Hương vị mối tình đầu

08:03, 28/03/2019

Khi bước qua cái tuổi xưa nay hiếm, bố tôi quyết định ngừng nghỉ tất cả mọi việc, kể cả việc viết kịch bản phim tài liệu cho đài truyền hình tỉnh, là công việc mà từ ngày nghỉ hưu, bố rất say sưa. 

Khi bước qua cái tuổi xưa nay hiếm, bố tôi quyết định ngừng nghỉ tất cả mọi việc, kể cả việc viết kịch bản phim tài liệu cho đài truyền hình tỉnh, là công việc mà từ ngày nghỉ hưu, bố rất say sưa. 
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
Chiều nào bố cũng ra ngồi bên bộ bàn ghế kê ở sau nhà cùng bộ ấm pha trà cổ. Là đàn ông, lại công tác trong một ngành văn hóa nghệ thuật nhưng bố tôi không có nhiều “tật” như một số người quan niệm về cánh văn nghệ sĩ. Ông không rượu, không cà phê, không thuốc lá, không karaoke, cũng không mê khiêu vũ, là mốt giải trí khá phổ biến và hiện đại của các “cụ” hưu. Thú vui duy nhất của bố chỉ là thưởng trà. 
 
Bố không phải người Thái Nguyên nhưng rất sành trà. Sành từ khâu pha trà đến sự thưởng thức. Bố cho xây một cái bể nhỏ dưới gốc cau ở phía sau nhà rồi lấy mo cau bện thành một đường máng cho nước chảy vào bể. Khi nước trong bể lắng trong thì dùng để pha trà. Bố thường bảo: “Pha trà bằng nước máy thì hỏng hết trà. Có đến loại hảo hạng cũng vứt”. Nghiện trà, nhưng không bao giờ bố uống trà ở nhà người khác. Thường thì mỗi buổi chiều tối bố ngồi một mình tư lự bên cái ấm nhỏ bằng trái cam, cái ấm bố bảo đó là song ẩm, là loại ấm dùng cho hai người, phân biệt với độc ẩm và quần ẩm. Về chuyện thưởng trà, bố giảng giải: “Uống rượu thì phải nhiều người mới vui, nhưng uống trà thì cần sự thầm lặng, ở chiều sâu. Bố thích độc ẩm, nhưng lúc nào cũng mong có bạn đối ẩm nên bố chọn bộ song ẩm này”.
 
Ngoài việc kén chọn nguồn nước, chọn ấm chén, bố còn hết sức chú trọng tới việc pha trà. Có thể nói không quá, bố coi đó như một công việc mang tính nghệ thuật. Mỗi lúc pha trà bố đều hết sức chậm rãi, tỉ mỉ, khéo léo. Tuy tuổi già, tay đã run, nhưng bố không bao giờ để một cánh trà, một giọt nước sôi rớt ra ngoài. Chừng như bố lắng nghe cả những âm thanh phát ra từ những cánh búp chè rơi thầm lặng vào cái ấm cổ màu da lươn trong một niềm khoái cảm vô bờ, như được thưởng thức một áng văn hay. Tôi đã đọc được ở đâu đó, rằng, người sành trà không chỉ cảm nhận bằng sắc, khí, hương, vị, thần của trà, mà họ còn “nghiện” cả tiếng rót trà vào chén. Hẳn bố cũng là một người như thế. 
 
Mẹ tôi mất đã hơn hai chục năm, sau khi bố từ quân ngũ trở về được vài tháng. Bố cứ vậy nuôi anh em tôi khôn lớn. Chuyện nghe thì đơn giản vậy nhưng càng lớn lên tôi càng hiểu đó chính là những tháng năm vô cùng gian nan, phải vượt qua nhiều khổ hạnh của bất cứ một người đàn ông nào. Bởi vậy mà tôi rất mong những năm tháng tuổi xế chiều, bố được sống nhàn nhã bình an, để bù đắp lại những năm tháng vất vả của quá khứ. Tôi rất vui vì bố có cái thú rất thanh tao là thưởng trà. Vì thế tôi luôn tìm tới những địa chỉ bán những loại chè thượng hảo hạng nhất như Tân Cương, La Bằng, Trại Cài… để mua về cho bố. Không một địa chỉ trà nổi tiếng nào của xứ Thái Nguyên mà tôi không tìm đến. Rồi thỉnh thoảng những lúc rỗi rãi, tôi cũng dành chút thời gian ngồi thưởng trà cùng bố.
 
Có lần, tôi dè dặt hỏi:
 
- Trà con mua có làm bố vừa lòng không?
 
Bố ngẫm ngợi một lúc rồi chậm rãi giảng giải:
 
- Ngon lắm con ạ. Trà Tân Cương có mùi thơm mạnh, mùi cốm bền, vị chát dịu, và quí nhất là có vị ngọt hậu. Chè La Bằng độ đậm không được êm sâu như Tân Cương nhưng bù lại ở vị chát mạnh và màu nước vàng sánh. Còn trà Trại Cài lại được nước. Pha đến lần thứ ba vẫn còn ngon. Đặc biệt nhất là mùi hương, uống xong mà như vẫn thấy hương rừng, sắc núi còn lưu lại trong tâm khảm.
 
Bố ngừng lời, cặp mắt chợt dõi về phương xa như muốn tìm trong kí ức một điều gì đó. Rồi như vô thức, bố khẽ lẩm bẩm:
 
- Tuy là vậy… nhưng…
 
Tôi hỏi bố trong lo lắng:
 
- Nhưng sao hả bố?
 
Như sực tỉnh, và cảm thấy có vẻ như lỡ lời, bố vội nhẹ nhàng nói:
 
- Ồ… Không! Không! Trà ngon lắm, con đừng nghĩ ngợi gì…
 
Tôi không dám hỏi thêm, nhưng chữ “nhưng” của bố ít nhiều làm tôi phải băn khoăn. Chất lượng của các loại trà tôi mua về có điều gì làm bố chưa thật sự ưng ý chăng? 
 
Những ngày sau đó, đôi khi, tôi lén nhìn, cứ thấy sau mỗi tuần trà bố lại dõi cặp mắt đục hơi sương về phía có những ngọn núi mờ xanh tận chân trời. Ánh mắt thoảng một chút buồn xa xăm.
 
- Bố thấy gì khi nhìn về phía xa xa ấy? - Trong một bữa cơm, tôi dò hỏi bố bằng một giọng lơ lửng nhưng vui vẻ.
 
Bố cười cười, trả lời bằng một câu mà giống như một triết lí:
 
- Bố không thấy gì cả. Nhưng con ạ, những gì nhìn thấy thì đâu có quan trọng. Ở đời, chính những gì không nhìn thấy mới là những điều đáng quan tâm hơn.
 
Bố không nói ra nhưng mươi phần tôi đã đoán được có lẽ trong quá khứ của bố hẳn phải có một nỗi niềm nào đó thật sâu kín mà không thể diễn thành lời.
 
Nhưng rồi cũng đến một ngày, điều bí mật của bố bỗng được hé mở. Chiều hôm ấy, bố từ phố về, trên tay cầm quyển tạp chí, với tâm trí đầy phấn khích nói với tôi:
 
- Trời ơi! Bố đã tìm thấy rồi. Đó chính là chè hoa vàng!
 
Tôi ngạc nhiên, đoán rằng hình như bố đã tìm thấy một loại trà mà bấy lâu nay tôi chưa sưu tầm được. Tôi vội hỏi:
 
- Bố đã tìm thấy loại trà ưng ý so với các loại trà con mua phải không ạ? Bố cứ cho địa chỉ, con sẽ đến tận nơi mua về.
 
Bố lắc đầu:
 
- Không! Không hẳn là như vậy đâu con ạ. Các loại trà con mua đã là tuyệt đỉnh rồi. Đây là chuyện hoàn toàn khác.
 
Tôi cầm cuốn tạp chí. Một hàng chữ tít in rất đậm: “Chè hoa vàng quí hiếm ở Thái Nguyên”. Đó là một bài viết nói về giống chè hoa vàng vô cùng quí, là một loài chè ngon đặc biệt, một vị thuốc nam rất công hiệu, từng được mệnh danh là “nữ hoàng” của các loài chè. Ngày trước, loài chè này mọc nhiều ở sườn phía đông dãy Tam Đảo thuộc tỉnh Thái Nguyên. Nhưng rất tiếc là gần như đã tuyệt chủng.
 
Tôi đọc kĩ từng chữ trong bài báo nhưng chẳng tìm thấy một mối quan hệ nào giữa loài chè hoa vàng này với niềm phấn khích vô bờ bến của bố khi phát hiện ra nó.
 
Tôi đặt cuốn tạp chí xuống:
 
- Bài báo có gì quá đặc biệt mà… bố phải…
 
Không để tôi chờ lâu, bố kể lại mọi chuyện.
 
Đó là vào năm 1954 khi quân ta vừa chiến thắng Điện Biên Phủ, kéo về tiếp quản Thủ đô. Trên đường hành quân qua một bản vắng nằm ở sườn phía đông dãy núi Tam Đảo thì bố bị căn bệnh đau đầu khủng khiếp. Đơn vị đành phải để bố ở lại gia đình một thày lang nổi tiếng trong vùng để chữa trị. Ở đây, bố đã được hai bố con thày lang hết lòng cứu chữa. Cô con gái hồi ấy mới tròn mười bảy tuổi, đẹp như một nàng tiên núi. Ngày ngày cô lên rừng hái thuốc về sắc cho anh lính trẻ. Ngoài các vị thuốc gia truyền được uống đều đặn thì ngày nào sau bữa ăn, bao giờ cô gái cũng pha một ấm chè rất đặc trong cái ấm nhỏ, rồi ngồi cùng uống với người bệnh. Cô gái cho biết đó là chè hoa vàng hái từ rừng về, cũng là một vị thuốc chữa căn bệnh của bố. 
Hơn một tháng trời ròng rã bố mới khỏe lại hoàn toàn. Nhưng rồi từ đấy, bố trở nên nghiện chè. Trước khi cảm ơn và từ biệt hai bố con thày lang để trở về đơn vị, bố được cô gái gói tặng mấy cân chè khô nhưng đến khi chè hết, bố bỗng thấy trong người dấy lên một nỗi cồn cào khó tả. 
 
- Thế đấy con ạ. Có lẽ cái thú thưởng trà của bố ngày hôm nay được bắt đầu từ những lần song ẩm cùng cô gái con ông thày lang. Sau này đã thưởng thức rất nhiều loại trà nhưng bố nhận thấy không có loại trà nào giống loại chè hoa vàng ấy. Cho nên dù các loại trà con mang về toàn là loại đặc biệt, bố biết có loại còn nổi danh cả thế giới, nhưng khi thưởng chúng, bố vẫn thấy thiếu thiếu một hương vị nào đó rất khó gọi tên…
 
Trong lời bố kể, tuy không có một chi tiết nào nói về chuyện tình ái, nhưng cũng là một người đàn ông, tôi đã hình dung ra ít nhiều. Vì vậy, tôi vui vẻ đùa:
- Có lẽ đó là hương vị của mối tình đầu phải không bố?
 
Ông lừ mắt, nhưng ngay sau đó là một nụ cười:
 
- Cánh nhà văn các anh chỉ hay tưởng tượng. Bây giờ qua bài báo này, bố đã nhớ rõ hơn về loại chè mà năm mươi lăm năm về trước bố được cô gái bản cho uống chính là loại chè hoa vàng quí hiếm mà tác giả bài báo đã miêu tả. Chỉ tiếc rằng loài chè này lại đang tuyệt chủng ngay trên quê hương của nó.
 
Cau mày suy nghĩ một lúc khá lâu, ông quay sang tôi:
 
- Liệu con có thể đưa bố về thăm cái bản ấy một lần không? Tất nhiên là rất mờ mịt, nhưng cái ơn cứu mạng của gia đình thày lang cứ luôn làm bố áy náy suốt bao năm tháng nay...
 
* * *
 
Sau một tháng, bằng mọi cách tìm kiếm, tôi đã xác định được vị trí cái bản nhỏ mà ngày trước bố dưỡng bệnh. Đó đúng là vùng đất nằm ở sườn phía đông Tam Đảo, thuộc tỉnh Thái Nguyên, nơi xuất xứ của loài chè hoa vàng.
 
Thuê ô tô, vượt mấy trăm cây số, tôi đưa bố đến tận nơi. Chỉ tiếc rằng, đất thì còn đấy nhưng người thì đã vĩnh viễn ra đi từ mấy năm trước. Nghe tôi giới thiệu tên tuổi và nhắc lại chuyện ngày trước bố đã được gia đình chữa bệnh, cậu con trai của bà lang (là cô gái trẻ ngày xưa) đã tiếp đón bố con tôi một cách nồng nhiệt và thân thiện như người nhà. Có lẽ cậu đã được mẹ nuôi kể lại mọi chuyện ngày xưa. Cậu bảo:
 
- Mẹ cháu đẹp nhất bản nhưng không lấy chồng. Cháu là đứa trẻ mồ côi được mẹ nuôi từ thuở lọt lòng.
 
Nghe cậu con trai kể với vẻ vô tư, bố tôi không nói nhưng đôi mắt ẩn một nỗi buồn.
 
Tôi vội hỏi:
 
- Thế gia đình em có thường lên núi hái chè hoa vàng về uống không?
 
Cậu trai nói với giọng buồn buồn:
 
- Còn đâu chè hoa vàng trên núi để hái nữa hả anh.
 
Dường như nhìn thấy vẻ thất vọng của bố con tôi, cậu vội nói:
 
- Nhưng bác và anh yên tâm. Mấy chục năm trước, ngày nào mẹ em cũng leo lên núi cao kiếm từng cây chè hoa vàng về trồng đầy một vườn. Vì thế, có lẽ cả tỉnh này chỉ có nhà em là giữ được giống chè này. Chục năm trước, có một lái buôn người Tầu đến muốn mua toàn bộ vườn chè với giá trăm triệu, nhưng mẹ em không bán. Lát nữa, em dẫn bác và anh ra thăm vườn chè.
 
Sau khi cùng bố con tôi thắp nén hương tưởng nhớ người đã khuất, cậu con trai dẫn chúng tôi ra vườn chè. Bố tôi đứng lặng người trước hàng trăm cây chè đang vào mùa trổ hoa, những cánh vàng âm thầm núp trong tán lá. Bố lấy khăn tay lén lau nước mắt. Vẻ như rất rành “chuyện cũ” giữa bố tôi và bà mẹ nuôi, cậu trai ý tứ bấm tôi ra cuối vườn để bố đứng một mình với vườn chè.
 
Trước lúc chia tay, tôi đề nghị được mua mấy cây chè hoa vàng về trồng, cậu con nuôi tỏ vẻ hơi phật ý:
 
- Sao lại mua? Em nghĩ, mẹ em trồng vườn chè này chính là vì bác đây. Anh mang về trồng và cố giữ đừng để nó tuyệt chủng.
 
* * *
 
Hơn nửa năm, trong khu đất nhỏ sau nhà tôi mấy chục cây chè hoa vàng đã bước vào thời kì ra búp. Bố hái chè và tự tay sao tẩm, nâng niu từng cánh chè mỏng manh.
 
Bố nói với tôi, giọng sảng khoái:
 
- Vậy là giống chè hoa vàng không tuyệt chủng. Bố rất vui con ạ.
 
Tôi cũng thấy vô cùng thanh thản, buông một câu hoa mỹ:
 
- Chính là nhờ tình yêu, nhờ hương vị của mối tình đầu mà nó không tuyệt chủng đấy bố ạ.
 
Bố lại lừ mắt:
 
- Đó là chuyện của nhà văn các anh. Còn tôi thì chỉ thấy thật yên lòng vì một người mang ơn được trở về nơi đất cũ… chỉ tiếc rằng…
 
* * *
 
Vài năm sau thì bố mất. 
 
Vườn chè hoa vàng sau nhà tôi cứ mỗi mùa giá rét lại trổ hoa, cánh vàng âm thầm núp trong tán lá.
 
Lòng tôi bỗng thư thái khi nghĩ rằng có lẽ ở chốn cửu tuyền, bố tôi lại có dịp song ẩm với người xưa. 
 
 
Truyện ngắn: HỒ THỦY GIANG