Nghĩa tình đồng đội

06:08, 22/08/2019

Nghĩa tình đồng đội

Mưa vẫn tuôn ào ào.
 
Lúc ấy là 2 giờ chiều. Chiếc xe màu đỏ dừng ở bến xe Đà Lạt cho khách xuống. Một người đàn bà vội ghé vào quán nước ở khu vực bến xe xin trú tạm. Quán lúc ấy chỉ có năm người ngồi uống cà phê. Mọi người nhìn vẻ mặt người đàn bà, có thể đoán rằng người này đang nóng ruột lo lắng điều gì đó.
 
Một phụ nữ khoảng 30 tuổi nhìn người đàn bà lạ, chị đoán bà khoảng 60 tuổi. Dáng người đẹp, vẻ sang trọng đài các, gương mặt phúc hậu, cặp mắt đen với hàng mi cong của bà làm cho người phụ nữ trẻ tuổi xuýt xoa, chắc bà ngày xưa đẹp lắm.
 
Nghe người đàn bà lạ thở dài, chị hỏi:
 
- Con xin lỗi dì, cho con hỏi, chắc dì ở xa đến đây? 
 
Người đàn bà nói giọng Bắc: - Vâng, tôi ở Quảng Ninh cô ạ.
 
- Quảng Ninh chắc đẹp lắm dì ha? Con chỉ mới được xem trên ti vi thôi ạ.
 
- Vâng, đẹp lắm, nhưng tôi không ở thành phố mà ở cuối tỉnh, ở nông thôn thôi.
 
- Chắc dì có người bà con trong này?
 
- Vâng, tôi vào đây là lần đầu tiên.
 
Có lẽ thấy người phụ nữ trẻ hay chuyện và có duyên, thôi thì cũng là trời còn mưa, nói vài câu để giết thời gian, vì thế, người đàn bà lạ vui miệng kể:
 
- Anh rể tôi là người miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954. Anh lấy chị gái tôi năm 1965. Anh vốn không phải người Đà Lạt nhưng hồi đánh Pháp có hoạt động ở đó. Nên anh xin chuyển vùng vào Đà Lạt năm 1976, đưa cả vợ con vào đấy cô ạ. Nay tôi mới có dịp vào thăm, cũng là nhân dịp nhờ anh chị tìm mộ chồng tôi. Ông nhà tôi hy sinh cuối tháng 12 năm 1974, nghe nói ở Tuyên Đức gì đó.
 
- Vậy thì anh rể, chị gái của dì ở đường phố nào Đà Lạt?
 
- Đây, thư anh rể tôi dặn, cứ đến bến xe Đà Lạt thì bắt xe ôm.
 
Người phụ nữ trẻ xem xong reo lên:
 
- Ồ, cùng ấp Nghệ Tĩnh với nhà con. Nhà con ở cuối, nhà bác Tám ở đầu ấp. Con công tác với con gái út bác Tám. Vợ bác là dì Minh mà.
 
- Đúng rồi cô ạ.
 
- Mưa ngớt rồi, xe máy của con kia, con sẽ đưa dì đến tận nơi, qua nhà con mới đến nhà bác Tám.
 
Hai người ra khỏi bến xe khoảng hơn 10 phút thì mưa lại ào ào, người phụ nữ trẻ nói:
 
- Cũng đã đến cổng nhà con rồi, mời dì vào nhà uống ly nước nóng cho ấm bụng rồi tạnh mưa con đưa dì về.
 
Người phụ nữ trẻ nhanh nhẹn pha nước và kể, bố con cũng là bộ đội giải phóng. Sau năm 1975 còn truy quét Fulro ở Tây Nguyên, mãi đến năm 1982 mới chuyển về đây. Quê gốc bố con ở Nghệ An. Ông bà nội con vào Đà Lạt hình như năm 1932 cùng nhiều người Nghệ Tĩnh, lập thành ấp Nghệ Tĩnh, là chỗ con và dì đang ngồi đây. Bố con sinh ở Đà Lạt vào giữa năm 1950 dì ạ. Nhà có bố, mẹ với hai chị em con thôi. Ấy kìa, vừa nhắc đến thì bố con cũng về kia. Bố con đi thăm người bạn ở ấp Thái Phiên, cũng ở Đà Lạt đây dì ạ.
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
Người đàn bà lạ đứng dậy chào chủ nhà:
 
- Chào ông ạ.
 
- Vâng, chào bà. Chà chà mưa to quá. - Nói xong ông cởi áo mưa, vuốt lại tóc, giọng oang oang:
 
- Thằng bạn cùng ngũ ngày xưa, tội nghiệp quá, vẫn còn mấy mảnh đạn nhỏ li ti ở trong đầu. Đau liên tục. May có cô vợ đảm đang nên không đến nỗi nghèo.
 
Sau khi nghe con gái nói qua về người khách, ông im lặng một lát rồi trầm ngâm nói nhỏ:
 
- Không chỉ có chồng bà, mà còn bao nhiêu đồng đội nữa vẫn nằm lại đây đó trên mảnh đất miền Nam này. Mặc dù đã cố gắng tìm mà chưa thấy hết được. 
 
Ông im lặng nhìn ra ngoài, không để ý đến bà khách đang lặng lẽ đứng dậy đi đến bức tường ngăn giữa phòng khách và buồng ngủ. Ở đó treo nhiều khung ảnh. Bà nhìn chăm chú và bỗng hét to làm hai cha con giật mình:
 
- Hả, trời ơi, sao lại thế này?
 
Mặt bà khách tái nhợt, người lảo đảo như trúng gió. Hai bố con bất ngờ nhưng trấn tĩnh được ngay, ông giục con gái dìu bà lên giường, xức dầu gió cho bà. Bà khách cố gắng nói, như đứt hơi:
 
- Cảm ơn ông và… cháu… tôi không sao đâu.
 
- Bà bị cảm lạnh rồi. Hãy nghỉ ngơi cho khỏe rồi cháu sẽ đưa bà đến nhà ông bà Tám - Minh.
 
Bà khách bình tĩnh trở lại, tiếp tục đứng lên nhìn chằm chằm vào khung ảnh treo ở giữa tường rồi hỏi:
 
- Tấm ảnh này là…
 
- Vâng, của một đồng đội tôi ngày trước, cậu này dũng cảm lắm… nhưng sao vậy hả bà?
 
- Đây là ảnh… chồng tôi! 
 
Đến lượt chủ nhà tròn mắt, há miệng kinh ngạc:
 
- Hả, bà nói sao? Đây là chồng bà?
 
- Vâng, đúng thế, ông ạ. Chồng tôi, ông Dũng đấy.
 
- Trời ơi, thì ra bà là… bà Hà. Đúng rồi, những ngày cùng ăn một mâm, cùng ngủ một hầm, Dũng vẫn kể cho tôi nghe về bà. Dũng là một thanh niên thông minh, dũng cảm. Chỉ 5 tháng ở với tôi, trận nào cũng lập công, được trên khen thưởng vì thành tích diệt xe tăng, xe cơ giới và bộ binh địch. Tiểu đoàn trưởng nhiều lần nói Dũng sẽ là chỉ huy giỏi. Tôi coi Dũng như em trai. Rất tiếc, trong một lần chống càn, bên ta hy sinh khá nhiều, súng của Dũng hết đạn, cậu ta vác B40 của xạ thủ đã hy sinh bắn vào đội hình giặc, nhưng có thằng nấp sau gốc cây to bắn lén Dũng… Nghiệt ngã quá, chiến tranh mà. Chính tôi là người ở bên Dũng những giây phút cuối cùng và cùng trung đội chôn cất Dũng... Dũng có trăn trối với tôi “Anh Hùng ơi, nếu anh trở về, nhớ đến Hải Dương tìm Hà… nói với Hà tha lỗi cho em”. Tôi đã hứa với Dũng sẽ thực hiện lời dặn của cậu ấy. Kỷ vật còn lại chỉ là tấm vải dù pháo sáng của Mỹ và bức ảnh này. Dũng nhờ tôi giữ hộ. Nếu trở về, sẽ ra Hải Dương tìm Hà. Năm 1980, tôi có về quê Dũng, có gặp bố mẹ Dũng. Hỏi thăm về Hà, gia đình nói không biết Hà đi đâu, có đến 6, 7 năm rồi không về làng. Tấm vải dù tôi gửi lại cho bố mẹ Dũng. Riêng bức ảnh này, tôi giữ lại bởi gia đình Dũng cũng có tấm ảnh như thế. Không ngờ hôm nay, sau gần 40 năm mới gặp lại bà trong hoàn cảnh này.
 
Bà Hà thút thít:
 
- Vâng, ông không thể tìm thấy tôi bởi chỉ vì đứa con trong bụng của tôi và ông Dũng mà tôi phải bỏ làng ra mỏ than Quảng Ninh. Không có hộ khẩu, không ai nhận vào làm việc. Tôi lang thang mất một tuần lễ thì may mắn gặp một bà mẹ có con trai duy nhất là liệt sỹ không nơi nương tựa, bà nhận tôi làm con.
 
Ông Hùng nói:
 
 
- Không tìm thấy bà lần ấy, tôi quay về với suy nghĩ khi nào có tiền sẽ đi tìm tiếp. Thế nhưng, vì cơm áo gạo tiền, vì nhiều lý do mà tôi đã không thực hiện được lời hứa với Dũng. Đã vậy, nhiều lúc tôi tự ngụy biện với mình rằng Dũng và Hà mới chỉ là yêu nhau, đã là vợ chồng đâu. Dũng còn có anh em ruột thịt. Còn tôi, dù nhớ thương Dũng thì để trong lòng. Cứ đến ngày giỗ cậu ấy, tôi lại thắp hương khấn vái. Bây giờ, gặp bà bất ngờ, tôi thật sự xấu hổ, mong bà tha lỗi cho tôi.
 
Bà Hà lau nước mắt nói:
 
- Chiến tranh, không ai có lỗi cả. Gặp ông là tôi mừng rồi. Chuyện của tôi và người đã khuất cũng tủi hờn lắm. Tôi yêu ông ấy với niềm say mê. Tôi đã hiến dâng cho ông bởi tôi nghĩ chỉ có người lính đi đánh giặc mới xứng đáng được yêu. Bây giờ, con trai tôi, nó cũng tên là Hùng, ông ạ, đã hơn 40 tuổi rồi, cháu là trưởng một tàu hải quân, đang ở vùng biển Trường Sa. May mắn cho ông Dũng và tôi cũng đã có cháu nội đích tôn, nhưng chỉ thương cho ông Dũng. Bây giờ, tôi cầu xin ông hai việc. Một là cho tôi xin lại tấm ảnh này để con cháu tôi biết bố, ông của chúng và để tôi luôn thấy chồng tôi, mặc dù chúng tôi không có giấy đăng ký kết hôn. Thứ hai là nếu ông biết mộ chồng tôi ở đâu xin ông chỉ cho. Bố mẹ ông Dũng đã qua đời đầu những năm chín mươi của thế kỷ trước, cũng rất buồn vì không biết con mình ở đâu. Còn người sống như tôi thì phải tìm bằng được. Cũng có một điều an ủi cho bố mẹ ông Dũng là họ đã được gặp cháu nội, thằng Hùng ấy mà, lúc cháu 12 tuổi tôi đưa cháu về quê.
 
Ông Hùng nói nhỏ, giọng chưa hết xúc động:
 
- Tôi biết mà. Giải phóng được 6 năm, chúng tôi đã đưa Dũng và một số anh em khác về nghĩa trang thành phố này. Bà cứ nghỉ ngơi cho khỏe, chả mấy khi vào đến Đà Lạt. Người sống phải có trách nhiệm với người đã khuất và cả những người đang sống, bà ạ. 
 
Bà Hà nói:
 
- Cảm ơn trời phật đã run rủi cho tôi được gặp con gái ông và cả ông nữa.
 
- Thưa bà, lúc con gái tôi đưa bà về đây không phải là con đẻ của tôi đâu.
 
- Ông nói thế nghĩa là làm sao?
 
- Cũng là chuyện tình nghĩa ấy mà. Năm 1982 tôi chuyển về đây, nơi chôn nhau cắt rốn của tôi. Một hôm tôi ra bờ hồ Xuân Hương, thấy một phụ nữ khá xinh đi ngược chiều. Trên vai gánh rau xanh, tôi nhìn người ấy, người ấy cũng nhìn tôi. Tôi lẩm bẩm, hình như tôi trông chị quen quen. Người ấy nói, anh là bí thư ấp Nghệ Tĩnh, tôi biết, vì anh mới ở bộ đội về nên không biết tôi. Tôi làm hội phụ nữ của ấp đây, khi tôi nghỉ được 5 ngày thì anh về.
 
Có lẽ do duyên trời se lại, chị ấy đã dừng chân tóm tắt cuộc đời mình: “… Mười tám tuổi, tôi lấy chồng. Tôi ở Tuy Hòa, Phú Yên anh ạ. Cưới xong, chồng tôi vào quân giải phóng, năm ấy là năm 1971, hình như tháng 3 thì phải. Để trốn quân dịch ấy mà. Mãi đến cuối 1980 anh ấy mới về vì do còn đánh Pôn Pốt ở biên giới Tây Nam. Năm sau, tôi sinh cháu gái, được 3 tháng thì anh ấy mất do vết thương trên đầu tái phát. Đang đứng thì thấy hoa mắt, chóng mặt rồi ngã xuống, đầu va vào tường nhà, tôi lao đến, anh ấy chỉ kịp nói “Gắng nuôi con em ạ… rồi tìm… hạnh phúc mới”. Sau ngày anh ấy ra đi, tôi bỏ công tác phụ nữ để chăm sóc con cái. Ông hỏi vì sao tôi ở lại Đà Lạt phải không? Vì chồng tôi chuyển ngành về đây công tác đã đón tôi lên. Thế đấy ông ạ. Từ hôm đó, hầu như hôm nào chúng tôi cũng gặp nhau, vậy mà mãi đến cuối năm 1986 bà ấy mới chịu… đăng ký kết hôn với tôi. Cháu Nghĩa coi tôi như bố đẻ của nó… Cuối năm 1988, bà ấy sinh cho tôi một công chúa nữa. Hai chị em nó yêu thương nhau lắm”. 
 
Bà Hà thở dài, nói khẽ:
 
- Vì chiến tranh mà bao nhiêu người thiệt thòi. Thời ấy, con gái không chồng mà chửa như tôi thì tội tày đình. Tôi lặng lẽ bỏ làng ra đi, xấu hổ không dám gặp anh em, họ hàng, bè bạn. Nhưng rồi, tôi tự an ủi mình rằng tôi còn hạnh phúc hơn bao nhiêu phụ nữ khác vì tôi còn có đứa con, dòng họ ông Dũng đã ghi tên cháu vào gia phả. Còn bao nhiêu phụ nữ mất bao nhiêu năm chờ đợi để rồi lại cô đơn.
 
Ông Hùng gật đầu đồng tình:
 
- Bà nói đúng, chúng ta vẫn là những người hạnh phúc bởi vì chúng ta được sống, được chứng kiến sự lớn mạnh của quê hương, đất nước. Chỉ có người không trở về là thiệt thòi, nhưng họ cũng là người hạnh phúc, bởi họ ra đi để lại hạnh phúc cho bao nhiêu người hôm nay và để cho dân tộc Việt Nam trường tồn, phải không bà?
 
Truyện ngắn: NGUYỄN THANH HƯƠNG