Văn nghệ sĩ trong xây dựng đạo đức, nhân cách, lối sống con người

08:04, 13/04/2017

Sau năm 1975, mặc dù bận bộn bề công việc cấp thiết phải làm để xây dựng xã hội mới nhưng với sự quan tâm tới sự nghiệp phát triển văn học - nghệ thuật và nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc Nam Tây Nguyên, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra Quyết định thành lập Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) Lâm Đồng vào ngày 1/4/1987.

Sau năm 1975, mặc dù bận bộn bề công việc cấp thiết phải làm để xây dựng xã hội mới nhưng với sự quan tâm tới sự nghiệp phát triển văn học - nghệ thuật và nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc Nam Tây Nguyên, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Lâm Đồng đã ra Quyết định thành lập Hội Văn học - Nghệ thuật (VHNT) Lâm Đồng vào ngày 1/4/1987. 30 năm xây dựng và trưởng thành, tự hào thay đó cũng là chặng đường giới văn nghệ sĩ Lâm Đồng song hành, gắn bó với công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.
 
Tác phẩm Sớm mai của tác giả Tuấn Minh. Ảnh chụp lại: Quỳnh Uyển
Tác phẩm Sớm mai của tác giả Tuấn Minh. Ảnh chụp lại: Quỳnh Uyển
Trải qua gần 11.000 ngày xây dựng, kiện toàn, củng cố và nâng cao chất lượng tổ chức Hội, chất lượng hội viên, chất lượng hoạt động sáng tác, Hội VHNT Lâm Đồng đã vượt qua nhiều khó khăn, thậm chí khởi đầu nan còn có những bước sai lạc do nhận thức hạn chế, ngộ nhận, thế nhưng từ vấp ngã đớn đau, Hội đã sớm nâng cao nhận thức chính trị, định hình rõ nét sứ mệnh của mình là sáng tạo những giá trị thẩm mỹ, phục vụ những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần xây dựng nền văn học - nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Thời gian qua, Hội đã, đang định hướng văn nghệ sĩ gắn bó, phản ánh kịp thời, khách quan hiện thực cuộc sống sôi động, chia sẻ và đồng cảm với nhân dân. Hội đã có nhiều hình thức khuyến khích văn nghệ sĩ quan tâm đến đời sống, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc bản địa; chú trọng đề tài đấu tranh, phê phán những hiện tượng tiêu cực, phi đạo đức, xa rời bản sắc văn hóa Việt Nam, đồng thời phản ánh những thành tựu to lớn trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của tỉnh nhà. Thành quả lao động sáng tạo và những thành tích đạt được của anh em văn nghệ sĩ, nhất là giới nhiếp ảnh nghệ thuật những năm gần đây đã chứng minh sự trưởng thành, không ngừng lớn mạnh và sự vững vàng trong nhận thức, trách nhiệm của Hội VHNT Lâm Đồng trước nhiệm vụ chính trị được Đảng và nhân dân tin cậy giao phó.
 
Tuy đạt nhiều thành tựu về xây dựng tổ chức Hội cũng như sáng tác trên các lĩnh vực, thế nhưng so với sự chuyển động chung của sự nghiệp VHNT nước nhà và các vùng miền, Hội VHNT Lâm Đồng vẫn còn thiếu vắng những cây bút uy tín, những tác phẩm đỉnh cao ảnh hưởng rộng lớn trong đời sống xã hội, chất lượng hội viên ở từng chuyên ngành chưa đồng đều; hoạt động văn hóa - nghệ thuật lan tỏa vẫn hạn chế... 
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - Danh nhân văn hóa kiệt xuất Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc đặc biệt chú ý đến vai trò của nghệ sĩ. Theo Bác, trên mặt trận này, những người làm công tác văn hóa, văn nghệ phải thấm nhuần quan điểm: Nghệ thuật - vũ khí, nghệ sĩ - chiến sĩ. Muốn nghệ thuật trở thành vũ khí và người nghệ sĩ đồng thời là chiến sĩ thì người nghệ sĩ phải đi thực tế, phải “ba cùng” với nhân dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, nghệ thuật được coi là một di sản phi vật thể quý báu của dân tộc Việt Nam. Để tiếp tục phát huy những thành quả đạt được trong 30 năm, khắc phục những mặt hạn chế, yếu kém để không ngừng nâng cao vai trò, vị thế của Hội cũng như “tầm vóc” của giới văn nghệ sĩ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thưởng lãm VHNT của công chúng ngày càng cao; đặc biệt là yêu cầu của công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, trong phạm vi bài viết này, người viết xin đề xuất một giải pháp để nâng cao chất lượng sáng tác VHNT trong thời gian tới. Đó là Hội VHNT Lâm Đồng cần tiếp tục đề cao trách nhiệm của văn nghệ sĩ trong việc xây dựng đạo đức, nhân cách, lối sống của con người Việt Nam. 
 
Như chúng ta biết, Nghị quyết T.Ư 9, khóa XI đã đặt ra một yêu cầu quan trọng đối với văn học, nghệ thuật: “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước; tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước”. Đây thật sự là sứ mệnh, là trọng trách cao cả của văn nghệ sĩ với tư cách là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa… Về xây dựng đạo đức xã hội, Bác Hồ từng căn dặn: “Ðây là công việc cực kỳ to lớn, nặng nề, phức tạp nhưng cũng rất vẻ vang. Ðây là cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”. Như chúng ta biết, văn học vốn có sứ mệnh vượt lên sự thông thường. Viết về sự xuống cấp đạo đức hôm nay, cần vượt qua những sự thông thường để nắm bắt được phần cốt lõi của hiện thực. Giữ cho ngòi bút mang đầy đủ tinh thần công dân, nhưng biết dừng lại trước sự thăng bằng lý trí của sự phẫn nộ, để xem xét sự việc một cách điềm tĩnh, khách quan, không chối bỏ sự thật, nhưng cũng không làm trang viết trở nên u ám, bế tắc... Trên cơ sở đề cao trách nhiệm nghệ sĩ - chiến sĩ, mỗi văn nghệ sĩ cố gắng hướng về cơ sở, nghiên cứu sâu thực tiễn đang vận động đa dạng, phức tạp nhưng đã và đang xuất hiện không ít những “bông hoa” đẹp. Viết về đạo đức, truyền bá đạo đức cho người khác, cho xã hội, mỗi văn nghệ sĩ cần thường xuyên tự nhắc mình phải trung thực, lương thiện, chú ý bồi đắp năng lực tư duy, khả năng dự báo và có định hướng đúng khi viết về cái xấu, cái ác... Giai đoạn hiện nay, chúng ta cần đầu tư chiều sâu cho các tác phẩm về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Do vậy, Hội VHNT cũng như toàn thể hội viên cần chủ động góp sức tích cực phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ, các hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, các tác phẩm có nội dung lệch lạc, thị hiếu tầm thường. Hơn lúc nào hết, cần phát huy vai trò tiên phong của người Nghệ sĩ - Chiến sĩ, kiên quyết đấu tranh với các hành vi tham nhũng, quan liêu, các tệ nạn xã hội, gắn liền việc phản bác các luận điểm phản động, phê phán các biểu hiện sai trái trong văn học, nghệ thuật. Ðây là cuộc đấu tranh hết sức phức tạp, khó khăn, không chỉ với các thế lực thù địch bên ngoài, mà còn phải đấu tranh với các khuynh hướng tư tưởng lệch lạc, các biểu hiện thoái hóa, biến chất từ bên trong. 
 
Thực tế cho thấy bài học là những ai xa rời sự lãnh đạo của Đảng, xa rời tổ chức sẽ rất dễ sai lầm và bị các thế lực xấu lợi dụng. Do vậy, văn nghệ sĩ cần học tập, nghiên cứu sâu sắc, thấu đáo Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Trên cơ sở đó, soi rọi vào thực tiễn cuộc sống, phát hiện kịp thời và phản ánh có hiệu quả và nhân rộng những điển hình, nhân tố mới trong thực hiện đường lối, chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh với cái ác, cái xấu và định hướng công chúng như hoa “hướng dương” vươn tới chân - thiện - mỹ. 
 
Phát huy thành quả 30 năm xây dựng và phát triển Hội VHNT Lâm Đồng, tin rằng, giới văn nghệ sĩ tiếp tục nhiệt tình và giàu trách nhiệm trong công tác xây dựng Hội vững mạnh; gắn bó với cuộc sống nhân dân, dào dạt cảm xúc và sức sáng tạo, sáng tác nhiều tác phẩm đỉnh cao trong thời gian tới.
 
ĐAN THANH