Độc đáo "Bảo tàng văn hóa Phật giáo và Dân tộc"

09:08, 10/08/2017

Với hơn 10.000 cổ vật, hiện vật quý hiếm thuộc các niên đại khác nhau được trưng bày tại Thiền viện Vạn Hạnh, Phường 8 - TP Đà Lạt, "Bảo tàng Văn hóa Phật giáo và Dân tộc" do Thượng tọa, Viện chủ Thích Viên Thanh sáng lập được xem là bảo tàng tư nhân vô giá và lớn nhất hiện nay ở Lâm Đồng.

Với hơn 10.000 cổ vật, hiện vật quý hiếm thuộc các niên đại khác nhau được trưng bày tại Thiền viện Vạn Hạnh, Phường 8 - TP Đà Lạt, “Bảo tàng Văn hóa Phật giáo và Dân tộc” do Thượng tọa, Viện chủ Thích Viên Thanh sáng lập được xem là bảo tàng tư nhân vô giá và lớn nhất hiện nay ở Lâm Đồng.
 
Những chiếc chuông cổ bằng đồng đặc biệt quý hiếm. Ảnh: L.Trọng
Những chiếc chuông cổ bằng đồng đặc biệt quý hiếm. Ảnh: L.Trọng
40 năm… sưu tầm cổ vật!
 
Tọa lạc trong không gian thoáng đẹp và bình yên của Thiền viện Vạn Hạnh, “Bảo tàng Văn hóa Phật giáo và Dân tộc” được Thượng tọa, Viện chủ Thích Viên Thanh sáng lập cách đây 6 năm đã thực sự thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều người, trên nhiều bình diện và lĩnh vực khác nhau. Tại đây, hơn 10.000 cổ vật, hiện vật quý hiếm thuộc các niên đại khác nhau, phản ánh sinh động văn hóa Phật giáo và nền văn minh lúa nước cũng như đời sống, sinh hoạt hàng ngày của cộng đồng các dân tộc Việt Nam theo suốt chiều dài của lịch sử đất nước đã được Viện chủ cất công sưu tầm trong suốt 40 năm qua. 
 
“Cơ duyên mà tôi tiếp cận và sưu tập được những cổ vật, hiện vật quý hiếm như thế này là từ những chuyến đi làm công tác từ thiện - xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc trong tỉnh. Mục đích thành lập Bảo tàng là muốn giúp cho thế hệ mai sau có được cái nhìn và sự hiểu biết đầy đủ về những phong tục, tập quán của cha ông chúng ta đã để lại cũng như những dấu ấn văn hóa của dân tộc ta” - Thượng tọa bộc bạch. 
 
Bên cạnh những cổ vật phản ánh văn hóa Phật giáo với nhóm tượng Phật thời Nguyễn - triều đại mang dấu ấn khá rõ nét văn hóa Việt Nam cũng như văn hóa Phật giáo; nhóm tượng các bậc vĩ nhân bằng đồng, hay như một số vật dụng thờ cúng đặc biệt quý hiếm, Bảo tàng còn là nơi lưu giữ, trưng bày hàng ngàn cổ vật, hiện vật từ 30 năm đến hàng trăm năm tuổi mà không phải bảo tàng nào cũng có được, như: Các loại mâm đồng, nồi đồng, các loại chiêng-chóe cổ, các vật dụng trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày của cư dân nông nghiệp và cư dân các dân tộc bản địa Tây Nguyên. 
 
Một phần không gian của bảo tàng còn lưu giữ những vật dụng, hiện vật hết sức đời thường và dân dã trong suốt một thời gian dài đã từng gắn bó mật thiết với cư dân nông nghiệp, với nền văn minh lúa nước như: Xe đạp nước, máy tuốt lúa, cuốc, cày, nơm, vó, gùi… Đặc biệt, các loại nồi đồng, cối đá đã nhuốm màu thời gian đã nói lên nhiều điều về những giá trị cổ xưa, lấp lánh vẻ đẹp thuần khiết, đồng thời là biểu tượng văn hóa của một thời kỳ lịch sử khó quên trong tâm thức Việt. Theo Viện chủ, để sở hữu một khối tài sản khổng lồ và vô giá như thế này, trên thực tế ông cũng đã gặp không ít những khó khăn, vất vả trong quá trình sưu tầm các loại cổ vật, hiện vật tại nhiều địa phương trong cả nước. 
 
Nhiều cổ vật quý hiếm 
 
Là du khách đến từ TP Hồ Chí Minh cùng với gia đình trong một chuyến tham quan TP Hoa Đà Lạt gần đây, anh Đặng Đăng Khoa đã không khỏi ngạc nhiên khi được tận mắt “mục sở thị” không gian Bảo tàng cổ vật nơi đây. Anh say sưa tìm hiểu và ghi lại hình ảnh các cổ vật, hiện vật quý hiếm mà lần đầu tiên trong đời mới có dịp diện kiến với niềm vui không kể xiết: “Tôi thực sự bất ngờ bởi nơi đây đã lưu giữ nhiều giá trị lịch sử - văn hóa độc đáo. Ngoài những cổ vật, hiện vật quý hiếm của nền văn hóa Phật giáo, còn có cả những cổ vật, hiện vật của nhiều nền văn hóa lớn như: văn hóa Chăm, văn hóa Tây Nguyên, nền văn hóa cận, hiện đại… Những cổ vật, hiện vật được trưng bày tại đây là vô giá, nhưng còn công lao mà thầy Thích Viên Thanh đã cất công tìm kiếm, sưu tầm thì còn lớn hơn rất nhiều, không thể nói hết được!”. Không chỉ du khách thập phương mà ngay cả điêu khắc gia K’Minh Tuấn - Hội viên Chi hội Mỹ thuật thuộc Hội VHNT Lâm Đồng, người từng đoạt nhiều giải thưởng và có thâm niên trong giới mỹ thuật tỉnh Lâm Đồng cũng khá bất ngờ khi tận mắt chứng kiến khối tài sản khổng lồ đang hiện hữu tại nơi đây. Điêu khắc gia chia sẻ: “Được khám phá không gian cổ vật của thầy Viên Thanh, với tôi, quả là điều rất bổ ích. Không chỉ có nhiều cổ vật quý hiếm ngay cả một số bảo tàng của Nhà nước cũng không thể có được, mà những gì đang hiện hữu tại Bảo tàng còn giúp tôi có được những tư liệu quý giá cho công việc điêu khắc của tôi sau này… Tuy nhiên, theo tôi, thầy cần sắp xếp, bố trí và chú thích các cổ vật một cách cụ thể, khoa học hơn để nó phát huy giá trị cao nhất tại Bảo tàng”. 
 
Rõ ràng, việc hệ thống hóa các cổ vật, hiện vật đã sưu tầm được theo niên đại, theo nhóm, phẩm cấp và sắp xếp, chú thích nó một cách hợp lý, cụ thể trong một chỉnh thể thống nhất để các cổ vật, hiện vật phát sáng trong không gian nơi đây là điều hết sức cần thiết, đòi hỏi phải mất khá nhiều thời gian và cả công sức cũng như sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng có liên quan. Đây cũng là tâm nguyện đau đáu của Thượng tọa, Viện chủ Thích Viên Thanh khi đã dành phần lớn tâm sức của đời mình để kiếm tìm, sưu tầm và đưa các cổ vật, hiện vật quý hiếm, hay nói đúng hơn là đưa các giá trị văn hóa đến gần hơn với công chúng.
 
LÊ TRỌNG