Những giọt nước mắt

08:05, 18/05/2017

Vào dịp lễ Vu Lan năm nay, tôi phải đi công tác với giám đốc và một số cán bộ nữa ra Hà Nội giải quyết một số việc của cơ quan. Xa nhà, tôi rất nhớ chồng, nên "nấu cháo" điện thoại với Kim khá lâu. Tôi hỏi Kim, những lúc vắng tôi thì anh làm gì. Kim nói, những lúc đó, anh lên mạng hoặc xem ti vi, nếu vẫn không ngủ được thì cứ nằm mở to mắt nhìn hoài vào ảnh cưới của hai đứa treo trong phòng mà thôi.

Vào dịp lễ Vu Lan năm nay, tôi phải đi công tác với giám đốc và một số cán bộ nữa ra Hà Nội giải quyết một số việc của cơ quan. Xa nhà, tôi rất nhớ chồng, nên “nấu cháo” điện thoại với Kim khá lâu. Tôi hỏi Kim, những lúc vắng tôi thì anh làm gì. Kim nói, những lúc đó, anh lên mạng hoặc xem ti vi, nếu vẫn không ngủ được thì cứ nằm mở to mắt nhìn hoài vào ảnh cưới của hai đứa treo trong phòng mà thôi.
 
Minh họa: Hồ Toàn
Minh họa: Hồ Toàn
Một mình trong phòng ngủ khách sạn, nhìn trăng tròn trôi qua khung cửa sổ, tôi cứ thao thức không ngủ được. Tôi thật sự nhớ đến Kim và ba mẹ nữa. Nghĩ rằng, lúc này, chắc Kim không chừng lại đang dạo chơi trên mạng. Tôi liền bật dậy, mở máy tính, thử tạo một cái nick mới tên là “Lắng nghe lòng bạn” để chuyện trò cùng Kim. Dò tìm một lát, quả nhiên nick anh còn sáng. Tôi chủ động kết bạn với anh, và Kim chấp nhận.
 
Tôi hỏi anh: “Đã khuya, sao anh vẫn còn lang thang trên mạng?”.
 
Anh trả lời: “Vì vợ tôi đang đi công tác xa, tôi nhớ cô ấy không thể nào ngủ được”.
 
Tôi rất vui vì câu trả lời. Tôi gõ tiếp: “Vợ không có nhà thì anh có thể tìm một người tình khác cũng được mà. Cha ông ta vốn dĩ đã nói: ““Vắng trăng thì đã có sao” cơ mà”.
 
Một lúc lâu, anh mới trả lời lại: “Nếu bạn muốn tìm một người tình, vậy thì xin lỗi, tôi không phải là người bạn cần tìm, tạm biệt”.
 
Ai nói đàn ông khi xa vợ cũng dễ ngoại tình chứ? “Xin lỗi, tôi thật sự không có ý đó đâu, anh đừng giận nha!”, tôi vội vàng gửi tin nhắn lại cho anh. Một lát sau, Kim hỏi tôi: “Thế sao bạn lại dạo chơi trên mạng vậy?”.
 
Tôi nói: “Do đang đi công tác ở xa, rất nhớ ba mẹ, không ngủ được nên lên mạng tán gẫu cho khuây khỏa”.
 
Kim trả lời: “Tôi cũng rất nhớ ba mẹ tôi, chỉ hiềm nỗi là họ đều ở xa, giờ đây tôi không thể về thăm và phụng dưỡng họ được?”.
 
Thật khó hiểu, sao Kim lại nói về ba mẹ như thế nhỉ?! Tôi chợt hồi tưởng: Sau hơn một năm yêu nhau, tôi được gia đình cho phép tổ chức đám cưới với Kim. Trong không khí ấm cúng và vui vẻ của tiệc cưới tại một nhà hàng sang trọng tại Đà Lạt, mẹ kéo tôi ra chỗ khuất và hỏi nhỏ: “Này con, hai người giống như hai kẻ khất thực ngồi ở nơi vắng vẻ kia là ai vậy?”. Theo hướng mẹ chỉ, tôi chợt thấy một ông lão đang chăm chú nhìn về phía mình, bên cạnh còn có một bà lão. Thấy tôi nhìn, ông lão vội vã cúi mặt xuống. Tôi không quen biết gì họ, nhưng nhìn thật kỹ, họ cũng không giống như những người ăn xin mà tôi vẫn thường gặp. Quần áo họ tuy không sang trọng, nhưng nhìn kỹ thì cũng không đến nỗi nào. Điều khiến mẹ tôi nói họ là những người ăn xin vì cả hai đều gầy gò, ốm yếu với cái lưng đã bị còng, bên cạnh còn có một cây gậy nữa. Mẹ tôi nói tiếp, vừa đủ nghe: “Chồng con vốn là trẻ mồ côi, được nuôi ở Làng SOS! Con xem kỹ đi, nếu không phải chỗ quen biết thì hãy nói họ đi ngay”. Im lặng một tí, mẹ nói tiếp: “Thời buổi này, những người ăn xin thường rất xấu tính, hễ thấy nơi nào có đám cưới, hay nhà nào có đám tiệc thì cứ giả làm người thân đến ăn chực”.
 
Tôi vội nói: “Chắc không phải vậy đâu mẹ ơi! Để con hỏi chồng con xem sao?”. Kim giật mình khi nghe tôi kể lại sự tình, cuối cùng anh ấp úng nói với mẹ và tôi, họ chính là ông chú, bà thím của mình. Tôi khẽ liếc mẹ một cái, ý nói rằng suýt chút nữa đã đuổi người thân đi mất rồi. 
 
Tôi dựa vào vai Kim, trách anh sao có người thân đến mà không nói sớm, chúng ta nên bố trí cho họ một chỗ đàng hoàng. Kim vội ngăn lại, cứ để họ ngồi đó cũng được rồi. Ngồi ở bàn khác họ sẽ thấy không thoải mái và tự nhiên được đâu.
 
Thế rồi mọi việc vẫn diễn ra bình thường. Lúc đi mời rượu, qua bàn hai người ngồi, Kim do dự rồi vội kéo tôi đi qua. Tôi ngoảnh nhìn lại, thấy ông chú cúi đầu xuống, trông điệu bộ rất buồn bã nên liền kéo anh trở lại: “Thưa chú thím, chúng con xin kính rượu hai người”. Cả hai có phần ngạc nhiên, ông chú ngẩng đầu nhìn chúng tôi. Đầu tóc của họ đều bạc trắng, có lẽ họ đã bảy, tám mươi tuổi rồi. Đôi mắt của thím rất sâu, mặt tuy đối diện với tôi, nhưng mắt cừ lờ đờ và chớp chớp liên tục.
 
Tôi cầm ly rượu đưa qua, đưa lại trước mặt thím cốt để mời mà không thấy thím có phản ứng nào. Kim vội nói, thím đã bị mù từ lâu.
 
- Thưa… chú thím, đây là Hà, vợ con, chúng con xin được kính rượu hai người. Kim dùng giọng quê để nói với họ.
 
- Ờ! ờ! Ông chú chậm chạp đứng dậy, tay trái vịn vào vai của thím, còn tay phải thì run run nhấc ly rượu lên, lòng bàn tay sần sùi, đầy vết chai sạn. Có lẽ, những tháng ngày lao lực, cực nhọc đã khiến cho họ bị còng lưng quá sớm. Tôi còn kinh ngạc phát hiện ra chân phải của ông chú là một khoảng trống. Bà thím thì bị mù, còn ông chú thì bị què. Ôi! Sao trên đời lại có một cặp vợ chồng khốn khổ đến như thế.
 
- Chú ơi! Chú cứ ngồi xuống đi.
 
Tôi vội đi vòng sang đỡ chú ngồi xuống. Ông chú ngập ngừng ngồi xuống. Lúc ấy không hiểu sao bà thím lại nước mắt đầm đìa, còn ông chú thì chẳng nói, chẳng rằng gì, cứ lấy tay vỗ nhẹ vào lưng bà thím. Tôi đang phân vân, chưa biết làm gì thì Kim đã kéo tay đi sang bàn khác…
 
Hồi tưởng đến đây, tôi sốt ruột gõ: Bố mẹ anh ở xa lắm à? Tôi có biết nơi đó không?
 
Bạn tên là “Lắng nghe lòng bạn”, vậy tôi sẽ kể cho bạn nghe, bởi có một vài chuyện, mà nếu ta cứ để mãi trong lòng cũng không tốt, nói ra chắc sẽ dễ chịu hơn. Dù sao chúng ta cũng không quen biết gì nhau, cứ coi như bạn đang nghe một câu chuyện cho vơi bớt nỗi buồn thôi nhé!
 
Và thế là, tình cờ mà tôi biết được sự thật mà bấy lâu nay, chồng tôi vẫn giữ kín trong lòng.
 
“Ba mẹ tôi ở P’Ró. Gần ba mươi năm trước, cha tôi lúc ấy đã gần 50 mà vẫn chưa lấy được vợ. Vì ông bị một tai nạn giao thông khi từ nhà đem ít bắp ra bán ở chợ huyện, vụ tai nạn đã làm ông bị mất một chân. Gia cảnh nhà ông lại quá nghèo, nên chẳng có gia đình nào gả con gái cho ông. Một đêm nọ, có ông lão dẫn theo cô con gái bị mù, ghé vào nhà ông xin ăn. Ông già bị bệnh khá nặng, ba tôi thấy họ quá đáng thương liền bảo họ vào nhà nghỉ ngơi. Thật không ngờ là khi ông lão vừa nằm xuống thì không dậy được nữa. Ông đã đi trong sự ngỡ ngàng của mọi người. Sau này, cô con gái mù đó, đã trở thành vợ của ba tôi. Một cuộc hôn nhân chẳng hề có cô dâu, chú rể và cũng chẳng có bàn cỗ gì cả. Hai năm sau thì tôi ra đời.
 
Chúng tôi sống rất kham khổ, nhưng trước sau tôi cũng không hề bị bỏ đói bữa nào. Mẹ tôi sức khỏe có hạn, chỉ biết tách bắp cho người ta, hàng ngày bà làm lụng cực nhọc, có hôm mười ngón tay bị xưng rộp cả lên. Ấy thế, nhưng bà vẫn không một lời kêu ca, phàn nàn. Gần đây, công việc này, được thực hiện bằng máy. Mẹ tôi thất nghiệp, lại chỉ biết lần mò đi xin ăn ngoài chợ huyện.
 
Vì để cho tôi được đi học, mẹ tôi nuôi được 3 con gà mái. Hai con để trứng bán lấy tiền. Con còn lại, đẻ trứng thì dành cho tôi ăn. Mẹ bảo rằng, lúc đi ăn xin ngoài phố huyện, nghe nói những đứa trẻ ở phố đi học đều được ăn trứng gà. Bà nói với ba tôi: “Con nhà chúng ta cũng phải được ăn trứng gà. Sau này, nhất định, nó sẽ học giỏi không thua kém một ai trên phố cả”.
 
Tôi lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc của ba mẹ nghèo. Thương họ, tôi chỉ biết quyết chí học cho thật giỏi. Cứ thế, tôi vượt qua các lớp học một cách nhẹ nhàng. Kỳ thi trung học năm đó, đứa con trai của người vợ chồng què - mù kia được giải nhất của huyện. Đích thân ông Chủ tịch huyện đã quyết định cấp cho tôi một suất học bổng đủ để tôi có thể hoàn thành chương trình đại học. Ông còn hứa với tôi là cứ yên tâm học tập, huyện sẽ có trách nhiệm với ba mẹ tôi.
 
Ngày tiễn tôi lên Đà Lạt học, mẹ tôi cứ bịn rịn cầm chặt tay tôi. Lúc lên xe, tôi không khóc mà không hiểu sao nước mắt cứ chảy mãi không ngừng. Ba tôi một tay chống gậy, một tay lau nước mắt cho tôi, dặn dò: “Lên thành phố, con ráng chăm chỉ học hành. Sau này con lấy vợ trên đó luôn. Nếu có ai hỏi ba mẹ thì con cứ nói con là trẻ mồ côi, chứ để người ta biết được gia cảnh của mình thì con khó mà lấy vợ được”. Trước khi xe lăn bánh, ba còn vội dúi vào tay tôi 10 quả trứng gà luộc, rồi dẫn mẹ trở về. Tôi lặng im nhìn theo dáng đi của ba mẹ mà nước mắt cứ chảy mãi…
 
Nghe đến đây, nước mắt tôi không biết cũng chảy ra từ lúc nào. Ôi, ông chồng yêu quý của tôi ơi, nghèo và tàn tật đâu phải là lỗi của ba mẹ anh đâu. Anh chồng ngốc ngếch, cha mẹ như thế, thử hỏi còn có cha mẹ nào tuyệt vời hơn nữa chứ.
 
Tự dưng tôi thấy rất tức giận, sao chồng tôi lại có thể xem thường tôi như thế được? 
 
“Vậy là từ sau đó, anh liền nói với vợ anh rằng họ chỉ là ông chú và bà thím của anh à?”, tôi gõ câu này rồi chuyển vội cho anh.
 
Không trả lời câu hỏi của tôi, anh kể tiếp. Sau khi ra trường được ít lâu, tôi có quen một người con gái bán quần áo ở chợ Đà Lạt. Cảm thấy tình cảm đã chín mùi, tranh thủ ngày chủ nhật, tôi liền dẫn cô ấy về thăm nhà một chuyến. Nào có ngờ đâu, vừa vào đến nhà, chưa kịp uống chén nước từ tay ba tôi rót, cô ấy đã bỏ đi ngay. Tôi vội đuổi theo, cô ấy nói rằng, nếu phải sống với những người như thế, thì ngay cả một ngày cô ấy cũng không chịu nổi. Cô ta còn nói, “gien” nhà tôi có vấn đề, con cái sau này nhất định không được khỏe mạnh. Nghe cô ta nói vậy, tôi tức đến nỗi quay ngoắt lại, hấp tấp bước đi. Về nhà, mẹ tôi đang khóc nức nở, còn ba thì luôn miệng trách mắng tôi, bảo tôi không chịu nghe những lời dặn dò của ông bấy lâu nay “Nếu cần thiết lắm, thì con chỉ được nói chúng ta chỉ là chú, thím của con mà thôi”.
 
Về sau, tôi quen bạn gái thứ hai, tức là vợ tôi bây giờ. Tôi rất yêu cô ấy, ngay cả nằm mơ tôi cũng sợ mất cô ấy. Nhà cô ấy lại giàu có, họ hàng thân thích đều là những người có địa vị trong xã hội. Đã có vết xe đổ, tôi rất sợ, đành phải làm đứa con bất hiếu. 
 
“Vậy sao anh không nói hết cho vợ anh, biết đâu chị ấy sẽ thông cảm và thương anh hơn thì sao?”.
 
“Tôi chưa từng nói và cũng chưa có ý định nói. Nếu như cô ấy chấp nhận, thì còn ba mẹ, các anh chị vợ nữa, liệu họ có hiểu và thông cảm cho tôi không? Vì vậy, những bữa cơm sum họp ngày cuối năm tôi thường không dự suốt bữa cùng gia đình. Chỉ vì mỗi lần như thế, tôi lại nhớ đến ba mẹ ở quê... Đôi lần, vợ rủ về quê thăm và chúc tết chú thím, tôi thường lấy lý do đường về quê, hiện tại rất khó đi, em lại không được khỏe, đợi đến khi em thật khỏe, chúng ta cùng về thăm họ cũng được! Thương nhớ ba mẹ, tôi cũng chỉ có thể tranh thủ những lúc đi công tác huyện, để ghé thăm họ trong giây lát… À, đêm đã khuya, cảm ơn bạn đã nghe tôi tâm sự dài dòng như vậy. Bây giờ tôi đã cảm thấy nhẹ nhõm và thoải mái hơn nhiều rồi”.
 
Tôi tắt máy, nằm yên suy nghĩ và cứ trằn trọc mãi cho đến sáng. Người ta vẫn thường nói rằng: “Con không chê cha mẹ khó”, nhưng hãy nhìn xem chúng tôi đã làm gì đây? Tôi cũng phần nào hiểu được sự day dứt của chồng tôi, cũng như nỗi khổ tâm của ba mẹ anh, nhưng họ lại không biết rằng, chính mọi người đã đẩy tôi vào trong nghịch cảnh khó xử này…
 
Trời vừa sáng, tôi gõ cửa phòng giám đốc và nói với ông rằng tôi có một số công việc đột xuất quan trọng ở nhà cần phải về ngay. Giám đốc cứ ngỡ, chắc ở nhà chồng tôi xảy ra chuyện gì, nên cũng đồng ý. Sau khi bàn giao công việc cho một người khác trong đoàn, tôi bắt tắcxi ra Sân bay Nội Bài… Khoảng 2 giờ chiều, bay về Liên Khương, tôi leo lên một chiếc xe ôm và nói địa chỉ cho bác tài. Gần một tiếng sau xe đến trụ sở xã P’Ró. Từ đây tôi phải đi bộ để vào nhà chồng tôi ở sát chân núi phía xa kia. Sau gần một đêm và quá nửa ngày suy nghĩ miên man, giờ phải đi bộ theo con đường nhỏ, ngoằn ngoèo để đến được nhà Kim, tôi mệt lắm, những ngón chân cứ cọ xát vào quai dép, phồng lên đến nỗi tôi phải tháo dép treo lòng thòng nơi túi xách. Đã có lúc tôi muốn bỏ cuộc gọi điện thoại cho Kim đến đưa tôi về, nhưng lại thôi, tôi phải cố gắng để vượt qua. Khi người trưởng thôn dẫn tôi đến trước cửa nhà Kim, thì cũng là lúc ráng chiều đỏ rực đang hắt ánh sáng rực rỡ lên cây mít lâu năm trước cửa nhà.
 
Dưới gốc mít, ba chồng tôi đang ngồi cần mẫn lẩy những hạt bắp vàng. Ông già hơn nhiều so với lúc đám cưới. Bên cạnh ông, mẹ chồng tôi đang cố gắng thu dọn số bắp đã phơi xong. Tôi từng bước đi về phía họ, ba vừa nhìn thấy tôi, trái bắp ông đang cầm trên tay rơi bịch xuống đất, miệng há to, giật mình kêu lên: “Con, sao con đến được đây?”. Mẹ ở bên cạnh, nghe thấy thế cũng dừng tay vội hỏi: “Ba nó à, ai đến nhà ta vậy?”.
 
- Vợ… vợ thằng Kim! Bà nó ơi!
 
- Hả, cái gì? Vợ con trai ta à? Đâu! Đâu rồi? Rồi mẹ cứ đưa tay sờ soạng xung quanh để tìm đến tôi. Tôi vội đặt hành lý xuống đất, rồi nắm chặt lấy tay mẹ, quỳ xuống đất, nghẹn ngào nói với họ rằng: “Ba! Mẹ! Con đến đón ba mẹ về ở với chúng con”. 
 
Ba tôi ho lên một tràng dài, nước mắt cứ thế lăn dài trên khuôn mặt nhăn nheo, đen sạm vì sương gió và biết bao khổ cực của cuộc đời mà ông từng trải.
 
- Tôi đã nói với bà rồi mà, thằng con của chúng ta chọn được một người vợ thật tuyệt vời!
 
Còn mẹ thì ôm chầm lấy tôi, từng dòng, từng dòng nước mắt từ từ trong hốc mắt của bà chảy xuống cổ, ướt cả một bên vai áo tôi.
 
Về Đà Lạt, khi Kim mở cửa ra, nhìn thấy ba và mẹ đứng bên phải, bên trái tôi thì không khỏi kinh ngạc. Anh ngây người không thốt lên được lời nào. Tôi vội nói: “Em chính là người đã trò chuyện trên mạng với anh cách đây hai đêm…”.
 
Kim đã khóc không thành tiếng, anh ôm chặt lấy tôi, nước mắt lăn dài xuống cổ tôi giống như những giọt nước mắt của mẹ anh vậy.
 
Truyện ngắn: HOÀNG KIM