Độc đáo bộ sưu tập bảo vật cung đình triều Nguyễn tại Bảo tàng Lâm Đồng

11:06, 14/06/2017

(LĐ online) - Bảo tàng Lâm Đồng vừa đưa vào phục vụ du khách không gian trưng bày Bảo vật cung đình triều Nguyễn tại lầu 2 Cung Nam Phương Hoàng hậu khiến nhiều du khách ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thẩm mỹ, giá trị lịch sử, văn hóa của các hiện vật. 

(LĐ online) - Bảo tàng Lâm Đồng vừa đưa vào phục vụ du khách không gian trưng bày Bảo vật cung đình triều Nguyễn tại lầu 2 Cung Nam Phương Hoàng hậu khiến nhiều du khách ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thẩm mỹ, giá trị lịch sử, văn hóa của các hiện vật. 
 
Đồ dùng nhà bếp mạ vàng do ngự xưởng chế tác
Đồ dùng nhà bếp mạ vàng do ngự xưởng chế tác
Do biến động của lịch sử, giữa năm 1949 vua Bảo Đại được người Pháp trao quyền quản lý vùng cao nguyên Trung phần với xứ Thượng Nam Đông Dương, những bảo vật truyền đời quý giá gọn nhẹ của hoàng tộc cũng theo bước chân vị vua cuối cùng của triều Nguyễn đến Đà Lạt lập “Hoàng triểu cương thổ”. Trong 6 năm làm quốc trưởng (1949 – 1955), tất các các hiện vật được để tại Dinh III – nơi vua, Nam Phương hoàng hậu cùng các con sinh sống. 
 
Đất nước thống nhất, chính quyền cách mạng tiếp quản Dinh III, các bảo vật được cất giữ cẩn thận. Gần đây, nhằm phát huy giá trị của những cổ vật, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính, Kho bạc nhà nước bàn giao cho Bảo tàng Lâm Đồng đưa vào trưng bày phục vụ nhân dân và du khách tham quan. Ngay sau khi tiếp nhận 124 hiện vật, Bảo tàng Lâm Đồng đã phối phợp với các chuyên gia lịch sử, khảo cổ thuộc Bảo tàng lịch sử Việt Nam tiến hành giám định, chỉnh lý, xác định niên đại, chất liệu chế tác, ý nghĩa giá trị lịch sử, văn hóa và lập hồ sơ khoa học cho từng hiện vật. Đa số các hiện vật đã được chế tác hơn 100 năm, nhưng vẻ đẹp vẫn  không phai mờ - Ông Phạm Văn Thọ, Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng cho biết.
 
Bộ sưu tập bảo vật cung đình triều Nguyễn bao gồm nhiều nhóm hiện vật khác nhau: hiện vật ngự ban, tế lễ, tâm linh, văn phòng, đồ dùng sinh hoạt như tượng, thẻ bài, trấn phong, đỉnh, thủy trì, nghiên mực, bát đũa, ly chén... bằng chất liệu ngọc. Nhiều đồ vật nạm đá quý, bịt vàng, thiếp vàng. Phần lớn các hiện vật đều do Ngự xưởng triều Nguyễn chế tác, có niên đại khoảng thế kỷ XIX – XX, là vật trưng bày trong thư phòng, tượng, linh vật và đồ dùng hàng ngày của các vị vua, hoàng tộc triều Nguyễn, trong đó có một số hiện vật quý của vua Tự Đức, vua Khải Định, và nhiều hiện vật của vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu. Tất cả đều được chạm khắc công phu, hoa văn tinh xảo cho thấy trình độ chế tác của những người thợ Việt Nam thời đó đã đạt đến bậc thầy. Cùng với các chất liệu vàng, ngọc, đá quý chế tác nên cho thấy cuộc sống xa hoa của các bậc đế vương triều Nguyễn. 
 
Bảo tàng Lâm Đồng đã chọn lựa 36 hiện vật tiêu biểu nhất trong số 124 bảo vật để trưng bày phục vụ du khách. Trên nền không gian của 110 hình ảnh tư liệu về kiến trúc cung đình Huế, Lăng tẩm của các vị vua, hình ảnh vua quan triều Nguyễn trong các buổi thiết triều, 13 đời vua triều Nguyễn, 36 hiện vật được trưng bày theo từng nội dung cụ thể: đồ trưng bày, tế lễ (lư hương, linh vật, bình phong), đồ vật trong thư phòng (nghiên mực, thủy trì, bút...), đồ dùng trong nhà bếp (chén, bát, tô), vật dụng (lọ hoa, bình hoa, ly...). Nổi bật là các hiện vật quý giá như: thủy trì hình lá sen bằng ngọc xanh, bút ngọc của vua Tự Đức khắc 2 dòng chữ Hán “Tự Đức nguyên niên” (tức năm 1848 khi vua Tự Đức lên ngôi” và “Ngự diên văn bảo” (tức là bút để vua viết nên những văn bản quan trọng và ngự phê văn bản, tấu chương. Trong bộ hiện vật có 2 thẻ bài ngọc của Khải Định với mặt trước và mặt sau đều được trạm khắc tỉ mỉ, 1 thẻ có 2 dòng chữ Hán khắc nổi nạm vàng “Khải Định trân bảo” và “Đại Nam thiên tử”; thẻ bài kia của vua Bảo Đại do vua Khải Định ban cho Hoàng Thái tử Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại), mặt trước khắc 4 chữ Hán “Khải Định trân bảo”, mặt sau khắc 5 chữ Hán “Đông cung Hoàng Thái tử”. Những hiện vật của gia đình vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu sử dụng như chậu, ly, tô, bát được chế tác bằng ngọc quý đều tinh xảo, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Đặc biệt có một bát ngọc đính kèm mảnh giấy viết chữ Hán có ghi chép đây là kỷ vật do vua Khải Định ban cho Trưởng Hoàng tử Vĩnh Thụy vào năm thứ 3 đời vua Khải Định (tức năm 1918 – sau 3 năm vị vua này lên ngôi); bát ngọc nhất phẩm trị giá 150 đồng. Trấn phong bằng bạc do Ngự xưởng chế tác nhân dịp Hoàng đế Bảo Đại sinh nhật 30 tuổi (tức năm 1943) được khắc rồng “lưỡng long tranh châu”. Các lư hương bằng ngọc đủ màu. Bên cạnh những hiện vật quý do những người thợ Việt trong Ngự xưởng triều đình chế tác, bộ sưu tập còn có một số hiện vật mang tính chất “ngoại giao” rất độc đáo thuộc các đời vua nhà Thanh (Trung Quốc) như bát ngọc, bình ngọc, lọ ngọc... 
 
Không chỉ quý giá ở chất liệu chế tác, những bảo vật cung đình triều Nguyễn đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng là bộ sưu tập độc đáo, quý hiếm, có giá trị lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ. Bảo tàng Lâm Đồng giới thiệu rộng rãi bộ sưu tập quý với nhân dân, cùng du khách trong và ngoài nước; qua đó công chúng hiểu sâu hơn về triều Nguyễn triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.  
 
Một số hiện vật tiêu biểu:
 
Bát ngọc được dùng trong bữa ăn cung đình
Bát ngọc được dùng trong bữa ăn cung đình

  

Đài sen bằng ngọ được chạm khắc tinh xảo được dùng trưng bày trong thư phòng
Đài sen bằng ngọ được chạm khắc tinh xảo được dùng trưng bày trong thư phòng

 

Lư ngọc được chế tác tinh xảo với hoa lá khắc nổi
Lư ngọc được chế tác tinh xảo với hoa lá khắc nổi

 

Thẻ bài ngọc của vua Khải Định với 4 chữ Hán khắc nổi nạm vàng “Đại Nam thiên tử’
Thẻ bài ngọc của vua Khải Định với 4 chữ Hán khắc nổi nạm vàng “Đại Nam thiên tử’

 

Bình phong bằng gỗ gắn ngọc với họa tiết hoa văn truyền thống được chạm khắc tinh xảo
Bình phong bằng gỗ gắn ngọc với họa tiết hoa văn truyền thống được chạm khắc tinh xảo

 

Không gian trưng bày thu hút đông du khách tham quan
Không gian trưng bày thu hút đông du khách tham quan

 

QUỲNH UYỂN