Nâng cao chất lượng sáng tạo văn học, nghệ thuật - mấy vấn đề đặt ra

10:04, 11/04/2017

Ba mươi năm trước đây, với Quyết định số 279/QĐ-UB ngày 1 tháng 4 năm 1987 của UBND tỉnh Lâm Đồng, Hội VHNT Lâm Đồng đã chính thức được thành lập. 

Ba mươi năm trước đây, với Quyết định số 279/QĐ-UB ngày 1 tháng 4 năm 1987 của UBND tỉnh Lâm Đồng, Hội VHNT Lâm Đồng đã chính thức được thành lập. 
 
Tuổi 30 là tuổi trưởng thành, cường tráng của một đời người. Với tuổi 30 Hội VHNT Lâm Đồng cũng đã trưởng thành về mọi mặt để gánh vác sứ mệnh mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đó là sáng tạo những giá trị thẩm mỹ, phục vụ những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần xây dựng nền văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
 
Tác phẩm Mimosa của tác giả Nguyễn Văn Lại. Ảnh: P.Nhân
Tác phẩm Mimosa của tác giả
Nguyễn Văn Lại. Ảnh: P.Nhân
Về xây dựng đội ngũ: Hiện tại, Hội VHNT Lâm Đồng có 11 chi hội, gồm các chi hội chuyên ngành: Văn học, Nhiếp ảnh, Âm nhạc, Mỹ thuật; các chi hội địa phương: Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Bảo Lộc, Đạ Tẻh và các chi hội tổng hợp như: Văn nghệ dân gian, Dân tộc thiểu số. Từ 79 hội viên sáng lập, đến nay Hội đã có một lực lượng sáng tác khá hùng hậu với tổng số hội viên là 243 văn nghệ sĩ. Trong đội ngũ đó có 94 đảng viên, 48 hội viên các hội văn học chuyên ngành trung ương, 2 phó giáo sư, 7 tiến sĩ, 13 thạc sĩ, 98 cử nhân.
 
Bên cạnh đó, Hội còn có 4 câu lạc bộ trực thuộc: Sáng tác trẻ, Nhiếp ảnh Đà Lạt, Thư pháp và Sân khấu - Điện ảnh với hơn 40 thành viên.
 
Với sự quan tâm lãnh đạo và giúp đỡ có hiệu quả của Đảng, Nhà nước, Tình ủy, UBND tỉnh và các địa phương, Hội đã liên tục tổ chức các trại sáng tác và các chuyến đi thực tế sáng tác trong, ngoài tỉnh (những năm gần đây hàng năm mở từ 5 đến 8 trại). Các văn nghệ sĩ đã được đến với biển đảo, với thực tế sôi động của cuộc sống trên nhiều vùng đất nước, đặc biệt là đến với nhân dân các dân tộc anh em ở hầu hết các huyện, thành phố cũng như vùng sâu, vùng xa trong tỉnh đang nỗ lực lao động xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó có thêm hiểu biết, khám phá và sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật. 
 
Trong những năm qua, tác phẩm của văn nghệ sĩ tỉnh nhà đã được trân trọng ghi nhận bằng hàng trăm giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế, nhiều giải thưởng hàng năm của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, của các hội chuyên ngành trung ương, Giải thưởng VHNT tỉnh Lâm Đồng lần thứ I-2013 (25 tác phẩm), Giải thưởng Cuộc thi Sáng tác VHNT chào mừng Kỷ niệm 120 năm hình thành và phát triển thành phố Đà Lạt - 2013 (42 tác phẩm), Giải thưởng Cuộc thi sáng tác VHNT chào mừng Kỷ niệm 40 năm giải phóng Lâm Đồng-Đà Lạt (35 tác phẩm). Gần đây nhất, tại Triển lãm Mỹ thuật Đông Nam Bộ 2016 do tỉnh ta đăng cai, nhà điêu khắc K Minh Tuấn đoạt Giải A. Tại Triển lãm Ảnh Nghệ thuật Đông Nam Bộ năm 2016 tại Ninh Thuận, NSNA Trương Thị Hạnh đã đoạt Huy chương Bạc... Đó là những ví dụ sơ lược về thành tích của Hội. Văn nghệ sĩ Lâm Đồng đã có những bức ảnh đạt trình độ nghệ thuật hàng đầu của thế giới, những bài hát, bài thơ được công chúng yêu thích, những bức tranh lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam... Thật đáng tự hào và tự tin để dấn bước trên con đường sáng tạo.
 
Nhưng nhìn thẳng vào sự thật, từng ấy thành tựu sáng tác vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của nhân dân. Giải thưởng chính xác nhất đối với tác phẩm văn học nghệ thuật là sự yêu thích của công chúng, “đi cùng năm tháng” với nhân dân. Những tác phẩm đạt chất lượng cao như vậy chưa nhiều. Một vấn đề nữa là Hội chưa quảng bá tốt thành tựu của văn nghệ sĩ Lâm Đồng tới đông đảo công chúng. 
 
Chúng ta đang sống trong thời đại Đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, nhiều thuận lợi, thời cơ đồng thời khó khăn, thách thức cũng không ít. Các thế lực phản động ra sức chống phá trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Trong thời gian tới, từng hội viên cần giữ vững lập trường, tư tưởng chính trị, nâng cao ý thức công dân và trách nhiệm văn nghệ sĩ, tích cực tham gia Cuộc vận động Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện những nội dung trong Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới”; Nghị quyết số 33 -NQ/TW và Chương trình hành động 89-Ctr/TU của Tỉnh ủy về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước”; Chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X.
 
Để gánh vác được sứ mệnh của mình trong thời gian tới, Hội cần giải quyết mấy vấn đề sau: 
 
Thứ nhất, vấn đề tài năng
 
Văn học nghệ thuật là lĩnh vực của tài năng. Từ chỗ có khả năng đến chỗ có tài năng là một quá trình chuyển hóa không dễ dàng nhưng có thể thực hiện được bằng say mê, nỗ lực lao động sáng tạo làm thăng hoa những năng lực của người nghệ sỹ.Tài năng phải tác động, cọ xát, đánh thức nó bằng lao động nỗ lực, say mê, miệt mài.
 
Cùng với tài năng là thái độ nghiêm túc, cẩn trọng, nỗ lực trong công việc sáng tạo. Nghệ thuật tồn tại và phát triển theo quy luật chất lượng. Vấn đề tối thượng đối với văn học nghệ thuật là có hay, có đẹp, có thú vị không? Người xưa có câu: “Quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Câu này áp dụng cho văn học nghệ thuật cực đúng. 
 
Thứ hai, ý thức chuyên nghiệp trong sáng tạo văn học, nghệ thuật
 
Ý thức chuyên nghiệp là một yêu cầu với bất cứ nghệ sĩ chân chính nào. Tính chuyên nghiệp là sáng tạo đến giọt mồ hôi cuối cùng vì sự hoàn thiện của tác phẩm. Nói như Xuân Diệu thì với mỗi tác phẩm người nghệ sĩ phải:
 
Sống toàn tâm, sống toàn trí, sống toàn hồn
Sống toàn thân và thức nhọn giác quan.
 
Từ thực tế sáng tạo chúng ta đều thấy rằng mỗi nghệ sĩ có sở trường của mình. Năng lực sáng tạo được thăng hoa, có kết quả cao nhất ở lĩnh vực sở trường ấy. Ở đây có quy luật của toán học. Tử số là một đại lượng không đổi, mẫu số càng lớn thì số thành càng nhỏ. Có thể nói, mỗi người có lĩnh vực sáng tạo, có vùng thẩm mỹ quen thuộc của mình. Ra khỏi vùng thẩm mỹ ấy chúng ta dễ trở nên vụng về.
 
Tính chuyên nghiệp còn đòi hỏi khả năng cập nhật những tư tưởng nghệ thuật hiện đại, các phương tiện nghệ thuật, các thủ pháp nghệ thuật hiện đại. Đã có thời do mục đích sáng tác của văn học nghệ thuật cách mạng là cổ vũ, động viên quần chúng công nông binh chúng ta đề cao tính đại chúng. Tính đại chúng có lúc lại bị lược quy về tính chất truyền thống, giản dị, dễ hiểu. Bây giờ trình độ văn hóa của nhân dân đã được nâng cao, chúng ta phải sáng tác sao cho hay, cho đẹp, cho thú vị, thuyết phục được cả tầng lớp công chúng hàng đầu của nghệ thuật.
 
Có nhiều lý do để người sáng tác không có được tinh thần chuyên nghiệp, trong đó có vấn đề nhận thức. Theo quan sát của chúng tôi có người yên tâm sử dụng những hình thức thể loại văn học và ngôn từ Hán Việt của thời trung đại. Có người quan niệm trong văn học nghệ thuật không có chuyện mới - cũ, miễn hay là được. Chúng ta đều biết luận điểm triết học nội dung nào hình thức ấy. Một nội dung tư tưởng, cảm xúc hiện đại cần có một hình thức nghệ thuật hiện đại tương ứng. Nội dung và hình thức như hai mặt của tờ giấy, không thể tách rời. Nội dung là nội dung của hình thức, hình thức là hình thức của nội dung. 
 
Thứ ba, vấn đề xây dựng lực lượng sáng tác trẻ
 
Hội VHNT Lâm Đồng đã nỗ lực tập hợp lực lượng sáng tác trẻ, động viên, bồi dưỡng kỹ năng sáng tác, bồi dưỡng, kết nạp vào hội những văn nghệ sĩ trẻ (đặc biệt là năm 2016). Nhưng cũng cần thẳng thắn mà nói rằng kết quả chưa như chúng ta mong muốn. Có thể chúng ta chưa có đủ điều kiện để làm đến nơi đến chốn. Nhưng cũng có thể đơn giản là tuổi trẻ hôm nay chưa nhiều những người dũng cảm dám lựa chọn văn học, nghệ thuật như một nghề dấn thân?. Hoặc đơn giản là chưa có tài năng?.
 
Đi sâu hơn về vấn đề nâng cao chất lượng sáng tạo văn học, nghệ thuật tưởng cũng nên thống nhất với nhau một điều dù không mới nữa. Đó là về bản chất, văn học, nghệ thuật đòi hỏi sự kết tinh cao độ những giá trị tinh thần, những giá trị thẩm mỹ, có giá trị lâu dài. Là công dân, người nghệ sĩ có nghĩa vụ phải gắn bó với những nhiệm vụ chính trị của địa phương, đồng thời phải hòa nhập vào đời sống chung của dân tộc và nhân loại để tạo nên những tác phẩm “thể hiện trình độ chung của đất nước, của thời đại”. 
 
Đà Lạt, tháng 4/2017
 
PHẠM QUỐC CA
Chủ tịch Hội VHNT Lâm Đồng