Một đám cưới không có đêm tân hôn

09:04, 04/04/2019

Đúng ngày 2/9/1950, 5 năm sau ngày Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tại căn cứ kháng chiến chống thực dân Pháp, giữa rừng già núi Tản huyền thoại - cơ quan Bưu điện tỉnh Sơn Tây tổ chức đám cưới cho hai cán bộ đều là giao liên hỏa tốc...

Đúng ngày 2/9/1950, 5 năm sau ngày Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tại căn cứ kháng chiến chống thực dân Pháp, giữa rừng già núi Tản huyền thoại - cơ quan Bưu điện tỉnh Sơn Tây tổ chức đám cưới cho hai cán bộ đều là giao liên hỏa tốc. Vật chất đơn sơ nhưng ấm áp tình bạn bè, đồng chí. Ngày lập nước năm ấy cũng là ngày khai sinh một tổ ấm gia đình trở thành kỷ niệm sâu sắc theo suốt cuộc đời của hai lão đảng viên được tặng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng đến khi họ nhắm mắt xuôi tay. 
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
Đã thành lệ, hàng năm cứ đến ngày 2/9, ông bà Đá - Bảy đều làm vài mâm cơm để anh em, con cháu quây quần gặp mặt mừng ngày Quốc khánh cũng là để ôn lại kỷ niệm ngày cưới của mình. Vui vẻ bên mâm cơm, câu chuyện mà các cụ kể cho con cháu nghe chính là những chuyến công tác địch hậu đầy ắp nỗi truân chuyên song cũng nhờ vậy đã vun đắp cho mối tình của hai giao liên và có đám cưới đúng ngày 2/9 của họ.
 
Ông Đá cất giữ những kỷ vật gia đình rất cẩn thận trong một chiếc hộp sắt tây cũ gỉ. Cái hộp cũng là một kỷ vật nên dẫu có gỉ sét song ông cũng không thay cái khác. Đó là vỏ lon sữa chiến lợi phẩm mà người em bà Bảy là bộ đội đang tham gia chiến dịch Hòa Bình gửi cho chị khi biết chị sinh cháu đầu lòng. Một năm đôi lần vào dịp Quốc khánh và Tết Nguyên đán ông mới mở chiếc hộp đó ra. Những lúc đó tay ông run run cầm trên tay đưa từng tấm ảnh cho mọi người xem. Trong chiếc hộp đó có một bức ảnh cỡ 6x9 là chân dung của cụ giáo Đỗ Khắc - cha đẻ ông, một bức ảnh ông được phóng viên mặt trận chụp trước cửa hang đá ở Hòa Bình ngay sau cuộc oanh kích của máy bay địch vào căn cứ, một bức ảnh vợ ông bế đứa con đầu mới sinh ít ngày... Tất cả các tấm ảnh đều đã nhuốm màu thời gian. Ông bảo: “Mỗi tấm ảnh là một góc của cuộc đời tôi. Mấy mươi năm chiến tranh, nay đây mai đó mình chỉ còn giữ được chút ít hình ảnh của những người ruột thịt, về kỷ niệm của một thời để mà nhớ. Những năm tháng hoạt động địch hậu gian nan song tôi đã được sống, được yêu thương và sát cánh chiến đấu bên các đồng chí và người bạn đời như thế đấy”.
 
Ông Đá sinh năm 1929 là người con của quê lụa Hà Tây, sinh quán ở xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ, nay thuộc Hà Nội. Ông xuất thân trong một gia đình nhà giáo, bởi vậy cùng với hai người em, (một người em gái và một người em trai) được nuôi ăn học từ nhỏ. Thế nhưng, thật không may cho anh em ông đó là cha ông lại ra đi quá sớm vì căn bệnh phổi khiến cho việc học của anh em ông phải dang dở. Hơn thế nữa, khi mẹ ông đi bước nữa khiến anh em ly tán mỗi người một nơi. Ông được người chú ruột làm giáo học trường làng nuôi ăn học cho đến khi đi thoát ly.
 
Những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp đã vậy rồi cả đến khi hòa bình lập lại ông không còn được một lần gặp mặt mẹ và người em trai nữa. Với ông đó là những thiệt thòi về tình cảm không có gì bù đắp nổi.
 
 Khi kháng chiến toàn quốc diễn ra được 2 năm, năm 1947 ông ra nhập du kích xã rồi vào bộ đội. Đầu năm 1950, khi ta đang gấp rút chuẩn bị cho chiến dịch Biên giới Thu Đông, ông được phân công làm nhiệm vụ giao liên giữa vùng địch tạm chiếm (huyện Phúc Thọ, thuộc Hà Nội bây giờ) với vùng tự do. Đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn bởi công việc đòi hỏi phải là người nhanh trí, dũng cảm và thông thạo địa hình. Công tác trong vùng địch hậu phải hết sức bí mật, tránh tề ngụy và bọn chỉ điểm, mật thám phát hiện, nên những người giao liên thường đi ban đêm là chính. Không may trong một lần chuyển công văn từ xã Lạc Trị đến Ngọc Tảo, ông bị sa vào ổ phục kích của bọn tề ngụy tại cánh đồng thuộc xã Phụng Thượng. Bắt được ông, chúng dùng dây thừng trói “quặt cánh khỉ” rồi giải về bốt Kim Lũ lại chuyển qua bốt Gia Hòa rồi mới đưa về phòng Nhì ở Sơn Tây lấy khẩu cung. Thấy ông dáng thư sinh chúng nghĩ rằng ông sẽ không chịu nổi đòn roi nên ban đầu chúng giở bài ngon ngọt dụ hàng. Mặc những lời đường mật của kẻ địch, ông nhất quyết không khai ra cơ sở của ta trong vùng tề ngụy. Dụ dỗ hăm dọa không được, vậy là chúng liệt ông vào hạng cứng đầu cứng cổ, cần phải có biện pháp mạnh “giáo dục”. Cách “giáo dục” mà chúng gọi chính là tra tấn để ép cung. Chúng bắt ông cúi gập người rồi dùng dùi cui phang mạnh vào hai đầu gối, cứ mỗi lần ông sụp người xuống, chúng lại xếch ngược lên, chúng dập đầu ông vào tường rồi dí điện vào rốn. 
 
Chiến tranh đã lùi xa, song đòn roi của kẻ thù vẫn hằn sâu trước ngực và sau lưng, còn dưới bàn chân của ông sùi lên thành mắt cá. Ông rùng mình mỗi khi nghĩ tới cái cảm giác dòng điện cao áp chạy trong người. Nó khiến toàn thân ông rung lên, co rúm lại, các dây thần kinh bị kích thích nhức nhối tột cùng. Ông chết đi sống lại sau những lần tra tấn như thế. Tra tấn mãi vẫn không lấy được lời khai, quân giặc ném ông vào phòng giam cùng với mấy thằng Tầu ô, Quốc dân đảng, sau đó đưa tất cả đến Sân bay Kim Đái (Sơn Tây) lao động khổ sai. Tháng 3/1950, chúng áp giải ông cùng một số đồng chí khác lên bốt Trung Hà - Quảng Oai. Ở đây chúng giam ông trong nhà tù dưới lòng đất, mỗi lần lên trên lại phải trèo bằng thang nên muốn trốn đi là điều rất khó. Nhờ có vốn tiếng Pháp nên mỗi lần tiếp xúc với bọn lính Âu - Phi ông đã dạy tiếng Việt cho chúng, dần dà chiếm được lòng tin của chúng nên tạo được cơ hội trốn thoát. Kế hoạch trốn tù được mấy anh em bàn bạc thống nhất. Chớp cơ hội trong một lần ra giếng gánh nước rửa rau, ông cùng các đồng chí là Tuất, Trõ, Cúc bỏ chạy vào rừng. Lần mò mãi, cuối cùng mấy người cũng thoát ra được vùng tự do ở huyện Bất Bạt rồi tìm cách trở về cơ quan cũ. Sau lần đó vì đã bị lộ mặt nên ông không thể tiếp tục làm giao liên mà được tổ chức điều động chuyển công tác sang Ty Bưu điện Sơn Tây đóng tại Ba Vì. 
 
Ông Đá vốn là người mảnh mai, thư sinh, sau những ngày chịu đòn roi của kẻ thù về càng làm cho sức khỏe ông suy sụp. Mới ngoài 20 tuổi song ông nặng chưa tới 40 kg. Thế nhưng, với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ nên vừa chuyển đến cơ quan mới, ngoài giờ làm chuyên môn ông lại hăm hở cùng các đồng chí vào rừng chặt nứa về đan phên, tu sửa các lán trại của cơ quan bị hư hỏng. 
 
Tại đơn vị công tác mới ông tình cờ quen biết một người con gái đồng hương và mối tình của họ cứ thế nảy nở và đơm hoa. Bà là Nguyễn Thị Bảy có bí danh là Bảy Tân.
 
Bà Bảy Tân sinh năm 1927, xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo quê xã Cổ Đô, huyện Ba Vì - Sơn Tây (nay là Hà Nội). Mẹ mất sớm, mấy bố con sống trong cảnh bần hàn rồi bố bà ở vậy dắt díu các con dời quê lên xóm Pheo, xã Minh Quang sát chân núi Ba Vì sinh sống. Thế nhưng lên đây cũng chẳng khá hơn ở quê. Bà và hai người em trai phải đi ở cho địa chủ kiếm cơm ăn. Kiếp đi ở đâu có dám mơ đến việc học hành, cả mấy chị em mười mấy tuổi mà không có biết đến một con chữ. Cuộc sống khốn quẫn lại bị địa chủ cường hào áp bức khiến bố bà đã treo cổ tự vẫn. Hai năm sau Cách mạng tháng Tám, vâng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, bà trốn nhà lên núi Ba Vì tham gia du kích xã Minh Quang. 
 
Từ khi về cùng một đội với ông, vì thấy ông thân hình lẻo khẻo, gầy rớt mùng tơi, lại biết ông mới thoát khỏi gông cùm của thực dân nên bà luôn để ý giúp ông những việc nặng. Bà khỏe mạnh lại xuất thân từ con nhà nông, quen với các công việc đồng áng, đi rừng khi còn đi ở cho địa chủ nên làm việc gì cũng xốc vác. Khi đi lấy nứa thấy ông lóng nga lóng ngóng, bà đã chặt nứa giúp rồi bó lại cho ông chỉ việc vác về. Chẳng cứ những hôm đi rừng mà thường ngày bà vẫn năng qua lại lán của ông, khi thì đem cho bát cháo, khi thì ít viên thuốc bổ mua được những lần công tác địch hậu, lại còn động viên ông phải cố bám trụ tiếp tục công tác. Còn ông cứ vô tư đón nhận sự quan tâm của người con gái đồng nghiệp, đồng hương và mối tình của họ cứ thế nảy nở. Tình cảm hai người ngày thêm sâu đậm, song lúc bấy giờ quan hệ trai gái khắt khe lắm, cho dù trai chưa vợ, gái chưa chồng nhưng chưa báo cáo tổ chức rất dễ bị đàm tiếu. 
 
Bà muốn tặng cho ông chiếc khăn mùi xoa do bà tự thêu song cũng phải giấu mọi người.
 
Nhận chiếc khăn ông cảm kích lắm, đi đâu cũng mang chiếc khăn theo. Tiếc rằng trong một lần địch càn, ông đã để rơi mất nó. Rồi chuyện tình của hai người cũng đến lúc được công khai và đi vào hồi kết bằng một đám cưới do Chi bộ Đảng và Công đoàn chủ trì tổ chức. Ngày 2/9/1950, để tổ chức đám cưới cho ông bà và cũng là kỷ niệm 5 năm ngày độc lập, mỗi anh em trong cơ quan đã góp vào quỹ 5 xu. Mọi người trong cơ quan xúm vào dựng lên một cái sạp làm sân khấu ngoài trời rồi cùng nhau múa hát mừng Quốc khánh. Về vật chất, Trưởng trạm còn cho mổ một con lợn 30 kg để “ăn Tết” Độc lập. Thế nhưng, cuộc vui chưa trọn thì nhận được lệnh trên phải khẩn trương rời khỏi lán ngay trong đêm vì có tin tình báo, rất có thể sáng mai địch sẽ mở cuộc càn quét khu vực này. Ai nấy đều cảm thấy ái ngại cho đôi trẻ, nhưng đang trong cuộc chiến ác liệt biết làm sao được. 
 
Đúng như tin tình báo của ta, sáng sớm ngày 3/9, địch đã tổ chức trận càn quy mô lớn, có máy bay ném bom yểm trợ. Lán giao liên bị bom đánh sập, song do kịp thời sơ tán vào hang đá trên núi Ba Vì nên mọi người trong cơ quan đều an toàn. Theo lệnh của tổ chức, ngay trong đêm đó cặp vợ chồng mới cưới mỗi người nhận một nhiệm vụ khác nhau. Ông Đá cùng các anh em rút về Đồng Thuống (thuộc tỉnh Hòa Bình) hoạt động, còn bà Bảy đưa một số cán bộ qua sông Đà sang vùng tự do ở Thanh Thủy (Phú Thọ). Đó cũng là đám cưới không có đêm tân hôn được lưu dấu trở thành kỷ niệm sâu sắc nhất trong cuộc đời hai người giao liên hỏa tốc và những người đồng đội của họ trong suốt năm tháng cuộc đời. 
 
Công việc của người đưa công văn hỏa tốc thật gian nan vất vả. Người chạy công văn hỏa tốc đầu trần chân đất cứ xuyên rừng mà đi, mà chạy. Có chuyến đi cả tuần lễ từ Ba Vì đi Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa rồi ngược trở về. Rắn độc, thú dữ cũng không hiểm nguy bằng qua vùng tề ngụy. Ngộ nhỡ bị chúng bắt, làm sao để công văn không rơi vào tay địch, rồi làm sao chịu được các thủ đoạn tàn độc của chúng mà không cung khai! Gian nan nguy hiểm là vậy song chẳng ai nề hà, mỗi khi có công văn là lập tức lên đường bất kể ngày đêm. Trong một chuyến công tác bà đi cùng với đồng chí Hậu, khi cùng anh vượt qua một con suối thì gặp một con hổ lớn phía bên kia một tảng đá lớn. Bà lạnh người nhìn con hổ bằng xương bằng thịt lừng lững ngay trước mặt, gần đến nỗi có lẽ chỉ trong một tầm nhảy của nó. Thật may chẳng hiểu sao con hổ ngước mắt nhìn hai anh em, chưa kịp hoàn hồn nó đã biến mất vào rừng. Hai anh em được phen hú vía. Một lần khác, sau khi vừa chạy công văn hỏa tốc cả đêm, về bà lăn ra ngủ thì lại có công văn hỏa tốc mới. Anh cán bộ phụ trách vào lán gọi bà dậy. Đang ngái ngủ, bà bất giác làu bàu “tốc cả đêm rồi, tốc gì mà lắm tốc thế”. Nói vậy song bà vẫn nhanh nhẹn chuẩn bị những đồ dùng tư trang cần thiết lên đường làm nhiệm vụ. Làm việc miệt mài song tới lúc này bà Bảy vẫn chưa có một chữ trong đầu. Được anh em động viên nên rảnh lúc nào là bà học chữ lúc đó. Không có giấy viết bà lấy là chuối rồi dùng gai bưởi chọc lỗ tập viết. Nhờ chăm chỉ lại muốn biết chữ còn viết thư cho chồng mà không phải nhờ người viết, nên chỉ ít lâu sau bà đã đọc thông viết thạo. Biết chữ đã phục vụ rất nhiều cho bà trong những chuyến công tác hỏa tốc.
 
Cuối năm 1952, khoảng cách giữa ông Đá và bà Bảy Tân vẫn gần 100km. Lúc này ông được trên cử đi học y tá và đã chuyển sang làm nghề thầy thuốc. Cứ hơn một tháng, ông lại đi bộ từ Nho Quan (Ninh Bình) vào Nông Cống - Thanh Hóa nhận thuốc cho đơn vị. Những lần đó ông nhân tiện tạt qua cơ quan vợ may mắn thì được gặp mặt người bạn đời của mình tí chút rồi lại đi ngay. Mãi đến đầu năm 1953 bà mới được chuyển về Khu 3 ở gần với ông. Vậy là sau hơn hai năm từ ngày cưới họ mới có một đêm trọn vẹn dành cho nhau…
 
Giữa năm 1953, dù đang mang bầu đứa con đầu lòng nhưng bà vẫn giấu công văn, tài liệu trong người để thực hiện nhiệm vụ giao thông hỏa tốc. Khi đó cơ quan giao liên Trạm 4 của bà ở trong hang đá tại Mãn Đức - dốc Quy Hậu (Hòa Bình) nhằm tránh địch ném bom. Bà trở dạ sau một chuyến công tác địch hậu trở về. Khi đó ông còn đang đi học lớp chỉnh huấn (nâng cao trình độ lý luận chính trị) nên không có mặt. Đồng chí Hân (Trưởng trạm vận chuyển muối) phải đứng ra làm “bà đỡ”. Ngay lúc đứa con gái đầu lòng vừa cất tiếng khóc chào đời thì cũng là lúc máy bay địch ném bom sập một góc cửa hang…
 
Ông bà luôn tự hào mỗi khi nhắc đến chuyện tình của mình. Đó là mối tình đầu và cũng là duy nhất họ dành cho nhau từ trong khói lửa chiến tranh. Sau hòa bình ông bà được trên điều về Khu X và công tác ở các cơ quan. Họ có với nhau 5 người con, 2 con gái và 3 con trai. 
 
Ông bà Đá - Bảy có tiếng là khuôn phép dạy dỗ con. Bà Bảy Tân tuy cũ người, lại ít được học hành song dạy con thì đâu vào đấy. Bà là tổng phụ trách trong việc phân công và điều hành cho các con một cách cụ thể đứa lớn làm gì, bé làm gì, đứa nào cũng có việc làm ngoài giờ học. Cuối tuần, sau bữa cơm chiều, trước khi đến giờ nghe chuyện cảnh giác và sân khấu truyền thanh là họp gia đình để kiểm điểm. Bà Bảy Tân tính tình nóng nảy song bộc trực lại có biệt tài về khâu tâm lý giáo dục và làm dân vận rất giỏi. Trong gia đình bà dạy dỗ con sống có nền nếp, ứng xử anh trên em dưới. Mọi biểu hiện của các con đều không qua được mắt bà. Trong quan hệ với đồng nghiệp và người dân sở tại, ông bà rất gần gũi, đồng cảm nên sống ở đâu cũng được mọi người yêu mến.
 
Bây giờ ông bà đều đã là người thiên cổ, con cái của họ đều phương trưởng song câu chuyện tình của họ sống mãi cùng thời gian. 
 
Ngày lập nước cũng là ngày khai sinh cho một gia đình, dấu ấn ấy không ai dễ gì quên được. Nhất là những người con, cháu của hai cụ khi những ngày thu tháng Tám về. Đó là câu chuyện tình đẹp và thật đáng tự hào của những người sống và đi ra từ cuộc chiến tranh ái quốc thần thánh của dân tộc.
 
Truyện ký: THĂNG LONG