Ðưa cháu vào lớp 1

08:09, 07/09/2017

Sáng nay, trong cái lạnh nhè nhẹ của ban mai Đà Lạt, hòa vào dòng xe máy và ô tô dày đặc trên đường Phù Đổng Thiên Vương, rẽ Ngã Năm Đại học vào đường Bùi Thị Xuân, tôi đưa cháu đích tôn vào lớp 1 trường Nguyễn Trãi. 

Sáng nay, trong cái lạnh nhè nhẹ của ban mai Đà Lạt, hòa vào dòng xe máy và ô tô dày đặc trên đường Phù Đổng Thiên Vương, rẽ Ngã Năm Đại học vào đường Bùi Thị Xuân, tôi đưa cháu đích tôn vào lớp 1 trường Nguyễn Trãi. Trời xanh, mây trắng, nắng thu vàng mênh mang trên sân trường nhộn nhịp học trò và phụ huynh đưa con cháu đến lớp. Lòng tôi xôn xao một niềm vui khó tả.
 
Ngày đầu tiên đi học là ngày đáng nhớ nhất đối với học sinh lớp 1. Ảnh: Internet
Ngày đầu tiên đi học là ngày đáng nhớ nhất đối với học sinh lớp 1. Ảnh: Internet

Ba mươi ba năm trước tôi cũng đã đưa bố cháu vào lớp 1 trường tiểu học này. Đó là một buổi sáng đầu tháng 9 năm 1984. Tôi chở con trai đầu lòng sáu tuổi đến trường bằng chiếc xe đạp cà tàng. Cậu ta cũng ngồi sau xe, ríu rít những câu nói ngây thơ như con trai nó lúc này.
 
Đó là những năm tháng khó khăn, thiếu thốn triền miên của thời bao cấp. Trẻ con đi học chưa có quần áo đẹp. Các bà mẹ còn nảy ra sáng kiến chắp nối khăn mùi soa làm áo mặc ở nhà cho con. Nhớ lại không khỏi ngậm ngùi.
 
Đi bộ đến trường từ lớp 1, không phải học thêm một buổi nào, mấy anh em cứ thế hồn nhiên học và lên lớp. Báo kết quả thi đại học, cu cậu phấn khởi ra mặt: “Con được 30 điểm bố ạ!”. Tôi không tin ở tai mình: “Thật không con?”. 
 
Năm tháng như nước chảy, như gió thoảng. Bây giờ con trai đầu của tôi đã bốn mươi tuổi, là giảng viên Khoa Toán - Tin học Trường Đại học Đà Lạt, đang làm luận án Tiến sĩ Tin học ở Canada. 
 
Tâm trí lang thang của nhà thơ đưa tôi về buổi sáng vào lớp 1 trường tiểu học ở quê nhà gần sáu mươi năm trước. Cha đưa tôi đến trường qua cánh đồng làng đang kỳ lúa làm đòng, một màu xanh mát mắt, sóng lúa dập dờn trong gió nhẹ. Trời thu xanh ngắt, nhởn nhơ mây trắng bay. Để giữ sạch quần mới, cha bế bổng tôi lên qua những chỗ lội... Gặp người quen, cha dừng lại chào hỏi, nói chuyện, còn tôi thì nôn nóng tới trường, tới với giờ phút trọng đại: Vào lớp 1!
 
Tôi không còn nhớ buổi khai trường năm ấy đã diễn ra như thế nào nhưng nhớ mãi ngôi trường cấp I xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An của chúng tôi mới được xây, ngói đỏ, tường vôi trắng. Lá cờ đỏ sao vàng phấp phới bay trên đỉnh cột cờ làm bằng một cây bương lớn. Đó là năm 1960 - sáu năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, miền Bắc đang phục hồi đời sống sau chiến tranh. Chúng tôi ngồi học mà nghe xa xa tiếng búa máy đóng cọc bê tông bắc lại Cầu Bùng. Cách dăm trăm mét, Ga Si đang được xây dựng, ngói tây mới lợp tươi roi rói, tường màu vôi hồng. Đường ray xe lửa được đặt lại, kéo dài qua Ga Vinh, vào tận Đồng Hới...
 
Những đứa trẻ nông thôn lứa chúng tôi ngày ấy hầu hết chân đất, đầu trần, áo quần bà ba nâu nhuộm bùn, không đủ ấm trong những ngày đông mưa phùn, gió bấc, rét cắt da cắt thịt, cơm độn ngô, khoai, sắn... nhưng lòng đầy mơ ước. Liên Xô - người anh cả của phe Xã hội chủ nghĩa đã phóng thành công vệ tinh nhân tạo của trái đất và Thiếu tá Iuri Gagarin trở thành nhà du hành vũ trụ đầu tiên của loài người... Anh tôi đang làm nghiên cứu sinh Sinh học tại Trường Đại học Lomonoxov ở thủ đô Matxcơva. Đó là niềm tự hào và mơ ước của tôi hồi đó. Tôi đã phải đi qua cuộc chiến tranh chống Mỹ rồi mới đến được đất nước vĩ đại này.
 
W.B.Yeats - nhà thơ Anh đã nói rất đúng: “Dạy học không phải là rót đầy mà là thổi cháy lên ngọn lửa”. Tôi đã quên rất nhiều điều được dạy nhưng biết ơn mãi mãi những thầy giáo làng đã thổi vào trái tim thơ bé của tôi ngọn lửa khát vọng, ước mơ đi tới. Sau này, khi đã trưởng thành tôi viết bài thơ “Chân trời”:
 
Trong đôi mắt trẻ thơ của tôi
Chân trời là nơi có dãy núi mờ tím
Dãy núi ấy bây giờ tôi đến
Trước mắt tôi lại một chân trời.
 
Hình ảnh “dãy núi mờ tím” trong bài thơ là do tôi đã nhớ lại tuổi thơ mình khao khát đến những chân trời. 
Rồi những ngày mũ rơm, “đội bom đi học” khi quê hương trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ. Lớp học là một hầm thùng lớn, rui kèo bằng tre, lợp rạ. Nhiều lúc phải học ban đêm, mỗi học trò một chiếc đèn dầu phòng không, ánh sáng chỉ đủ soi trang sách...
 
Trong đám trẻ chăn trâu, nhảy cầu, ngụp lặn sông Bùng và quàng khăn đỏ, ngoan ngoãn đến trường ngày ấy không đứa nào nghĩ sau này lại có anh hùng, có nhà thơ, có người trong chiếc xe tăng đầu tiên số hiệu 390 húc đổ cánh cửa sắt xông vào Dinh Độc lập ngày 30/4/1975 lịch sử... Chỉ khi mái đầu đã lâm râm bạc tôi mới hiểu rằng: Ta mơ ước tới đâu, cuộc đời sẽ đưa ta tới đó! 
 
Thời gian đã, đang và sẽ lặng lẽ làm “phép lạ thường ngày” như vậy! 
 
Nhìn cháu tôi và những đứa bạn cùng lớp đẹp như trong tranh, ảnh quảng cáo sản phẩm dành cho trẻ con, ngoan ngoãn xếp hàng vào lớp, tôi tưởng tượng mấy chục năm sau trong cái đám nhỏ này sẽ có anh hùng và nghệ sĩ, người lao động giỏi và trí thức sáng tạo... Chúng sẽ yêu nhau và sống trong một hoàn cảnh tựa như nước Nhật hôm nay. Hậu sinh khả úy! Chẳng phải thế sao?. 
 
Những thế hệ mới sẽ lớn lên, đồng hành với tương lai của chúng ta, đồng hành với hạnh phúc và những vấn đề của thế hệ chúng...
 
Chợt tim tôi nhói lên một niềm lo lắng, thoáng qua nhưng sắc lạnh: Liệu cháu tôi và các thế hệ mai sau có hòa bình để cuộc sống làm “phép lạ thường ngày” không? Những gì quý giá của con người thường mong manh. Có gì dễ cháy hơn lửa? Có gì mong manh hơn hòa bình? “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng muốn cướp nước ta một lần nữa”... (Hồ Chí Minh). Trong những tình huống như vậy, chúng ta đã cầm súng “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”... Còn bây giờ muốn bảo vệ được hòa bình chúng ta phải mạnh về mọi mặt để kẻ thù không dám đụng đến.
 
Tôi đã đi qua cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước khốc liệt vào loại nhất trong lịch sử loài người. Dưới chiến hào bùn máu hay bên ngọn lửa đêm rừng đói lạnh, những người lính chúng tôi có chung một suy nghĩ: “Hạnh phúc chính là hòa bình trong độc lập, tự do”. Rồi thực tế cuộc sống còn dạy tôi thêm: Hòa bình là điều kiện tối cần thiết cho hạnh phúc nhưng chưa đủ. Vấn đề là còn phải tạo ra hoàn cảnh sống hợp quy luật, ngày càng nhân văn hơn cho con người và đất nước phát triển.
 
Hòa bình là hoàn cảnh tất yếu của con người như cơm ăn, áo mặc, như khí trời để thở. Thế mà đã có lúc ngoài tầm tay với của hàng triệu con người. Có rất nhiều người thân và bạn bè tôi đã nằm lại chiến trường, thân thể hòa vào đất nước, linh hồn thành mây bay, thành cơn gió hiu hiu ngày giỗ. Tôi là người may mắn được sống, được trở về, được học đại học cùng lúc với lấy vợ, sinh con, rồi trở thành nhà thơ. Hạnh phúc giản dị đã được tôi thể hiện trong bài thơ “Con học”, viết tặng con trai đầu lòng hai tuổi, gần bốn mươi năm trước. Ở khổ thơ kết bài này, tôi thể hiện bằng hình tượng ý thơ: Mỗi thế hệ là bệ đỡ, cõng trên vai mình thế hệ đến sau.

Con học
 
Tuổi ba mươi bố còn đi học
Lâu mới có một ngày về
Bật cười nghe con đọc sách
Trang nào cũng: “A… bê… xê…”.
Trời đang xanh trong buổi sáng
Cánh cò theo mẹ tập bay
Sáo trên cây dừa học nói
Đất trời một tuổi thơ ngây.
Con ngồi lăm chăm mở sách
Tiếng tròn, tiếng ngọng líu lo
Bên con hồn tươi non lại
Ngỡ mình cũng hóa trẻ thơ.
Thương bà một đời cặm cụi
Nhớ con chẳng viết được thư
Giấy gọi bố vào đại học
Sáu năm nằm đáy ba lô.
Thương những mái trường kháng chiến
Ngọn đèn đỏ chật ống bơ
Cô giáo qua sông dạy học
Máy bay giặc bắn đắm đò…
Bài học lớn lao, khắc nghiệt
Đổi thay cả máu trong người
Bố từ yêu mê sách vở
Đến yêu tha thiết cuộc đời.
Học xong, chơi trò cưỡi ngựa
“Nhong! Nhong!” 
Con trỏ ra vườn
Trên đầu đu đưa quả chín
Con ngồi vai bố: “Cao hơn!”

PHẠM QUỐC CA

Tùy bút: PHẠM QUỐC CA