Người giữ rừng

08:06, 27/06/2019

Năm năm trời, Trần Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bắc Nguyên đã lăn lộn trên khắp các xóm, xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh để thực hiện dự án "Giao rừng tự nhiên cho người dân đang sinh sống quanh vùng có rừng"...

Năm năm trời, Trần Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bắc Nguyên đã lăn lộn trên khắp các xóm, xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh để thực hiện dự án “Giao rừng tự nhiên cho người dân đang sinh sống quanh vùng có rừng”. Vì thế, đến tận hôm nay Hòa mới có dịp quay lại với vùng rừng Sa Nu, một vùng thuộc miền bán sơn bán địa ở cuối thành phố. Đối với anh, trở về Sa Nu không chỉ là sự gặp lại những cánh rừng vô tri vô giác mà nó còn là sự tái ngộ với một con người mà hơn năm năm về trước từng là một kẻ phá rừng, gây nên những bất bình cho toàn chi cục.
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
Hòa ngồi trên chiếc xe U-oát, mắt dõi về những cánh rừng đang dần xanh tươi trở lại. Anh sảng khoái hít thở cái khí trời thật thoáng mát, thanh nhẹ mà chỉ ở những chuyến đi vào rừng như thế này mới có. Thế là sau cuộc đấu tranh một mất một còn, tốn không ít mồ hôi, nước mắt với những thế lực bảo thủ và vô cảm, cuối cùng các anh đã thắng. Dự án “Giao rừng tự nhiên cho người dân đang sinh sống quanh vùng có rừng” đã được tỉnh phê duyệt và triển khai. Đến tận bây giờ, những người trong ngành kiểm lâm vẫn còn nhắc đến cái tư tưởng quyết liệt của Trần Hòa hơn năm năm về trước: Nếu không tìm cách giao rừng cho người dân sống xung quanh vùng có rừng một cách hiệu quả thì chính người dân, thậm chí là những cán bộ kiểm lâm thoái hóa cũng sẽ biến thành lâm tặc. Còn một khi rừng về tay người dân quản lí thì lâm tặc cũng sẽ biến thành người giữ rừng. Cái tư tưởng ấy ban đầu đã bị phê phán, thậm chí bị nâng lên thành quan điểm chính trị, suýt nữa làm Hòa mất chức. Nhưng rồi chính nghĩa đã thắng lợi. Chỉ năm năm thực hiện dự án, mọi người đều mục sở thị những cánh rừng trong toàn tỉnh ngày một xanh tươi. Đời sống của người dân cư trú xung quanh rừng cũng mỗi ngày một cải thiện.
 
Đi hết mấy chục cây số đường nhựa, Hòa bảo chú lái xe rẽ vào con đường cấp phối. Đi hết con đường nhỏ này là đến vùng rừng Sa Nu. Chiếc U-oát chạy chầm chậm bỗng gợi lại trong trí nhớ của Hòa câu chuyện của hơn năm năm về trước. 
 
Buổi sáng hôm ấy, trưởng phòng pháp chế của Chi cục dẫn đến phòng Hòa một người đàn ông trông bặm trợn, phớt đời. Theo như báo cáo trước đó của Đội cơ động thì đây là một “tên hung thần phá rừng”. Các trạm kiểm lâm và Đội cơ động đã phạt rất nặng và nhiều lần tịch thu tang vật khai thác lậu từ khu rừng Sa Nu nhưng “hung thần” kia vẫn chứng nào tật ấy. Chỉ vài tuần, thậm chí vài ngày sau hắn lại phá rừng không thương tiếc. Cuối cùng, họ phải triệu tên lâm tặc bướng bỉnh nọ lên Chi cục trưởng.
 
Ngồi trước mặt Hòa, “tên hung thần phá rừng” cúi gằm mặt, trông dáng vẻ đầy mệt mỏi pha chút bất cần.
 
- Anh có biết vào rừng chặt gỗ là phạm pháp không? - Hòa dằn giọng.
 
- Tôi biết!
 
Hòa gắt:
 
- Biết! Biết mà sao còn làm?
 
- Thưa ông, đói! Khổ! Khốn cùng!
 
Nghe câu trả lời nhấm nhẳng của tên lâm tặc, Hòa muốn điên lên. Nhưng vốn là người điềm đạm và có bản lĩnh, anh đã nhanh chóng giữ được bình tĩnh. Hòa nhìn sâu vào mặt người đàn ông đã khoảng ngoài năm mươi tuổi. Một gương mặt xanh xao thiếu sức sống. Chả lẽ anh ta đói thật sao? Tuy về chi cục chưa lâu nhưng cũng đã đôi lần Hòa gặp những trường hợp bọn lâm tặc giả nghèo giả khổ, kêu la thống thiết để hòng thoát tội. Nhưng lần này, không biết bằng cảm giác nào mà Hòa thấy hình như người đàn ông ngồi trước mặt mình không nói dối. Hòa tò mò nhìn vết sẹo lớn trên cánh tay khẳng khiu của tên lâm tặc. Một vết đạn của xã hội đen thanh toán lẫn nhau hay một vết đạn của thời chiến?       
 
Hòa buột miệng hỏi:
 
- Anh là thương binh hay sao?
 
Mặt tên lâm tặc sa sầm. Cau có một lúc, hắn mới nói bằng một giọng khản đặc:
 
- Vâng! Ngày xưa tôi là thương binh.
 
Hòa ngạc nhiên, nhưng chừng như đoán được phần nào tâm trạng của tên lâm tặc, anh hất hàm:
 
- Còn bây giờ thì sao?
 
- Còn sao nữa. Bây giờ là lâm tặc! Anh lạ gì mà còn phải hỏi.
 
Hòa gật đầu:
 
- Tôi hiểu rồi. Anh có biết phá rừng là phạm pháp, nhất lại là người nhiều lần phạm pháp như anh không?
 
- Lúc nãy tôi trả lời rồi. Trong luật đã ghi rõ, phá rừng nhiều lần có thể bị ngồi tù. Tù cũng chẳng sao. Nhưng tôi chỉ xin một ân huệ.
 
Hòa thấy tên lâm tặc này thật kì lạ, anh nhấn giọng:
 
- Ân huệ? Ân huệ gì?
 
- Cho đứa con chín tuổi của tôi cùng vào tù với tôi. Ở ngoài không ai nuôi nó.
 
Lời nói của tên lâm tặc thật nặng nề và khó nghe, nhưng Hòa biết đó là những lời nói thật. Một nỗi xót xa chợt dâng lên trong lòng anh. 
 
Hòa cho dừng cuộc truy hỏi và cử người về địa phương xác minh lời khai của tên lâm tặc đặc biệt này. 
 
Sau khi điều tra, người của Đội cơ động trở về báo cáo với anh những lời khai của tên lâm tặc nọ hoàn toàn đúng sự thật. Ông ta là thương binh chống Mỹ, nhà ở ngay dưới chân rừng Sa Nu, không may vợ mắc bệnh hiểm nghèo đã chết gần mười năm nay. Vì quá quẫn bách, nhà lại ở vào khu đất rất thuận lợi nên đã liều vào rừng chặt trộm gỗ. Nghe báo cáo, suốt cả ngày hôm đó, Hòa buồn bã không muốn trò chuyện cùng ai. 
 
Hôm sau, anh cho gọi “tên hung thần phá rừng” đến.
 
- Anh có hứa với tôi là từ nay không chặt phá rừng nữa không?
 
Tên lâm tặc ngồi lặng đi một lúc lâu rồi nhún vai:
 
- Hứa ư? Hứa thì dễ thôi anh ạ. Nhưng nếu lại cùng đường thì sao?
 
Câu trả lời hơi ngang ngạnh như một thách thức nhưng Hòa nhận ra đây là một con người dù sao cũng còn biết trọng nhân cách. Anh hạ giọng:
 
- Anh có thể yên tâm. Tôi dám chắc rằng không bao lâu nữa chúng tôi sẽ có kế hoạch giao cho anh quản lí và bảo vệ một phần rừng tự nhiên ở Sa Nu, ngay sát nhà anh. Quản lí, có nghĩa anh cứ tạm coi rừng là của anh, anh bảo vệ nó. Điều quan trọng là anh có thể phát triển kinh tế ngay trên chính đất rừng mà anh nhận với nhà nước. Sau khi nhận rừng, anh có thể trồng các loại lâm sản phụ theo tính toán của mình, ví dụ như thảo quả, mây hoặc các loại dược liệu… Khi có sản phẩm, anh được toàn quyền sử dụng. Chỉ cốt sao, những khu rừng tự nhiên luôn phải xanh tươi, giữ được nguyên trạng. Công việc ấy sẽ đem lại lợi ích cho cuộc sống của gia đình anh. Tôi dám quả quyết, nếu chăm chỉ, anh và cháu sẽ có cuộc sống ổn định, thậm chí là khá giả.
 
Tên lâm tặc thốt lên:
 
- Trời đất! Anh định giao việc bảo vệ rừng cho một tên lâm tặc như tôi hay sao?
 
- Không ai gọi anh là lâm tặc cả. Bây giờ anh hãy tạm tin vào những lời tôi nói đi. Khi nhận và phát triển rừng anh sẽ được chi cục kiểm lâm hướng dẫn và giúp đỡ trong chuyên môn - Hòa suy nghĩ rồi nói tiếp - Còn để xử lí vụ việc vừa rồi, tôi sẽ nghiên cứu đưa vào mức thấp nhất. Luật thì vẫn phải là luật anh ạ. Nhưng anh yên tâm. Tôi sẽ bỏ lương tháng của tôi để nộp phạt thay anh.
 
Mắt tên lâm tặc hoe đỏ, miệng rối rít:
 
- Chết, chết! Không thể làm chuyện trái khoáy như thế được đâu anh! 
 
- Anh đừng vội nghĩ thế. Tôi giúp anh chỉ là một lần. Sau này, anh quản lí, bảo vệ và phát triển rừng cho thật tốt có nghĩa là anh đã giúp chúng tôi và giúp đất nước nhiều lần đấy, anh có hiểu không? Thôi, bây giờ không tranh luận nữa. Anh sang phòng bên làm thủ tục vi phạm, sau đó tôi sẽ thay anh nộp phạt. Cứ thế nhé. Bây giờ tôi có việc phải đi rồi.
 
Hòa ngước nhìn theo cái dáng lòng khòng của tên lâm tặc bước ra khỏi phòng, cảm thấy một nỗi xót xa xen niềm hy vọng. Thời gian ấy đang vào những năm tháng Hòa phải đương đầu với các thế lực chống đối để bảo vệ dự án “Giao rừng tự nhiên cho người dân đang sinh sống quanh vùng có rừng”. Chính hình ảnh “tên hung thần phá rừng” ngày ấy đã gây xúc động và làm tăng thêm sự quyết tâm của anh và các bạn bè đồng chí hướng.
 
* * *
 
Chiếc U-oát dừng dưới chân rừng Sa Nu.
 
Cậu đội trưởng Đội cơ động đi cùng Hòa chỉ ngôi nhà ngói năm gian phía trước, vừa cười vừa nói vui:
 
- Kia là nhà của “tên lâm tặc” năm xưa đấy anh ạ. Mới xây hồi đầu năm ngoái. Hơn năm năm trước, theo lệnh của anh đến đây điều tra, em thấy hai bố con anh ta chui rúc trong một căn nhà lá xiêu vẹo.
 
Thực ra, trước khi đi Sa Nu, Hòa cũng đã hình dung ra phần nào sự đổi thay nhưng mục kích ngôi nhà khang trang, mái ngói đỏ tươi của “tên lâm tặc” năm xưa, anh vẫn không kìm nổi những giọt nước mắt vui mừng.
 
Từ trên đỉnh đồi, phát hiện thấy mấy vị khách, người đàn ông đang tỉa cành chăm sóc rừng, ngó nghiêng nhìn xuống:
 
- Anh Trần Hòa phải không? 
 
Hòa ngước nhìn lên. Hai bố con người đàn ông cùng đang giơ cao con dao quắm vui mừng, reo to.
 
Hòa bắc tay làm loa:
 
- Tôi đây! Tôi là Trần Hòa, Chi cục kiểm lâm đây!
 
- Vâng chào các anh! Tôi là Hoàng Thắng, người giữ rừng đây! Mời các anh vào nhà, bố con tôi xuống ngay bây giờ!
 
Hòa khẽ mỉm cười. Vớ vẩn thật! Hóa ra đến tận bây giờ mình mới biết tên anh ta là Hoàng Thắng. Nhưng anh ta đúng là người giữ rừng!
 
Truyện ngắn: HỒ THỦY GIANG