Thời hoa đỏ

09:06, 15/06/2017

… "Mỗi mùa hoa đỏ về hoa như mưa rơi rơi/ cánh mỏng manh xao xác đỏ tươi/ như nuối tiếc một thời trai trẻ"… (Thời hoa đỏ. Nhạc: Nguyễn Đình Bảng, thơ: Thanh Tùng)

… “Mỗi mùa hoa đỏ về hoa như mưa rơi rơi/ cánh mỏng manh xao xác đỏ tươi/ như nuối tiếc một thời trai trẻ”… 
(Thời hoa đỏ. Nhạc: Nguyễn Đình Bảng, thơ: Thanh Tùng)
 
1. Gặp Thành tại cuộc họp của tỉnh, anh hồ hởi: - Cháu nội khỏe chứ? Mình vừa ra Bắc dự đám cưới Tuấn, mọi người nhớ anh em ta lắm! Tuấn nào? Thấy tôi ngơ ngác, Thành cười: - Bộ nhớ vốn nổi tiếng của ông có vấn đề rồi. Tuấn con trai cô giáo Thủy! Chà, thăm quê thấy bà con đồng thuận, đồng tình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới chứ chẳng ai phàn nàn chuyện bị áp đặt, chạy theo phong trào như thời mình về… Tôi vỗ trán bồm bộp, xuýt xoa: - Ồ, đầu óc có lẽ trục trặc… nhưng sao quên cô ấy! Chúc mừng cháu… và cả ông nữa, phải không? 
 
Câu chuyện của đồng môn cũ làm tôi bồi hồi hồi tưởng về gần hai mươi năm trước. 
 
Hà Nội, cuối tháng 3/1999, lớp Chính trị B55… đang năm thứ 2, được Ban Tổ chức Trung ương và Học viện CTQG HCM cử về nắm thực tế, nghiên cứu, tìm giải pháp cùng các địa phương ở một tỉnh đồng bằng Bắc bộ giải quyết “điểm nóng” khiếu kiện đông người, vượt cấp. Đợt công tác 40 ngày, ba học viên một tổ về mỗi xã. Viên - Bí thư Tỉnh Đoàn, lớp trưởng làm tổ trưởng; Thành - Phó Tổng biên tập báo và tôi đều dân Lâm Đồng, nhận nhiệm vụ về xã Bình An, huyện K.
 
Đến địa phương, chúng tôi đăng ký ở nhà dân không ở nhà cán bộ, đảng viên. Hàng ngày lên lịch thăm hỏi, tiếp xúc đầu đơn khiếu kiện, khuyên giải bà con nên tố cáo, khiếu nại, chống tiêu cực đúng luật; phân tích tình hình và đề xuất Đảng ủy xã hướng tháo gỡ các vấn đề phức tạp. Gia đình anh Trường nghèo, bù lại tấm lòng dành cho anh em thật chân tình. Tổ góp sinh hoạt phí, chủ hộ chăm lo chu đáo cơm nước, chốn nghỉ ngơi…
 
Một sáng, Viên và tôi thuê xe máy phóng lên thành phố, tìm mua tặng gia chủ dàn anten tivi mới. Ở vùng này, gọi điện thoại di động phải chờ đến tối lên bờ đê mới có sóng mạnh. Dàn anten tự chế của nhà cũ nát, vẹo vọ; tivi thường “vô tiếng tàng hình”. Nhân thể vào chợ mua ít thịt cá tối nhắm rượu với gia chủ. Cơm nước xong, mọi người quây quần bên bàn trà. Ai cũng tấm tắc khen hình ảnh tivi đẹp, màu tươi chẳng nổi hạt, trôi hình, mất tiếng như mọi bữa. Hết thời sự Đài PT-TH tỉnh, sang mục quảng cáo. Vừa rót nước mời cả nhà, tôi vừa nghe thông báo: Chiều thứ bảy, ngày…, cô giáo Vũ Thị Thủy trên đường từ trường cấp III thị trấn về nhà tại xã VL đánh rơi một cặp tài liệu. Ai nhặt được xin cho nhận lại. Trân trọng cảm ơn!
 
Mọi người nâng chén, tấm tắc trà Thái Nguyên vụ xuân có khác, nước xanh ngăn ngắt, hương thơm ngan ngát, uống tới đâu vị ngọt chát sánh đượm tới đó… Thấy Thành đăm đăm ngó màn hình, tôi vỗ vai:
 
Ngẩn ngơ như mất hồn vậy, nhớ nhà hay bản tin có gì đặc biệt?
 
Giật mình như tỉnh mộng, Thành đỡ chén trà tôi đưa, nhấp ngụm nhỏ, quay sang chủ nhà, nhỏ nhẹ: - Quê bác có mấy cây hoa gạo ấn tượng quá. Cây xòe tán ngoài đồng, cây sừng sững trên triền đê ven sông. Uy nghi, trầm tư là cây đầu làng chắc gần trăm tuổi. Xa quê, về làng nhìn hoa đỏ vẫy gọi chắc thật xốn xang. Mấy bữa rày, ra ngắm hoa, em cũng bâng khuâng nỗi niềm một thuở học trò...
 
- Này còn cả một thời yêu nữa chứ? - Tổ trưởng Viên hóm hỉnh nháy mắt: - Nhà báo bỗng dưng văn vẻ thế?
 
Thành xoa tay, ấp úng: - Các anh có để ý nội dung thông báo vừa phát đấy. Cô giáo là… bạn thời sinh viên! 12 năm, chưa gặp lại!
 
Chủ nhà rổn rảng: - Hữu duyên thiên lý… Nhất chú, “tình cũ không rủ cũng đến”. Xã VL chỉ bên kia cánh đồng.
 
- Hay quá, cha nội. - Viên phết đùi bồm bộp, tay gõ nhịp xuống bàn, thổn thức:
 
… Mười năm cách biệt một lần bỡ ngỡ/ Quên đi quên đi mộng buồn bấy lâu/ Nhưng em yêu ơi! Một vùng ký ức/ Vẫn còn trong ta cả một trời yêu… 
 
 Dừng lời hát, tổ trưởng tủm tỉm:  
 
 - Hồi đó sao không “tới luôn, bác tài”? Mai chủ nhật, gặp cố nhân đi! Giờ “bật mí” chút nào. Nếu không, hè về Đà Lạt, coi chừng tôi “mét” bà xã đó!
 
- Không nên làm xáo trộn cuộc sống đã yên bài! - Trầm tư giây lát, Thành khẽ gật đầu và lẩy câu Kiều như nhủ bản thân: - Trăm năm đã chẳng duyên gì/ bây giờ gặp gỡ làm chi hỡi người. 
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
2. Quê ngoài Bắc, vào học xong sư phạm, Thành ở lại Đà Lạt. Năm 1983, là phóng viên báo Đảng tỉnh, anh dự thi và trúng tuyển trường đại học báo chí tại Hà Nội. Ra học, đôi tháng, anh thường về thăm bố mẹ. Sáng hè 1985, trên chuyến xe khách sắp xuất bến Kim Liên, một thiếu nữ mặc áo lụa đỏ thắm, đội mũ vải trắng rộng vành mới vội vã, cuống quýt bước lên và ngồi xuống ghế trống cạnh anh.
 
- Ôi, suýt lỡ chuyến! - Đưa tay gạt mấy sợi tóc mai mướt mồ hôi vương má ửng hồng, cô gái cầm mũ gấp gáp quạt.
 
- Ngày nghỉ đường xá hay mắc kẹt zậy đó! - Thành tỏ ý cảm thông.
 
Dừng tay quạt, thiếu nữ quay sang Thành, dưới cặp chân mày cong đen đậm, lấp lánh ánh mắt nâu nâu xoe tròn chú mục vài giây rồi trả lời: - Vâng, tắc đường đoạn Công viên Thủ Lệ. Anh ở trong miền Nam ra?
 
- Sao em biết?
 
- Bởi từ “mắc kẹt” và ngữ âm “zậy”!
 
“Tinh tế nhỉ”, thoáng nghĩ rồi Thành mau miệng: - Còn em, sư phạm, cư dân chợ Xanh! Trường anh kề bên, hoa ra loanh quanh Cầu Giấy. Có khi ta… từng gặp nhau!
 
Làn gió mát từ chiếc mũ vải hướng về phía Thành, thiếu nữ ríu rít: - Thật không? Sân khấu hay Thương mại?
 
Hai người chuyện trò cởi mở tựa thân quen từ lâu. Quan sát kỹ bạn đường, Thành bần thần nghĩ cụ Nguyễn Du quả tài hoa khi tả “khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang”. Gương mặt bầu bĩnh, cánh mũi đầy đặn và thẳng, đôi môi chúm chím tựa nụ hồng chớm nở này chẳng phải chân dung nàng Thúy Vân, em Thúy Kiều sao? Thành mạnh dạn nghiêng sang đồng hành, thảng thốt:
 
- Màu áo đỏ… tựa chùm phượng vĩ. Mềm mại và rạo rực như ngọn lửa. Chắc em biết bài “Thời hoa đỏ”…
 
- Nhà báo các anh chúa vung vít lời có cánh! - Cô gái nâng mũ che ánh mắt nguýt dài, thì thầm: 
 
“… Mỗi mùa hoa đỏ về hoa như mưa rơi rơi/ như tháng ngày xưa ta dại khờ/ ta nhìn sâu vào trong mắt nhau/ trong câu thơ của em anh không có mặt/ câu thơ hát về một thời yêu đương”…
 
- Tại sao không là một chùm hoa gạo ở quê? Mùa này, cây đang dâng những chùm hoa lửa thao thiết cháy rực những khoảng trời cao xanh… Ngoài Bắc, gọi Mộc Miên, Hồng Miên nhưng trên Tây Nguyên anh là hoa Pơ Lang đấy! - Thành mơ màng, thốt bâng quơ.
 
 “Ngày vui ngắn chẳng tầy gang”, mải chuyện nên hai người quên chặng đường hơn trăm cây số. Xuống xe, họ lưu luyến hẹn gặp lại. Thành nằm lòng “sơ yếu lý lịch”: Nàng tên Vũ Thị Thủy, cấp II học giỏi Văn và từng sang Liên Xô dự trại hè thiếu nhi Lênin Artek, hiện sinh viên năm 3 Khoa Văn Đại học Sư phạm I, cùng quê anh song khác huyện. Sau chuyến xe duyên định, các tối thứ bảy, ngày chủ nhật là thời gian Thành mong đợi nhất để sớm được sang thăm Thủy. Từ sau trường sư phạm sang trường báo chí có một lối băng qua cánh đồng lúa Dịch Vọng. Chiều hè, sinh viên tốp năm, tốp ba dập dìu qua lại hóng mát trên “Cánh đồng Tình yêu” do họ định danh. Thành và Thủy đã từng thung dung sóng bước, thả hồn mơ màng khi ngồi trên bờ ruộng ngào ngạt hương lúa nếp làm nên thương hiệu cốm làng Vòng nổi tiếng. Thành ở tầng 4 khu Ký túc xá 5 tầng quay mặt ra đồng, nhìn thấy lũy tre, hàng dừa bao quanh trường Đảng cao cấp. Bao lần, anh nôn nao bên cửa sổ ngóng chờ màu áo lụa đỏ tươi - “cánh buồm đỏ thắm” xuất hiện trong hoàng hôn. Thủy luôn đi dạo với bạn cùng phòng, sau vài vòng tán gẫu vu vơ, cô bạn ý nhị kiếm cớ rút trước. Những lần gần nhau, hai người say sưa chia sẻ những điều tâm đắc về thơ Sergei Esenin, thơ Puskin “Tôi yêu em đến nay dường có thể/ Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai”, và những tác phẩm văn chương nổi tiếng… 
 
Hơn nàng 6 tuổi, “tình trong như đã mặt ngoài còn e”, Thành chưa dám thổ lộ tình yêu mà anh linh cảm đan xen mâu thuẫn. Một bên là sự quan tâm, trìu mến của người anh trai với cô em hồn nhiên, vô tư, lạc quan… Một bên là tình yêu say đắm, chân thành nhưng Thành luôn nặng mặc cảm vì cha mẹ yếu, em đông, kinh tế khó khăn mà mình chưa gánh vác được nhiều. Bản thân tự lập phương xa, liệu Thủy có chấp nhận lên Tây Nguyên đang bộn bề gian khó? Trong khi tương lai tin chắc mở rộng vòng tay bởi gia cảnh cũng đã chịu mất mát lớn lao: Thủy là con một, bố là liệt sĩ hy sinh ở miền Đông Nam bộ thời đánh Mỹ… Ôm mối trở trăn và chỉ đến “phút 89” khi Thủy chuẩn bị ra trường, Thành mới bộc bạch hết nỗi niềm.
 
 3. Sáng chủ nhật, Thành dậy trễ. Đêm qua, tôi nghe anh liên tục khẽ trở mình… Anh ngồi đọc sách. Chưa được mấy dòng, thẫn thờ gấp lại. Khoảng 9 giờ, Thành bảo tôi: Nóng ruột quá, ông ạ! Mình đi thăm Thủy nhé! Thành mượn xe đạp chủ nhà và dặn chắc chiều về. Nhìn theo dáng Thành vội vàng dắt xe ra ngõ, tôi thấy cay cay sống mũi… Gần hai năm ra Hà Nội, Thành tin cậy và hay tâm sự với tôi. Bà xã Thành là con gái một lãnh đạo cấp sở, với nhiều cơ hội thăng tiến nên cô sớm ngồi vào ghế giám đốc doanh nghiệp. Vợ anh, thực tế coi trọng vật chất, thờ ơ các mối quan hệ ruột rà, dòng tộc. Thành gốc gác nhà nông “cày sâu cuốc bẫm” song bản tính “văn nghệ”, sống nội tâm hay đa sầu, đa cảm… Tương phản như hai màu đen trắng khiến giữa hai người thiếu sự đồng cảm, chia sẻ. “Đồng sàng dị mộng” ngày thêm tăng, Thành mường tượng đôi lúc mình như cánh diều chao đảo trong gió lốc, mấy phen ngỡ đứt dây song nghĩ tới cô con gái 10 tuổi, đành nhẫn nhịn… Lan man, tôi thầm lo cho anh đang ngổn ngang tâm tư, gặp người yêu cũ thì tránh sao “những phút xao lòng”, dễ phiền phức cho đôi bên. Lẽ ra phải ngăn Thành lại! 
 
 Nhá nhem tối, Thành về, lặng lẽ ngồi xuống hiên nhà nơi mọi người ngồi hóng mát trước bữa chiều.
 
 - Sao vậy? Ông chồng cô giáo niềm nở không?
 
 Ngó tôi như người lạ, Thành thũng thẵng: - Ông có tính “Tào Tháo” từ bao giờ vậy? 
 
 Trước sự sốt ruột của mọi người, Thành kể: Đến nhà, mẹ nàng ra mở cổng, sốt sắng gọi con: Mẹ thằng Tuấn ơi, có bác đây từ miền Nam ra thăm… Thủy từ trên lầu xuống, Thành không khỏi bàng hoàng đứng trồng cây chuối. Nào phải Thủy xưa mũm mĩm, trắng hồng; giờ hiện trước anh là một thân hình gầy guộc như thân lúa lép giữa trưa hè; đuôi mắt u uẩn hằn rạn vết chân chim. Sửng sốt tựa tường, cô nghẹn ngào: “Anh, mẹ ơi, anh Thành đấy!”. Lướt mấy bậc cuối cầu thang, Thủy hấp tấp ào tới nắm tay tôi, thổn thức: “Anh vẫn ở trong Nam? Anh thấy khỏe… Em mừng!”.
 
  Ra trường, Thủy được ưu tiên dạy học tại thị trấn huyện và lấy chồng. Xuất ngũ, chồng công tác ở Ban Kinh tế - Tài chính xã. Cuộc sống của họ tương đối lý tưởng đối với vùng thôn quê bình yên. Thế nhưng sóng gió ập đến thật bất ngờ. Nghe lời mấy vị cán bộ chủ chốt, chồng Thủy sa vào vòng quẩn bè phái, tiêu cực. Họ vung tay tiếp khách huyện, tỉnh; biển thủ công quỹ chia nhau, khiến ngân quỹ thâm hụt gần ba trăm triệu. Bị thanh tra, chủ tịch xã là anh trong họ ngọt nhạt xúi bẩy, chồng Thủy “liều mình cứu Chúa”, nhận hết lỗi về mình. Sau đó, gần một năm trước, anh lặng lẽ trốn biệt vào Nam lấy vợ mới, để lại đống nợ cho mẹ già, vợ trẻ, con trai học lớp 4…
 
 - Trời, tội cô giáo zậy? - Không kìm được tiếng thở dài, tôi chợt nhớ buổi chiều đầu tiên đến Bình An. Đón từ Huyện ủy, ba cán bộ xã chở anh em tôi bằng xe máy. Xe băng trên con đường đúc xi măng xuyên qua đồng lúa thì trổ đòng xanh mơn mởn, tôi khen Honda Việt Nam Supr Dream mới tung ra thị trường chạy êm ru, Bí thư Đảng ủy xã phân tình: - Làm “đày tớ của dân” ở cơ sở khó trăm bề, anh ạ! “Trăm dâu đổ đầu tằm”, cái gì cũng tới tay. Việc cấp trên giao, không hoàn thành đi họp hành trên huyện rất khó ăn nói. Bình An ba mặt giáp sông, dân thuần canh cây lúa. Ruộng đất ít, bình quân mỗi khẩu chỉ 1 sào, mỗi ngày chuyện ăn, mặc, học hành, chữa bệnh, hiếu, hỉ chỉ trông chờ vào 1 mét vuông lúa. Phấn đấu thực hiện “điện, đường, trường, trạm” đối với xã nghèo đến độ chưa lập nổi chợ, con em học cấp 3 phải sang xã bạn… quả là bài toán khó. Muốn đạt chỉ tiêu phải tăng khoản thu thuế, phí trong dân, “lạm thu” dân kiện chẳng oan. Có điều, mọi người chẳng thấu cho các chỉ tiêu xây dựng nông thôn là do trên cũng vì chạy theo thành tích áp xuống. À, về mấy “con xe”, ngoài này “con gà tức nhau tiếng gáy”. Đi họp huyện, cán bộ xã giàu cỡi Honda Dream Nhật chính hãng, mình toàn Cup 50 cọc cạch, dễ nóng mặt. Thôi thì, đành bóp bụng ngân sách xã, tăng nguồn thu, mua cho mỗi vị Thường vụ một “con” cho “bằng chị bằng anh”… Trải nghiệm từ chuyến công tác, tôi thấm thía nỗi vất vả của những người nông dân “chân chỉ hạt bột” như vợ chồng anh Trường; hiểu rõ căn nguyên tình trạng xa dân, không sát dân. “Cường hào mới” nảy sinh, dân ắt “tức nước vỡ bờ”… Từ chuyện chồng Thủy, tôi ngậm ngùi tiếc cho một người từng trải luyện trong quân ngũ mà lại bị tha hóa khiến gia cảnh bi kịch. Nghĩ tới sự chịu đựng, mất mát mọi mặt của cô bạn Thành, tôi buột miệng: - “Hồng nhan bạc mệnh”. Yên tâm “sông có khúc, người có lúc”. Thế bây giờ ông tính sao…
 
 - Ước gì “thân này ví xẻ làm đôi mảnh”. Tiếc quá, chỉ tuần nữa là xong chuyến công tác!
 
 4. Kết thúc 40 ngày biệt phái, chúng tôi quay lại trường. Học viện tổ chức hội thảo khoa học để xây dựng môn học về công tác dân vận trong tình hình mới, phương pháp giải quyết “điểm nóng” khiếu nại, tố cáo với quan điểm lấy dân làm gốc. Sau đó, học viên nghỉ một tháng viết luận văn tốt nghiệp.
 
 Về Đà Lạt, khoảng 10 hôm sau, tôi phôn hỏi Thành viết bài vở đến đâu. Đầu dây, anh phấn khởi, reo to: - Chưa được chữ nào. Chuyện cô giáo Thủy có kết quả rồi!
 
Gì vậy, kết quả…? - Tôi nghi ngại. 
 
Bình tĩnh, kể cho ông mừng…
 
Hóa ra, Thành mới sang Đắk Lắk về. Anh tìm tới Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Krông… Thủy cho biết chồng đã thay tên đổi họ và nhờ vả người quen xin vào làm kỹ thuật ở đây. Nghe giới thiệu, mặt anh chồng tái xanh như tàu lá, giọng run run mời khách vào nhà. Vòng vo rồi chồng Thủy giãi bày: - Trước khi cưới, Thủy không giấu mối tình của anh dành cho mình. Nếu thuận lời anh, giờ này, đã là cô giáo ở Đà Lạt hoặc anh đã chuyển về quê. Ở bất cứ đâu, hai người cũng có điều kiện xây dựng cuộc sống hạnh phúc, viên mãn… Tiếc là vì hai gia đình nặng “tình làng, nghĩa xóm” chắp mối hứa hôn trước khi tôi nhập ngũ và Thủy vào đại học. Chúng tôi nên vợ nên chồng song thiếu sự đồng cảm. Thủy yêu anh là lẽ tất nhiên, là xứng đáng. Dịp cô ấy sắp ra trường, tôi xuất ngũ và bàn chuyện cưới xin. Thủy bàng hoàng bởi phải đối diện với “ngã ba đường”, phải lựa chọn giữa bên tình và bên hiếu. Cô dằn vặt, đau xót vô cùng khi nói sự thật cảnh ngộ với anh… Trời nghiêng, đất sụt nhưng anh cố cảm thông, không biểu lộ nỗi niềm trách cứ gì. Chúng tôi khắc sâu, cảm kích điều ấy… Hơn năm biệt xứ, tôi ngẫm lỗi mình quá lớn. Vì sĩ diện và nghĩ đoạn tuyệt quá khứ sẽ không làm liên lụy tới Thủy, tôi đã trốn chạy gia đình, quê hương… 
 
 Thành cho chồng Thủy biết, hậu quả nợ nần ở nhà Thủy đã đôn đáo vay mượn để hoàn trả. Tiêu cực của cán bộ xã cũng sáng tỏ, xử lý công minh. Chồng Thủy sai phạm nhưng chính anh là nạn nhân của đám “cường hào” mới kia. “Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”, anh phải đối diện với sự thực, không thể để vợ bươn trải chăm mẹ, nuôi con. Cuộc đời vẫn ở phía trước, vì tương lai và danh dự phải mạnh mẽ đứng lên làm lại từ đầu, không được phụ tình cảm, sự lựa chọn trước đây của Thủy khi từ chối tình yêu của Thành để giữ trọn chữ hiếu với gia đình… Anh phải quay về với vợ con.
 
 - Thuyết khách khá hay đấy. Vậy tin vào Nam lấy vợ thất thiệt à?
 
 - Anh ta bịa ra vì cho rằng Thủy sẽ thôi ngóng trông, có quyết định khác tốt hơn!
 
 - Ừm, ừm! Tiếp theo thế nào…?
 
 - Anh ta tính cuối tháng hồi hương! Tha thiết mời anh em ta sắp tới về thăm! 
 
 Tôi thở phào nhẹ nhõm: - Một cái kết có hậu! Mà… chuyện nhà, ông cũng gắng dàn xếp cho sớm sóng yên biển lặng nghe!
 
 Giọng Thành chậm rãi, dứt khoát: - Yên tâm, từng “ba cùng” với công tác dân vận mà. OK!
 
Tháng 6/2017
 
Truyện ngắn: NGUYỄN THANH ĐẠM