Người nghệ sỹ với trái tim nhân ái

06:10, 03/10/2019

Nhạc sĩ Lê Huy Cầm, người con của phố núi Đà Lạt, đã nhiều năm anh dạy nhạc miễn phí cho trẻ em lang thang cơ nhỡ, đưa những nốt nhạc từ tâm đến với trẻ em ở Hội Người mù...

Nhạc sĩ Lê Huy Cầm, người con của phố núi Đà Lạt, đã nhiều năm anh dạy nhạc miễn phí cho trẻ em lang thang cơ nhỡ, đưa những nốt nhạc từ tâm đến với trẻ em ở Hội Người mù. 7 năm gần đây, anh dành nhiều thời gian gặp gỡ những người già neo đơn đang mưu sinh để trao món quà từ thiện từ nguồn đóng góp quý giá của nhóm văn nghệ sỹ gốc Đà Lạt.
 
Nhạc sĩ Lê Huy Cầm trao tiền giúp đỡ cụ bà lang thang bán vé số trên đường Tăng Bạt Hổ - Đà Lạt. Ảnh: A.Nhiên
Nhạc sĩ Lê Huy Cầm trao tiền giúp đỡ cụ bà lang thang bán vé số trên đường Tăng Bạt Hổ - Đà Lạt. Ảnh: A.Nhiên
 
Người nghệ sỹ lang thang trên phố Đà Lạt dù tiết trời nắng hay mưa, dù sớm mai mờ sương hay đêm khuya về trong ánh đèn vàng vọt bên con dốc Nhà Làng, Lê Huy Cầm âm thầm giúp người già neo đơn theo một cách rất riêng.
 
Anh chia sẻ: “Việc mình làm như là sự trả nghĩa với thành phố nơi mình sinh ra. Mình không quản ngại tìm kiếm, hỏi han những người già trên phố mưu sinh với xấp vé số, hay cụ già còn một ít sức lực vẫn đi làm khuân vác ở chợ Đà Lạt và lập thành một danh sách tên, tuổi, địa chỉ để giúp đỡ cho họ vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Chủ yếu là tấm lòng an ủi người già neo đơn và họ cũng coi mình như con cháu”.
 
Trợ giúp nhân đạo “có địa chỉ” là cách làm công tác nhân đạo có tính chất phát triển cộng đồng, giúp cho đối tượng thụ hưởng vươn lên, cải thiện cuộc sống một cách lâu dài, bền vững. Với những người già neo đơn lang thang, để có địa chỉ của họ và giúp đỡ lâu dài, nhạc sỹ Cầm đã dành nhiều thời gian, công sức đến với họ, xây dựng được mối liên kết ân tình thủy chung, với sự yêu thương và kính trọng người cao tuổi, thấu hiểu được sự bất hạnh, cơ cực của người già neo đơn vẫn còn lo toan mưu sinh giữa đời. 
 
Để đem niềm vui đến với người già neo đơn, nhạc sỹ Cầm cho biết nguồn tài trợ chính từ chương trình từ thiện thường tổ chức gần tết. Đó là một chương trình ca nhạc nên những ngày gần tết anh em nghệ sỹ mới dễ có thời gian gặp gỡ nhau. Anh em là những người làm văn nghệ ở TP HCM, những người xuất thân ở TP Đà Lạt, dịp tết về quê thăm bố mẹ, người thân, lúc đó mới rảnh để tập hợp anh em ngồi lại bàn chuyện giúp đỡ người nghèo. Lúc đầu có nhiều tên gọi cho đêm nhạc từ thiện này, sau rồi thống nhất lấy tên Đêm nhạc Tình, tập hợp văn nghệ sỹ xuất thân Đà Lạt và sinh sống làm việc ở TP HCM, xuất phát từ ý tưởng của ca sỹ Trọng Bắc, với mong muốn là người Đà Lạt phải làm gì đó cho Đà Lạt. Chương trình đầu tiên là “Tết của mẹ” dành trọn số tiền ủng hộ cho người già neo đơn, vì tết là dịp đoàn viên sum họp gia đình nhưng ngoài phố vẫn còn có nhiều cụ già không về quê, ở lại bán vé số, lang thang.
 
Qua 7 năm duy trì Đêm nhạc Tình, nhóm văn nghệ sỹ quy tụ khoảng 20 người và nhạc sỹ Cầm với tư cách là người ở Đà Lạt, lặn lội thu thập và lên danh sách những người già lang thang mưu sinh cần giúp đỡ. Qua thời gian, danh sách địa chỉ nhân đạo anh nắm giữ cũng biến động vì số người cao tuổi đã mất khoảng 5 người, danh sách có khoảng 70 người, tiếp tục bổ sung thêm. Từ nguồn tài trợ này, Tết năm 2019 đã giúp cho 40 người già neo đơn, 1 triệu đồng/người; năm 2018 giúp cho 60 người với mức 2 triệu đồng/người.
 
Trong Đêm nhạc Tình, thành phần văn nghệ sỹ hát và doanh nhân xuất thân Đà Lạt cũng tham dự và ủng hộ tài trợ, có tổ chức bán đấu giá tranh trên sân khấu, tùy vào từng năm, nguồn thu quỹ từ thiện nhiều hay ít sẽ giúp cho người già neo đơn với số lượng cũng thay đổi. Sau khi có nguồn quỹ tài trợ, nhạc sỹ Cầm nắm danh sách, địa chỉ nhân đạo và cùng ca sỹ, các mạnh thường quân tổ chức trao tiền ủng hộ người già neo đơn. Anh Cầm cho biết: “Nhóm văn nghệ sỹ cùng đi trao tiền giúp đỡ người già neo đơn vì quan điểm của tất cả anh em tham gia chương trình này là với người nghèo neo đơn không phải chỉ giúp bằng tiền mà quan trọng hơn là họ chỉ cần vài vòng tay ấm áp. Có lúc anh em mời các cụ tập trung để trao quà một lần, đối với những người già yếu quá thì chúng tôi tới tận nơi trao cho các cụ. Ước 7 năm, chương trình đã giúp cho khoảng 400 người già neo đơn ở Đà Lạt vào dịp tết, không chỉ giúp đỡ 1 lần cho đối tượng mà duy trì qua nhiều năm vẫn tiếp tục giúp đỡ nên tôi trở thành người thân của họ”. 
 
Nhạc sỹ Cầm chia sẻ: “Ước nguyện của tôi vẫn tiếp tục công việc thiện nguyện đem niềm vui cho người già neo đơn lang thang. Việc giúp đỡ những đối tượng nghèo khó khăn là tất yếu từ nhu cầu tình cảm vì các cụ đã coi mình như con thì mình thấy trách nhiệm của mình. Nhưng muốn giúp mà không đủ điều kiện thì cũng không thể thực hiện được, còn phụ thuộc vào tâm huyết của cả nhóm tiếp tục duy trì Đêm nhạc Tình để có nguồn quỹ giúp đỡ”.
 
Với nhạc sỹ Cầm, việc giúp người bằng sức của mình không phải tốn tiền vì mình không giàu có gì là đi dạy nhạc. Nhiều năm trước đây, anh dạy nhạc miễn phí cho trẻ em lang thang cơ nhỡ. Đối với thầy Lê Huy Cầm: “Âm nhạc không chỉ là giải trí, âm nhạc còn là phương tiện để giáo dục cho các em, mang đến cho các em một sự hòa hợp, nhường nhịn, chia sẻ cho nhau”. 4 năm gần đây, anh thường hàng tuần xuống dạy nhạc miễn phí cho Hội Người mù. Mục đích dạy nhạc của anh là tạo cho các em khiếm thị có thêm niềm vui trong cuộc sống. Hiện anh đang dạy nhạc cho 10 em khiếm thị chơi các nhạc cụ: trống, đàn guitar, organ, kèn saxophone, violin. 
 
Nhạc sỹ Cầm còn trợ giúp cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Đà Lạt. Một người mẹ của hai đứa trẻ được anh đến nhà trao tiền tài trợ đã bày tỏ cảm nghĩ trên facebook: “Người nghệ sĩ đúng nghĩa trong suy nghĩ của tôi và sự kính trọng từ các con tôi: Lê Huy Cầm. Thường đến với các con tôi khi có thể, một chút chia sẻ nhỏ nhoi nhưng giá trị thật lớn lao, anh đã có bao nhiêu hành động đẹp với những người khó khăn với vẻ ngoài giản dị, chân thành, thật đáng trân trọng biết bao.
 
Đến bất ngờ và đi vội vã nhưng đọng lại trong lòng các con tôi là sự vui sướng và thương mến”.
 
AN NHIÊN