K'Tiếu đam mê trao truyền cồng chiêng

09:06, 08/06/2017

Trong không gian âm vang cồng chiêng, già làng K'Tiếu (xã Đinh Lạc, Di Linh) là người truyền dạy cho nhiều thế hệ trẻ, từ đây, niềm vui càng lan tỏa hơn khi ý thức tự giữ gìn văn hóa cồng chiêng của đồng bào vẫn hoài mong tiếp nối.

Trong không gian âm vang cồng chiêng, già làng K’Tiếu (xã Đinh Lạc, Di Linh) là người truyền dạy cho nhiều thế hệ trẻ, từ đây, niềm vui càng lan tỏa hơn khi ý thức tự giữ gìn văn hóa cồng chiêng của đồng bào vẫn hoài mong tiếp nối.
 
Thế hệ trẻ học đánh cồng chiêng. Ảnh: H.Y
Thế hệ trẻ học đánh cồng chiêng. Ảnh: H.Y
Người truyền lửa
 
Hàng tuần, cứ đều đặn vào các chiều thứ năm, thứ sáu, tiếng cồng chiêng lại vang lên tại hội trường thôn Djọe - đó là những lớp học của già K’Tiếu, một nghệ nhân cồng chiêng đang truyền dạy cho các thế hệ người dân ở thôn. 
 
Từ khi còn nhỏ, già K’Tiếu đã có niềm đam mê với những nhạc cụ truyền thống của người dân tộc mình. Trong làng, mỗi khi có lễ hội, lễ cúng… với những âm thanh ngân vang của tiếng cồng, tiếng chiêng, người ta lại thấy ông. Những bài diễn tấu thay cho lời ru của mẹ đã gắn liền và lớn lên cùng tuổi thơ ông theo năm tháng. Già K’Tiếu nhớ lại: “Ngày trước thấy ông bà già đánh chiêng trong các lễ hội của buôn làng, tôi cố gắng chăm chú học theo. Khi nghe ở buôn làng nào có lễ hội dù xa mấy mình cũng tìm đến, chỉ để nghe và nhìn người ta đánh. Chính niềm đam mê ấy giúp tôi dần dần chinh phục và sử dụng thành thạo tất cả nhạc cụ trong dàn cồng chiêng của người dân tộc mình”.
 
Lớn lên, âm thanh cồng chiêng trở thành một phần không thể thiếu trong ông. Không cần phải đến khi hỗ trợ tổ chức mở lớp, bản thân ông đã truyền dạy cho con cháu trong làng từ lâu. Ông bắt đầu truyền dạy cho những người trong làng, những lớp thế hệ ở 2 thôn Djọe và Ka Kuil của Đinh Lạc đam mê với cồng chiêng. Chính ông đứng ra thành lập các đội cồng chiêng của 2 thôn, mỗi thôn có 3 đội từ người cao tuổi, trung niên và lớp trẻ, mỗi đội có từ 6-8 thành viên. Theo già K’Tiếu thì một khóa học không chỉ tính thời gian mà còn tính theo bài học, cứ dạy cho đến khi nào học viên đánh được 7 bài cơ bản phục vụ các lễ hội… Đã mấy chục năm, ngoài những buổi lên nương rẫy, già K’Tiếu lại đều đặn lên lớp dạy cồng chiêng như thế cho những người có đam mê trong làng. Già K’Tiếu cho biết: “Đánh cồng chiêng đòi hỏi rất cao ở tính tập thể, cộng đồng dù bất kì bản nhạc nào những người đánh cũng phải phối kết hợp với nhau. Mỗi người vừa phải hoàn thành nhiệm vụ của mình đúng lúc, vừa phải lắng nghe và kết hợp với những người khác, cái khó ở chỗ đó”.
 
Vào những dịp lễ hội lớn trong huyện và tỉnh, già K’Tiếu cùng các thành viên trong đội cồng chiêng đại diện cho huyện đi biểu diễn và đã giành nhiều giải thưởng  về cho xã, huyện. 
 
Cung bậc cồng chiêng
 
Già K’Tiếu cho biết, thời gian đầu dạy mọi người đánh cồng, chiêng rất vất vả, nhưng với trách nhiệm của thế hệ đi trước trong việc bảo tồn và phát huy truyền thống dân tộc nên ông luôn cố gắng khắc phục khó khăn để duy trì những đội cồng chiêng. Dường như âm thanh của tiếng cồng chiêng đã ăn sâu vào máu của người K’Ho nên các thành viên trong đội cồng chiêng tiếp thu rất nhanh, chỉ một thời gian ngắn là có thể nắm được những kiến thức cơ bản về cồng chiêng.
 
Già K’Tiếu tâm sự: Bảo tồn văn hóa cồng chiêng là điều những người già như mình mong muốn. Vì vậy, không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, mình đã tổ chức truyền dạy cho con cháu từ lâu. Mình và nhiều nghệ nhân trong làng đã lớn tuổi rồi nên rất cần có người đam mê cồng chiêng để truyền dạy lại văn hóa của dân tộc mình, để thế hệ này truyền dạy cho thế hệ kia, cho cồng chiêng được ngân vang mãi...
 
Anh K’Tình thôn Djọe, người hăng say những điệu dạy cồng chiêng của già K’Tiếu chia sẻ, để cho những chiếc cồng chiêng hòa âm vào nhau thì đòi hỏi người chơi không mất tập trung trong lúc diễn tấu, lắng nghe để vào đúng nhịp. Học đánh cồng chiêng rất khó, nên đòi hỏi người chơi phải có niềm đam mê thật sự. Cung bậc cồng chiêng cũng giống như những cung bậc cảm xúc, lúc trầm, lúc bổng, có điệu vui, điệu buồn... Nhờ già K’Tiếu đã truyền lửa đam mê cho chúng tôi nên những người con của núi rừng mới biết đánh cồng chiêng và mình càng có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa của người dân tộc núi rừng Nam Tây Nguyên.
 
Anh Trương Quốc Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Lạc cho biết: Xã rất quan tâm đến việc truyền dạy cồng chiêng tại các thôn, làng không chỉ cho thế hệ trẻ mà cho tất cả bà con trong làng, từ già tới trẻ đều khuyến khích tham gia. Trong các lễ hội của làng thì phải tổ chức đánh cồng chiêng, truyền dạy lại cho con cháu. Khuyến khích các nghệ nhân trong làng truyền dạy lại cho con cháu để giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, nếu không sau này sẽ bị mất đi. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Di Linh tổ chức lễ khai giảng lớp truyền dạy cồng chiêng dân tộc gốc Tây Nguyên cho 24 học viên là người đồng bào dân tộc thiểu số của 2 xã Bảo Thuận và Đinh Lạc. Trong thời gian 20 ngày, các học viên sẽ được 4 nghệ nhân là các già làng có kinh nghiệm, am hiểu sâu sắc về cồng chiêng và diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên truyền dạy cách diễn tấu cồng chiêng và các bài hát thường dùng trong dịp lễ hội, mừng lúa mới, mừng đón khách… của dân tộc mình. Thông qua việc mở lớp truyền dạy cồng chiêng là hoạt động thiết thực, góp phần vào việc bảo vệ, phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên ở huyện Di Linh; đồng thời, qua đó tuyên truyền nâng cao ý thức, bảo vệ bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc cho thế hệ trẻ.
 
Theo từng nhịp cồng, chiêng của các thế hệ giờ đây không chỉ là ánh mắt trìu mến dõi theo mà còn là niềm tự hào của các bậc nghệ nhân với mong ước để âm thanh cồng chiêng mãi vang xa đến tận mai sau.
 
HOÀNG YÊN