Vòng quay hạnh phúc

08:11, 01/11/2018

Bây giờ thì cụ Tuyết đã bước vào tuổi chín mươi. Cái tuổi mà người đời thường bảo cuộc sống chỉ được tính bằng năm, thậm chí bằng tháng. Vậy mà suốt trong thời gian ở với cậu con cả, cứ đều đặn vài ngày cụ lại chống gậy sang nhà tôi trò chuyện. 

Bây giờ thì cụ Tuyết đã bước vào tuổi chín mươi. Cái tuổi mà người đời thường bảo cuộc sống chỉ được tính bằng năm, thậm chí bằng tháng. Vậy mà suốt trong thời gian ở với cậu con cả, cứ đều đặn vài ngày cụ lại chống gậy sang nhà tôi trò chuyện. Trong những lần tề tựu, hết chuyện gia đình đến chuyện xã hội, chuyện thơ phú đến thời sự quốc tế, lúc ra về, bao giờ cụ cũng ngửa mặt nhìn trời, buông một câu cùng tiếng thở dài: “Quái lạ, sao trời đất lại lắm bão táp, lũ lụt thế không biết”.
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân

Tôi quen cụ Tuyết từ ngày cụ còn đang công tác trong ngành văn hóa. Nếu không vì cái “khiếm khuyết” trong tiểu sử sinh đến sáu đứa con, có khi cụ được đề bạt đến chức phó giám đốc sở. Nhưng trót thế rồi, nên cụ chỉ stop ở cái vị trí phó phòng. Không sao. Cái chuyện chức tước chẳng làm cụ bận lòng. Quen biết cụ lâu, tôi hiểu rõ điều đó. Với cụ, điều quan trọng nhất là tình cảm gia đình. Sáu con, kinh tế chỉ thường thường bậc trung nên nhiều lúc cụ cũng gặp cảnh lao đao. Vậy mà mấy chục năm cùng người vợ thảo hiền chèo chống, đến nay cả sáu đứa con của cụ đều thành đạt, có đứa đã thành tiến sĩ. Có điều, do sự phân công nên sáu đứa công tác ở sáu tỉnh khác nhau. Trừ cậu con cả ở cùng thành phố nhưng khác phường, còn lại năm đứa kia đều công tác ở ngoại tỉnh nên chỉ ngày tết mới có dịp trở về đoàn tụ với bố mẹ. 
 
Ngày về hưu, cụ Tuyết có một ngôi nhà nho nhỏ. Lương của hai cụ đủ sống. Tuy xa cách các con nhưng hai cụ biết cách nương tựa và giúp đỡ lẫn nhau nên tuổi già cũng vui vẻ, đầm ấm. Tuổi già của hai cụ bao năm tháng vẫn trôi qua một cách êm đềm như vậy. Nói hai chữ “êm đềm” không hề quá. Vì tuy phải tự lo liệu mọi việc và có những lúc ốm đau nhưng các cụ vẫn động viên nhau vượt lên, chưa bao giờ kêu ca nửa lời. Tình cảm mặn mà của hai cụ, hàng xóm ai cũng biết và rất cảm phục. Có người còn tặng hai cụ biệt hiệu là “đôi sam già”.
 
Vậy mà cuộc đời hai cụ bỗng có một khúc quanh. 
 
Đó là năm hai cụ vào tuổi tám lăm. Trong ngày tết đầy đủ con cháu, cậu con cả chắp hai tay đứng lên với vẻ cung kính:
 
- Thưa bố mẹ. Bấy lâu nay, sáu đứa chúng con vẫn lặng lẽ quan sát cuộc sống của bố mẹ, không ai nói gì nhưng thật ra chúng con rất băn khoăn. Bố mẹ già rồi mà chúng con thì ở xa. Những lúc trái gió trở giời, nhỡ ra xảy ra chuyện gì thì hối hận không kịp. Chúng con hiểu như vậy là bất hiếu.
 
Nghe cậu con cả nói, hai cụ rưng rưng cảm động. Thì ra, bấy lâu nay, tuy không nói ra miệng nhưng chúng vẫn thầm quan tâm tới bố mẹ.
 
 Cậu con cả nói tiếp:
 
- Thưa bố mẹ, vừa rồi, cả sáu anh em chúng con đã mạn phép bố mẹ cùng nhau bàn bạc và đã thống nhất đưa ra một kế hoạch. 
 
Cậu cả “e hèm” rồi tiếp tục thưa bằng giọng nói rưng rưng:
 
- Chúng con có ý kiến là bố mẹ hãy bán ngôi nhà này đi rồi về ở với chúng con. Con là trưởng, lẽ ra bố mẹ ở với vợ chồng con hợp lí. Nhưng bàn đi tính lại, thấy làm như thế chẳng hơn hiện tại bao nhiêu. Với lại, như thế thì chỉ vợ chồng con và các cháu được hưởng phúc sống gần bố mẹ, ông bà, còn các chú ở xa thì chẳng được cải thiện thêm chút nào. Âu là, từ nay, bố mẹ chia nhau ra, luân phiên thay nhau ở với sáu đứa chúng con. Mỗi gia đình sẽ được ở với bố hoặc với mẹ một tháng. Làm thế nghĩa là bố mẹ đã chia đều hạnh phúc cho các con, các cháu, sẽ không ai tỵ ai - Cậu cả nhấn mạnh câu “chia đều hạnh phúc”. 
 
Cậu hai, cậu ba, cậu tư, cậu năm, cậu sáu cùng đứng dậy kính cẩn thưa bằng những lời lẽ chứa chan tình cảm cùng sự hiếu đễ mặn nồng không hề kém ông anh cả.
 
Việc chúng đưa ra vô cùng hợp tình hợp lí, nhưng vì quá bất ngờ nên hai cụ lặng người, chưa biết nói năng sao.
 
Mười mấy đứa cháu, chắt tuổi từ tám, chín đến mười tám đôi mươi, đủ trai đủ gái, ngồi phía dưới, đồng loạt reo to:
 
- Hoan hô, từ nay được ở với ông một tháng, với bà một tháng rồi. Thích quá!
 
Rồi chúng nhao nhao cãi nhau, tranh nhau được đưa ông và bà về nhà mình trước.
 
Đến vậy thì đúng là cảm động tràn đầy rồi. Hai cụ lén lau nước mắt, kín đáo hội ý cấp tốc. Cuối cùng ông thay mặt bà nhận lời đề nghị chí tình chí nghĩa của các con, các cháu.
 
Tất nhiên hai cụ phải tính đến chuyện bán ngôi nhà đang ở. Căn nhà tuy nhỏ nhưng ngự trên vùng đất vàng nên sau khi sang tên cho người mua, hai cụ có trong tay vài tỷ. Chẳng một chút đắn đo, hai cụ chia đều cho sáu đứa. Tuổi già thì cần tiền bạc làm gì cho thêm vướng bận. Hai cụ rất vui vì những đồng tiền đã giúp cho chúng nó rất nhiều chuyện. Từ sửa sang nâng cấp nhà ở, từ việc mua sắm xe pháo, tiện nghi đến việc học hành cho các cháu.
 
* * *
 
Nếu tính theo cái vòng quay “chia đều hạnh phúc” mà con cháu qui ước thì cứ sáu tháng cụ Tuyết mới quay về với cậu con cả một lần. Nghĩa là phải sáu tháng, tôi và cụ Tuyết mới có cơ hội gặp nhau. Quan tâm đến chuyện này vì tôi với cụ Tuyết có chung cái thú yêu thơ, muốn gặp gỡ để đàm đạo.
 
Chiều nay cụ Tuyết sang nhà tôi. Vậy là đang đến phiên cụ ở với cậu con cả.
 
Cụ lập cập bước vào nhà. Những lần gặp trước, cụ thường khoe với tôi những tập thơ cụ sưu tầm được, rồi bình bàn khá sôi nổi. Nhưng hôm nay trông cụ có vẻ buồn buồn.
 
Tôi thăm dò:
 
- Dạo này cụ vẫn mạnh và vui vẻ với cháu con chứ ạ?
 
Cụ nói khẽ:
 
- Vẫn vui chú ạ. Nhìn các cháu mỗi lúc một trưởng thành, không vui sao được hả chú.
 
Nhưng nhìn cái lưng hơi gập xuống, tôi đoán cụ có điều bứt rứt trong tâm. Quả thật, sau ngụm trà, cụ lặng lẽ dốc bầu tâm sự:
 
- Thú thật với anh, một vài năm đầu, sống theo sự sắp đặt của chúng nó tôi cũng cảm thấy thoải mái ít nhiều. Năm nào, bố con, ông cháu cũng được sống gần nhau. Chỉ có điều…
 
Tôi nhanh nhảu:
 
- Có điều gì cụ không vừa ý chăng?
 
 Cụ Tuyết lắc đầu:
 
- Không phải không vừa ý. Nhưng chú có biết không, năm năm nay tôi chưa được gặp bà lão nhà tôi rồi.
 
Tôi ngạc nhiên:
 
- Sao vậy hả cụ?
 
- Theo cái sơ đồ vòng quay của chúng nó, tháng thứ nhất tôi ở với thằng cả thì bà ấy ở với thằng thứ hai. Tháng sau, tôi ở với thằng hai thì bà ấy lại đến với thằng ba. Cứ thế, bà ấy đi thì tôi đến. Cái “vòng quay hạnh phúc” trên cái sơ đồ của chúng nó qui định như vậy rồi, không khác được. Các con tôi sống và làm việc khoa học lắm. Đã lập trình thì không thể có sai số - ấy là chúng nó bảo thế, chứ tôi có biết mô tê gì đâu. 
 
Uống thêm ngụm trà, giọng cụ Tuyết buồn xa xăm:
 
- Chú cũng biết tôi và bà lão thương quí nhau lắm. Càng già càng thương nhau. Ngày còn ở cùng, bà ấy đi đâu nửa ngày là tôi đã cồn cào gan ruột.
 
Tôi hơi dằn giọng:
 
- Các chú ấy làm vậy là không được.
 
- Không. Chú đừng nghĩ oan cho chúng nó. Các con tôi vẫn luôn nghĩ đến chuyện tìm cách để bố mẹ gặp nhau. Nhưng khổ nỗi, sáu đứa nhà tôi thằng nào cũng túi bụi vì công việc. Quả thật là chúng nhiều việc lắm, có được một ngày rỗi rãi là rất hiếm. Hơn nữa, chú cũng biết, mấy cái tỉnh xung quanh tỉnh mình đây sao mà lắm thiên tai thế. Đã có một lần chúng định tổ chức cho bố mẹ gặp nhau nhưng lại đúng vào thời kì bão lụt, phải hoãn. Thì chú vẫn chả nghe trên ti vi người ta thông báo tỉnh này tỉnh nọ lũ ống, lũ quét, sạt lở, chết và mất tích hàng mấy mươi người là gì. Cứ lần lữa vậy, vài năm trôi qua là thường thôi chú ạ. 
 
Tôi hơi bất bình:
 
- Vậy là từ ngày sống trong cái “vòng quay phân phối hạnh phúc” của các chú ấy, hai cụ chưa được một lần gặp nhau?
 
Giọng cụ Tuyết trầm xuống:
 
- Tất nhiên trong hướng tương lai, chúng nó vẫn đang nghiên cứu để bố trí cho chúng tôi gặp nhau. Nghe đâu như vào tháng 8 âm này thì phải - bỗng cụ ngẩn mặt vẻ lo lắng - Ừ, nhưng mà hình như cơn bão số 9 lại đang tiến vào nước ta phải không chú? - Cụ Tuyết giấu tiếng thở dài.
 
Khi chia tay tôi, chân run run bước xuống bậc thềm nhưng cụ vẫn không quên ngẩng mặt nhìn trời và khẽ than: “Quái lạ, sao trời đất lại lắm bão táp, lũ lụt thế không biết”.
 
Truyện ngắn: HỒ THỦY GIANG