Giáng sinh

08:12, 21/12/2017

Đà Lạt về đêm. Những con đường đen sẫm miên man trên triền dốc, đồi thông. Phố vắng, đèn đường lọc qua hơi sương mơ hồ như trong mộng. Chiếc taxi chở độc một hành khách thong thả chạy về phía ngoại vi thành phố...

Đà Lạt về đêm. Những con đường đen sẫm miên man trên triền dốc, đồi thông. Phố vắng, đèn đường lọc qua hơi sương mơ hồ như trong mộng. Chiếc taxi chở độc một hành khách thong thả chạy về phía ngoại vi thành phố. Đến chân một đồi thông thoai thoải xe dừng lại. Người khách độc hành bước xuống, chống ba toong chầm chậm lên đồi. Xung quanh vắng lặng, không có cửa hàng cửa hiệu, tiếng ồn ào xe cộ, chỉ có rừng thông và sương đêm. Trên gốc thông già treo một biển hiệu nhỏ có hàng chữ nét mảnh sáng mờ: Cung tơ chiều. Đó là tên quán bar quen thuộc tối tối người khách thường lui tới. Lối vào quán rải sỏi, có những dây đèn mắc trên cành thông mờ ảo. Không khí se lạnh và thanh khiết. Người khách dừng lại hít một hơi dài, trầm ngâm như lắng nghe hơi thở của rừng thông. Đoạn, ông chống ba toong đi vào ngôi nhà gỗ nho nhỏ yên tĩnh mờ ảo ánh đèn. Người khách mở cửa, đứng định thần một lát và bước về phía chiếc bàn quen thuộc gần cửa sổ. Trong quán có khoảng hơn hai chục khách ngồi thành từng nhóm, đang rì rầm trò chuyện. Ở đây không có rượu mạnh và đồ nhậu, không có tiếng nhạc xập xình, không ai nói cao giọng. Căn nhà nhỏ ốp gỗ sẫm màu không thắp điện, chỉ có ánh nến lung linh. Trên tường treo những cây đàn ghi-ta đã lên nước đen bóng. Ở thành phố du lịch phồn hoa có hàng trăm nhà hàng, khách sạn, quán bar náo nhiệt, tráng lệ với những tiếp viên xinh đẹp, biển quảng cáo điện tử rực rỡ, thì quán bar này như một cõi riêng của những người khách quen chọn lọc, những người muốn sống với thế giới tâm linh của riêng mình. Khách là những trí thức, văn nghệ sĩ và những doanh nhân, những Việt kiều. Ở đây không có gì để phân biệt sang hèn, giàu nghèo. Dưới ánh nến, người ta uống cafe, rượu vang và nghe nhạc Trịnh Công Sơn. Nhạc Trịnh không phát băng, đĩa và loa thùng, không có kỹ nữ hát show, mà do chính nữ chủ quán hát tặng khách. Không phải khi nào cũng hát và ai cũng được tặng. Chính vì vậy, quán Cung tơ chiều mang phong vị đặc biệt của văn hóa Đà Lạt. Chỉ những ai am hiểu Đà Lạt mới biết tìm đến đây.
 
Minh họa: P.Nhân
Minh họa: P.Nhân

Người khách đi taxi đến là một họa sĩ già nổi tiếng từ nửa thế kỷ trước. Cuộc đời và sự nghiệp của ông được giới văn nghệ sĩ xem như một huyền thoại. Ông ngồi lặng lẽ nhìn qua cửa kính mờ sương, chậm rãi châm thuốc hút. Lát sau, một cô gái trẻ ăn mặc giản dị nhẹ nhàng đặt trên bàn nhỏ trước mặt họa sĩ một chai vang Đà Lạt ướp lạnh đã mở nút, một chiếc ly và một đĩa quả ô mai. Cô gái khẽ cúi chào và lui vào phòng trong. Họa sĩ bỏ mấy quả ô mai ướp muối vào ly, rót vang, rồi trang trọng cầm ly lắc khẽ và thong thả nhâm nhi. Khách ngồi ở các bàn khác rì rầm nói chuyện, vài người quay nhìn họa sĩ. Ông là vị khách đặc biệt, hầu như ở đây mọi người đều biết. Không khí vốn tĩnh lặng, nghe rõ tiếng nổ lách tách từ các ngọn nến màu hồng đang cháy sáng lung linh. Từ nhà trong, một thiếu phụ dáng đoan trang mặc bộ đồ màu sẫm cắt may tinh tế, tóc đen buông xõa ngang vai bước ra. Cô khẽ cúi chào khách ngồi quanh mấy chiếc bàn, đoạn cầm một cây ghi-ta đang treo trên vách gỗ, nhẹ nhàng đi về phía họa sĩ già.
 
- Kính chào họa sĩ, thiếu phụ nói.
 
Họa sĩ nâng ly rượu vang làm động tác chào lại, rồi khẽ ra hiệu mời thiếu phụ ngồi. Ông ôn tồn:
 
- Chào chủ quán. Có thể mời cô một ly không?
 
Thiếu phụ nghiêng đầu từ chối, tay búng trên dây đàn, một hợp thứ êm đềm âm vang khắp phòng. Khách từ các bàn khác ngừng nói chuyện, hướng về phía họa sĩ và nữ chủ nhân. Thiếu phụ ngồi lặng phắc, rồi bất ngờ múa trên cần đàn, một dòng suối nhạc tuôn trào như nước chảy, mưa rơi. Cô cất giọng đầy truyền cảm:
 
Ngoài hiên vắng giọt thầm cuối đông
Trời chợt nắng vườn đầy lá non
Người lên tiếng hỏi người có không
Người đi vắng về nơi bế bồng...
 
Nhạc Trịnh đã được biểu diễn nhiều năm trên nhiều sàn diễn trong nước và quốc tế, nhưng chưa ở đâu có không khí u hoài sâu lắng lạ lùng như ở đây. Chỉ có một cây ghi-ta gỗ với một hồn nhạc ngẫu hứng của người thiếu phụ hát giọng trầm khàn mà khiến cả căn phòng thành cõi nhớ. Người họa sĩ già ngồi lặng như đá, ly rượu nâng ngang mày. Tuổi thọ và sự nổi tiếng khiến ông cô đơn. Ông đang sống những ngày tháng phiêu diêu giữa cõi thực và cõi mơ, vô thức và ý thức nhập nhòa biến ảo. Tối tối ông lui tới tửu quán này, để được sống với chính mình cùng lúc nhiều năm tháng tràn về như cơn lũ mùa xuân. Khi người thiếu phụ gẩy đàn và hát, ông thường nhìn thấy thời trai trẻ đầy khát khao sáng tạo và tình yêu. Ông không nghe từng nét nhạc, từng ca từ, mà thấy những tia nắng trong vườn xuân, những gương mặt, giọng nói tiếng cười và những nẻo đường thiên lý ông từng qua. Ông nhắm mắt như thiếp ngủ và thì thầm như nói với chính mình:
 
- Ta đã thấy, xin cảm ơn.
 
Thiếu phụ gẩy đàn không hiểu những gì đang diễn ra trong thế giới nội tâm của họa sĩ, nhưng cô đã quen với cách ứng xử của ông. Vì vậy, dù rất khó tính, ít khi hát tặng khách, nhưng mỗi lần họa sĩ đến, cô đều hát cho ông nghe. Cô cảm thấy sau khi nhâm nhi mấy cốc vang và nghe cô hát, ông trở nên sảng khoái, hạnh phúc hơn. Khi họa sĩ lặng im chìm sâu vào tâm linh như thiền định, người thiếu phụ nhẹ nhàng đứng dậy đi sang chào khách quen ở những bàn khác. Họ đề nghị cô hát, nhưng thiếu phụ khẽ mỉm cười lắc đầu. Nhiều người đến đây để được nghe cô hát nhạc Trịnh Công Sơn, nhưng họ hiểu cô chỉ hát khi có cảm hứng nên không dám nài. Mỗi lần thiếu phụ nâng đàn lên hát, như là một nghi lễ. Chính vì vậy, du khách đến đây có một trường tâm lý riêng, những người khoe giàu sang, quen dùng tiền mua vui không thể đến đây lần thứ hai. Khách hôm nay có mấy người trẻ tuổi mới đến lần đầu. Họ đều có vẻ thanh lịch, sang trọng và trí thức. Trong số đó có một thiếu nữ tóc dài chải lật như cách trang điểm của các tiểu thư thành thị thời đầu thế kỷ trước. Từ lúc họa sĩ bước vào, cô đặc biệt chú ý đến ông. Cô chuyển ghế ngồi quay về phía ông và không rời mắt khỏi ông. Khi thiếu phụ gẩy đàn đến ngồi cùng bàn, cô khẽ hỏi:
 
- Thưa chị, em muốn đến chào họa sĩ Hoàng có được không?
 
- Được, thiếu phụ nói. Nhưng em phải biết, họa sĩ khó tính và hay mếch lòng lắm đó.
 
Cô gái nói:
 
- Vâng, em biết. Em xin phép mọi người.
 
Cô gái đi về phía bàn họa sĩ. Ông đang lim dim đôi mắt, không để ý đến xung quanh. Cô gái ngồi xuống ghế, chờ đợi. Họa sĩ chợt mở bừng mắt ngạc nhiên. Ông cảm thấy mùi hương tỏa ra từ cô gái, không hẳn mùi nước hoa hay mùi da mùi tóc. Có lẽ là mùi hương của thổi trẻ, mà sao quen thuộc lạ lùng. Ông chưa kịp hỏi, cô gái đã lên tiếng:
 
- Con chào họa sĩ. Con xin phép ngồi cùng người một lát được không ạ.
 
Họa sĩ chăm chú nhìn cô gái. Đôi mắt già nua của ông lúc này đầy vẻ tinh anh, tâm trí ông chợt bừng sáng. Họa sĩ mỉm cười làm động tác hài lòng và hỏi:
 
- Cô biết ta ư?
 
Cô gái khẽ cúi đầu, nói nhẹ:
 
- Thưa vâng, con biết tên tuổi người từ lâu.
 
Đối với họa sĩ điều đó không lạ. Nhưng ông cảm thấy cô gái này có gì đó khác thường. Gương mặt, thần thái cô ta có gì quen quen. Ông thấy bứt rứt và xao động khi nhìn cô và nghe cô nói. Trí óc ông trở nên linh hoạt, ông lại là ông, lịch lãm và phong lưu trước người đẹp như thuở nào. Ông nói thân mật:
 
- Cảm ơn. Cô biết ta như thế nào?
 
- Dạ thưa, biết Người qua người thân. Con đến chào Người và muốn xin Người một điều.
 
Họa sĩ nói:
 
- Ta chỉ còn tuổi già, có gì để cho ai nữa đâu.
 
Cô gái mỉm cười nhìn ông thân thiết:
 
- Dạ còn và còn rất lớn. Con muốn được đến thăm Người.
 
Họa sĩ ngạc nhiên nhìn cô gái. Ông nói:
 
- Thăm ta ư? Ta rất vui vì có người trẻ tuổi đến thăm. Chỗ ta đang ở cách đây hơi xa.
 
- Dạ con biết rồi. Nếu Người cho phép, sáng mai con xin đến thăm.
 
Họa sĩ khẽ gật đầu trầm ngâm. Cô gái nói: “Con cảm ơn. Bây giờ con xin phép”. Cô gái chào họa sĩ và trở lại bàn cùng với các bạn. Lúc này thiếu phụ chủ quán đang múa ngón tay trên cần đàn và cất tiếng hát:
 
Người ngồi xuống xin mưa đầy
Trên hai tay cơn đau dài 
Người nằm xuống nghe tiếng ru
Cuộc đời đó có bao nhiêu mà hững hờ...
 
Cuộc viếng thăm vẻ bí hiểm của cô gái và tiếng hát trầm buồn của thiếu phụ khiến họa sĩ nôn nao như say. Ông đứng dậy, chống ba toong chầm chậm đi ra không chào từ biệt như mọi lần. Cả một trời sương và rừng thông Đà Lạt vây quanh ông.
 
* * *
                
Họa sĩ Hoàng Bửu ở trong ngôi biệt thự nhỏ giữa rừng thông. Đây là nhà sáng tác của một người bạn, thường được người Đà Lạt gọi là Vườn Tượng. Bạn ông là một nhà điêu khắc nổi tiếng, thời gian này đang về Sài Gòn. Xung quanh ngôi biệt thự, những cụm tượng đặt rải rác thấp thoáng sau các gốc thông, các khóm hoa. Buổi sáng, họa sĩ dậy sớm đi bộ trên đồi thông, trở về tập khí công khoảng nửa giờ rồi tắm nước nóng. Ông mặc quần áo chỉnh tề rồi leo con dốc nhỏ lên nhà sáng tác gọi một ly cà phê sữa, ăn một lát bánh mỳ. Lúc ông trở về đã thấy thiếu nữ tóc dài tối qua ngồi chờ trên ghế đá cạnh nhóm tượng đang thi công. Thiếu nữ đứng dậy đón họa sĩ bên chân dốc. Ánh nắng nhẹ của buổi sáng Đà Lạt lọt qua vòm lá thông nhỏ giọt trên tóc, trên bộ váy áo màu sáng của cô. Trông cô thật thanh tân, rực rỡ. Họa sĩ hơi giật mình vì dưới ánh sáng ban ngày, trông cô gái càng quen thộc. Cô gái nhún mình chào họa sĩ và nhẹ nhàng theo ông vào nhà. Họa sĩ chậm rãi pha trà trong bộ ấm đất nung đã lên nước đen bóng ông luôn mang theo bên mình nhiều năm nay. Ở đây người ta ít uống trà Bắc, nhưng họa sĩ không thể thiếu. Khi họa sĩ pha trà, cô gái quan sát căn phòng bề bộn những khung tranh, mẫu vẽ, giấy, bút, sách vở. Trên bàn viết và trên giá sách có mấy khung ảnh và tượng chân dung. Cô gái đứng bật dậy bước nhanh đến chỗ một kệ gỗ đặt ở đầu chiếc giường nhỏ.
 
Trên kệ là tượng chân dung một thiếu nữ đúc đồng tỷ lệ bằng người thật. Cô ngồi xuống bên giường ghé nhìn bức tượng, vẻ xúc động sâu sắc. Một lát, cô gái ngửng đầu lên nhìn họa sĩ, hai mắt đẫm lệ.
 
- Thưa Người, đây là mẹ con phải không?
 
Họa sĩ bàng hoàng nhìn cô gái. Cô đến bên bàn mở túi xách, đưa cho họa sĩ một tấm ảnh đen trắng ố màu thời gian. Họa sĩ già lập cập đeo cặp kính, run run cầm tấm ảnh. Ông thốt lên:
 
- Đây là Hường. Ta với nàng đã chụp bên thác Camly ngày ấy. Vậy cô là...
 
- Con là Lan Hương, con của mẹ Hường.
 
Họa sĩ sững sờ không thốt nên lời. Hồi lâu ông mới nói:
 
- Hơn hai mươi nhăm năm rồi. Bây giờ mẹ con ở đâu?
 
- Mẹ con sống ở tận trời Tây. Con từ Ca-ly mới về.
 
Ngày ấy Hường đi họa sĩ có biết, nhưng không được gặp nhau để từ biệt. Hơn nữa những người thân cả hai gia đình phong tỏa tin tức suốt bao năm nên ông không biết gì hơn. Bây giờ ông mới nhận ra nét quen thuộc của cô gái chính là hình bóng của Hường. Ông hỏi:
 
- Mẹ con có được hạnh phúc không?
 
Cô gái ngẫm nghĩ hồi lâu rồi trả lời rành rọt:
 
- Nếu cho rằng được lựa chọn đường đời theo ý mình và đi được tới cùng là hạnh phúc, thì có, Người ạ.
 
- Nghĩa là sao?
 
Cô gái nhìn họa sĩ không rời. Cô đáp trầm ngâm:
 
- Mẹ con và mấy cô bác người Việt ở Ca-ly quyên góp xây một ngôi chùa. Hàng ngày bà tụng kinh niệm Phật và ăn chay trường. Bà vẫn còn đẹp lắm...
 
Trời ơi, họa sĩ đâu có ngờ người con gái đã yêu ông bất chấp tuổi tác, bất chấp mọi cấm đoán của gia đình, xã hội, cháy rực như ngọn lửa muốn thiêu đốt cả ông và nàng, giờ đây đang ở cõi từ bi. Nàng là một trong những nữ sinh bạn của cháu gái ông, kém ông hơn bốn mươi tuổi. Cũng như nhiều người trẻ tuổi khác, nàng yêu nghệ thuật và xem ông như thần tượng. Điều đó đối với ông là chuyện thường tình, vì ông đã quen với sự hâm mộ của những người xung quanh đến mức không để ý chuyện đó nữa. Ngày ấy, cũng trên mảnh đất ngàn thông, ngàn hoa này, nàng theo ông đi sáng tác như tình ông cháu. Không hiểu do phong thủy Đà Lạt hay trời xui đất khiến, nàng đã yêu và thổ lộ tình yêu với ông. Ông, một người trai Hà Nội con nhà danh giá, tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương, đã cưới vợ và đưa vợ con lên chiếc xe thổ mộ rong ruổi bao nhiêu năm trường, sinh tử với nghệ thuật. Cuộc đời lãng du đã đưa ông đến nhiều mối tình sóng gió, nhưng không cõi mơ nào làm ông quên đường về với bến bờ thực là người vợ tao khang và những người con của ông. Ông đã gặp những giai nhân tuyệt sắc, những hồng nhan tri kỷ hâm mộ tài năng và khí chất của ông. Nhưng trước tình cảm bộc phát mãnh liệt của Hường, một cô nữ sinh áo trắng, ông đã hoảng sợ. Ông bỏ dở chuyến đi sáng tác và đưa nàng trở lại Sài Gòn. Ông trở về Hà Nội, nhận được rất nhiều thư của nàng. Trong thư, nàng gọi ông là ông và xưng em, thổ lộ sự nhớ nhung mãnh liệt và nỗi buồn khổ của nàng. Ông nghĩ rằng qua thời gian, rồi tình cảm bồng bột tuổi trẻ sẽ qua thôi. Cuối năm ấy ông vào Sài Gòn, nàng biết và tìm đến thăm ông. Nàng đòi ông đưa lên Đà Lạt dịp lễ Giáng sinh, chỉ một lần ấy nữa thôi. Đà Lạt giáng sinh năm ấy, hoa phượng tím nở đầy trời. Phượng tím chỉ nở ở Đà Lạt, nó là đặc trưng ở thành phố ngàn hoa này. Chuyến đi ấy đã trở thành định mệnh. Ông không thể cưỡng lại tình cảm nồng cháy của tuổi trẻ và nàng đã trao gửi tất cả cho ông. Đêm ấy, nằm trong vòng tay ông, nàng nói rằng nàng vô cùng hạnh phúc. Gần sáng, nghĩ rằng nàng đang ngủ ngon, ông trở dậy hút thuốc. Bất ngờ nàng chui ra khỏi chăn, nói giọng tỉnh táo:
 
- Ông ơi, chúng mình cùng chết nhé. Em muốn được chết với ông.
 
Tưởng nàng nói trêu, ông mỉm cười ôm vai nàng. Nhưng khi thấy nàng mở túi xách bỏ ra một lọ thuốc, ông hiểu là nàng nói thật. Suốt đêm hôm ấy và buổi sáng hôm sau ông an ủi, thuyết phục nàng. Nàng mới mười tám tuổi, còn ông gấp ba tuổi nàng. Ông thấy mình thật là tội lỗi. Ông không có quyền yêu nàng, đây là tình yêu điên rồ nhất trong đời ông. Ông đã thuyết phục được nàng và đưa nàng trở lại Sài Gòn. Một linh cảm xấu khiến lòng ông nặng trĩu. Không biết rồi điều gì sẽ xảy ra, nhưng chắc chắn  là rất nghiêm trọng. Ông biết đây là lần gặp nhau cuối cùng của hai người, vì ông không thể cho phép mình gặp lại nàng nữa. Như một kẻ tội đồ chạy trốn, sáng hôm sau ông lặng lẽ ra ga về Hà Nội. Nàng hiện ra trước mặt đúng lúc ông sắp đặt chân lên bậc toa tàu. Ông sững sờ vì quá bất ngờ, vì không hiểu sao nàng biết ông ra đi. Nàng không hề rơi nước mắt bình tĩnh nói với ông:
 
- Em bị nhốt trong phòng, phải trèo cửa sổ trốn ra đây. Em biết ông sẽ làm như thế, vì ông là ông. Được sống cùng ông đêm giáng sinh là đời em mãn nguyện rồi. Mong ông hãy bảo trọng. Vĩnh biệt ông.
 
Nàng lên xích lô không hề quay đầu lại. Sau đấy là sự phản ứng dữ dội của gia đình nàng. Ông đã mất đi những người bạn, trong đó có cha nàng. Qua bạn bè, ông được biết gia đình đã đưa nàng sang Mỹ du học.
 
Đầu những năm tám mươi của thế kỷ trước đất nước sau chiến tranh còn rất nghèo, việc xuất ngoại rất khó khăn. Nhưng gia đình nàng thuộc loại gia thế, lại có bà con thế lực bên đó bảo lãnh. Ông đắp tượng nàng theo trí nhớ và thuê thợ đúc đồng. Bây giờ người vợ tào khang đã mất, các con ông đều trưởng thành, có người cũng nổi tiếng trong giới của ông. Những lá thư và bức tượng của nàng luôn đi theo ông mỗi lần chuyển dịch chỗ ở. Nàng chỉ còn sống trong cõi nhớ của ông. Đúng lúc ông không ngờ nhất, thì tin nàng đến, mà người đưa tin lại là con gái nàng.
 
Cô gái trìu mến nhìn người họa sĩ già đang lặng đi vì xúc động. Cô hiểu ông đang nhớ về mẹ cô.
 
- Con về lần này du lịch hay thăm gia đình?
 
- Hai ngoại con đã mất, cô gái nói. Con tìm tài liệu làm luận văn doctor về văn hóa Việt. Con đã tìm ông ở Hà Nội, Sài Gòn. Người ta nói rằng ông đang ở Đà Lạt, con liền lên đây.
 
Họa sĩ ngượng ngùng hỏi:
 
- Mẹ có bao giờ nhắc đến ta không?
 
- Mẹ vẫn dõi theo ông. Những bài báo đăng về triển lãm tranh của ông ở trong nước, nước ngoài mẹ đều cắt và cất giữ cẩn thận. Mẹ đã dạy con tiếng Việt và biết yêu văn hóa Việt.
 
Tưởng chỉ là tình cảm bồng bột tuổi trẻ, nào ngờ Hường đã yêu ông sâu nặng đến thế. Lưỡng lự hồi lâu, ông hỏi:
 
- Sang Mỹ, mẹ con đã kết hôn với bố con phải không?
 
Cô gái ngạc nhiên và trách móc nhìn ông:
 
- Không, mẹ không còn người nào cả. Con được hoài thai trong một đêm giáng sinh ở thành phố Đà Lạt này đó.
 
Họa sĩ già chết lặng, khuôn mặt nhăn nheo và đôi môi run run. Ông khuỵu xuống, ngồi bệt trên sàn, hai tay huơ lên trời và thốt lên:
 
- Trời, vậy con là con ta đấy ư?
 
Cô gái cúi đầu không đáp. Đôi má trắng trẻo của cô ướt đẫm hai hàng lệ. Cô nói âm thầm:
 
- Mẹ bảo nếu Người còn sống, mời Người sang Ca-ly để mẹ được gặp lại một lần nữa.
 
Họa sĩ Hoàng Bửu khó nhọc đứng dậy, đặt tay lên đầu cô gái đang khóc lặng lẽ. 
 
- Ta già rồi, đã chín mươi tuổi rồi, con gái ạ. Bạn bè cùng lứa chỉ còn một người. Còn ngày nào ở đất nước, con hãy đến ở cùng ta được không?
 
Cô gái đứng dậy, cầm bàn tay nhăn nheo của họa sĩ, ngước đôi mắt ướt nhìn ông:
 
- Con còn một số việc phải làm, cũng đang ở với mấy người bạn. Nhưng con sẽ quay lại.
 
Cô gái muốn gọi ông là cha nhưng không thốt lên được. Ông vịn vai cô đưa cô qua khu vườn tượng xuống chân dốc Yên Thế. Ông dừng lại, đặt tay lên mái tóc xanh như mây của con gái, từ đôi mắt già nua, hai giọt lệ lăn trên khuôn mặt nhăn nheo. Ông nói:
 
- Ta có tội với mẹ con con. Mong hai người hãy tha thứ cho ta.
 
Cô gái hỏi:
 
- Để mẹ con có một tình yêu đủ sống một đời, để con được sinh ra làm người là có tội ư?
 
Họa sĩ sững sờ nhìn cô gái. Hạnh phúc và bất hạnh, tình yêu và tội lỗi phải chăng là lẽ riêng của mỗi số phận con người. Được sinh ra làm người quả là một hạnh phúc lớn lao, nhưng sống cho nên người còn khó khăn và lớn lao hơn. Hường thật kiên cường. Nàng một mình đi qua bao nhiêu gian truân với tình yêu như ngọn lửa giấu kín, một mình nuôi dạy con gái thành tiến sĩ. Lòng ông trào dâng một niềm hạnh phúc xót xa. Trí não già nua của ông ngân lên những âm thanh kỳ lạ, hay tiếng chuông nhà thờ xen lẫn tiếng chuông chùa Đà Lạt đang gióng giả báo ngày giáng sinh đã đến?
 
Cô gái chầm chậm đi xuống dốc. Xung quanh cô rừng thông và cỏ hoa thơm ngát, trên đầu cô những cây phượng Đà Lạt nở hoa rực rỡ như những áng mây tím bồng bềnh. Trong hồn cô vang lên câu hát của Trịnh Công Sơn, người nhạc sĩ nhiều duyên nợ với cao nguyên này:
 
Tạ ơn hoa sáng thơm cho mẹ
Tạ ơn chim chiều hát cho cha
Trời đất kia có hay ta về
Một phố hồng một phố hư không...
 
Cô dừng lại nhìn lên dốc. Họa sĩ già, cha cô vẫn đứng nhìn theo.
 
Truyện ngắn: ÐỨC HẬU