Vầng trăng ký ức

06:09, 12/09/2019

Khó khăn lắm ông mới kiếm được mẩu tre ở cái xứ rừng thông bạt ngàn này. Đó là kết quả của nhiều lần lang thang, để ý. Ông vót nan và cột lại thành hình ông sao như ngày xưa ông từng làm...

Khó khăn lắm ông mới kiếm được mẩu tre ở cái xứ rừng thông bạt ngàn này. Đó là kết quả của nhiều lần lang thang, để ý. Ông vót nan và cột lại thành hình ông sao như ngày xưa ông từng làm. Chiếc đèn Trung thu đầu tiên trong đời ông dán bằng giấy pơluya, không thấy được ngọn lửa bên trong. Mãi về sau mới có giấy bóng mờ, rồi bóng kính, quý ơi là quý. Hết Trung thu ông treo lên nóc nhà, Trung thu năm sau đem ra dùng lại, cuối cùng thì cho những đứa trẻ mới lớn.
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
Thấy hai ông cháu lúi húi, con dâu ông đi làm về xịch chiếc xe máy quở: “Trời ơi! Ông đúng là cổ lỗ sĩ, ngoài chợ người ta bán đầy. Trên là trời dưới là đèn, đèn Trung Quốc đủ kiểu” - Cô ngó nhìn kỹ hơn - “Mà ông ơi, giờ người ta dùng bóng đèn pin, không dùng nến nữa. Gió cũng chẳng tắt được”.
 
Mắt ông sáng lên cái cảnh đèn Trung thu bùng cháy giữa tiếng hoan hô của trẻ con thời xa xưa. Phải, mọi cái đã thay đổi. Thằng cháu vẫn ngây ra nhìn, giục ông: “Ông cứ làm đi, cháu thích ngọn lửa thật cơ”. Và ông lại cặm cụi đắm chìm vào ký ức.
 
Miền Trung quê ông mùa này chưa mưa, chan hòa nắng gió. Gió biển mặn mòi, tanh nồng một mùi cố hữu. Biển đêm đen màu mực ẩn chứa bao điều kỳ bí. Trăng trên biển là một kỳ quan. Trăng bây giờ có khác, nó gần và thật hơn, mất dần cái vẻ thơ mộng huyền bí. Con người đã hiểu nó quá kỹ, nhất là từ khi đặt được chân lên đấy. Không có chị Hằng, chẳng có cây đa thằng Cuội, tiếc thật.
 
Chợt thằng bé lên tiếng hỏi: “Trung thu năm nay có trăng không ông?”. Trung thu bao giờ chẳng có trăng? Ông thừ người.
 
Ông sinh ra trên biển, nơi người ta nhìn thấy trăng mọc sớm nhất. Hoàng hôn chưa tắt hẳn, trăng Trung thu đã chui lên từ mặt nước đen sẫm lơ lửng như một chiếc đèn lồng. Lên cao nó nhỏ lại, mỏng ra, sáng trắng, trong suốt, bay nhanh trên nền trời mây mải miết. Quê ông gần tết mới mưa. Trung thu bao giờ cũng vào mùa khô. Lũ trẻ phá cỗ trên bãi cát ấm, nơi ban ngày bỏng rẫy vì nắng thiêu đốt, đến nỗi người lớn phải vác theo một tàu cau, chạy được mấy bước lại giẫm lên mo cau chờ nguội chân mới dám băng tiếp qua đoạn đường còn lại đến mép nước.
 
Ở miền núi có cái thiệt là chỉ được ngắm trăng muộn. Năm kia cháu ông mới lên năm, nó theo bọn trẻ rước đèn, ra khỏi cửa thì trời đổ mưa. Ai lại xắn quần đến đầu gối rước đèn Trung thu bao giờ. Năm ngoái Trung thu mây vần vũ, nửa đêm trăng mới ló mặt, trẻ con đã lăn ra ngủ cả. Ừ, Trung thu ở đây năm nào cũng mưa thật. Thì ra trăng Trung thu trong ông chỉ là vầng trăng ký ức. Ông thương và tiếc cho thằng cháu nội.
 
Ngày về cao nguyên Lâm Viên này công tác, con trai ông mới bằng tuổi thằng cháu bây giờ. Nhanh thật, chẳng trách mình già. Thằng bé tò mò nhìn ngón tay trỏ của ông:
 
- Ông ơi, có phải ngày xưa ông chặt tre làm đèn bị cụt tay phải không?
 
Ông ngắm thằng cháu thật kỹ rồi nở nụ cười:
 
- Không đâu, ông bị mảnh đạn đấy. Ông mải ngắm trăng mà. Cũng vì trăng đấy cháu ạ. - Ông nói, tay xoa đầu nó.
 
Năm 1954, ông ra Bắc tập kết, cứ tuần trăng lại nhớ làng chài không chịu nổi. Ở đâu chẳng có trăng nhưng trăng quê vẫn không gì thay thế được. Đêm Trung thu ở Hà Nội ông chỉ mong mất điện. Khuya, nằm trên sân thượng nhà tầng ngửa mặt nhìn trời. Sau này ông chuyển công tác lên lòng chảo Điện Biên. Ông nhớ như in, đêm ngủ đầu tiên, sáng ra mù mịt chẳng thấy mặt trời đâu cả, khuya lắm trăng mới mọc. Thâm niên Tây Bắc mười năm, mười cái tết Trung thu đã qua, gấp năm lần hai ngón tay người thân giơ cao khi đưa tiễn lên đường tập kết ở bãi biển Quy Nhơn. Ai cũng nghĩ theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, hai năm sau có tổng tuyển cử, đất nước thống nhất sẽ lại trở về. Năm 1963 ông quyết định “vượt tuyến”, đi phép về Quảng Trị. Quảng Trị chưa phải quê ông nhưng gần được chút nào hay chút ấy.
 
Đi tàu đến ga Đồng Hới, ông vào bến ô tô xếp hàng mua vé. Liếc qua giấy tờ của ông, người bán vé để sang một bên, tiếp tục giải quyết cho người đứng sau. Ngày ấy xe cộ khó lắm, ông vừa sốt ruột vừa lo. Người bán vé nhìn ông, cầm giấy lên lại đặt xuống, giải quyết xong đống giấy tờ mới quay sang:
 
- Anh đi đâu? 
 
- Vĩnh Linh.
 
- Có giấy của ông Trần Quốc Hoàn không?
 
Vĩnh Linh thuộc khu phi quân sự giới tuyến hai miền, ông làm sao có được giấy của Bộ trưởng Bộ Công an. Ông thú thật nhớ quê quá, chỉ dám xin về đến bờ Bắc sông Bến Hải thôi.
 
- Tình nghĩa cho tôi đi đi. Anh em mình cả, nhớ bà con cô bác quá chừng.
 
Ông năn nỉ vì người bán vé cũng cán bộ miền Nam tập kết, cùng cảnh đêm Nam ngày Bắc. Chiều tối, còn chuyến xe cuối cùng, anh ta vỗ vai ông:
 
- Nói thiệt, ở đây tôi có thể gửi xe cho anh quay lại Hà Nội được... Mà thôi, kệ ông, từ đây vào Vĩnh Linh có gì tôi không chịu trách nhiệm.
 
Thế là ông đến được khu phi quân sự, ra tận Cửa Tùng, chỉ để ngắm trăng và nghe “Bài ca hy vọng” trên Đài Tiếng nói Việt Nam trong buổi phát thanh vào Nam lúc đêm khuya.
 
Trăng ở đâu cũng là trăng, song trăng quê cứ ẩn chứa một nỗi niềm khắc khoải. Làm sao ông quên được xóm vạn chài xơ xác tiêu điều ấy. Nơi đường cái quan (tên gọi xưa của Quốc lộ 1) và đường sắt cứ xoắn lấy nhau như cặp rắn trườn sát mép nước. Dưới trăng đất trắng tinh như muối, trai gái mỗi người một cái vồ đập đất đến tàn trăng chỉ để được ăn khoai luộc và hát đối. “Đừng tham lắm bạc nhiều vàng/ Lại đây đập đất bên đàng với anh”. Ông đã từng buông những câu như thế để mời gọi người thương. Đêm trăng này em vẫn đứng dưới gốc dừa ngóng ra biển, nơi em lội theo con tàu đưa anh đi tập kết cho đến khi nước ngập đến cổ vẫn chới với nghển cao đầu giơ hai ngón tay hẹn ngày trở về. Ông sờ lên ngực áo, nơi có lá thư từ quê hương gửi ra với nét chữ thân quen có đóng dấu giáp lai của Ủy ban Thống nhất Trung ương. Bất ngờ, một loạt pháo từ bờ Nam vu vơ câu sang. Mảnh pháo đã lấy đi của ông một ngón tay. Vào bệnh viện, thấy ba lô bê bết bùn đất, họ kháo nhau: “Đêm qua có một toán biệt kích vượt tuyến sang bờ Bắc”. May mà ông gặp được người quen ở bệnh viện chứ không thì rầy rà to.
 
- Chỉ ngắm trăng mà cũng chảy máu hả ông?
 
- Ừ... chiến tranh mà.
 
- Trung thu năm nay có trăng chứ hả ông?
 
Thằng bé vẫn chưa quên câu hỏi.
 
Trung thu Tây Nguyên vào đúng giữa mùa mưa. Miền núi lại thường mưa về chiều tối. Thoát được mưa thì trời cũng đầy mây, trăng rằm chỉ thấy một quầng sáng nhờ nhờ mà thôi. Ông lại xoa đầu cháu cười cười: - Ông cháu ta sẽ đi Ninh Chữ xem trăng mọc trên biển!
 
- Trăng biển đẹp lắm ông nhỉ?
 
- Rồi cháu sẽ biết.
 
Với chiếc xe máy cà tàng, hai ông cháu đến được bờ biển đúng lúc trăng nhô khỏi mặt nước. Thằng nhỏ reo lên: “Trăng to quá ông ơi!”. Trăng như chiếc mâm đồng, lần đầu tiên nó được thấy to như thế.
 
Đây, trăng Trung thu của thế kỷ hai mốt. Ông vẫn ao ước được sống đến thế kỷ hai mốt. Hai cuộc chiến tranh qua đi, còn đến hôm nay coi như phần thưởng cho tuổi già. Vầng trăng thanh bình là thế này đây. Ông hít thở cả ánh trăng và khí trời.
 
Truyện ngắn: CHU BÁ NAM