Mối tình bên dòng sông Chanh

09:06, 01/06/2017

Làng Phúc Hà có một cái chợ quen gọi là chợ Phúc. Một tháng họp cả 30 phiên. Chợ họp từ 5h sáng đến 11h trưa.

Làng Phúc Hà có một cái chợ quen gọi là chợ Phúc. Một tháng họp cả 30 phiên. Chợ họp từ 5h sáng đến 11h trưa.
 
Chuyện không có gì đáng nói khi mà hơn một tháng nay, những người mua, bán ở chợ Phúc để ý thấy có đến chục buổi sáng liền, một phụ nữ rất khó đoán tuổi đi cùng với một thiếu nữ tuổi 17 đi đường ngoài của chợ để vào chùa. Và rồi chỉ vì mấy gã đàn ông tuổi 25 - 35 vô công rỗi hơi, ngày nào cũng ngồi quán nước của bà cụ Mến, chỗ đầu đường rẽ vào cổng chùa để nói chuyện tầm phào.
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
Mấy ngày nay, cứ thấy 2 người đàn bà kể trên đi qua quán đó để vào chùa là mấy bố này thả lời bỡn cợt:
 
- Em ơi, đưa con vào đây uống nước đã nào.
 
- Em ơi, vào chùa làm gì, buồn lắm ngồi với anh vui hơn...
 
- Em ơi… vân vân và vân vân.
 
Sau những lời bỡn cợt, họ phá lên cười toang toác. Hai mẹ con người phụ nữ ấy bỏ ngoài tai, dắt nhau đi thẳng.
 
Vào chùa khỏang 30 phút, khi trở ra họ lại phải nghe tưởng chừng muốn thối tai vì mấy gã đàn ông trêu chọc.
 
Nhìn kỹ thì thấy người phụ nữ khoảng 50 tuổi, eo người thon, đẹp nhìn như người mẫu, tóc không một sợi bạc vấn lại đằng sau như dáng củ hành, to như cái đấu, chắc bà này có bộ tóc khá dài. Gương mặt bà phúc hậu, da mặt hồng hào. Nếp nhăn của thời gian chưa dán vào khóe miệng, đuôi mắt hay vùng cổ. Bà đi đứng đàng hoàng, tướng mạo đĩnh đạc, qúy phái. Duy chỉ có cặp mắt đen của bà trông buồn đến sâu thẳm.
 
Hôm nay, cũng như mọi hôm, lúc vào chùa trở ra, vẫn không thèm đáp lại những lời tán tỉnh rẻ tiền, cũ mèm của mấy gã kia. Một gã từ quán đi ra đứng trước mặt bà, miệng hềnh hệch nói rằng:
 
Người đâu vãn cảnh chùa này?
Cổ cao ba ngấn lông mày nét ngang…
 
Chao ôi, Thị Kính tái sinh cũng không bằng em. Vào đây nào, bọn anh là… sư cụ đã hoàn tục rồi, hơ hơ… hơ hơ. 
 
Vừa nói anh ta vừ nắm chặt cổ tay bà. Bà nhìn thẳng vào mặt gã một lát rồi nhẹ nhàng nói:
 
- Bỏ tay ra, con trai.
 
- Ha ha, hơ hơ con trai á. Em năm nay mấy chục mùa khoai môn mà gọi anh là con trai hả, em yêu?
 
Bà càng vùng vẫy, gã càng nắm chặt. Bỗng một người đàn ông tuổi khoảng 45, 50 gì đó chạy đến thét lên:
 
- Bỏ tay ra ngay, đồ mất nết. Người ta bằng tuổi mẹ các anh đấy. 
 
Nói xong, anh bóp chặt khuỷu tay gã đó, gã kêu oai oái, tay vội bỏ ra.
 
Nghe giọng người đàn ông, biết không phải là người làng Phúc Hà, đám đàn ông quây lại. Một gã hất hàm hỏi ông là gì mà quát nạt chúng tôi vậy? Cọp nào rừng ấy biết chửa? Người đàn ông nói:
 
- Bà này đã 70 tuổi rồi đấy, mở mắt ra mà coi. Đừng có mà hỗn.
 
Đám đông kéo đến, mỗi người một câu. Mấy gã vô công rỗi hơi kia chuồn thẳng.
 
Rồi chỉ vài tuần sau, người ta biết rõ người đàn bà đó cùng người thiếu nữ đi cùng và người đàn ông lạ mặt dám vặn khuỷu tay gã thanh niên làng Phúc làm cho gã xấu hổ, các bạn gã lo sợ mà bớt đi cái thói sỗ sàng.
 
* * *
 
Có đến bốn chục trai làng Trung Lương ngấp nghé Chanh. Họ là những thanh niên được miễn nghĩa vụ quân sự do họ có anh trai đang tại ngũ. Anh nào cũng săn đón Chanh. Trong đó đáng chú ý có con ông chủ nhiệm HTX. Anh này có 3 người anh tại ngũ, lại yên trí mình là con ông chủ nhiệm, nhà có nhiều thóc gạo thì chắc chắn Chanh phải xiêu lòng. Lấy anh ta không phải ăn cơm độn, cứ ngày 3 bữa căng bụng cơm gạo trắng. Ngày ấy, cả miền Bắc san sẻ gạo cho miền Nam, nhà nào cũng ăn độn. Vui và hy vọng khi hết giặc, đồng bằng sông Cửu Long sẽ đủ gạo cho cả trăm triệu người.
 
Anh chàng Khoài, vì là con ông chủ nhiệm, tối ngày đến nhà Chanh, nên số còn lại hơn ba chục chàng xin bó gối quy hàng. Khoài tuyên bố, đứa nào đến nhà con Chanh hãy bước qua xác tao. Khoài bắt bố mẹ nhờ mai mối, ông chủ nhiệm nói, mày mới 18 tuổi cơ mà… Khoài nói cứ để trầu cau vào đó, xí phần, khỏi phải lo canh giữ. Nhưng Chanh không đồng ý, bố mẹ phải nghe theo Chanh. Khoài tức lắm, họp đám trai làng chưa vợ ra một bản tuyên bố xanh rờn:
 
- Tẩy chay con Chanh, đứa nào không nghe, tao đánh què.
 
- Không cho trai làng khác đến đây, đứa nào đến, xua chó ra đuổi.
 
Và như vậy, dòng dã 4 năm liền, không trai nào dám đến nhà Chanh. Mẹ Chanh nói, tuổi 22 như mày, mẹ đã có 3 con, bạn mày ở làng này cũng 2 con rồi. Định làm bà cô hả. Chanh chỉ cười, rồi nói một câu lặp lại hàng trăm lần mỗi khi mẹ giục lấy chồng:
 
- Chồng con là bộ đội, anh ấy sẽ về.
 
- Chồng mày là đứa nào?
 
- Rồi bố mẹ khắc biết.
 
Cả bốn chục trai làng ngấp nghé Chanh, trong đó có con trai ông chủ nhiệm HTX đều đã lấy vợ. Khoài nói oang oang khắp làng:
 
- Con Chanh sẽ ế. Tao lấy vợ 17 tuổi, trẻ đẹp hơn nó. Hừ, cao giá lắm đấy.
 
Ở nông thôn, ra đồng ra bãi người ta hay bàn tán chuyện của người khác, ví như:
 
- Cái Chanh nhà ông Túy ấy mà, lẽ ra lấy con ông chủ nhiệm thì sướng. Nghe nói vợ thằng Khoài mới 17 tuổi. Đẹp, nhưng nghe nói đoảng lắm.
 
- Ôi dào, thằng Khoài lấy được con bé ấy là phúc rồi. Cái thằng lười làm, chăm ăn. Không có bố nó thì có mà…
 
- Lạ quá, các bà nhẩy, cái Chanh đẹp như vậy mà không ai yêu! Mà có thấy ai đến nhà nó, ngoài thằng Khoài.
 
- Tôi ở gần nhà nó tôi biết, nó như công chúa cấm cung ấy, có đi ra ngoài bao giờ đâu. Hôm qua có cậu Tiến, thương binh về làng năm ngoái đến đặt vấn đề, nó không ưng.
 
- Không ưng anh Tiến thì ưng ai?
 
Chồng thương binh danh giá quá chứ. Nghe nói anh Tiến đạt danh hiệu… những thượng úy cơ đấy.
 
* * *
 
Làng Trung Lương ở cách Phúc Hà có con sông nhỏ. Làng có một ngôi đình rất lớn, được xây dựng và khánh thành quãng đầu đời Lê Trung Hưng để thờ một vị tướng của làng đã theo Lê Lợi đánh giặc Minh rồi anh dũng hy sinh. Dân làng tôn làm thành hoàng.
 
Sân đình rộng rãi chứa đến 2.000 người nên nơi này thường được chọn làm điểm chiếu bóng, diễn kịch phục vụ nhân dân địa phương. Trong một buổi đi xem phim, cô gái tuổi 17 tên là Lê Thị Chanh gặp chàng trai Trần Dũng, người ở xã Lãng Trung, xã bên cạnh với xã của Chanh.
 
Muốn xem cho dễ là phải mua vé từ chiều, chen chúc xô đẩy. Hôm ấy Dũng giật mình khi nhìn thấy Chanh, tim Dũng đập loạn xạ. Dũng lấy can đảm đi đến nói với Chanh, hãy để tôi lấy vé cho, bạn đừng ngại.
 
Lúc đưa vé cho Chanh, Dũng không nhận tiền vé mà Chanh trả lại. Dũng nói, bạn để đó mà mua hạt dưa. Không hiểu sao, buổi xem ấy họ lại ngồi gần nhau. Và rồi phải hơn 10 lần xem phim trong 6 tháng tiếp theo, Dũng đều tranh mua vé. Thế rồi, vào đầu tháng 3/1968, Dũng nhập ngũ. Họ có một đêm ở bờ đê con sông nhỏ, con sông mang tên trùng tên với Chanh. Một đêm chỉ là hứa hẹn, thề thốt cho đến lúc bình minh lên. Cũng chỉ một nụ hôn khoảng một phút. Dũng để lại cho Chanh một cuốn sổ ghi cảm xúc của mình từ khi biết Chanh cho đến lúc sắp ra trận. Trong đó có một vài bài thơ ngắn. Chanh nhớ nhất mấy câu:
 
Là Chanh mà em không chua
Em đẹp như trái đầu mùa trên cây
… Ra đi giữ trọn lời thề
Đánh xong giặc Mỹ anh về với em…
 
Dân làng không biết Chanh chờ Dũng, mà ngay Chanh còn chưa hề biết bố mẹ Dũng, cô chỉ qua ngõ nhà Dũng một lần. Vậy mà ngay Chanh cũng không hiểu mình yêu rồi chờ Dũng vì cái gì chứ? Lại 26 mùa lá rụng rồi. Quân ta đang tiến vào Đông bắc Sài Gòn, tình hình này ta sẽ thống nhất sớm!
 
Và đúng 30/4/1975, Sài Gòn giải phóng. Cả nước vui mừng. Chanh lo sửa soạn đón người yêu. Ngày tạm xa, Dũng nói, nhớ anh, em cứ ra khúc ngoặt con sông, nơi ta ngồi trên bờ đê. Anh về, anh sẽ ra đó chờ em. Và thoắt đấy đã hơn 7 năm, cứ 3, 4 đêm, Chanh lại ra chỗ cũ, chỉ trừ đêm mưa. Còn, dù mùa Đông rét buốt, Chanh vẫn ra đấy mà nhìn về phương Nam. Nhiều đêm, rất nhiều đêm Chanh mơ thấy đám cưới của mình thật vui. Cả đơn vị bộ đội của Dũng về dự. Đông đủ cả 2 họ. Tất cả hát vang bài ca chiến thắng… Nhưng rồi mơ vẫn hoàn mơ. Đêm đêm Chanh vẫn ra ngoài đó. Con sông Chanh rộng chừng 80 bước chân, chỉ có những người đi kéo vó tôm ban đêm. Chỉ có tiếng con chim bìm bịp ăn đêm gọi bạn, và chỉ có lặng lẽ. Bởi đêm của thời chiến tranh chỉ có vắng lặng. Ngay cả tiếng chó sủa cũng thưa thớt.
 
* * *
 
Bố mẹ buồn rầu khi Chanh đã lại gần tuổi 30 rồi, bao nhiêu người mối lái cho Chanh, toàn những người đàn ông tử tế: Y sỹ, bác sỹ, thầy giáo, thương binh… vậy mà Chanh vẫn không gật đầu. Anh Thọ, đại úy tiểu đoàn trưởng vừa từ mặt trận biên giới phía Bắc về, có người giới thiệu, anh mạnh dạn tìm đến. Anh 32 tuổi, hơn Chanh 2 tuổi. Anh cao to đẹp trai, có dáng của một vị tướng. Vậy mà, lại không…
 
Coi như, à không, chắc chắn là Chanh ế chồng rồi. Năm ấy là năm 1983, tuổi 33 rồi còn gì.
 
Một hôm, lúc ấy gần 10 giờ sáng, Chanh đi chợ huyện về. Chanh đi lẫn với mấy bà, mấy cô người xã Lãng Trung, cạnh làng Trung Lương của Chanh, nghe mấy bà nói:
 
- Ngày mai xã ta tổ chức truy điệu anh Dũng con ông Tráng đấy.
 
- Tội nghiệp anh ấy, chưa vợ chưa con, đi liền một mạch từ cái đận 1968, đến nay là 15 năm, không về nhà một lần nào.
 
- Nhưng sao bây giờ mới có giấy báo tử nhỉ, giải phóng 8 năm rồi còn gì?
 
- Thì hết đánh ở biên giới Tây Nam, lại Bắc. Mà nghe nói anh ấy là bộ đội tình báo, hoạt động trong lòng địch nên bí mật lắm.
 
Chanh giật mình, tim đập mạnh, mắt hoa lên. Sau 30/4/1975 một tháng, Chanh có sang nhà Dũng, không dám vào nhà, chỉ hỏi hàng xóm là anh Dũng bên kia về chưa? Chưa? Rồi 3 tháng sau, rồi lại 4 tháng sau, năm ba tháng sau nữa, Chanh hỏi thăm tin tức của Dũng mà vẫn chỉ là bóng chim tăm cá. Hay là anh ta đã lấy vợ trong Nam rồi. Và rồi Chanh quyết định gặp bố mẹ Dũng, nhưng chỉ nói là bạn học ngày xưa đến hỏi thăm thế thôi. Chanh bịa ra chuyện đi cắt cỏ ngoài sông Chanh, bị trẻ con bắt nạt, Dũng đã cứu mình, nên nhớ, thế thôi. Bố mẹ Dũng buồn rầu cho biết, 7, 8 năm rồi không có tin tức gì.
 
- Hay anh ấy lấy vợ trong Nam, thưa hai bác?
 
- Không, không có chuyện đó. Nếu có nó phải đưa vợ con nó về chứ. Tôi có mỗi nó là con trai thôi mà.
 
Và rồi sau 15 năm, giấy báo tử Dũng đem về địa phương. Anh hy sinh trong khi làm nhiệm vụ đặc biệt. Dũng hi sinh ở tuổi 33, được truy tặng cấp bậc trung tá.
 
Chanh cất vội quang gánh vào bếp rồi đạp xe ngay sang xã Lãng Trung. Đã 12 giờ trưa, trong nhà Dũng khá đông người. Em gái Dũng trang trọng đặt chân dung Dũng lồng trong khung kính đưa lên bàn thờ. Chanh lao vào giằng lấy khung ảnh rồi hét lên:
 
- Anh Dũng, anh Dũng ơi… hu… hu…
 
 Lần đầu tiên trong cuộc đời, ở tuổi 33 Chanh mới khóc to và nhiều như thế…
 
Người làng bàn tán với nhau, chắc chị kia là người yêu của Dũng nên mới lăn lộn khóc lóc bên di ảnh của Dũng. Mà lạ quá, giấy báo tử chỉ ghi là hy sinh khi tiến hành nhiệm vụ đặc biệt. Ngay như bố mẹ Dũng cũng chỉ nhận được 5 lá thư trong thời gian 1968 - 1972, sau đó là ngưng hẳn. Đúng quá rồi, nhiệm vụ đặc biệt thì ngay cả bố mẹ đẻ cũng không được biết.
 
Mười lăm năm chờ đợi, mười lăm năm chỉ nhận được 4 lá thư của Dũng. Và để rồi, ngày xã làm lễ truy điệu liệt sỹ Trần Dũng, người ta thấy có một vành khăn tang trên đầu một người đàn bà lạ. Người ta thương người đàn bà ấy quỳ khóc bên nấm mộ gió. Người xã Lãng Trung không biết người đàn bà này từ đâu đến.
 
Sau ngày truy điệu Dũng, Chanh nằm liệt giường 2 tháng, người teo tóp gầy gò. Nhưng rồi phải sống. Sống cùng mối tình đầu êm đẹp. Có nó, Chanh sẽ vượt qua tất cả. Tuổi 40, Chanh về trại trẻ mồ côi của tỉnh nhận một bé gái 8 tuổi.
 
Anh trai Chanh, thương binh về làng, rồi chị gái thương Chanh, họ góp tiền mua cho Chanh một lô đất ở thị trấn. Chanh mở quầy bán tạp hóa. Ở tuổi 50, Chanh bỗng đẹp lộng lẫy. Bao đàn ông góa vợ ở các xã trong huyện, ở thị trấn tìm đến, Chanh đều lắc đầu.
 
Tuổi 54, Chanh lên chức bà ngoại, mẹ con bà cháu sống yên bình bên nhau. Lúc cháu ngoại ở tuổi 17, bà Chanh đã vào tuổi 70, tóc bà chưa một sợi bạc, da dẻ vẫn căng mịn, hồng hào. Thế mới có chuyện, bà đi đến đâu, đám đàn ông mất nết cứ trêu ghẹo, bởi ngỡ bà mới ở độ tuổi 35, 40. Vì thế mới có chuyện xảy ra ở chợ Phúc Hà, khi hai bà cháu vào chùa lễ bái bị đám đàn ông vô công rỗi nghề trêu chọc. Còn người đàn ông ngăn cản đám đàn ông ấy ở đầu câu chuyện này chính là con rể của bà, bố đẻ của thiếu nữ kia…
 
Truyện ngắn: NGUYỄN THANH HƯƠNG