Mùa gieo chữ mới

09:09, 07/09/2017

Bảy giờ tối khu nội trú của thầy cô giáo bỗng nháo nhào. Mọi người hô nhau cầm theo đèn pin, dây thừng để men theo đường núi đưa cô giáo Hà lên khỏi vực. Cuộc điện thoại chập chờn sóng mà cô Hà gọi cho đồng nghiệp hình như có cả nước mắt và sự sợ hãi. Mùa tựu trường cũng là tháng cao điểm của mùa mưa

Bảy giờ tối khu nội trú của thầy cô giáo bỗng nháo nhào. Mọi người hô nhau cầm theo đèn pin, dây thừng để men theo đường núi đưa cô giáo Hà lên khỏi vực. Cuộc điện thoại chập chờn sóng mà cô Hà gọi cho đồng nghiệp hình như có cả nước mắt và sự sợ hãi. Mùa tựu trường cũng là tháng cao điểm của mùa mưa. Đường núi thì một bên là vực sâu, một bên đất đá sạt lở. Đường suối thì nước dâng cao, cây cầu ọp ẹp đã bị lũ cuốn từ mấy năm trước. Giờ muốn qua suối phải đi tập trung nhiều người kéo bè nứa hoặc giăng dây kéo lốp xe. Cứ cách ngày khai giảng một tuần là thầy cô từ miền xuôi tạm biệt gia đình để lên trường vận động các em đến lớp. Đường xa quá, cô Hà lên gần đến nơi thì trời tối. Loạng choạng tay lái cả xe và người lao xuống vực. Đoạn đường ít người qua lại, chân Hà lại đau không thể tự trèo lên được. Bao gạo đèo từ nhà đi đổ ra tung tóe. Vệt của gạo quệt ngang một đường trong bóng tối. Mùi của những chiếc bánh rợm mẹ gói mang làm quà cho đồng nghiệp càng làm Hà đói cồn cào. Lúc nhìn thấy ánh đèn pin lia qua người suýt nữa thì Hà bật khóc. Sống ở nơi heo hút này tình đồng nghiệp đâu chỉ trên bục giảng, mà còn là cùng nhau san sẻ nhọc nhằn, níu lấy tay nhau những lúc khó khăn hoạn nạn. Phải loay hoay gần tiếng đồng hồ mọi người mới đưa được Hà và chiếc xe máy lên. Lúc đoàn người về đến khu nội trú thì đã muộn lắm rồi. Ánh điện đỏ quạch nhưng nhức mắt. Mâm cơm đạm bạc mọi người phần Hà lúc đi vội quá không kịp đậy lồng bàn. Bên ngoài chỉ thấy tiếng côn trùng kêu rỉ rả sau mưa…
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân

Sau khi đã băng bó vết thương, Hà gọi về nhà. Bốn cuộc gọi nhỡ mẹ gọi là lúc Hà đang nằm dưới vực. Cô không dám nghe máy vì sợ mình sẽ tủi thân mà khóc. Cố lấy giọng vui vẻ Hà thông báo với mẹ đã về đến nơi, đã tắm gội thơm tho, đã ăn no căng bụng, đã gặp lại bạn bè đồng nghiệp. Mấy câu “vui lắm mẹ ạ” bật ra cùng với lúc vết thương ở chân bỗng nhiên tấy nhức. Hơn lúc nào hết Hà thấy nhớ nhà. Mấy tháng hè được gần gia đình là quãng thời gian nghỉ ngơi lấy sức để bắt đầu một năm học mới với chồng chất khó khăn. Mới tối hôm qua còn được ngồi sấy tóc cho mẹ, kèm cháu học bài. Nửa đêm phố sá vẫn sáng đèn và thơm mùi hoa sữa. Vậy mà hôm nay đã nằm ở đây nghe tiếng mưa rơi cô đơn giữa mịt mùng tăm tối. Đồng nghiệp ở giường bên hắng giọng:
 
- Ngủ đi em. Ngày mai còn dọn dẹp trường. 
 
- Mọi thứ lại ngổn ngang à chị?
 
- Ừ thì trường nằm đúng đường đi của lũ mà em. Bàn ghế chắc phải đóng lại nhiều. Xung quanh trường thì cỏ mọc um tùm. Cũng phải mất nhiều công dọn dẹp. 
 
- Sợ nhất là lại đến từng bản vận động học sinh. Chân em thì lại đau thế này.
 
- Ừ thôi ngủ đi em. Đâu còn có đó. Chịu khó nghỉ ngơi vài ngày chân sẽ khỏi thôi. 
 
Không gian bỗng trở nên im ắng không một tiếng động. Cơn mưa ngoài trời cũng ngớt dần. Nhưng Hà biết đêm nay mọi người đều khó ngủ dù đã đi cả một đoạn đường dài mệt mỏi. Nhớ nhà, nhớ con, thương bố mẹ già. Nhưng những thầy cô bám bản như Hà đâu dám mong có ngày đón các con lên quây quần sớm tối. Nỗi buồn nén lại trong lòng vì Hà biết khó khăn này đâu chỉ có riêng mình phải trải qua. Cả huyện thuộc tỉnh vùng cao này có hàng trăm giáo viên phải xa gia đình bám lấy bản nghèo gieo mầm chữ. Có những mùa tựu trường học trò chỉ lèo tèo vài em vừa ngồi học vừa nhấp nhổm muốn theo bố mẹ đi làm nương rẫy. Có lúc trèo đèo lội suối cả ngày trời mới tìm được đến nhà học sinh. Nhưng vận động thế nào thì bố mẹ các em vẫn cương quyết “cái ăn hơn cái chữ. Bụng đói thì không nuôi nổi chữ”. Thời gian đầu mới lên đây công tác Hà nản lắm. Từng đôi lần muốn bỏ trường bỏ lớp về xuôi. Nhưng có lẽ vì uống nước bản, sống gần người dân bản mà nặng lòng thương. Nên suốt mười năm qua Hà đã coi làng bản là nhà, coi học trò như những đứa con.
 
Lại sắp bước vào một năm học mới, Hà sắp được gặp lại những đôi mắt trong veo. Sắp được gặp thằng Sùng, thằng Chừ, cái Oanh, cái Lý. Chúng đến lớp cõng theo trên lưng đâu chỉ là sách vở. Thằng Sùng năm nào cũng cõng em đến lớp. Thằng nhỏ chưa đủ tuổi vào cấp hai nhưng thằng anh đi học thì ở nhà không ai trông thằng em. Bố mẹ Sùng còn lên nương làm lấy cái ăn. Sùng ham cái chữ nên phải cõng theo em cùng bịch quần áo sách vở trên cái lưng gầy gò, đôi vai bé nhỏ. Năm nào cũng vậy, các thầy cô trong trường đều cử một người đi đón anh em Sùng. Phải cùng dắt díu nhau qua những đoạn đường núi cheo leo, trơn trượt mới thấy đâu nỡ lòng nào bỏ lại các em. Gà đã gáy sang canh rồi, Hà cựa mình cố dỗ dành giấc ngủ. Bên chân bị thương lại tấy nhức. Đêm đầu thu se lạnh…
 
Hà tỉnh giấc khi đồng nghiệp đã dậy tự lúc nào. Tập tễnh bước ra ngoài đã thấy các thầy cô giáo đang mỗi người mỗi việc dọn dẹp quanh trường. Người xới cỏ, người khiêng đất đá sau cơn lũ vứt đi, người đóng lại bàn ghế, cửa sổ. Vài người nhặt nhạnh những thanh gỗ hỏng để gọn thành đống làm củi nấu ăn và sưởi ấm trong mùa đông sắp tới. Thầy Hảo đang căng lại cột dây phơi bên khu nhà ở nội trú của học sinh. Cô giáo Nhi mang xoong nồi, bát đĩa ra rửa lại phơi chờ nắng. Bụi hoa hồng tỉ muội mà các em trồng đang ra những nụ hoa cằn cỗi. Rồi chúng sẽ bung ra từng cánh mỏng để chờ được khoe sắc trong ngày khai giảng. Ngoài cổng trường thầy Kha đang lúi húi nhóm mấy đống rác. Đêm qua mưa mọi thứ đều ẩm ướt nên đống rác khói um như muốn hun sống từng ấy con người. Nhưng ai cũng vui vì chỉ một buổi sáng chung tay dọn dẹp mà ngôi trường đã sạch sẽ. Thiếu thốn gì sẽ khắc phục sau chỉ cần nhìn thấy quang cảnh gọn gàng là hình dung ra cảnh những đứa trò nhỏ chạy nhảy vui đùa ở khoảng sân này, tíu tít khoảng sân kia. Bàn ghế ẩm mốc rồi các trò sẽ đến ấm hơi người. Trong lớp học tiếng cô trò vang lên theo từng bài giảng. Sẽ cùng nhau nấu những bữa cơm canh đạm bạc. Có những hôm mâm cơm thầy trò không có gì ngoài canh rau dại và bát lạc rang. Thiếu thốn là thế nhưng thầy trò vẫn thấy vui. Càng thương các em thì thầy cô càng càng phải khéo lo khéo liệu. Để cái chữ đến được với các em vốn là bài toán khó. Ngày mai các thầy cô sẽ chia nhau vào từng bản để vận động các em tới trường. Đêm nay sẽ lại là một đêm khó ngủ…
 
- Năm nay ai sẽ đến nhà em Thào vận động? Trường hợp này khó lắm. Bởi bố mẹ chỉ muốn con mình ở nhà trông em, chăn trâu thôi. 
 
- Trường hợp này cần một người khéo léo và kiên trì. Giá mà cô Hà không đau chân thì tốt.
 
- Hay là để anh cõng Hà đi?
 
Hà đang ngồi bó chân bằng bài thuốc người dân tộc, thấy đồng nghiệp trêu thì phá lên cười:
 
- Em nhẹ nhàng lắm anh ạ, có sáu chục ký thôi mà. Anh cõng nổi không? Từ đây đến nhà em Thào phải vượt có ba con suối vài đỉnh núi thôi mà. 
 
- Thì đoạn nào đi xe được anh chở. Đoạn nào không đi được thì bỏ xe anh cõng. 
 
- Em đùa vậy thôi. Chân em cũng chỉ bị thương nhẹ. Đắp thuốc nốt đêm nay là có thể đi lại bình thường. Trường hợp của Thào cứ để em lo. 
 
* * *
 
Đường tới nhà Thào xa quá lại không đi được xe mà phải trèo đèo lội suối. Có đoạn Hà và thầy Kha phải men theo những mỏm đá cạnh bờ sông. Lối đi nhỏ và hiểm trở. Một người đi trước dắt tay người đi sau, cẩn trọng vượt qua những đoạn đường cheo leo nguy hiểm. Đến được nhà Thào thầy cô phải nghỉ lấy sức vài lần, quần áo ướt lem nhem và đôi bàn chân đau nhức. Nhà Thào có cây mận già ngay trước cổng. Thào đang vừa trông em vừa tẽ ngô. Thấy thầy cô đến Thào lẩn vội ra sau nhà, Hà phải lôi mãi mới vào. Thào cúi đầu lí nhí:
 
- Em không đến trường đâu. Mẹ nói phải ở nhà trông em. Phải theo đuôi con trâu. 
 
- Thế Thào không nhớ trường lớp, thầy cô và bạn bè à?
 
- Nhớ chứ. Nhưng mà bố mẹ nói cái ăn còn quan trọng hơn. 
 
- Thế Thào có muốn cứ theo đuôi trâu cả đời không? Hay là muốn học thật giỏi sau này được xuống huyện, xuống thủ đô đi học như các bạn?
 
Thào vân vê gấu áo bằng những ngón tay đen đúa, nói ngập ngừng:
 
- Được xuống thủ đô hẳn là thích hơn chứ. Nhưng Thào đến trường thì ai trông em? Ai đi chăn trâu chứ? Mẹ Thào không cho đi đâu.
 
Hà nắm lấy tay đứa học trò nhỏ mà lòng đầy thương cảm. Đứa học trò này từng nhiều lần ngủ gật trong lớp học. Từng xin cô một gói mì tôm sống “ăn cho đã cơn thèm”. Từng bình tĩnh giúp Hà xử trí khi bị rắn độc cắn. Từng trốn ra sau lớp khóc hu hu vì nhớ các em ở nhà. Giờ đứng trước mặt Hà khẽ gật đầu khi nghe cô giáo nói “chỉ cần Thào thích học cái chữ là được. Thầy cô sẽ giúp Thào được đến trường”. Chiều tối bố mẹ Thào mới từ rẫy trở về. Vì trời sẽ tối nhanh nên không thể quay về trường ngay được, thầy cô quyết định ngủ lại một đêm để trò chuyện động viên bố mẹ cho Thào đến lớp. Đêm đó là một đêm dài như rất nhiều đêm khác trong sự nghiệp trồng người của Hà và đồng nghiệp. Khai sáng dân trí vùng cao trong lúc đời sống còn đói nghèo là một điều quá khó khăn. Nhưng càng khó khăn Hà càng tự động viên mình cố gắng. Đã cõng chữ từ miền xuôi lên được thì cũng sẽ tìm cách mà gieo chữ xuống đất này. 
 
Sáng mai Thào sẽ cùng thầy cô đến trường sớm hơn chúng bạn. Vì đường đi nguy hiểm có thầy cô đi cùng bố mẹ Thào cũng đỡ lo. Thào có vẻ khó ngủ. Nó bật dậy soi đèn lục tìm sách vở lẫn đâu đó trong đống chăn màn quần áo. Mẹ Thào đã buộc sẵn bao gạo cho con mang theo làm lương thực. Hà biết thằng nhỏ chắc cũng háo hức đón một năm học mới như mình. Ngôi trường như tươi mới hơn trong tiết trời mùa thu trong veo. Trên con đường mòn những đứa trò nhỏ hớn hở cắp sách đến trường. Những đôi chân lội suối băng đèo sẽ tíu tít niềm vui gặp lại bạn bè thầy cô trong ngày tựu trường. Sẽ ngồi ngoan ngoãn trong lớp nghe thầy cô giảng bài học mới. Từng nét chữ như cũng muốn nhảy múa trên dòng kẻ ô li. Với Hà đó là giây phút hạnh phúc nhất trong mùa gieo chữ mới…
 
Truyện ngắn: VŨ THỊ HUYỀN TRANG