Ðịnh hướng phát triển lý luận văn học, nghệ thuật Việt Nam giai đoạn hiện nay

08:09, 26/09/2019

Trong các văn kiện, nghị quyết của Ðảng đã ban hành từ thời kỳ đổi mới đến nay, như: Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc (1998);...

Trong các văn kiện, nghị quyết của Ðảng đã ban hành từ thời kỳ đổi mới đến nay, như: Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc (1998); Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X) về Tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới (2008); Nghị quyết 33 của Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (2014)... đều đặt ra cho giới văn học, nghệ thuật những nhiệm vụ quan trọng, trong đó đặc biệt chú trọng đến hai nhiệm vụ chủ yếu về sáng tác thì hướng tới mục tiêu “Phấn đấu tạo nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao”, còn về lý luận thì “Từng bước xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam”.
 
Tranh “Cẩm tú cầu” của họa sĩ Nguyễn Văn Lại
Tranh “Cẩm tú cầu” của họa sĩ Nguyễn Văn Lại
 
Để thực hiện hai nhiệm vụ này, trong những năm qua, các cơ quan quản lý, nghiên cứu, sáng tác văn học, nghệ thuật đã tiến hành tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo khoa học để triển khai, đánh giá kết quả và đề xuất các kiến nghị, giải pháp, xây dựng luận cứ khoa học và thực tiễn cho việc phát triển văn học, nghệ thuật nói chung, lý luận văn học, nghệ thuật nói riêng theo định hướng tư tưởng này. 
 
Tuy nhiên, đây là một yêu cầu cao đòi hỏi phải có thời gian và những điều kiện cần thiết. Theo nhiều nhà quản lý và chuyên gia đầu ngành đánh giá, thì kết quả cho đến nay vẫn còn rất khiêm tốn cũng như tồn tại nhiều hạn chế. Những tác phẩm lớn, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao vẫn là điều đang còn chờ đợi.
 
Còn việc xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam vẫn đang còn đầy những ngổn ngang, thách thức. PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết: “Trong hai năm (2014 - 2016), Hội đồng đã chủ trì thực hiện Đề án: Lý luận văn nghệ ở Việt Nam - Thực tiễn và định hướng phát triển gồm 5 đề tài đã được nghiệm thu. Tuy nhiên, đây cũng chỉ mới là sự khởi động, chuẩn bị tổng kết thực tiễn xây dựng luận cứ khoa học cho việc thực hiện nhiệm vụ từng bước xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
 
Dù còn nhiều khó khăn để hoàn thành, nhưng PGS.TS Phan Trọng Thưởng - Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho rằng: “Qua nghiên cứu khảo sát bước đầu có thể khẳng định chúng ta bắt tay vào xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam không phải với hai bàn tay trắng, không phải bắt đầu từ con số không. Mà trên cơ sở đã có vốn liếng, có một hệ thống lý luận văn nghệ tuy còn hạn chế nhưng rất đáng trân trọng, kế thừa và phát triển. Đó là kết quả của một quá trình lịch sử văn học, nghệ thuật lâu dài gắn với sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Là kết quả của lao động, sáng tạo, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn.
 
Khác với nhiều nơi trên thế giới, hệ thống quan điểm lý luận văn nghệ thường gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của các cá nhân, trường phái và các khuynh hướng tư tưởng nghệ thuật... Ở Việt Nam, hệ thống lý luận được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau và hợp thành bởi những yếu tố khác nhau. Căn cứ trên thực tiễn lý luận có thể khái lược hệ thống lý luận văn nghệ ở Việt Nam được hợp thành từ các yếu tố.
 
Đầu tiên là lý luận văn nghệ truyền thống. Đây là bộ phận lý luận văn nghệ được đúc rút nên từ kinh nghiệm và thực tiễn sáng tạo nghệ thuật, thị hiếu thẩm mỹ, những đặc trưng, đặc điểm của hệ thống thi pháp thể loại và tư duy sáng tạo dân gian. Nhờ có quan điểm tiếp thu đúng đắn nên bộ phận lý luận văn nghệ mang tính chất kinh nghiệm này luôn có vai trò quan trọng trong sự phát triển của hệ thống quan điểm lý luận văn nghệ ở Việt Nam.
 
Tiếp đó, là lý luận văn nghệ Mác xít. Từ sau thế kỷ XIX trở đi, đặc biệt là từ sau Cách mạng tháng Mười Nga, trên nền tảng tư tưởng chính trị, triết học, mĩ học và quan điểm của Marx, Engels, Lenin về văn học, nghệ thuật đã từng bước hình thành hệ thống lý luận văn nghệ Mác xít, có sức ảnh hưởng rộng, chi phối tiến trình vận động và phát triển của văn học, nghệ thuật nói chung ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa. Thực tế cho thấy, lịch sử văn học, nghệ thuật Việt Nam từ năm 1930 trở đi đã chứng minh lý luận văn nghệ Mác xít luôn giữ vai trò chủ đạo trong tiến trình vận động và phát triển của văn học nghệ thuật hiện đại. Dưới tác động của hệ thống này, một thực tiễn văn nghệ mới bao gồm tất cả các vấn đề liên quan đã được hình thành, mang bản chất cách mạng, tư tưởng xã hội chủ nghĩa và gắn bó chặt chẽ với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp của Đảng và Nhân dân Việt Nam.
 
Một trong những yếu tố hợp thành quan trọng khác nữa là Hệ thống quan điểm văn nghệ của Đảng. Do ý thức được sức mạnh đặc thù của văn học, nghệ thuật, trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của đất nước từng thời kỳ, trên nền tảng Chủ nghĩa Marx - Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã xây dựng được hệ thống quan điểm về văn học, nghệ thuật phù hợp với thực tiễn văn nghệ Việt Nam từng thời kỳ. Gắn văn học, nghệ thuật với sự nghiệp cách mạng và là định hướng cho sự phát triển.
 
Cuối cùng là lý luận văn nghệ tiếp thu từ nước ngoài. Quá trình tiếp thu các tư tưởng lý luận văn nghệ nước ngoài vào Việt Nam có lịch sử khá dài và trải qua nhiều giai đoạn.
 
Từ năm 1986, do kết quả của đổi mới tư duy, rất nhiều vấn đề của đời sống văn học và tư tưởng lý luận đã được nhận thức lại. Một trong những thành tựu đáng ghi nhận là việc nhận thức, đánh giá lại một số hiện tượng, một số giá trị văn học nghệ thuật vì những lý do lịch sử nào đó, trước đây chưa được nhận thức, đánh giá đúng mức. Sự thẩm định lại, đánh giá trên tinh thần khách quan khoa học đã góp phần giải tỏa những vướng mắc về nhận thức tư tưởng và tinh thần từng tồn tại nhiều năm trong giới nghiên cứu lý luận và sáng tác văn học. Đồng thời trả lại cho lịch sử văn học những giá trị khách quan vốn có của nó.
 
Theo PGS.TS Phan Trọng Thưởng: “Theo quan điểm nhất quán của Đảng, định hướng tư tưởng lý luận làm nền tảng xây dựng học thuyết phát triển của đất nước ta hiện nay được xác định là Chủ nghĩa Marx - Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong định hướng đó, lý luận văn học và mĩ học Mác xít cần phải được tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo, là sự lựa chọn có tính nguyên tắc cho sự tồn tại và phát triển của nền văn học Việt Nam”.
 
Trên cơ sở khẳng định vai trò chủ đạo của lý luận văn học và mĩ học Mác xít, quán triệt quan điểm của Đảng lấy chủ nghĩa Marx - Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng; bám sát những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn lịch sử và thực tiễn thời kỳ CNH - HĐH; tiếp tục đổi mới, nghiên cứu và phát triển hoàn thiện hệ thống lý luận văn học và mĩ học phù hợp với thực tiễn Việt Nam, phù hợp với thực tiễn của thế giới, làm cơ sở cho hoạt động nghiên cứu, sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật; xây dựng bộ môn lý luận văn học, nghệ thuật tương xứng với vị thế là Triết học của văn học nghệ thuật.
 
LINH ÐAN (lược ghi)