: Việc tính toán lời lãi tiền bạc ở cái hồ nước là sai lầm. Mà ta phải nhìn cái lớn lao và lâu dài các đồng chí ạ. Thế này nhé, có cái hồ nước, nó sẽ điều hòa khí hậu về mùa khô, khi mà nước về khắp đồng ruộng làng gần cho đến bản xa. Không khí sẽ dịu mát hẳn. Có nước, dân sẽ ở lại. Nông nghiệp, chăn nuôi sẽ phát triển, làng xóm trù phú. Nó là pháo đài, là phên giậu giữ gìn cực Nam Tây Nguyên của Tổ quốc đấy các đồng chí ạ. Và tương lai, dân ta sẽ sử dụng nước máy từ nước của cái hồ này. Vậy đằng nào lãi hơn.
 
Các anh ở huyện nói là do trên quyết định, tuy nhiên, huyện sẽ lắng nghe ý kiến của nhân dân để làm văn bản kiến nghị lên cấp có thẩm quyền.
 
Anh đưa tôi ra thăm cái hồ dở dang. Trong cái nắng mùa khô gay gắt, đáy hồ cạn trơ. Hơi nóng bốc lên ngùn ngụt phả vào da mặt bỏng rát. Mặt đập ngăn nước rải rác mấy xe ủi, xe lu đầm đất hỏng hóc nằm chỏng trơ hoen rỉ. Mấy đống cát, sỏi to như những ngôi nhà đã bị cỏ mọc xanh rì phủ lên. Nhìn cảnh này tôi thấy hoang mang, lo sợ.
 
May mắn quá, sau câu chuyện với anh vào giữa tháng 4/1991, lúc gần cuối mùa khô, trên đã đầu tư trở lại. Và tháng 4/1993, hồ chứa nước Đạ Tẻh được hoàn thành. Ngày ấy là ngày hội của toàn dân trong huyện, dân đến đông nghịt. Cánh phóng viên báo, đài tỉnh, huyện - trong đó có tôi, phải len lỏi vất vả để tác nghiệp. Nước về cho 2.700 hecta lúa, vườn cây trong toàn huyện ngời sắc xanh, át hẳn cái nắng gay gắt trong 6 tháng mùa khô. Nhiều nhà đào ao thả cá, mùa khô nếu thiếu nước đã có nước từ hồ Đạ Tẻh theo kênh mương nội đồng dẫn vào. Nước đã về, vài tháng sau, nhiều hộ dân bỏ đi nơi khác đã quay trở lại. Điều trăn trở của anh bạn tôi lúc này là hướng cho bà con trong xã, trồng trọt, chăn nuôi thế nào? Anh đã sang Bình Phước, nghe người dân nơi đó nói: đất Đạ Tẻh nên trồng hồ tiêu và điều lộn hạt, hai loại cây này chịu được nắng nóng. Lập tức anh trở về dẫn một số chủ hộ sang tận Bình Phước tham quan. Và rồi, từ 1 đến 2 gia đình, nhân lên cả 500 gia đình trong xã đều trồng điều, trồng tiêu và cho thu hoạch cao. Nhiều người nói, may có ông Chủ tịch xã, không thì… chúng tôi chả biết làm gì nữa. Riêng ngành văn hóa huyện Đạ Tẻh ghi nhận một việc nữa là, khi làm Chủ tịch xã, anh rất quan tâm xây dựng phong trào văn nghệ. Năm nào đội văn nghệ của xã cũng tham gia hội diễn văn nghệ quần chúng của huyện và giành giải cao.
 
Do bệnh tình tái phát, cuối năm 1995, anh xin nghỉ công tác, sau nhiều lần làm đơn mới được chấp thuận. 
 
Mặc dù anh không còn làm Chủ tịch xã, nhưng những ngày vào công tác tôi đều ghé thăm gia đình anh. Tôi tỏ ý tiếc rằng, nếu anh cứ làm thêm một vài năm, giúp dân, giúp Đảng… thì anh chia sẻ với tôi: nhiều người cũng có ý như vậy… nhưng tôi chắc gì đã được yên! Và đúng như vậy, sau 4 năm nghỉ làm Chủ tịch UBND xã, đầu năm 2000, anh được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã cho đến năm 2008. Trong thời gian ấy, hoạt động của MTTQ xã Mỹ Đức được đánh giá là đơn vị mạnh trong toàn huyện nhiều năm liền. Nhưng rồi lại bệnh, lại xin nghỉ, và cũng chỉ nghỉ được 2 năm. Đảng tín nhiệm, đảng viên tin tưởng, anh lại được bầu làm Bí thư Chi bộ thôn 4, xã Mỹ Đức từ năm 2010 đến nay.
 
Làm Bí thư giai đoạn này, dù kinh tế toàn xã đã ổn định bước đầu, nhà nào cũng có tivi màu, xe máy, có nhà xây… nhưng nỗi lo của nông dân chưa hết khi mà bỗng nhiên từ cuối năm 2008, cây hồ tiêu, cây điều, hai mũi chủ công của kinh tế hộ gia đình bỗng mắc sâu bệnh, không thuốc nào chữa nổi. Đã vậy giá cả lại tụt xuống thấp…
 
… Lần này vào gặp ông để viết bài, sau 7 năm gặp lại, ông tâm sự rằng, ông làm việc vì cái tâm, đã nhận là làm đến nơi đến chốn. Thôn 4 của ông gặp khó khăn vì cây điều, cây tiêu hư hại nặng. Sau nhiều ngày đêm trăn trở, ông suy nghĩ rồi quyết định nhận chức Bí thư Chi bộ thôn 4 vào đầu năm 2010. Là người lính Cụ Hồ, không ngại gian khổ, dám nghĩ dám làm, học lời dạy của Bác là: Cán bộ, đảng viên là công bộc của dân, làm việc vì dân, khổ trước dân sướng sau dân, nói phải đi đôi với làm. Mình làm trước để dân theo sau. Từ suy nghĩ đó ông đã bàn bạc với các đảng viên trong chi bộ tổ chức họp thôn. Ông nói:
 
- Thưa bà con cô bác, đất của chúng ta rất màu mỡ nhưng không có nghĩa là các gia đình thích trồng cây gì, nuôi con gì cũng được. Phải tùy theo hoàn cảnh mỗi gia đình, phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với gia đình và địa phương. Theo ý kiến của chi bộ thì thôn ta phải trồng dâu nuôi tằm và phát triển chăn nuôi. Bà con hãy tin và làm theo tôi. Đất này trồng dâu được. Tôi đã trồng 1.000 m2 và sinh trưởng tốt. Mời bà con hãy đến xem.
 
Sau buổi họp, nhiều người đã đến nhà ông, được thấy tận mắt vườn dâu cao lớn, xanh ngắt. Một số đảng viên và nhiều hộ dân đã nghe và làm theo ông. Rồi thì cả thôn làm theo. Tuy nhiên, nhiều hộ gia đình thất bại do chưa có kinh nghiệm trong việc trồng dâu nuôi tằm, đã có ý định bỏ hẳn, nhưng ông cùng các đảng viên trong chi bộ đến từng nhà kiên trì giải thích, tiếp đó vận động những gia đình khá giả giúp vốn cho họ, không lấy lãi. Từ đó, sau 2 năm, thu nhập từ trồng dâu, nuôi tằm và chăn nuôi ngày một cao. Đời sống nhân dân ổn định, nhiều hộ gia đình trong xã đã làm theo thôn 4 và đều đạt hiệu quả kinh tế cao. Tính đến thời điểm này, trên 75% hộ gia đình trong toàn xã trồng dâu nuôi tằm. Riêng thôn 4 của ông, có 106 hộ thì 96 hộ khá lên nhờ cây dâu con tằm. Từ 36 hộ nghèo năm 2010, nay chỉ còn 12 hộ, giảm trên 66%. Mục tiêu của chi bộ, đến hết năm 2018, thôn sẽ không còn hộ nghèo.
 
Ông Hồ Thanh Sang - một hộ trong thôn, giàu lên từ cây dâu con tằm nói:
 
- Đảng viên đi trước, làng nước theo sau mà.
 
Tôi cũng đồng tình với ông Sang, vâng “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” sẽ mãi mang tính thời sự. Chi bộ thôn 4, từ lúc chỉ có 4 đảng viên nay đã tăng lên 12, thực sự là hạt nhân lãnh đạo trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Liên tục trong các năm từ 2011 đến 2016 chi bộ đều đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, có phần đóng góp quan trọng của đồng chí Bí thư chi bộ.
 
Tôi theo chân ông Sang đến thăm hơn một chục gia đình khác trong thôn. Nhìn những vườn dâu xanh mát mắt, tôi nghĩ đến những lứa tằm nhả những sợi tơ vàng óng. Tơ vàng bởi có dâu xanh. Tơ vàng đã cho cuộc sống của người nông dân thôn 4 nói riêng, xã Mỹ Đức nói chung ngày một hồng hào khí sắc. Gương mặt người rạng rỡ những niềm vui. Kinh tế khá giả, nhà nào cũng cho con em đến trường. Tính đến thời điểm cuối năm 2016, xã Mỹ Đức có gần 70% hộ gia đình có con em đã và đang học tại các trường cao đẳng, đại học và dạy nghề. Gia đình ông có 4 con, các con ông đều thành đạt, có người làm chuyên viên Ban Tuyên giáo Thành ủy Bảo Lộc. 
 
Huyện Đạ Tẻh thành lập năm 1986, đã được 31 năm. Từ một huyện nghèo nay đã vươn lên ổn định về mọi mặt: Kinh tế, văn hóa, giáo dục, an ninh quốc phòng. Đó là nhờ công sức của nhân dân, của cán bộ, đảng viên, trong đó có những người tận tâm vì công việc như ông bạn già của tôi. Và tôi không quên lời ông nói năm 1991 rằng: Hồ nước Đạ Tẻh sẽ cung cấp nước sạch cho dân. Thì đúng rồi, năm 2008, huyện Đạ Tẻh đã khánh thành nhà máy nước. Nước được khai thác từ hồ Đạ Tẻh. Hiện nay, gần 10% hộ dân trong huyện được sử dụng nước máy.
 
Nhiều năm làm việc, ông đã được các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc từ huyện đến tỉnh khen thưởng nhiều lần. Đặc biệt, tháng 5/2016, ông đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì: “Đã có thành tích học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2011 - 2015, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc”.
 
Ông là Nguyễn Quang Huy, hiện là Bí thư Chi bộ thôn 4 xã Mỹ Đức, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng.
 
Truyện ký: NGUYỄN THANH HƯƠNG