Hồn lửa trong tranh Việt

09:02, 14/02/2019

Được sáng tác bằng chất liệu độc đáo, đẹp một cách mộc mạc nhưng không kém phần tinh tế, tranh bút lửa từ lâu đã trở thành sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa của thành phố Đà Lạt. Những năm gần đây, dù gặp nhiều khó khăn nhưng dòng tranh này vẫn như một mạch ngầm bền bỉ chảy trong đời sống nghệ thuật của thành phố cao nguyên.

Được sáng tác bằng chất liệu độc đáo, đẹp một cách mộc mạc nhưng không kém phần tinh tế, tranh bút lửa từ lâu đã trở thành sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa của thành phố Đà Lạt. Những năm gần đây, dù gặp nhiều khó khăn nhưng dòng tranh này vẫn như một mạch ngầm bền bỉ chảy trong đời sống nghệ thuật của thành phố cao nguyên. 
 
Họa sĩ Nguyễn Khánh Hoàng sáng tác tranh bút lửa
Họa sĩ Nguyễn Khánh Hoàng sáng tác tranh bút lửa
Buổi tối, chợ đêm thành phố Đà Lạt rực rỡ và sôi động. Hàng trăm gian hàng khoe bày vô số đặc sản Đà Lạt kèm theo những tiếng chào mời nồng nhiệt. Du khách chen chân, kề vai, nói cười rôm rả. Mặc mọi ồn ào, náo nhiệt đang diễn ra xung quanh. Tại một góc khu chợ, người họa sĩ trẻ vẫn lặng lẽ, mê mải với công việc của mình. Chiếc bút trên tay anh lướt đi như múa trên tấm gỗ trắng mịn như ngà. Một làn khói mỏng quyện với mùi thơm dịu từ miếng gỗ bay lên, tỏa vào không gian như một hương ảnh mông lung hiện về từ kí ức xa xôi. Sau ngòi bút, các đường nét, hình khối dần hiện ra. Đây là hồ Xuân Hương lao xao sóng nước, kia là nhà hàng Thủy Tạ, xa xa là tháp chuông Trường Cao đẳng sư phạm vươn lên cao vút giữa rừng thông. Ngắm tranh, khách cảm giác như đang ngược thời gian trở về với một Đà Lạt xưa hoang sơ, mộng mị mà người ta vẫn thường thấy trong những bức ảnh đen trắng do các nghệ sỹ nhiếp ảnh tài hoa như Đặng Văn Thông, Nguyễn Bá Mậu, Trần Văn Châu... thực hiện cách đây gần một thế kỷ.
 
Nguyễn Khánh Hoàng, một họa sĩ trẻ chuyên vẽ tranh bút lửa ở chợ đêm Đà Lạt cho biết, tranh bút lửa có xuất xứ từ nước ngoài, được du nhập vào Đà Lạt khoảng 40 năm về trước. Tuy nhiên, khi xuất hiện tại Việt Nam, người ta chỉ thấy những bức tranh chứ không biết làm cách nào để tạo ra nó và chính những nghệ nhân, họa sĩ ở Đà Lạt đã tìm tòi, sáng tạo ra nguồn nguyên liệu cùng với phương tiện để tạo nên dòng tranh độc đáo này. 
 
Tranh bút lửa thường được vẽ trên gỗ mà phải là loại gỗ tốt, mịn, trắng, không nứt, mùi thơm. Trước đây, người vẽ tranh thường sử dụng gỗ bạch tùng, một loại gỗ quý mọc trong các khu rừng xung quanh Đà Lạt mang về xẻ ra từng miếng với các kích cỡ khác nhau tùy theo đề tài hoặc nhu cầu của khách hàng. Sau đó đem phơi phô và xử lý cho bề mặt miếng gỗ trở nên mịn bóng. Hiện nay, do nguồn gỗ bạch tùng cạn kiệt, các họa sĩ chuyển sang dùng gỗ cây lồng mức hay còn gọi cây nha đồng, loại gỗ mà người xưa thường sử dụng để khắc ván in tranh và sách. 
 
Để vẽ tranh bút lửa, công cụ không thể thiếu đó chính là cây bút gồm các bộ phận chính: Hai dây dẫn điện được đấu nối với máy biến áp 12 vôn, đầu hai dây dẫn nối với nhau bởi một dây may-so và quấn vào một ngòi bút bằng đồng có đường kính khoảng 3 mi-li-met, đầu bút được cắt gọt thành hình cánh sen để có thể vừa tạo nét, vừa tạo màu và hình khối. Ngòi bút gắn vào một vật cách nhiệt bằng sành sứ. Tất cả các bộ phận trên được liên kết vào một chiếc cán bút làm bằng gỗ để cầm. “Trên thị trường hiện cũng có bán các loại bút lửa nhưng khó sử dụng vì ngòi bút quá nhỏ, chỉ dễ tạo nét mà khó tạo khối. Dây may-so của những chiếc bút ấy cũng mau đứt. Thành ra, chúng tôi đều phải tự chế những chiếc bút cho riêng mình” - họa sĩ Nguyễn Khánh Hoàng chia sẻ.
 
Một trong những bí quyết và cũng là thách thức khi vẽ tranh bút lửa là phải làm chủ được được sức nóng của ngòi bút. Tuy nhiên, điều này không hề dễ dàng bởi chỉ cần một chút sơ sẩy, ngọn lửa sẽ phá hỏng cả một bức tranh. Bằng kinh nghiệm và sự nhạy cảm, người họa sĩ phải điều chỉnh nguồn điện làm sao cho ngòi bút đạt độ nóng phù hợp, từ đó tạo ra đường nét, hình khối, màu sắc như ý.  
 
Đề tài sáng tác của tranh bút lửa khá đa dạng, từ bức vẽ thư pháp đến các chủ đề tôn giáo, phong cảnh, con người. Hầu hết đều theo lối tả thực. Sản phẩm được du khách yêu thích là tranh chân dung. Khách có thể ngồi mẫu cho họa sĩ vẽ để lấy sản phẩm ngay hoặc gửi ảnh để họa sĩ thực hiện sau đó nhận qua đường bưu điện. 
 
Tranh bút lửa Đà Lạt đã có thời kỳ phát triển rực rỡ với đội ngũ họa sĩ, nghệ nhân hùng hậu lên tới hàng chục người, sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, những năm gần đây, trước sự cạnh tranh mạnh mẽ của dòng tranh hiện đại cộng với sự trùng lắp, cạn kiệt về đề tài, ý tưởng, tranh bút lửa dần bị mất chỗ đứng. Nhiều người bỏ nghề hoặc chuyển sang vẽ các dòng tranh khác. Hiện tại, Đà Lạt chỉ còn khá ít họa sĩ gắn bó với nghề vẽ tranh bút lửa và họ đang phải chật vật với nhiều khó khăn.
 
Theo họa sĩ Huỳnh Hải Vương, tranh bút lửa là dòng tranh khá kén người thưởng thức. Nếu người họa sĩ vẽ theo kiểu “nhân bản” để bán như một mặt hàng thủ công mỹ nghệ thì giá trị tác phẩm không cao, thậm chí sẽ gây cảm giác đơn điệu, nhàm chán. Còn để đầu tư cho ra đời một tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao thì tốn rất nhiều thời gian, công sức mà chưa chắc đã bán được. Bên cạnh đó, nghề tranh bút lửa lâu nay chỉ được trao truyền, tiếp nối theo kiểu tự học, tự rút kinh nghiệm mà không có trường lớp đào tạo bài bản nào. Việc theo đuổi đam mê nhằm vươn tới những tác phẩm có giá trị nghệ thuật với mục đích kiếm sống hằng ngày, giữa bản năng, chủ nghĩa kinh nghiệm với yêu cầu phải luôn sáng tạo, đổi mới luôn là bài toán khó với những người theo đuổi nghề tranh bút lửa.
 
Nhằm tăng sức hấp dẫn cho dòng tranh bút lửa, thời gian gần đây, một số họa sĩ đã thử nghiệm, sáng tạo ra các kĩ thuật và chất liệu mới, có người đã thử nghiệm thành công việc vẽ tranh bút lửa trên giấy. Những tranh vẽ trên giấy có độ sắc nét và lâu phai màu hơn so với tranh vẽ trên gỗ. Số khác kết hợp giữa nghệ thuật hội họa và nghệ thuật nhiếp ảnh vào tác phẩm. Phát triển thêm dòng tranh trừu tượng. Sử dụng truyền thông, mạng xã hội nhằm quảng bá giới thiệu sản phẩm. Tổ chức các cuộc triển lãm chuyên đề về tranh bút lửa. Đặc biệt, trong các dịp lễ hội văn hóa, du lịch tại Đà Lạt, tranh bút lửa đã được đưa vào không gian của lễ hội như là một ngành nghệ thuật, mặt hàng thủ công mỹ nghệ độc đáo. Hy vọng rằng, nỗ lực đổi mới của các họa sĩ và sự tiếp sức của cơ quan chức năng, dòng tranh độc đáo của Đà Lạt sẽ tìm lại được thời hoàng kim của mình.
 
VŨ ĐÌNH ĐÔNG