Bản năng mẹ

06:10, 31/10/2019

Nhà tôi tựa lưng vào sườn đồi, cách dãy phòng ở của Khu nội trú sinh viên Đại học Đà Lạt một hàng rào thấp và bãi đất khá rộng, mọc dày cây dã quỳ...

Nhà tôi tựa lưng vào sườn đồi, cách dãy phòng ở của Khu nội trú sinh viên Đại học Đà Lạt một hàng rào thấp và bãi đất khá rộng, mọc dày cây dã quỳ. Đó là loài hoa báo nắng, nở vàng rực, lả lướt trong gió lạnh, tạo nên một vẻ đẹp khó tả, xao xuyến lòng người suốt vài tháng đầu mùa khô Tây Nguyên. Bãi dã quỳ nhiều năm rồi là vương quốc của chuột, một vài đôi sóc xám và mấy con mèo hoang.
 
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
 
Phía sau lưng nhà là chái phơi quần áo lợp tấm nhựa sáng. Thỉnh thoảng ra phơi đồ tôi bắt gặp một con mèo hoang, lông màu tro bếp. Nó hoảng sợ phóng qua hàng rào rồi từ xa ngoảnh lại, nhìn tôi đầy cảnh giác. Hai con mắt xanh tròn như hai hòn bi ve lớn ánh lên hoang dại.
 
Đã có lúc tôi thử lý giải sự sợ hãi, cảnh giác từ xa của chim, thú đối với người. Có phải vì phải sống triền miên hàng ngàn năm thiếu thực phẩm do chăn nuôi kém phát triển, dân ta có thói quen nhìn thấy ở các loài chim, thú một lượng thức ăn? Trên bãi cỏ ở khoảng rừng trống kia, một con chim công đang xòe bộ lông lộng lẫy trời cho, uyển chuyển múa làm duyên trước cô bạn gái bé nhỏ của nó. Đó là một cảnh tượng trữ tình, đẹp mê hồn. Nhưng trong con mắt người đi săn, cái chính là nó có thể bổ sung vào bữa ăn chiều nay cho cả nhà khoảng một cân thịt.
 
Quả đúng như ai đó đã nói, con người ta quan tâm đến ăn, mặc, ở, đi lại trước rồi mới làm triết học, văn chương, nghệ thuật sau. Cảm giác về cái đẹp và tình thương với các sinh linh khác đã phải nhường chỗ cho nhu cầu của cái dạ dày. Người ta đã bằng mọi cách săn bắn, lừa bẫy chim, thú làm thức ăn. Với bản năng di truyền chúng cũng cảnh giác thường trực với con người. Đây là một mối quan hệ đáng buồn, thậm chí là một dấu hỏi về văn hóa. Bởi vì ngay cả khi đã no đủ rồi, người ta vẫn tiếp tục sát hại và ăn chúng một cách khoái trá trong các cửa hàng đặc sản.
 
Trong công viên, quảng trường, khu du lịch... ở rất nhiều nước, du khách thường mua hoặc chuẩn bị sẵn các loại hạt cho bồ câu ăn ngay quanh chân, cho sóc bò từ trên cây xuống ăn trong lòng bàn tay. Được giao cảm với những sứ giả của thiên nhiên như thế thật tuyệt vời.
 
Tôi không chú ý đến sự có mặt lởn vởn của con mèo hoang. Nhưng có những đêm động tình nó kéo về sau nhà tôi một con đực, thay nhau gào lên những tiếng lúc thì như tiếng người, lúc thì như tiếng ma quái, có lúc nghe như ai oán, thù địch, có lúc nghe như hoan lạc... và vật nhau huỳnh huỵch trên mái lợp.
 
Cách đây một tuần, tôi đang với tay lên sào để phơi quần áo thì cảm thấy có cái gì đó cạ cạ, mềm mại, âm ấm nơi cổ chân. Nhìn xuống, tôi vô cùng ngạc nhiên thấy con mèo hoang lông màu tro bếp đang ngửa mặt nhìn tôi bằng cái nhìn cầu thân, miệng meo meo yếu ớt. Hai bên hông của nó to kềnh càng một cách bất thường. Nó tiếp tục cạ cạ vào chân tôi, vừa như nũng nịu lấy lòng, vừa như năn nỉ. Có một luồng điện giao cảm chạy dọc sống lưng. Tôi chợt nhận ra bản năng mẹ của con mèo hoang đã thúc đẩy nó vượt qua sự sợ hãi có thể mất mạng, đến nhờ cậy con người. Nó cần có chỗ sinh bầy con và bảo vệ chúng trước những hiểm nguy từ lũ chó, thậm chí là từ lũ mèo đực. Điều gì đã xảy ra trong cái đầu bé nhỏ, hoang dã của nó trước khi đến cạ vào chân tôi làm quen và cầu khẩn? Có thật là con vật nhỏ bé, hoang dã này biết suy nghĩ, cân nhắc không, hay đơn giản chỉ là do bản năng mẹ thúc đẩy nó? Tôi như gặp một cú sốc về nhận thức. Thiên nhiên, chim thú còn đầy những bí ẩn mà ta chưa hiểu hết.
 
Tôi vội vào nhà tìm một cái hộp carton cao chừng vài gang tay, vuông vắn mỗi chiều cỡ sáu mươi phân, lót vào lòng hộp một lớp quần áo cũ rồi đem ra đặt ở góc chái phơi cho nó. Con mèo sắp đến lúc chuyển dạ rón rén bước vào, nhìn ngó một lúc cái ổ sẽ sinh con rồi nằm nghiêng xuống.
 
Tôi kể chuyện con mèo với vợ. Cô ấy bảo: “Người ta quan niệm: Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì giàu. Nhưng kệ! Để em cho nó ăn một chút trước khi nó sinh con kẻo tội nghiệp”. Vợ tôi lấy cơm nguội và mấy miếng thịt kho vào cái bát sạch, cẩn thận đẩy vào lò vi sóng hâm vừa đủ ấm, chan một tý nước thịt rồi đưa cho con mèo. Hóa ra trong cái bụng to kềnh càng kia là cái dạ dày lép kẹp. Con mèo ăn nhỏ nhẻ nhưng ngon lành hết chỗ cơm. Vợ tôi bảo nó ăn cho cả các con nó.
 
Sáng hôm sau vừa ngủ dậy tôi vội ra xem. Con mèo đang nằm nghiêng cho bốn con nhỏ được sinh ra trong đêm bú. Lũ mèo con chỉ bằng củ khoai lớn, hãy còn gầy, cặp mắt nhắm như hơi lồi ra trên cái đầu bé nhỏ. Chừng đã bú no, chúng đứng lên, đi lại, nhưng chưa vững, dáng đi xiêu vẹo rất tức cười. Bộ lông tơ của chúng như còn ướt, nhưng đã rõ màu tam thể tuyệt đẹp, di truyền từ một chàng mèo đẹp mã, phong tình nào đó.
 
Mèo mẹ vẫn nằm nghiêng, thỉnh thoảng lại ngóc đầu lên thè cái lưỡi nhỏ và mỏng liếm lông các con một cách âu yếm. Nó nhìn bầy con mới sinh, vẻ vừa mệt mỏi, vừa hạnh phúc. 
 
Đà Lạt, 5/8/2019
 
PHẠM QUỐC CA