Nhà báo Lê Hồng Văn và thơ văn trước đời

08:08, 31/08/2017

Thỉnh thoảng gặp anh, sau chuyện nghề nghiệp, chuyện làng báo, chuyện đời… cho đến lúc cao trào thế nào cũng mang thơ ra "đãi" nhau. Anh thuộc nằm lòng những vần thơ anh viết nên mỗi khi ngâm vịnh với bạn bè, đồng nghiệp không hề vấp quên. Vậy nhưng phải tới tháng 6 vừa qua, anh mới "chịu" cho ra mắt tập sách đầu tay "Thơ văn chọn lọc Lê Hồng Văn". 

Thỉnh thoảng gặp anh, sau chuyện nghề nghiệp, chuyện làng báo, chuyện đời… cho đến lúc cao trào thế nào cũng mang thơ ra “đãi” nhau. Anh thuộc nằm lòng những vần thơ anh viết nên mỗi khi ngâm vịnh với bạn bè, đồng nghiệp không hề vấp quên. Vậy nhưng phải tới tháng 6 vừa qua, anh mới “chịu” cho ra mắt tập sách đầu tay “Thơ văn chọn lọc Lê Hồng Văn”. 
 
Nhà báo Lê Hồng Văn (thứ hai, trái qua) tặng sách cho đồng nghiệp Báo Lâm Đồng. Ảnh: Thanh Toàn
Nhà báo Lê Hồng Văn (thứ hai, trái qua) tặng sách cho đồng nghiệp Báo Lâm Đồng. Ảnh: Thanh Toàn

Bản lý lịch trích ngang của anh ghi: Lê Hồng Văn, sinh năm 1959, quê Nhật Lệ, Quảng Bình - nơi có con sông nổi tiếng với hình ảnh Mẹ Suốt: “Một tay lái chiếc đò ngang/Bến sông Nhật Lệ quân sang đêm ngày” thời binh lửa. Vì thế, tuổi thơ anh nếm trải những đêm ngủ hầm tránh bom, những bữa cơm không đủ ăn để rồi mỏi mong tết về được “ăn ngon, mặc đẹp*” trên miền quê cát nóng gió Lào, được xem những đám cưới đầu xuân kèm theo câu khẩu hiệu “Vui duyên mới, không quên nhiệm vụ” rất đặc biệt diễn ra vào ngày mùng 2 tết. “Đám cưới của các cô gái làng với các chú bộ đội trong Nam sau những trận đánh ác liệt ở chiến trường miền Nam ra an dưỡng; của những cô gái làng với những anh bộ đội từ Bắc chuẩn bị vào Nam chiến đấu, của những thanh niên chuẩn bị nhập ngũ ở quê… Người ta chọn ngày mùng 2 tết có lẽ vì đó là ngày ngừng bắn cuối cùng của 3 ngày tết và cũng là dịp hội tụ đông đủ của bà con làng xóm, bạn bè” - Bút ký Tết thời chiến. Lớn lên đến tuổi đôi tám cũng là lúc tạnh ráo bom rơi đạn lạc, chàng trai Lê Hồng Văn rời quê xứ vào học Văn khoa, Đại học Tổng hợp Huế. Một thời văn khoa mở ra trước mắt anh biết bao hoài bão “Trên đường ta đi tới” khi đất nước liền một dải, quê hương thanh bình trải rộng khắp làng quê mà vì thế khi mới ra trường, anh khoác ba lô xuôi Nam xe mối duyên tình định cư với “Nàng tiên Bình Thuận” nơi biển xanh, cát trắng, nắng vàng cho tới tận hôm nay. Có điều, mặc dù học văn chương nhưng anh vào đời mưu sinh không phải bằng nghề viết lách, thay vào đó anh làm viên chức chính quyền. Cái cơ duyên của nghiệp cầm bút chuyên nghiệp chỉ đến với anh cách đây hơn 15 năm khi anh đảm nhận vị trí công tác Phó Tổng Biên tập và nay là Tổng Biên tập Báo Bình Thuận. Cũng vì thế mà đa số những trước tác thơ văn của nhà báo Lê Hồng Văn đều được sáng tác trong giai đoạn làm báo nên không khiến ta ngạc nhiên. Và cũng ngần ấy thời gian cầm bút anh mới “chào sân” văn nghệ tập sách đầu tay của đời mình “Thơ văn tuyển chọn Lê Hồng Văn” là vậy. 
 
Ngay cái tên “ Thơ văn tuyển chọn Lê Hồng Văn” - do Nhà Xuất bản Thanh Niên ấn hành vào quý 2 năm nay đã phần nào toát lên ý tứ của tập sách với đủ các “món ăn” tinh thần từ truyện ngắn, phóng sự, bút ký, tùy bút cho đến bình luận và dĩ nhiên không thể thiếu thơ. Với độ dày 157 trang sách, được chia thành hai phần thơ và văn, trong đó thơ anh chiếm hơn một phần ba. Thơ của nhà báo Lê Hồng Văn cũng được đưa vào các chủ đề riêng, viết về Đảng, về Bác, về quê hương đất nước ghi tạc lại cảm xúc những nơi chốn anh qua. Đọc văn anh ta thấy hiện lên những miền quê dân dã, ấm áp tình người, sự đổi thay của Bình Thuận theo thời gian đổi mới dựng xây mà anh góp phần can dự vào dòng chảy thời gian ấy từ những năm đầu 80 thế kỷ trước. Song có lẽ sự sâu lắng nhất của tâm hồn anh được gửi gắm vào trang viết đó là những dòng thơ rất Hồng Văn. Viết về Bác, anh cảm xúc “Bốn mươi năm ngày ấy Bác đi xa/ Di chúc Bác vẫn hồng tươi lời dặn…” - Ngày ấy Bác đi xa, viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp anh khắc vào thơ mình “Vị Đại tướng tiên phong trăm trận thắng/ Mà giữa nhân dân thật thơm thảo dịu hiền…” - Đón Bác về quê, về quê hương mà anh “Lớn lên với gốc ổi sau vườn cây cau trước ngõ” chất chứa bao ký ức “Tình quê hương thấm đẫm áo mồ hôi/Mẹ đã mặc suốt bao mùa hạ cháy/Những mảnh vá nói bao điều vất vả/Dáng thân cò lặn lội/ Góc ruộng chân đồi tất tả ngược xuôi…” - Tình quê hương. Thơ văn của nhà báo Lê Hồng Văn tựa như những chuyến đi cùng với cảm nhận của người trải nghề chữ nghĩa, từ cái ngày “Xa quê mấy chục năm rồi/ Nay về đâu thấy bóng người tắm trăng…” vào công tác tại Bình Thuận để có bao ngày “Ngồi buồn trong buổi chiều tà/Nhìn em qua mảnh sân nhà bên kia” để rồi cám ơn đời rằng “Em đã cho thơ một mùa vàng trĩu hạt/Cho anh mang về gieo hoài mộng tháng năm…”
 
Tháng năm phía trước tiếp nối đến với đất trời quê hương và anh - Nhà báo Lê Hồng Văn sẽ còn “hoài mộng tháng năm” với văn thơ.
 
(*) tựa và thơ văn Lê Hồng Văn
 
XUÂN TRUNG