Có một Đà Lạt ở Hàn Quốc qua tranh Vi Quốc Hiệp

06:10, 31/10/2019

Sau 23 cuộc triển lãm cá nhân tại nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam và Thái Lan, lần đầu tiên, những tác phẩm hội họa đặc sắc của họa sĩ (HS) Vi Quốc Hiệp mang tới triển lãm tại đất nước của xứ sở Kim Chi...

Sau 23 cuộc triển lãm cá nhân tại nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam và Thái Lan, lần đầu tiên, những tác phẩm hội họa đặc sắc của họa sĩ (HS) Vi Quốc Hiệp mang tới triển lãm tại đất nước của xứ sở Kim Chi. Con người, cảnh sắc thiên nhiên Việt Nam, đặc biệt biệt thự cổ Đà Lạt có dịp ra mắt công chúng Hàn Quốc kéo dài 20 ngày. 
 
HS Vi Quốc Hiệp (trái) và doanh nhân, nhà sưu tập tranh Kim Kim tại phòng tranh HS Hiệp. Ảnh: M.Đạo
HS Vi Quốc Hiệp (trái) và doanh nhân, nhà sưu tập tranh Kim Kim tại phòng tranh HS Hiệp. Ảnh: M.Đạo
 
Từ miệt mài với chính mình
 
Đã ngoài 70 tuổi, Vi Quốc Hiệp vẫn vi vu những nẻo đường Bắc Nam, lên rừng xuống biển, để sáng tác và giới thiệu tác phẩm hội họa. Được đào tạo bài bản về hội họa tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội từ năm 1971, lại có máu “xê dịch” như bậc ký tài hoa Nguyễn Tuân, HS Vi Quốc Hiệp luôn nhập thế để có một khối lượng tác phẩm khổng lồ, văn, thơ, nhạc và đặc biệt hội họa. Xu hướng ổn định trong sáng tác hơn nửa thế kỷ, cũng là thành công nhất, hợp với cái tạng người sôi nổi, quyết liệt, phóng khoáng của Vi Quốc Hiệp là tranh sơn dầu. Cao nguyên là duyên mệnh gắn chặt anh. Sinh ra, lớn lên ở huyện Văn Quang, tỉnh Lạng Sơn - định cư tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, để hít hà, để nếm trải, để đằm sâu trong sinh thái và văn hóa rừng. Và hơn hết, đã hun đúc thành những vỉa văn hóa của chủ thể thẩm mĩ riêng biệt, tiềm tàng trong thế giới sáng tạo nghệ thuật. Sự nghiệp sáng tác hội họa đưa HS Vi Quốc Hiệp trưởng thành là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1984, một trong những “bóng cả” của làng mỹ thuật ở Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng hơn 40 năm nay. Hơn 10 bức tranh của anh có mặt tại các bảo tàng: Mỹ thuật Quốc gia, Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Các dân tộc Việt Nam, Phụ nữ và góp phần làm nên “Bộ sưu tập Hội Mỹ thuật Việt Nam”...; cùng đó là nhiều giải thưởng quốc tế và trong nước. 
 
Bảy mươi mốt năm, đến nay, Vi Quốc Hiệp đã gắn với xứ sở Đà Lạt 41 năm. Kể từ triển lãm cá nhân đầu tiên với những ký họa và tranh sơ khai cách đây gần 30 năm, thành tựu hội họa về thành phố Đà Lạt - Lâm Đồng của tác giả Vi Quốc Hiệp giờ đã ở vị thế đứng đầu của làng hội họa Việt Nam, cả số lượng và chất lượng. Anh đã sáng tác hàng trăm bức tranh với nhiều đề tài: biệt thự cổ, thiếu nữ, dân tộc thiểu số, hoa và phong cảnh... Trong số đó, dấu ấn sâu đậm nhất đối với công chúng là đề tài biệt thự cổ Đà Lạt và thiếu nữ. Trong gần 500 bức biệt thự cổ, bằng chất liệu sơn dầu, màu nước, acrylic, tác giả đã có hàng trăm bức được các nhà sưu tập trong và ngoài nước mua. Tranh Vi Quốc Hiệp sáng tác theo phong cách tổng hợp và ấn tượng. Đây là kết quả hơn 40 năm mày mò học hỏi, say mê không ngừng vẽ. Đó cũng là quá trình đạt được sự cảnh giới để “phản quang tự kỷ” (quay vào bên trong, quay về chính mình). 
 
Giấy mời dự triển lãm phòng tranh tại Hàn Quốc
Giấy mời dự triển lãm phòng tranh tại Hàn Quốc
 
Đến công bố tác phẩm tại Hàn Quốc
 
Cuộc triển lãm tranh tại Hàn Quốc những ngày này là cái duyên. Cuối năm 2018, vợ chồng sưu tập tranh (ông Kim Kim người Hàn Quốc và bà Hạnh người Việt Nam) lên thành phố Đà Lạt mua đất xây dựng khách sạn. Ngày trở lại Thành phố Hồ Chí Minh, do chuyến bay chậm lại, ông bà chợt nghĩ đến tìm tranh của HS ở Đà Lạt. Sau mấy phút lên mạng, biết được HS Vi Quốc Hiệp, vợ chồng đến nhà riêng, đồng thời là phòng tranh của HS họ Vi để xem và quyết định chọn mua luôn hơn 10 bức. Trong đó, bức “Biên cương yêu dấu”, chất liệu acrylic, diện tích 1,5m x 1,5m, với giá 2.000 USD. Tác phẩm này HS sáng tác tháng 6/2017, tại Trại sáng tác Mỹ thuật đề tài “Lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng” do Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức ở Đà Lạt. Tác phẩm có 2 gam màu chủ đạo lục và xám, mô tả trập trùng hùng vĩ của những dãy núi đá uy nghiêm, bảng lảng mây và sương khói giữa đại ngàn. Không gian còn màu xanh dịu của mây trời, nồng ấm của đất với mềm mại những ruộng bậc thang và lung linh sáng của dòng sông uốn lượn. Thấp thoáng dưới tán cổ thụ được vẽ bằng bí quyết kỹ thuật riêng là những mái nhà sàn còn đỏ bếp lửa hồng của người dân bản địa. Một ẩn dụ về hậu phương lớn của quân đội nơi biên cương. Ở đó, những chiến sĩ biên phòng tuần tra cảnh giới, khi trên lưng ngựa qua suối, lúc ẩn hiện nơi khúc đường bao bọc đại ngàn. Hơn 10 bức tranh này được vợ chồng ông Kim mang về Thành phố Hồ Chí Minh treo tại khách sạn riêng. 
 
Duyên hợp “Bá Nha-Tử Kỳ” là kết nối để sau đó vợ chồng ông Kim trở lại Đà Lạt tham dự triển lãm tranh nhân “125 năm Đà Lạt hình thành và phát triển” của HS họ Vi. Tại Triển lãm, họ mua tiếp 13 bức tranh của HS Hiệp. Nhà sưu tập Hàn Quốc có trong tay hơn 30 tác phẩm hội họa của HS Vi Quốc Hiệp, đề tài biệt thự cổ, hoa và đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Ý tưởng mở phòng tranh triển lãm tại Hàn Quốc cũng manh nha từ đó. Ông Kim thường lên Đà Lạt, vừa nắm tiến độ xây dựng khách sạn vừa tiếp tục sưu tầm tranh của HS Hiệp. Ông đặt vấn đề: “Tôi thực sự mê tranh của ông. Ở Hàn Quốc đang có xu hướng về thị hiếu thích tranh trừu tượng và hiện đại, nhưng tôi không đủ tiền mua tranh nữa nên rất muốn ông cho mượn thêm tác phẩm mang qua để triển lãm”. Được HS Vi Quốc Hiệp đồng ý cho mượn 20 bức tranh trừu tượng, vợ chồng ông Kim chuẩn bị gần cả năm và về Hàn Quốc trước 2 tháng cho cuộc triển lãm cuối tháng 10 này. 
 
Triển lãm tranh có chủ đề “Từ phố hoa Đà Lạt tới xứ sở Kim Chi, Hàn Quốc (From the Flower Dalat City to the land of Kimchee, Korea). Mảng tranh biệt thự cổ tại triển lãm, có bức HS Hiệp vẽ từ năm 1983, lối tả thực, chất liệu bột màu; và những bức mới vẽ gần đây, theo phương pháp hiện đại. Trong đó bức lớn nhất 1,7m x 1,3m, về khu biệt thự Lê Lai; nhỏ nhất khoảng 40cm x 40cm. Với nhiều góc tả thực, di sản biệt thự cổ Đà Lạt qua lăng kính HS Vi Quốc Hiệp đến với công chúng tại Hàn Quốc, vừa đa dạng vừa nhất quán. Đó là không gian phố trong rừng, của villa bên hoa, cổ kính và yêu kiều, trầm mặc và lãng mạn... “Phố Hiệp” là Đà Lạt bốn mùa trong ngày, đặc trưng của vùng tiểu khí hậu trên cao nguyên. Là “Biệt thự cổ Đà Lạt trong sương”, “Biệt thự cổ Đà Lạt mùa thu”, “Biệt thự cổ Đà Lạt mùa thạch thảo”, “Biệt thự cổ Đà Lạt đồi hoa dại”... như tên gọi tác phẩm, sức truyền cảm mạnh. Cảm xúc không chỉ cộng hưởng nơi phòng tranh, mà còn nhiều dư ba...
 
Cùng với biệt thự, dòng tranh hiện đại với xu hướng trừu tượng của HS Vi Quốc Hiệp cũng tạo ấn tượng mạnh tại triển lãm. Tác phẩm “Lòng biển” (60×60), là cảm xúc xao động và trân quý trước sự giàu có của biển cả; tác phẩm “Ngoài ô cửa” (60×70) là sự quện hòa thiên nhiên của nắng, bầu trời xanh và hoa lá... như bữa tiệc màu sắc của thiên nhiên. Tác phẩm “Bốn mùa”, người xem hình dung ngay đến một Đà Lạt của nắng, lạnh, mưa và bảng lảng thung mây. Bức tranh có sắc ấm nóng bên gam tím nhẹ của Đà Lạt. Đó còn là các tác phẩm sơn dầu, acrylic khác như: “Vầng trăng - lửa”, “Hoan ca”, “Đồng hành”, “Tổ ấm”, “Thiên nhiên”, “Tình biển”... và một số tranh tĩnh vật về hoa sen. Cũng như mỗi lần gặp anh, hồ hởi, chân tình, HS Vi Quốc Hiệp không giấu niềm vui: “Đợt triển lãm lần đầu tiên tại Hàn Quốc này càng khích lệ, động viên tôi tiếp tục say mê sáng tác. Tôi rất vui vì thông qua nghệ thuật hội họa, thành phố Đà Lạt - Việt Nam mến yêu và tự hào của tôi sẽ thêm một dịp được bạn bè thế giới biết đến nhiều hơn”.
 
MINH ĐẠO