Thành phố hương trà

08:09, 21/09/2017

Cao Viết Linh, một người bạn của tôi ở Sài Gòn, kể lại: Trong số những lý do khiến anh phải vượt hơn 300 cây số từ Sài Sòn đến Đà Lạt mỗi dịp cuối tuần, có lý do để được hít hà cái hương trà quấn quyện dọc con đường Trần Phú nơi phố thị B'Lao.

Cao Viết Linh, một người bạn của tôi ở Sài Gòn, kể lại: Trong số những lý do khiến anh phải vượt hơn 300 cây số từ Sài Sòn đến Đà Lạt mỗi dịp cuối tuần, có lý do để được hít hà cái hương trà quấn quyện dọc con đường Trần Phú nơi phố thị B’Lao. “Mùi ấy vừa cụ thể vừa mơ hồ, rất khó diễn tả... Và vì thế, mỗi lần nhắc đến địa danh Bảo Lộc, bao giờ cái mùi trà đặc trưng cũng xuất hiện đầu tiên trong tôi…”, anh Linh nói.
 
Tôi không dám chắc là mình hiểu hết những điều mà anh Linh chia sẻ. Tuy vậy, tôi có 5 năm tạm trú ở thành phố Bảo Lộc, nên cũng hiểu được phần nào cái mùi thơm thanh tao của trà tỏa ra nơi xứ ấy. Mùi trà ở đó có lúc thoang thoảng, khi đậm đặc, lắm bận trộn lẫn khó phân biệt đâu là trà đâu là hương... Tùy theo thời điểm và tùy từng không gian, mùi trà ở xứ ấy sẽ tỏa ra những nồng độ đậm - nhạt khác nhau. Do đó, tôi cho rằng, với mùi thơm đặc trưng - mùi trà - của xứ ấy để gọi tên “Thành phố hương Trà” là một rút tỉa khá thú vị. 
 
Mà đã nói đến Trà B’Lao, thương hiệu độc quyền do Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ cấp năm 2009, nhất là sản phẩm trà ướp hương, 1 trong 4 sản phẩm (bao gồm: trà xanh ướp hương, trà xanh, trà đen và trà oolong) được quyền sử dụng thương hiệu Trà B’Lao với những danh trà nổi tiếng hàng thế kỷ nay. 
 
Thị phần Trà B’Lao càng ngày càng được mở rộng tại Nga, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Trung Đông... đã kéo theo sự ra đời của nhiều doanh nghiệp trồng và chế biến trà mới trên đất B’Lao. Nhờ đó, cái mùi trà đặc trưng lại được dịp lan tỏa. “Mỗi công đoạn chế biến trà là một trải nghiệm khác nhau về mùi. Mùi trà tươi mới hái đem lại trạng thái sảng khoái. Mùi trà lúc sao khô phảng phất vị ngọt đắng. Mùi trà khi thành phẩm phả ra sự sang trọng thanh khiết”, anh Nguyễn Bảo Trung, một du khách đến từ tỉnh Tây Ninh, phân tích. Còn chị Phạm Thị Ngọc Trâm, một người sinh sống ở TP Bảo Lộc, nói thêm: “Trà B’Lao có quy trình sản xuất riêng, nên mùi vị trà mang lại cho người thưởng thức cũng rất riêng”. 
 
Theo chị Trâm, quy trình chế biến của Trà B’Lao như sau: chè búp tươi sau khi hái về được ép bớt nước đắng. Tiếp theo, mới đến công đoạn sao khô, ướp hương, rồi đóng gói. Một sự khác biệt nữa so với các loại trà nơi khác là Trà B’Lao khiến người dùng tỉnh táo mà không gây mất ngủ.
 
Từ chỗ chỉ là ngẫu nhiên, trải qua thời gian, mùi trà dần trở thành chỉ dấu địa lý cho những ai có dịp ghé thăm hoặc nhớ về thành phố Bảo Lộc. Thật không quá lời khi nói mùi trà là phong vị đặc trưng của đất và người B’Lao.
 
T.ÐỒNG