Người lính cá biệt

08:08, 10/08/2017

Người kể chuyện vì sao nghiện thuốc lào tên là Bào. Lại là anh chàng Bào, lính mới được bổ sung vào Trường Sơn tháng 5/1972, thuộc biên chế tiểu đội 1, trung đội 1 mà tôi là trung đội trưởng.

- Các cậu có biết vì sao tớ nghiện thuốc lào không?
 
- Thì quê cậu ở Tiên Lãng - Hải Phòng, nổi tiếng về trồng thuốc lào. Trồng thuốc thì tha hồ mà hút chứ sao!
 
- Không phải thế đâu!
 
- Thế thì vì cái gì?
 
- Vì lúc mới sinh ra, từ khi bú mẹ, hai đầu vú của mẹ tớ đã có mùi thuốc lào. Hơn một tuần lễ bị sặc vì mùi thuốc, nhưng tớ nghĩ không bú thì sống bằng gì. Thế là bú mãi thành quen. 
 
Cả đám lính trẻ hơn chục anh ngơ ngác, chưa hiểu sao. Có cậu nói luôn: thế thì ai bôi thuốc lào vào đầu vú của mẹ cậu?
 
- Nói thế mà chưa hiểu à?
 
Đám lính trẻ im lặng một lát rồi tất cả cùng cười phá lên thật lâu. Ha ha ha hiểu rồi, đồ quỷ sứ!
 
Người kể chuyện vì sao nghiện thuốc lào tên là Bào. Lại là anh chàng Bào, lính mới được bổ sung vào Trường Sơn tháng 5/1972, thuộc biên chế tiểu đội 1, trung đội 1 mà tôi là trung đội trưởng.
 
Minh họa: Thanh Toàn
Minh họa: Thanh Toàn
Ở Trường Sơn, không có văn bản nào quy định bao nhiêu thời gian sẽ là lính cựu, lính mới, nhưng ở trung đội công binh của tôi, anh nào gỡ phá bom mìn của giặc nhanh, gọn thì được gọi là lính cựu. Bào mới vào 2 tháng, nhưng kinh nghiệm phá bom nổ chậm của anh không thua những người lính đã ở đây hai, ba năm.
 
Trông hình thức bên ngoài, anh chàng có vẻ yếu ớt: người thanh mảnh, da trắng nhưng không phải là trắng hồng, vẻ thư sinh. Mà thật ra, Bào là sinh viên năm thứ ba, đại học tổng hợp văn, tạm xếp bút nghiên lên đường ra trận như hàng ngàn sinh viên cùng thời với mình khi đất nước có giặc ngoại xâm. Đó là điều đáng trân trọng. Nhưng riêng tôi không thích anh này, mặc dù anh là lính của tôi. Là trung đội trưởng lại nắm ngay tiểu đội 1, ngày đầu tiên thấy anh chàng được đưa đến, tôi đã không cảm tình bởi anh chàng mặc bộ quân phục chật cứng, người cao gầy nên trông anh như cây sào di động. Anh này đã chữa lại quần áo theo ý mình. Đã vậy, lúc nào cũng hai tay chắp sau đít, đi đi lại lại ngắm nhìn cây rừng, máy bay rồi suối chảy, cặp lông mày nhíu lại ra vẻ đang suy nghĩ một điều gì quan trọng. Điểm không thích thứ hai ở anh chàng này là anh ta luôn miệng kể chuyện tếu táo, đọc thơ có nội dung tục tĩu để mọi người cười đùa ầm ĩ, ngay cả lúc đang tập trung tháo bom nổ chậm mà máy bay Mỹ ngày nào cũng thả xuống đường Trường Sơn. Cách đọc thơ, cách nói chuyện tếu của Bào để mọi người cười, nhưng họ càng cười to, cười nhiều khi Bào diễn tả động tác mà tôi bảo thằng hề trên sân khấu.
 
Tôi càng bực mình là các chiến sỹ ở tiểu đội 2, 3 cũng xúm đến để nghe Bào, lắm lúc quên cả nhiệm vụ trên mặt đường hoặc cả lúc đến giờ ăn.
 
Là chỉ huy tôi không thể xa lánh chiến sỹ của mình nhưng với riêng Bào, tôi thật sự không thích gần gũi. Mà hình như Bào cũng biết vậy nên cũng không mặn mà gì với tôi. Đã vậy, lúc nào giáp mặt cũng “thưa đồng chí chỉ huy tôn kính” càng làm tôi khó chịu.
 
Có đến 6 lần sinh hoạt trung đội vào buổi tối, tôi nhắc Bào bớt nói tếu táo, kể chuyện tục tĩu đi, Bào đều đứng lên nói:
 
- Các câu chuyện mà tôi kể, câu thơ của tôi đọc đều là của nhân dân sáng tạo ra, sao đồng chí lại ngăn cấm tôi. Đồng chí chỉ có quyền phê bình tôi là không hoàn thành nhiệm vụ hoặc không chấp hành kỷ luật quân đội mà thôi. Cười để quên đi vất vả, cười là thuốc bổ tinh thần, tiếng cười nằm trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam. Chỉ có… chỉ có… xin lỗi đồng chí là đối phương mới sợ tiếng cười, sợ văn hóa Việt Nam thôi, thưa đồng chí chỉ huy tôn kính! 
 
Lạ chưa, mọi người lại vỗ tay hoan hô? Sau mấy chục phút rút kinh nghiệm công việc những ngày qua là ca hát. Lạ chưa, Bào hát rất hay những bài ca cách mạng như: Trên đỉnh Trường Sơn ta hát, Bài ca Trường Sơn, Đêm Trường Sơn nhớ Bác, Xe ta đi trong đêm Trường Sơn v.v… rồi Bào lại đọc những bài thơ của chính mình sáng tác, những bài thơ ca ngợi người lính cách mạng ở Trường Sơn với niềm tin tất thắng của dân tộc. Tôi buộc phải nghe bởi không thể đứng ngoài cuộc.
 
Hết giờ sinh hoạt mà mấy chàng lính trẻ vẫn nán lại để nghe thêm chuyện của Bào kể. Tôi bỏ về, vẫn tin là Bào lại kể chuyện tếu mà thôi.
 
* * *
 
Nơi sinh hoạt của trung đội tôi (cũng như các trung đội khác ở Trường Sơn) là chiếc hầm chữ A được ken dày bằng gỗ, đắp đất lèn kỹ, nửa nổi nửa chìm, đủ chứa gần 40 người. Những năm tháng Trường Sơn khói lửa, các đơn vị công binh, pháo binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đóng quân cách mặt đường khoảng 200 đến 300 mét, cứ 2 người ở một hầm chữ A. Bếp ăn cũng là hầm chữ A khá rộng. Anh nuôi chia cơm cho từng người, rồi mỗi người tản một chỗ ngồi ăn đề phòng giặc ném bom. Chúng cứ nhằm vào màu xanh của rừng mà ném bởi chúng nghĩ quân ta trú ở đó. Tuy nhiên chúng không thể quên nhiệm vụ của tội ác giao cho chúng là ném bom cho nát mặt đường, không cho xe ta chở hàng, vũ khí ra trận, ngăn chặn các sư đoàn bộ binh ta trên đường mòn Hồ Chí Minh ngày đêm thẳng tiến vào Nam. Bom chúng ném đủ loại: Bom bi, bom phá, bom phát quang… Chúng ném vô tội vạ, ném như trẻ con vô thức nắm những hòn sỏi quăng từ trên cao xuống và không thể thiếu bom nổ chậm. Nó nằm ở các ngóc ngách trên dọc các tuyến đường Trường Sơn, nó nổ bất kỳ lúc nào, và vì thế, sau mỗi trận bom tạm ngừng, công binh lại ào lên mặt đường để đi tìm “kẻ thù giấu mặt nguy hiểm” - những trái bom nổ chậm, “sứ giả” của tội ác.
 
* * *
 
- Ở quê tớ ấy mà, nhiều gia đình trồng bí đao, loại bí xanh có hình dáng như trái bầu nhưng to hơn, loại này đem đến cho nhà máy sản xuất bánh kẹo làm mứt tết ngon tuyệt.
 
Hàng xóm nhà tớ có một ông, sáng mờ mờ ra ruộng bí đao, thấy 4 trái rất to, nằm ở giữa ruộng, ông mừng lắm, kiểu này bán cho nhà máy sản xuất bánh kẹo sẽ thu khối tiền. Ông chạy về gọi con cháu ra khiêng về, sau khi lật đi lật lại để ước lượng xem, chao ôi nó nặng đến 500 kg mỗi quả. Một giờ sau, ông cùng con cháu thất vọng vì kẻ nào đã vác trộm 4 trái bí đó, mà không biết rằng có một tổ công binh của ta đi qua, phát hiện ra đó là bom liền tháo ngòi nổ và đem đi. May quá, nếu không thì hơn ba chục người không còn thấy ngày giặc sẽ cuốn xéo khỏi nước ta, và ruộng bí đao sẽ thành hố bom to đùng to đoàng! Mọi người lại cười vì cách nói, điệu bộ của Bào.
 
* * *
 
Tôi ở chung hầm với Sơn, trung đội phó của tôi. Một buổi tối, vì mưa to, chúng tôi không đến với đồng đội của mình ở các hầm khác, Sơn nói với tôi:
 
- Sinh viên đại học có khác, cậu ta thông làu làu sử sách cổ kim đông tây. Đêm thường kể cho anh em nghe. Nào “Tam Quốc”, “Thủy Hử”, “Hồng lâu mộng”, “Tây du ký”… rồi thì lịch sử văn minh phương Tây, văn minh Trung Hoa, văn minh Ấn Độ v.v… khá lắm.
 
Tôi giật mình, thì ra đâu chỉ có việc Bào tếu táo, tục tĩu mà còn… có một con người khác trong Bào. Cũng qua Sơn kể, tôi mới biết Hoàng Bào, họ tên đầy đủ của anh lính trẻ này - Hoàng là vàng, là hoàng đế, Bào là áo của Hoàng đế đấy nhé các cậu ạ - Bào nói vậy. Còn Xanh-pê-tec-bua là thành phố Lêningrát ngày nay. Tại sao là Xanh? Xanh là thánh, chứ không phải màu xanh. Rồi thì Thiên là trời, địa - đất, tử - mất, tồn - còn, tử - con, tôn - cháu, lục - sáu, tam - ba, gia - nhà, quốc - nước, tiền - trước, hậu - sau, ngưu - trâu, mã - ngựa… Nhiều lắm, đồng chí trung đội trưởng ạ. Đúng là có học vẫn hơn. 
 
Tôi tự thấy mình hẹp hòi, nhưng cái tính ích kỷ của tôi nó bắt tôi im lặng, không thừa nhận mình yếu kém. Tôi vốn học không khá, nên 18 tuổi mới học xong lớp 7/10. Thi không đỗ lên cấp 3, tôi ở nhà làm việc ở đoàn xã. 24 tuổi, tôi được kết nạp vào Đảng và được cử giữ chức Bí thư xã đoàn. Được một năm, tôi xung phong nhập ngũ, đó là tháng 2/1971. Tôi thích vào bộ đội bởi làng tôi nhiều thanh niên nhập ngũ, lúc về phép, mặc quân phục, mũ đeo sao, trông “oách” lắm. Có cậu bằng tuổi tôi lại được mặc quần áo sỹ quan, đeo súng ngắn, oai thật.
 
Và rồi tôi trúng tuyển, được đào tạo 6 tháng về công binh và vào Trường Sơn. Từ chuyện của Bào, tôi thấy mình thật kém cỏi, lúc ở nhà chỉ đọc mỗi tờ “Tiền phong”, không quan tâm đến đọc, mà có muốn đọc cũng không có sách báo. Thời chiến mà, cái gì cũng hiếm.
 
Nghe Sơn kể về Bào, tôi thấy mình nhỏ bé quá. Người lính đâu chỉ có dũng cảm trước quân thù, dám chấp nhận hi sinh, mà còn phải có học thức, lạc quan, yêu đời. Vậy mà tôi không chịu hiểu, hay không hiểu để rồi, người ta có mặt tốt thì cố tình bỏ qua, chỉ chăm chăm tìm cho ra cái mà mình cho là xấu ở người khác…
 
… Ba đêm liền, tôi trằn trọc mất ngủ, rồi tôi đi đến một quyết định, sẽ năng gần gũi Bào để học hỏi những kiến thức lịch sử, văn hóa bù vào cái lỗ hổng quá lớn trong đầu mình. Tôi sẽ nói với Bào, tôi xin lỗi đồng chí vì thời gian qua tôi đã xa lánh đồng chí.
 
Và rồi tôi thiếp đi. Bỗng nhiên Bào đến bên tôi, Bào tươi cười đọc cho tôi nghe 3 bài thơ mới sáng tác của mình, tôi chúc mừng Bào rồi chúng tôi nói với nhau về sau này hết giặc, tôi sẽ học thêm văn hóa để phục vụ lâu dài trong quân đội, Bào nói sẽ trở về trường đại học của mình, ra trường sẽ xin làm phóng viên Báo Quân đội Nhân dân.
 
Đang trò chuyện, bỗng hàng chục tiếng nổ rất to. Chúng lại đến ném bom. Mới mờ mờ sáng. Tôi choàng dậy. Thì ra tôi ngủ lơ mơ. Nhưng bom nổ là có thật. Hàng loạt bom trút xuống, mặt đất chao đảo như thể mặt nước nổi sóng.
 
Hết tiếng nổ rồi. Tôi nhìn đồng hồ: 5h15. Nghe tiếng lao xao ở hầm số 5 cách chỗ tôi ở 4 hầm, tôi chạy sang, đã thấy 8 chiến sỹ xúm xít một chỗ. Tôi rẽ vào. Muộn rồi, Bào nằm đấy, máu me đầy mình. Chúng thả đủ loại bom. Bào bị hàng chục viên bom bi cắm sâu vào đầu, vào mặt và toàn bộ thân thể.
 
Hôm ấy, đến phiên của Bào trực đêm với Tuấn cùng tiểu đội 1. Ba giờ sáng, Bào bảo Tuấn đi ngủ, còn Bào thức để suy nghĩ viết cho xong bài thơ. Bào đi đi lại lại trong khu vực trung đội 1 đóng quân. Thế rồi chúng đến. Bom ném mặt đường, ném bừa ra cả ven rừng - nơi đóng quân của các đơn vị. Một trái bom bi quăng trúng cửa hầm, nơi Bào đang đứng quan sát.
 
Đơn vị tổ chức lễ truy điệu Bào ở khoảng đất trống nhưng cao ráo. Khoảng đất chỉ có cỏ tranh, gai góc và những cây hoang dại.
 
Tôi bần thần cả người. Tôi thầm trách mình đã cố chấp Bào, coi Bào là người không đứng đắn, là đứa ngông nghênh mà không nghĩ đến Bào là người lính có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc được giao. Nhiều hôm, không phải ca trực chiến, Bào cũng ra mặt đường phá bom nổ chậm với đồng đội. Trông người thanh mảnh vậy mà có đến 3 lần cõng đồng đội bị thương, đi một mạch 4 km đến trạm quân y tiền phương.
 
* * *
 
Bốn mươi sáu năm đã đi qua, tôi còn nhớ mãi gương mặt của Bào lúc hi sinh: cặp mắt mở to, môi hé mở như chuẩn bị cười trước khi kể những truyện vui hoặc đọc thơ cho đồng đội nghe. Tôi ân hận vì luôn nghĩ, luôn nói Bào là người lính cá biệt, càng ân hận khi đã nhận ra sai lầm của mình thì Bào đã đi xa. Tuổi trẻ thường nghĩ đến tương lai, tuổi già thường hoài cổ. Quá khứ mà tôi luôn nghĩ tới là những năm tháng ác liệt nhưng tự hào ở Trường Sơn, nghĩ tới những cán bộ, chiến sỹ đã có mặt ở Trường Sơn trong những ngày khói lửa của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Trong đội ngũ ấy, có những người lính dũng cảm, thông minh như Bào mà đáng lẽ tôi phải nhận ra, chỉ một vài ngày ở với nhau. Ích kỷ, ghen ghét người quanh ta chỉ làm cho mình nhỏ bé đi, thậm chí thói ấy nó giết chính mình nếu mình không kiên quyết từ bỏ nó.
 
Với Hoàng Bào, cậu ấy ra đi khi chưa tròn 22 mùa xuân, nhưng Bào và hàng chục vạn thanh niên như Bào đã dâng tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc vĩnh viễn mùa xuân.
 
Truyện ngắn: NGUYỄN THANH HƯƠNG