Lập trường vững, tư tưởng tốt để có tác phẩm giá trị

06:12, 10/12/2019

(LĐ online) - Trải qua chặng đường 89 năm từ khi có Đảng lãnh đạo, 74 năm xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và 44 năm thống nhất đất nước, nền mỹ thuật nước nhà không ngừng trưởng thành dưới sự quan tâm, dìu dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh...

(LĐ online) - Trải qua chặng đường 89 năm từ khi có Đảng lãnh đạo, 74 năm xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và 44 năm thống nhất đất nước, nền mỹ thuật nước nhà không ngừng trưởng thành dưới sự quan tâm, dìu dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta. Hướng về chân - thiện - mỹ, nền mỹ thuật Việt Nam luôn song hành cùng đất nước, nhân dân trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do và kiến thiết nước nhà, nhất là qua hơn 30 năm đổi mới toàn diện vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Ghi nhận sự đóng góp lớn lao ấy, năm 2001, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Bác Hồ gửi thư cho các họa sĩ, Đảng và Nhà nước đã cho phép lấy ngày 10-12 làm Ngày Truyền thống của giới mỹ thuật Việt Nam. Hội Mỹ thuật Việt Nam vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều huân, huy chương cao quý; nhiều hội viên được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật…
 
Người là niềm tin tất thắng. Sơn dầu: HOÀNG HOA MAI
Người là niềm tin tất thắng. Sơn dầu: HOÀNG HOA MAI
 
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất Việt Nam luôn ý thức sâu sắc và đánh giá cao vai trò của văn học nghệ thuật, trong đó có lĩnh vực mỹ thuật. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám 1945, giữa bộn bề việc nước, Bác Hồ vẫn giành thới gian đến thăm và nói chuyện với các họa sĩ tại hai cuộc triển lãm lớn được tổ chức tại Hà Nội. Đó là Triển lãm Văn hóa tại Nhà khai trí Tiến Đức năm 1945 và Triển lãm Mỹ thuật mang tên “Tháng Tám” tại phòng gương (Nhà hát Lớn Hà Nội) năm 1946. Các cuộc nói chuyện của Bác đã giúp nhiều họa sĩ chuyển biến trong suy nghĩ và sáng tác, động viên và khích lệ đông đảo văn nghệ sĩ Hà Nội nói chung, giới họa sĩ nói riêng tham gia kháng chiến… Năm 1951, nhân dịp khai mạc Triển lãm hội họa tại Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang), Bác viết thư gửi các họa sĩ. Bác viết: “Biết tin có cuộc trưng bày, tiếc vì bận quá, không đi xem được, tôi gửi lời thân ái hỏi thăm anh chị em. Nhân tiện, tôi nói vài ý kiến của tôi đối với nghệ thuật, để anh chị em tham khảo. Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Theo Bác, để làm trọn nhiệm vụ, chiến sĩ nghệ thuật cần có lập trường vững, tư tưởng đúng. Nói tóm tắt là phải đặt lợi ích của kháng chiến, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Về sáng tác, thì cần hiểu thấu, liên hệ và đi sâu vào đời sống của nhân dân. Như thế, mới bày tỏ được cái tinh thần anh dũng và kiên quyết của quân và dân ta, đồng thời để giúp phát triển và nâng cao tinh thần ấy. Bức thư chỉ hơn 300 chữ, nhưng đã khái quát được cả nhiệm vụ, lập trường, tư tưởng, sáng tác cho các họa sĩ nói riêng, các nghệ sĩ trong lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung. Điều đặc biệt là ngay từ thời kỳ đó, Bác đã khẳng định “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”. Nội dung và tinh thần bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là kim chỉ nam định hướng cho sự phát triển của văn học nghệ thuật Việt Nam nói chung, nền mỹ thuật nước nhà nói riêng.
 
So với các nước châu Á khác và theo một số nhà bình luận nghệ thuật, Việt Nam là quốc gia sớm nhất gia nhập vào dòng chảy của mỹ thuật hiện đại cả về hình thức lẫn nội dung. Điều này có thể dễ dàng nhìn thấy khi Trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời đầu những năm 1930 với sự hiện diện của các giáo sư người Pháp. Trong những năm 1930, 1940 và 1950, thế hệ đầu tiên của Việt Nam tham gia vào thị trường nghệ thuật quốc tế là những họa sĩ hiện đại và được đánh giá cao ở trong nước cũng như nước ngoài. Từ đó, họ có danh tiếng và được vinh danh như những bậc thầy của mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Trong số đó có Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí, Bùi Xuân Phái, Lê Phổ, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên... Do hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã khiến mỹ thuật hiện đại Việt Nam phân chia thành nhiều phong cách khác nhau, mỗi phong cách đều có cái hay riêng. Sự khác biệt này thể hiện rõ nhất trong các tác phẩm mỹ thuật của miền Bắc và miền Nam thời kỳ hai miền bị chia cắt. Ở miền Bắc, những cuộc chiến khốc liệt và tinh thần chiến đấu của nhân dân đã được mỹ thuật phản ánh chân thực, sinh động. Ở miền Nam, chủ nghĩa hiện thực-phê bình, chủ nghĩa lãng mạn, và chủ nghĩa thoát ly với ước mơ hòa bình tràn ngập trong các sáng tác của các họa sĩ.
 
Nguyễn Ái Quốc. Sơn dầu: HOÀNG HOA MAI
Nguyễn Ái Quốc. Sơn dầu: HOÀNG HOA MAI
 
Sau 1975, đất nước thống nhất, mỹ thuật nước nhà hội thành dòng chảy chung và có bước phát triển mới. Từ 1988 - 1990 có thể được xem như là cột mốc khi ở Việt Nam và đặc biệt là tại thành phố Hồ Chí Minh, thị trường nghệ thuật đã ra đời. Nhiều nghệ sĩ Việt Nam được các nhà sưu tầm, phòng trưng bày và Hiệp hội Văn hóa Thế giới ngỏ lời muốn trưng bày các tác phẩm của họ tại các triển lãm quốc tế ở Mỹ, Pháp, Đan Mạch, Australia, Hong Kong, Singapore, Nhật Bản, Malaysia và Thái Lan. Mỹ thuật nước nhà được đánh giá cao bởi cộng đồng nghệ thuật quốc tế. Thị trường dịch thuật xuất hiện với số lượng những người sưu tầm quốc tế đến Việt Nam mua tranh tại chỗ và mời các nghệ sĩ cá nhân hoặc nhóm nghệ sĩ tham gia triển lãm ở nước ngoài ngày càng tăng. Điều đó minh chứng mỹ thuật Việt Nam trong đã nhanh chóng tái gia nhập với mỹ thuật thế giới sau nhiều năm gián đoạn. 
 
Kỷ niệm 68 năm Ngày Truyền thống 10-12, giới mỹ thuật Mỹ thuật Việt Nam "ôn cố tri tân", thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục có lập trường vững, tư tưởng đúng; không ngừng bám sát hiện thực cuộc sống, say mê sáng tạo và có nhiều tác phẩm tốt đáp ứng cao yêu cầu Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, đóng góp to lớn vào sự phát triển của nền mỹ thuật nước nhà, thiết thực phục vụ công cuộc đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn hội nhập quốc tế. 
 
ĐAN THANH