"Thời gian không đổi sắc màu" lắng nghe Phan Quang thủ thỉ tâm tình...

09:07, 06/07/2017

Nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi cảm kích khi nhận được món quà quý là tập phê bình - tiểu luận "Thời gian không đổi sắc màu" (NXB Văn học, 2017) do nhà báo, nhà văn lão thành Phan Quang - nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam gửi tặng. 

Nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi cảm kích khi nhận được món quà quý là tập phê bình - tiểu luận “Thời gian không đổi sắc màu” (NXB Văn học, 2017) do nhà báo, nhà văn lão thành Phan Quang - nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam gửi tặng. 
 
Tác giả Phan Quang và bìa tập sách phê bình - tiểu luận “Thời gian không đổi sắc màu”
Tác giả Phan Quang và bìa tập sách phê bình - tiểu luận “Thời gian không đổi sắc màu”
Nhắc tới Phan Quang, độc giả mấy chục năm nay không thể không biết những tác phẩm văn học, truyện thiếu nhi và sách dịch của ông, trong đó nổi tiếng có các tác phẩm: Nghìn lẻ một đêm, Trở lại với đời… cùng nhiều tác phẩm nghiên cứu, phê bình - khảo luận có giá trị. Ở tuổi gần 90, hơn 10 năm qua, tác giả vẫn chưa ngơi sung mãn, mỗi năm trình làng đôi cuốn sách, có cuốn “Phan Quang - Tuyển tập mười năm” tuyển những bài báo mới viết, khổ lớn (16x24 cm), dày tới trên 830 trang. Trải nghiệm, nghiêm túc và trách nhiệm với lao động nghề nghiệp và đặc biệt là có cái tâm trân quý đồng nghiệp, văn hóa nhân loại nên Phan Quang bồi đắp cho mình một phông văn hóa, kiến thức sâu rộng, uyên bác, bặt thiệp. Điều gì đã làm nên chân dung Phan Quang? Một trong những lời lý giải là với ông, sách là bậc minh sư, minh triết thông tuệ. “Thư trung hữu kim ngọc” (Trong sách có vàng có ngọc). Trong Lời thưa “Thời gian không đổi sắc màu”, ông thừa nhận: “Niềm đam mê đọc sách trong tôi là cái tật bẩm sinh mang tính di truyền, lại bị bội nhiễm, từ thuở ấu thơ cho đến lúc về già gần như sống trong môi trường sách, làm việc ở đâu, nhìn vào phía nào cũng thấy sách và sách. Do vậy, hễ có chút thời gian rảnh rỗi là tôi cầm cuốn sách. Trong công việc hằng ngày, dù lúc xắn quần lội ruộng cùng nông dân hay vi vu đến một phương trời nào đó, làm một việc được cấp trên giao, lại càng thấy không thể không đọc sách trước, trong và sau mỗi chuyến đi”. Nhớ cách đây chừng 3-4 năm, nhà báo Phan Quang vào Đà Lạt, món quà ông mang cho tôi là tập “Hội thảo khoa học văn hóa truyền thông trong thời kỳ hội nhập” tổ chức tại Hà Nội năm 2013. Tập kỷ yếu dày 450 trang, khổ lớn, in nhiều tham luận khoa học có giá trị thực tiễn đối với hoạt động báo chí được ông đọc rất kỹ, lề nhiều trang có ghi những nhận xét sắc sảo... Đọc sách để nâng cao kiến văn, đọc sách để hiểu thêm và nâng niu giá trị lao động sáng tạo, tâm huyết của đồng nghiệp. Ông viết: Sách của danh gia đã đành, có nhiều cuốn của bằng hữu, lẽ dĩ nhiên không phải cuốn nào cũng tuyệt tác, nhưng dù hay nhiều hoặc không hay mấy vẫn mang tâm huyết và công phu của tác giả, vẫn cung cấp cho mình một số thông tin, nhất là nghĩ đến nghĩa tình bè bạn với nhau. Tôi nhớ mãi câu nói của nhà thơ Chế Lan Viên: “Chúng mình sống với nhau bốn mươi năm, chẳng lẽ không viết cho nhau được bốn trăm dòng”. 
 
Tập phê bình tiểu luận “Thời gian không đổi sắc màu”, theo tác giả “coi như tấm lòng một người suốt đời cầm bút bày tỏ lòng tri ân sách, người bạn muôn đời”. Cùng với tiểu luận “Người bạn muôn đời” nhằm luận giải “Sách không chỉ là tập giấy” và khẳng định “Văn minh loài người hình thành từ sách”, tác giả đã tâm huyết phân tích, nhận xét 30 tác giả trong và ngoài nước cùng tác phẩm của họ. Trong nước, tác giả luận bàn một cách cân phân, có tình có lý về nhân cách, bút pháp không chỉ của những “cây đa, cây đề” từ nhà cách mạng kiên cường, nhà báo lỗi lạc Nguyễn An Ninh, nữ sĩ Đạm Phương, nhà văn Ngô Tất Tố, nhà văn Nguyễn Tuân… mà còn quan tâm đến lớp hậu thế hôm nay như nhà báo Trương Đức Minh Tứ (Quảng Trị) hay Phó Giáo sư, Tiến sĩ báo chí Nguyễn Văn Dững (Hà Nội)… Với kiến thức phong phú, am hiểu Đông - Tây, Kim - Cổ, nên Phan Quang phân tích, phát hiện ra những nét đặc sắc làm nên sự độc đáo và trình bày sinh động, hấp dẫn, giàu sức thuyết phục về các tác gia trên thế giới như Gabriel Garcia Marquez, Jacques Danois và các ký giả, nhà văn hóa phương Tây... Đọc “Thời gian không đổi sắc màu”, tôi cảm giác như đang nghe nhà báo, nhà văn Phan Quang ân cần, nhẹ nhàng, thủ thỉ tâm tình chuyện đời, chuyện nghề với độc giả. 
 
Lâm Đồng Cuối tuần trân trọng giới thiệu bài “Hiện đại và nhân văn” của nhà báo, nhà văn Phan Quang cảm nhận về sự thành công của tiểu thuyết “Dịch hạch và Thổ tả” do nhà văn Patrick Deville (Pháp) viết về bác sĩ Alexandre Yersin - người đã dành 50 năm cuối cuộc đời lừng lẫy cho nước Việt Nam ông vô cùng gắn bó và điều đặc biệt là công lao cách đây 124 năm Yersin là người khám phá ra cao nguyên Lang Biang, dày công kiến nghị để xây dựng nên Đà Lạt - thành phố nghỉ dưỡng, du lịch thơ mộng, xinh đẹp ngày nay.
 
ĐAN THANH