Dâng hiến cho đời

08:06, 13/06/2019

Nắng đã xế chiều, bác sĩ Vân Khánh trực ban nghĩ rằng cả ngày còn chả ai đến đăng ký hiến tạng thì cuối chiều làm gì còn ai đến nữa. Mà chả cứ gì hôm nay, ngày nào mà cái căn phòng đăng ký hiến tạng này chả vắng ngoe vắng ngoắt...

Nắng đã xế chiều, bác sĩ Vân Khánh trực ban nghĩ rằng cả ngày còn chả ai đến đăng ký hiến tạng thì cuối chiều làm gì còn ai đến nữa. Mà chả cứ gì hôm nay, ngày nào mà cái căn phòng đăng ký hiến tạng này chả vắng ngoe vắng ngoắt. Bây giờ có quá ít người hiến tạng để cứu người, trần sao âm vậy, họ sợ hiến tạng, xuống âm phủ thành người tàn phế, người lành lặn sống còn khổ huống chi người tàn phế? Còn những người có tấm lòng cao cả, sẵn sàng hiến tạng thì lại bị người thân ngăn cản. Chính bác sĩ Vân Khánh cũng đã nói với tiến sĩ Quyết - Giám đốc Bệnh viện B không nên lập ra cái phòng đăng ký hiến tạng này nhưng ông bảo dù chỉ có một người đến đăng ký tình nguyện hiến tạng cũng phải thành lập phòng để tỏ lòng tôn quý họ. Ông giám đốc nói là làm, không những ông quyết định cho lập ra cái phòng đăng ký hiến tạng mà còn trang bị cho căn phòng nhiều tiện nghi sang trọng từ bàn ghế sa-lông, ti vi, máy điều hòa đến những bức tranh treo tường của các họa sĩ nổi tiếng. Ngay cả đến những người trực hàng ngày, tiến sĩ Quyết cũng yêu cầu phải là bác sĩ có trình độ chuyên môn và có thái độ niềm nở, trân trọng người đến đăng ký hiến tạng. Sau hai tuần khai trương phòng đăng ký hiến tạng, không một người nào đến đăng ký, trong bệnh viện có nhiều ý kiến xì xào nên dẹp bỏ, nhưng tiến sĩ nói rằng chưa có ai đến đăng ký hiến tạng không có nghĩa là tấm lòng hy sinh cao cả cho cộng đồng không có, có chăng là chúng ta chưa làm tốt công tác vận động, tuyên truyền? Thế rồi tiến sĩ Quyết trực tiếp đến Đài Truyền hình, một số tờ báo có bạn bè ông làm lãnh đạo để nhờ họ tuyên truyền giúp.
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
Bác sĩ Vân Khánh đang chuẩn bị thay quần áo để ra về thì cùng lúc có hai người đến gõ cửa, họ mang theo tờ báo có đăng bài về phòng đăng ký hiến tạng này. Bác sĩ vồn vã mời cả hai ngồi xuống ghế, lấy nước mời họ. Vân Khánh tưởng họ là người thân nhưng không, họ hoàn toàn không quen biết nhau. Hai người mới chỉ tình cờ gặp nhau ở ngoài cửa của phòng đăng ký hiến tạng.
 
Cô gái xinh đẹp, đeo cặp kính đen nói với bác sĩ Vân Khánh:
 
- Tôi là Thùy Linh, một cô gái mù, khi tôi chết lâm sàng, tôi muốn hiến tặng trái tim, gan và thận của mình cho người cần thay tim, gan, thận.
 
- Thế bố mẹ chị có đồng ý cho chị hiến tặng tim, gan, thận khi qua đời không?
 
Cô gái mù gật đầu, mở túi xách lấy ra tờ giấy đưa cho bác sĩ, đó là một tờ giấy đánh máy vi tính với nội dung tình nguyện hiến tặng trái tim, gan và thận của cô cho một người bệnh nào có nhu cầu thay tim, gan, thận, đặc biệt ưu tiên cho người bệnh nghèo. Bên dưới đề ngày tháng và chữ ký của cô, của bố và mẹ cô, lại còn có xác nhận của công chứng. Bác sĩ bảo với cô gái mù, việc hiến tặng của cô được bố mẹ chấp nhận sẽ được pháp lý công nhận, bây giờ chỉ cần cô ký tên vào bản đăng ký tình nguyện hiến tặng của bệnh viện nữa là được. Cô không nhìn được nên bác sĩ ghi những thông tin cần thiết của cô gái mù rồi hướng dẫn cô ký vào bản đăng ký. Xong việc, Vân Khánh mời cô gái mù ra bàn ngồi uống nước.
 
Quay ra, bác sĩ Vân Khánh mời chàng trai ngồi vào ghế. Chàng trai tên Thập có dáng người cao to, có đôi mắt thông minh, sắc sảo nói với bác sĩ:
 
- Tôi là một kỹ sư xây dựng bị bệnh tim đang ở giai đoạn cuối. Khi qua đời, tôi muốn hiến giác mạc cho một người mù.
 
Giống như với cô gái mù, bác sĩ Vân Khánh hỏi anh đã xin ý kiến gia đình chưa? Anh bảo chưa nhưng sẽ thuyết phục bố mẹ đồng ý, bây giờ hãy cứ để anh ký vào bản đăng ký trước. 
 
Ký tên xong, anh được bác sĩ Vân Khánh mời lại bàn uống nước. Bây giờ anh mới có dịp ngắm nhìn cô gái mù, cô ấy thật xinh đẹp, thật dịu dàng. Ồ tại sao mình lại không hiến giác mạc của mình cho chính cô gái này, cô ấy không những xinh đẹp mà còn có tấm lòng cao thượng hơn cả mình, mình chỉ hiến giác mạc nhưng cô ấy dám hiến tặng cả tim, gan, thận. Anh định nói ý định của mình cho cô gái mù nhưng lại e ngại. Mãi đến khi cô gái ra về, anh mới bày tỏ nguyện vọng của mình cho bác sĩ Vân Khánh, bác sĩ đồng ý ghi lại nguyện vọng của anh.
 
Kỹ sư Thập ra về mang theo cả hình bóng của cô gái mù. Sự xinh đẹp và đặc biệt là sự cao thượng của cô đã làm trái tim yếu ớt của anh rung động, anh vận động bố mẹ anh cho anh được hiến tặng giác mạc cho cô gái mù. Bố đồng ý nhưng mẹ anh thì không. Mẹ anh khóc lóc khuyên can, nói rằng ngày xưa ông ngoại bị tai nạn, một chân đi tập tễnh, khi chết đi, mỗi lần mẹ mơ thấy ông về đều thấy ông đi tập tễnh. Có lần ông bảo với mẹ, cái bậc hè nhà mình cao quá mà chân tao thì bước thấp bước cao, mỗi lần về nhà là phải gắng sức lắm mới bước qua được. Mẹ anh kể chuyện cho bà ngoại nghe, bà tức tốc thuê thợ xây lại ba cái bậc hè thấp xuống. Trần sao âm vậy con ạ! Con nghe mẹ đừng cho mắt người ta kẻo xuống dưới ấy thành người mù thì đi ăn xin à? Con bị bệnh, mẹ đã đau lòng, con chết đi thì mẹ nào thiết sống nữa, thế mà con cứ khăng khăng hiến mắt là làm sao? Tiếng khóc của mẹ dội vào tim kỹ sư Thập làm tim anh nhói lên, anh ôm ngực. Bố hốt hoảng lấy thuốc trợ tim cho anh uống nhưng cơn đau không dứt. Mặt tái tím, anh lịm đi trên giường, bố gọi xe cấp cứu đưa anh vào bệnh viện Tim.
 
Đã hai lần kỹ sư Thập lên bàn mổ tim, các bác sĩ cho biết lần mổ thứ ba này mười phần thì bốn phần sống sáu phần chết nên gia đình nên suy nghĩ kỹ trước khi quyết định mổ hay không. Bố mẹ kỹ sư Thập van xin các bác sĩ hãy ra tay cứu giúp có cách nào đổi sáu phần chết thành sáu phần sống không? Bác sĩ bảo có đấy nhưng phải thay tim. Cả bố và mẹ anh đều đồng thanh lên tiếng:
 
- Thế thì tôi sẽ cho con tôi trái tim của mình.
 
Tất cả các y, bác sĩ đều lặng người xúc động trước tình mẫu tử thiêng liêng. Bác sĩ Tân bảo:
 
- Hai bác thật là những người cha người mẹ cao cả, dám hy sinh cả tính mạng của mình cho sự sống của con nhưng luật pháp không cho phép lấy tim của người đang sống để thay tim cho người bệnh dù người đó là bố mẹ!
 
Chuông điện thoại di động của bác sĩ Tân đổ liên hồi, ông xin lỗi bố mẹ kỹ sư Thập nghe điện thoại:
 
- Thế hả? Tốt quá, đưa ngay bệnh nhân đến đây!
 
Quay sang bố mẹ kỹ sư Thập, bác sĩ Tân thông báo cho họ một tin vui, có một nạn nhân bị tai nạn giao thông đã chết lâm sàng, người này đã đăng ký hiến tặng giác mạc và nội tạng cho phòng đăng ký hiến tạng của bệnh viện B. Bệnh viện tim sẽ tiến hành làm các xét nghiệm cần thiết và thay tim ngay cho kỹ sư Thập.
 
Đúng hai mươi giờ tám phút, kỹ sư Thập được đưa vào phòng mổ. Sau năm giờ phẫu thuật, trái tim ốm yếu của anh đã được thay thế bằng trái tim khỏe mạnh của doanh nhân Vương An, người đã đăng ký tình nguyện hiến tặng toàn bộ cơ thể mình để cứu người. Khi tỉnh dậy, ý nghĩ đầu tiên mà kỹ sư Thập nghĩ đến là thăm viếng ngôi mộ của người đã hiến tặng trái tim cho anh nhưng phải đến mấy tháng sau, khi cuộc sống của anh đã trở lại bình thường, anh mới được người thân đồng ý cho đi thăm mộ doanh nhân Vương An ở ngoại thành. Một ngôi mộ xanh cỏ nằm trên quả đồi trồng toàn thông. Kỹ sư Thập bảo lái xe tắc-xi và người nhà hãy đứng ở dưới đợi anh, anh muốn một mình lên thăm mộ, muốn được trò chuyện với người đã cứu anh thoát khỏi cái chết cận kề.
 
Kỹ sư Thập vừa leo lên đồi được vài bước thì phía sau có tiếng xe ôtô, anh nghĩ chắc có một người nào đó lên thăm mộ người thân nhưng khi quay lại thì anh sững sờ khi nhận ra cô gái mù xinh đẹp mà anh thường mơ tưởng. Anh reo lên:
 
- Chào em, em có nhận ra anh không?
 
- Dạ, xin lỗi, anh là ai?
 
- Anh gặp em ở phòng đăng ký hiến tạng. Hôm đó em đến để đăng ký hiến tim, gan, thận. Còn anh thì đăng ký hiến giác mạc.
- Thế à, thật vinh hạnh được gặp lại anh, anh đi viếng người thân à?
 
- Không, anh đi viếng mộ ân nhân, người đã hiến tặng trái tim cho anh. Còn em?
 
Cô gái thốt lên:
 
- Có phải doanh nhân Vương An không? Anh ấy cũng đã hiến giác mạc cho em.
 
Nói rồi Thùy Linh bỏ cặp kính đen ra, kỹ sư Thập đi lại nắm lấy tay cô nói rằng chúng ta thật là những người có diễm phúc đều được một ân nhân cứu sống. Họ sóng đôi nhau đi lên mộ. Theo như chỉ dẫn của người nhà doanh nhân Vương An, họ dễ dàng tìm thấy mộ ân nhân nằm cạnh một cây thông già. Hai người đặt lễ chung lên mộ, hai con gà, hai đĩa xôi, hoa quả, bia rượu và giấy vàng. Kỹ sư Thập thắp sáu nén hương, anh đưa cho Thùy Linh ba nén cắm vào bát hương đặt trên mộ. Họ cùng quỳ xuống khấn thầm trong miệng. Khấn xong, cả hai đứng dậy đợi cho hương cháy hết sẽ hóa vàng. Trong làn khói hương thơm ngát, Thùy Linh hỏi kỹ sư Thập: 
 
- Anh khấn gì?
 
- Anh khấn tạ ơn ân nhân và…
 
Kỹ sư Thập ngập ngừng rồi hỏi Thùy Linh:
 
- Còn em khấn gì?
 
- Em khấn tạ ơn ân nhân và…
 
Thùy Linh ngập ngừng. Kỹ sư Thập đề nghị cả hai viết điều khấn thứ hai vào trong một mẩu giấy rồi trao tặng cho nhau, Thùy Linh mỉm cười đồng ý. Khi về đến nhà, chàng trai và cô gái mở mẩu giấy ra đọc, cả hai đều mỉm cười hạnh phúc. 
 
Truyện ngắn: VŨ ÐẢM