Bảo Lộc - "Châu về Hợp Phố"

06:10, 31/10/2019

Những ngày đầu tháng 10/2019, tôi đưa đoàn nhà văn TP Hồ Chí Minh theo lời mời của Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng đi thực tế đề tài công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Bảo Lâm, Bảo Lộc...

Những ngày đầu tháng 10/2019, tôi đưa đoàn nhà văn TP Hồ Chí Minh theo lời mời của Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng đi thực tế đề tài công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Bảo Lâm, Bảo Lộc. Về thành phố Bảo Lộc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Triệu, như thông lệ “màn chào hỏi” các cuộc gặp ban đầu, khái quát: Trong 9 tháng đầu năm, tình hình KT-XH tiếp tục ổn định và phát triển, nhiều chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch. Đơn cử: Giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng tăng 35%; trong đó một số sản phẩm sản xuất chủ lực như chè chế biến tăng 7,5%, sản xuất lụa tơ tằm tăng 10%. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 2,3% so với cùng kỳ, góp phần đáng kể trong cơ cấu nội ngành, chiếm trên 60%. Tuy còn gặp một số khó khăn nhưng tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến trung tuần tháng 9 đạt trên 669,1 tỷ đồng, tăng 11% và tổng thu ngân sách do thành phố quản lý đạt gần 393,6 tỷ đồng, bằng 71% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ... 
 
Bí thư Thành ủy Bảo Lộc Nguyễn Văn Triệu. Ảnh: TĐ
Bí thư Thành ủy Bảo Lộc Nguyễn Văn Triệu. Ảnh: TĐ

Ngưng lời, Bí thư Thành ủy trầm ngâm suy nghĩ rồi giãi bày: - Tuy đạt một số kết quả quan trọng, song Bảo Lộc cũng còn những việc trọng tâm cần phải dốc sức để khai thác tiềm năng, thế mạnh..., phát huy hơn nữa vai trò là một trong bốn địa bàn trọng điểm của tỉnh...

- Bí thư tâm tư điều gì vậy?
 
Gương mặt rạng nụ cười tươi, anh Triệu phấn chấn giải thích: Bảo Lộc là một trong hai đô thị trung tâm lớn của tỉnh. Quy hoạch và phát triển TP Bảo Lộc và vùng phụ cận trở thành đô thị loại II vào năm 2020 đạt yêu cầu là đô thị tỉnh lỵ, tiếp tục xây dựng thành phố trở thành đô thị sinh thái theo tiêu chuẩn loại I vào năm 2035, là đầu mối giao thông về đường bộ và kết nối với đường hàng không của vùng và quốc gia. Thời gian qua, một tiềm năng, thế mạnh rất lớn, rất quý của miền cao nguyên này vẫn chưa được hình thành rõ nét khiến người ta chỉ mới ngang qua, lưu lại chưa nhiều...
 
- Chắc anh muốn đề cập vấn đề du lịch?
 
- Đúng vậy - giọng Bí thư trở nên sôi nổi như chạm vào điều tâm huyết khiến không khí mạn đàm thêm gần gũi, thân tình - Với lợi thế khí hậu quanh năm mát mẻ, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú: thác ĐamB’ri, thác Bảy tầng; hồ Nam Phương là nơi xưa vua Bảo Đại cùng hoàng hậu Nam Phương bơi thuyền, câu cá; suối Đá Bàn, đèo Bảo Lộc, núi Sapung... làm nên huyền thoại, Bảo Lộc từng mệnh danh “thủ phủ” của ngành tơ tằm, nơi có thương hiệu Trà B’Lao nổi tiếng. Vùng “đất lành” còn là xứ sở của nhiều cây ăn trái chất lượng cao như bơ, sầu riêng, măng cụt... Chưa kể đến nơi đây hội tụ gần 160 ngàn dân cả nước sinh sống, với 26 dân tộc cùng cư dân bản địa K’Ho, Mạ... dệt nên bức tranh văn hóa đa sắc màu. Những điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” như vậy tạo cho thành phố có đầy đủ tiềm năng phát triển các loại hình du lịch sinh thái, tham quan, nghiên cứu, nghỉ dưỡng, văn hóa - thể thao, dã ngoại... 
 
- Vậy thời gian qua, thành phố đã có động thái gì để phát triển du lịch? 
 
- Để phát triển ngành kinh tế “không ống khói” trở thành ngành kinh tế động lực, Bảo Lộc đã chú trọng đầu tư, nâng cấp đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch; nhiều sản phẩm và loại hình du lịch mới được đưa vào kinh doanh, khai thác, chất lượng dịch vụ nâng lên... Du lịch là nền kinh tế sinh thái, bao gồm sinh thái tự nhiên và sinh thái nhân văn. Do vậy, thành phố đang gắn kết việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch với phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn. Hình thành các tour tham quan cánh đồng trà chất lượng cao, trình diễn nghệ thuật thu hái, chế biến trà, tham quan dây chuyền sản xuất trà, cà phê, trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa, tranh bướm... Hiện nay, Bảo Lộc đã có một số điểm nhấn du lịch như: Khu Du lịch Đamb’ri, Du lịch canh nông Tâm Châu, điểm du lịch Đôi Dép (xã Lộc Nga) tham quan, tắm bùn, chăm sóc sức khỏe. Thành phố cũng kết hợp các dự án mời gọi đầu tư, quảng bá hình ảnh du lịch địa phương thông qua tổ chức các sự kiện, lễ hội: Tuần Văn hóa Trà - Tơ lụa, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4, Liên hoan Văn hóa cồng chiêng, đăng cai tổ chức các giải thi đấu thể thao cấp tỉnh, khu vực quốc gia... Đồng thời, đẩy mạnh kết nối sản phẩm du lịch với các vùng lân cận như Khu Du lịch rừng Mađaguôi (huyện Đạ Huoai); phối hợp tổ chức các loại hình du lịch tham quan di tích lịch sử cách mạng, di chỉ khảo cổ, thắng cảnh như Khu Căn cứ Lộc Bắc (huyện Bảo Lâm), Khu Di tích khảo cổ Cát Tiên, Rừng quốc gia Cát Tiên. 
 
Phơi lụa. Ảnh: V.Đ.Q
Phơi lụa. Ảnh: V.Đ.Q
 
- Cùng với kêu gọi thu hút đầu tư vào các dự án dịch vụ nghỉ dưỡng như hồ Nam Phương 1 và 2..., thành phố đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ các dự án trình UBND tỉnh xem xét đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư. Đó là, sân golf và nghỉ dưỡng, Sân bay Lộc Phát, Khách sạn 5 sao tại khu vực chợ Bảo Lộc cũ và Khu Du lịch núi Sapung với hệ thống cáp treo hiện đại. Vậy quan điểm thu hút đầu tư của thành phố đặt ra như thế nào? 
 
Bí thư Thành ủy cởi mở:
 
- Cũng xin nói thêm về một “tài sản” quý của Bảo Lộc nữa là từ 1964-1967, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng dạy học ở miền sương khói B’Lao. Tình đất, tình người cao nguyên đã tạo cảm xúc để nhạc sĩ viết nên những ca khúc da diết, neo lòng người bao thế hệ: Chiều một mình qua phố, Tiếng hát Dạ Lan, Lời Thánh buồn, Tuổi đá buồn, tập ca khúc “Ca khúc da vàng”... Đã đến lúc thành phố cần có những nghĩa cử tri ân đối với cố nhạc sĩ, hình thành điểm đến tham quan, tưởng nhớ tác giả “Diễm xưa” bất hủ. Trở lại vấn đề phát triển du lịch, Bảo Lộc sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch, đồng thời tạo dựng các sản phẩm du lịch mới. Với phương châm “xã hội hóa du lịch”, tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư mới các dự án du lịch; tạo môi trường thông thoáng cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh phát triển du lịch. Phát triển hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn theo hướng nghỉ dưỡng chất lượng cao. Đồng thời, xây dựng môi trường văn hóa du lịch bền vững theo hướng vận động các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh và Nhân dân xây dựng phong cách giao tiếp, phục vụ văn minh, thân thiện, hướng tới sự hài lòng của du khách. Để hình dung về lĩnh vực thu hút đầu tư, xin nêu con số cụ thể: Tính đến tháng 9 qua, Bảo Lộc có 115 dự án đầu tư ngoài vốn ngân sách nhà nước vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội - văn hóa - giáo dục - thể thao, với tổng vốn đăng ký trên 7.374 tỷ đồng và 46,42 triệu USD. Hiện 74 dự án đã hoàn thiện và hoạt động, 30 dự án đang triển khai... Trong 9 tháng, 20 nhà đầu tư là những tập đoàn, công ty đến tìm hiểu, đăng ký thực hiện dự án, thực hiện các thủ tục đầu tư... 
 
Thành phố Bảo Lộc vốn nổi tiếng trong, ngoài nước với thương hiệu Trà B’Lao và một thời vang bóng “thủ phủ dâu tằm”. Thật hiếm vùng đất nào được “thiên phú” như vậy. Thời hoàng kim, trên sơn nguyên cùng với trà, cà phê đã xanh ngút ngàn khoảng 2.000 ha dâu tằm. Hơn 40 năm trước, ngành dâu tằm tơ đứng chân miền đất đỏ bazan thu hút hàng vạn lao động và góp phần đổi đời những nông dân thoát cảnh “chân lấm tay bùn”, cuộc sống lam lũ ở vùng đồng bằng Bắc bộ, miền Trung vào lập làng, lập xã; xây dựng các nông trường trồng dâu nuôi tằm, xí nghiệp ươm tơ... Dân đến đâu, kết cấu hạ tầng KT-XH vươn theo tới đó. Sự phát triển của ngành tơ lụa là một động lực quan trọng để huyện Bảo Lộc tích tụ điều kiện cần thiết, năm 1994 trở mình thành thị xã, rồi thành phố như hiện tại. Trải qua khủng hoảng do cơ chế bao cấp tạo nên những lỗ hổng trong quản lý, sản xuất - kinh doanh khiến ngành dâu tằm tơ như con tàu bị đắm trên biển lớn. Thế nhưng từ thực tế hiệu quả trồng dâu nuôi tằm vừa qua chứng minh không chỉ là nghề của người nghèo mà lá dâu, cái kén được đầu tư lớn, cho thu nhập cao; hoạt động sản xuất ươm tơ dệt lụa đang phát triển ổn định... Miên man theo dòng nghĩ suy ấy, tôi ướm hỏi:
 
Dệt tơ. Ảnh: V.Đ.Q
Dệt tơ. Ảnh: V.Đ.Q
 
-  Cùng với đầu tư phát triển du lịch, được biết nghề “ăn cơm đứng” trong tỉnh và ở Bảo Lộc nay đã hồi sinh và đang trở thành một thế mạnh, vậy sự chú trọng của thành phố...? 
 
- Tơ lụa là sản phẩm đặc sản nổi tiếng của Bảo Lộc - Không giấu niềm tự hào, Bí thư Thành ủy rành rọt: - Vượt qua cơn “dâu bể”, tương lai đang hé rạng. Hiện Bảo Lộc có 658 ha dâu, tăng trên 35% so với cùng kỳ năm trước; trong đó diện tích dâu thu hoạch 525 ha, sản lượng ước 7.925 tấn. Địa bàn có 30 doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực tơ lụa với 11 doanh nghiệp dệt lụa tơ tằm, 9 ươm tơ, 5 hoạt động thương mại, 4 cung ứng giống và 1 doanh nghiệp in nhuộm. Không chỉ đầu tư trên địa bàn, người Bảo Lộc như Công ty TNHH tơ lụa Minh Quân còn xây dựng nhà máy ươm tơ công suất 500 tấn kén/năm ở huyện Đạ Tẻh để vùng kinh tế mới hồi phục, mở rộng nghề dâu tằm. Các sản phẩm chính của tơ lụa Bảo Lộc như: tơ xe, vải lụa tơ tằm, lụa Satin (dùng may áo kimono), lụa Yozu (dùng may khăn choàng đầu ở các nước khối Ả rập, Ấn Độ), vải lụa Habutai, lụa CDC... dùng may áo dài, quần áo cao cấp, trang trí nội thất. Sản phẩm tơ lụa tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tới các thị trường Nhật Bản, Ấn Độ, châu Âu, Trung Đông... Hằng năm, sản lượng sản xuất khoảng 1.000 tấn tơ, khoảng 3,5 triệu m2 lụa các loại... Để phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ trên địa bàn Lâm Đồng, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án giai đoạn 2019-2023 với những chính sách hỗ trợ thiết thực. Đề án đề ra chính sách phát triển vùng nguyên liệu dâu tằm (hỗ trợ sau đầu tư diện tích trồng giống dâu năng suất, chất lượng cao); Nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất trứng giống tằm; Hỗ trợ kinh phí xây dựng mới cơ sở nuôi tằm con tập trung công nghệ cao và hỗ trợ nâng cấp mở rộng; Xây dựng mô hình ứng dụng tự động, cơ giới hóa trồng dâu nuôi tằm; Xây dựng liên kết tổ chức sản xuất dâu tằm gắn với tiêu thụ sản phẩm kén tằm, tơ lụa... Đây là những cơ chế, chính sách hữu hiệu để thương hiệu “Tơ lụa Bảo Lộc” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận ngày 27/2/2017 và sản phẩm của 8 doanh nghiệp, cơ sở ươm tơ, dệt lụa đã được thành phố cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Tơ lụa Bảo Lộc” tiếp tục có vị thế xứng đáng trên thị trường thế giới.  
 
Thác ĐamB’ri. Ảnh: Võ Đình Quýt
Thác ĐamB’ri. Ảnh: Võ Đình Quýt
 
Suốt buổi trao đổi, nhà văn Bích Ngân im lặng quan sát, mải miết ghi chép, đến lúc vãn chuyện chị mới hồ hởi:
 
- Được biết 11 năm trước từ Quyền Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc anh vào huyện Bảo Lâm làm Chủ tịch huyện rồi Bí thư Huyện ủy, tiếp nữa lên Đà Lạt làm Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Thử lửa ở nhiều cương vị khác nhau rồi tháng 10/2018 trở về với cương vị Bí thư Thành ủy Bảo Lộc - nơi xuất phát điểm bản thân đi lên từ một cán bộ Đoàn phường. Qua tâm sự, chúng tôi nhận thấy quả là “Châu về Hợp Phố”! 
 
Nhà văn có khác, hóa ra trước khi đến vùng đất mới, Bích Ngân đã đọc, tìm hiểu rất kỹ về vùng đất và con người nơi đây, không những thế chị lại dùng điển tích “Châu về Hợp Phố” -  hàm ý nói vật quý trở lại chốn cũ; vùng đất hội tụ những vận hội tốt lành, sự đồng thuận đã đến... trong hoàn cảnh này rất hữu ý.
 
Anh Nguyễn Văn Triệu bối rối, xúc động: - Cảm ơn nhà văn! Tôi quê Nam Định, sau khi xuất ngũ đã chọn nơi đây làm quê hương thứ hai, nên nghĩ mình không chỉ có duyên mà còn có nợ với Bảo Lộc. Chính vậy trong nhiều việc sắp tới, tôi phải cùng tập thể lãnh đạo thành phố dốc sức, chọn vấn đề trọng tâm, trọng điểm giải quyết trong từng giai đoạn để Bảo Lộc sớm trở thành hiện thực ước nguyện từ lâu đời của đồng bào các dân tộc bản địa: K’Ho, Mạ gọi tên vùng đất này là B’Lao với hàm nghĩa hội tụ sự tốt đẹp.                   
Rời Thành ủy Bảo Lộc, nhà thơ Nguyên Hùng (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) ngồi không yên, ông với lên, quay xuống đồng nghiệp sau xe, xuýt xoa: “Bảo Lộc - B’Lao đúng mảnh đất “ngọt lành”... đầy tiềm năng và tương lai là bức tranh tươi sáng...”. Giọng xứ Nghệ ấm, chân thành, ông cao hứng: “Mình chợt nghĩ ra tứ thơ “Bảo Lộc - Hương đất tình người”. Đoàn nghe thử mấy vần thơ mới nhé, có thể phổ nhạc được: Mời bạn về thăm quê tôi Bảo Lộc/ Cao nguyên xanh dịu mát quanh năm/ Nơi lừng danh với lụa tơ tằm/ Những đồi chè lô xô hình bát úp/... Bạn hãy về chung tay khai phá/ Dựng các công trình hướng tới tương lai/ Lộc Phát chờ người khơi mở đường bay/ Hồ Nam Phương, núi Sapung chờ khoanh vùng sinh thái...”. Trước nỗi niềm hứng khởi của thi sĩ, cả đoàn vỗ tay tán thưởng và chúng tôi đều thầm nghĩ: Bảo Lộc - vùng đất hội tụ những tiềm năng, thế mạnh lớn lao và điều tốt lành sớm được các thế hệ công dân nơi đây với ý chí quyết tâm, khát vọng mãnh liệt sẽ năng động, sáng tạo đưa miền B’Lao xưa - Bảo Lộc nay thành đô thị phồn thịnh, văn minh...
 
Ký: NGUYỄN THANH ĐẠM