Người đàn bà thép và "Trái tim của thép"

06:12, 12/12/2019

Người phụ nữ đó là bà Trần Thị Liên, lớn lên trong gia cảnh nghèo khó, khi đất nước đang chiến tranh, bà chỉ học đến lớp 6.

Người phụ nữ đó là bà Trần Thị Liên, lớn lên trong gia cảnh nghèo khó, khi đất nước đang chiến tranh, bà chỉ học đến lớp 6. Người cha đam mê cờ bạc gây nên nỗi đau của người mẹ, từ nhỏ bà Liên đã nuôi lớn khát khao kiếm tiền, khát khao đổi đời. Năm 1976, mới 18 tuổi bà đi lấy chồng, mong muốn thoát ra khỏi cuộc sống bức bối. Trước cuộc sống khó khăn của thời kỳ bao cấp “ngăn sông, cấm chợ”, bà Liên xoay xở tìm con đường riêng để kiếm kế sinh nhai cho cả gia đình nhà chồng cũng nghèo khó, đông người. Bà cùng chị dâu mua thùng tôn gò của các gia đình ở quanh xóm (Hố Nai, Biên Hòa) đem ra Phan Rang, Phan Rí (vùng đất khô cằn, thiếu nước) bán; rồi lại mua đậu, bắp, nông sản từ đó về Hố Nai, Biên Hòa bán. Ròng rã cả năm, dành dụm được ít vốn, bà chuyển qua mua tôn cũ về tự gò thùng bán để có lời hơn. Thời bao cấp, đôi thùng tôn gánh nước là vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình, nhưng bà lại nhận thấy một mối lời khác từ việc sửa chữa tôn cũ thành tôn mới. Những miếng tôn nguyên vẹn mua về từ kho Long Bình và khắp Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh được đem ra tán chì, rửa axit, sơn phết lại, lợi nhuận tăng gấp mấy lần so với việc gò thùng. Việc làm ăn mỗi lúc một phát đạt...
 
Bà Trần Thị Liên trong buổi ra mắt hồi ký của mình. Ảnh: Q.Uyển
Bà Trần Thị Liên trong buổi ra mắt hồi ký của mình. Ảnh: Q.Uyển
 
Đất nước mở cửa, sự nhạy cảm trong kinh doanh, biết nắm bắt cơ hội, dám đối mặt với thách thức, khó khăn, cùng với sự lao động miệt mài, bà Trần Thị Liên đã dần gây dựng doanh nghiệp kinh doanh sắt thép lớn mạnh mang thương hiệu Ngọc Biển Steel có chi nhánh, đại lý ở khắp các tỉnh thành miền Nam và Nam Trung Bộ. Không dừng lại, bà tiếp tục mở rộng kinh doanh sang các lĩnh vực bất động sản, nhà hàng, khách sạn; bà đã chọn Đà Lạt - Lâm Đồng. Hơn 1.000 tỷ đồng được đầu tư để biến khu đất nằm phía cuối chợ Đà Lạt với nhếch nhác lều tôn lụp xụp trên dưới bờ ta luy đất, đá, với ngổn ngang bu, lồng nhốt gà vịt của những gian hàng thịt gia cầm tươi sống thành Khu Trung tâm thương mại sầm uất, hiện đại cao 14 tầng (từ đường Nguyễn Thị Minh Khai lên đường Phan Bội Châu). Ngay từ những ngày đầu bắt tay vào dự án, bà đã đặt hết tâm huyết vào đây. Bà quan tâm đến từng chi tiết của dự án: thiết kế quầy/kiot, kiểm soát chất lượng thi công, cầu thang bộ và tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn phòng cháy chữa cháy, thiết kế hệ thống thang cuốn rất thuận lợi cho người lớn tuổi và du khách đến đây mua sắm di chuyển lên xuống 3 tầng, hệ thống quầy/kiot đồng bộ được làm bằng inox sáng bóng, không bị rỉ sét.
 
Những ngày cuối năm 2019, khu phức hợp cao 14 tầng được xây dựng trên tổng diện tích 44.000 m2 mang tên Dalat Center đã hoàn thiện giữa thành phố hoa xinh đẹp, chính thức đi vào hoạt động. Một trung tâm thương mại sầm uất, hiện đại, an toàn; những khu chợ nhếch nhác lụp xụp trước đây chỉ còn là ký ức. Làm nên công trình đồ sộ ấy là một người phụ nữ nhỏ bé nhưng mang trái tim bằng “thép” và bà cũng là “trái tim của thép” - “Trái tim” của Tập đoàn Ngọc Biển Steel do chính bà gây dựng trong suốt 30 năm qua.

Gần 10 năm qua, bà Trần Thị Liên như con thoi đi về giữa Đà Lạt - TP Hồ Chí Minh. Áp lực, một mình bà chịu, không than vãn cùng ai. Có những lúc khó khăn, nhọc nhằn tưởng chừng không thể vượt qua. Đó là khoảng thời gian khó khăn nhất, vào năm 2013, khi Đà Lạt Center mới chỉ làm xong phần lồng chợ (giai đoạn 1 dự án mang tên “Chợ mới Đà Lạt”), tiểu thương nhất định không chịu chọn chợ mới làm nơi buôn bán, mà “cố thủ” trong chợ đồ cũ bên hông chợ với dãy nhà tôn lụp xụp áp vào sườn đồi và những gian hàng xập xệ nằm rải rác khắp nơi quanh chợ. Cũng dễ hiểu khi trong con người đều có nỗi sợ phải thay đổi, ngại thay đổi, hay khi làm mới điều gì người ta vẫn lựa chọn phương án an toàn, không dám mạnh dạn từ bỏ cho dù nó đã là thứ cũ kỹ. Việc tiểu thương không chịu chuyển qua địa điểm mới khi chợ cũ đang ngày càng xuống cấp, nhếch nhác không có gì lạ. Vì quen rồi, vẫn bán được mà, có sao đâu... Điều đó làm bà Liên trăn trở. Bà tìm cách thay đổi tư duy cố hữu của các tiểu thương, để họ hiểu tầm quan trọng của khu chợ mới đối với xứ sở ngàn hoa này, và với chính cuộc mưu sinh của họ. Đà Lạt thu hút du khách bởi vẻ đẹp yêu kiều, lãng mạn, thì chợ trung tâm Đà Lạt cũng phải xứng tầm với vẻ đẹp của nó. 

Không thể để cảnh buôn bán nhếch nhác, rải rác khắp nơi, từ khu chợ đồ cũ lụp xụp đến những mái nhà tôn nhếch nhác vây quanh chợ; không để tiểu thương chỉ xem chuyện buôn bán để kiếm lời, mà chính họ cũng phải có trách nhiệm giữ gìn hình ảnh của Đà Lạt bằng lối kinh doanh văn minh. Với suy nghĩ đó, bà Liên thường xuyên trong vai người đi chợ, ghé qua hàng này một chút, ghé quán kia một chút, trò chuyện, hỏi han. Bà bắt đầu câu chuyện thăm hỏi tình hình làm ăn buôn bán như những người thân thăm hỏi nhau, rồi sang chuyện sao không vào chợ mới, nơi ấy có gì, được gì, sao không vào đó thuê mà bán; bà lắng nghe, rồi đưa ra ý kiến của mình: lòng chợ đẹp, sạch, an toàn, văn minh, thuê sạp hàng được hỗ trợ vay vốn ngân hàng trả chậm... Đến nay, các gian hàng của hơn 700 tiểu thương đã phủ kín 3 tầng chợ, ai cũng nhận ra người “khách” từng ghé hỏi han mình và biết ơn bà đã mang đến cho họ nơi buôn bán “an cư lạc nghiệp” sạch sẽ, hiện đại. 
 
Hồi ký Trái tim của thép có sức lay động, truyền cảm hứng sống cho người trẻ tuổi khởi nghiệp.
Hồi ký Trái tim của thép có sức lay động, truyền cảm hứng sống cho người trẻ tuổi khởi nghiệp.
 
Ngày 19/9/2019, Đà Lạt Center hoàn thiện giai đoạn 2 - Khách sạn Hotel Colline và khu căn hộ chính thức đi vào hoạt động. Trong lễ khai trương, bà Trần Thị Liên xúc động: “Với ý tưởng về một khu phức hợp kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, nơi không có nói thách trả giá, nơi không tồn tại hàng giả, hàng kém chất lượng, nơi đáp ứng tất cả nhu cầu của Nhân dân và du khách, nơi chỉ có niềm tin, sự hài lòng đối với khách hàng”. Để thực hiện ý tưởng đó, trong 10 năm người phụ nữ ấy đã đổ bao mồ hôi, có cả nước mắt. Không chỉ góp phần làm đẹp Đà Lạt bằng công trình Dalat Center, bà Trần Thị Liên còn có nhiều hoạt động vì cộng đồng, đóng góp nhiều cho hoạt động xã hội, từ thiện tại địa phương; mới đây nhất là hỗ trợ cho hoạt động Hội thi “Nét đẹp phụ nữ Lâm Đồng” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Lâm Đồng tổ chức.
 
Với bà Liên, kinh doanh không chỉ là lợi nhuận, không chỉ ôm hết tất cả mọi thứ về mình, mà kinh doanh phải bắt đầu bằng cái tâm. Với khách hàng, công nhân, bà luôn giành phần thiệt về mình. Trên thương trường, bà luôn đặt chữ tín lên hàng đầu, cam kết điều gì thì sẽ làm cho bằng được điều ấy. Làm việc gì, bà cũng nhằm mục tiêu mà bước về phía trước. Mục tiêu đầu tư xây dựng Đà Lạt Center không phải chỉ để cho những đứa con của bà đi học nước ngoài, trưởng thành về kinh doanh; mà bà muốn góp sức mình xây dựng thành phố mà bà yêu mến. Tư duy thịnh vượng thôi thúc bà luôn không thấy đủ, luôn thấy những việc mình làm là nhỏ bé so với bao nhiêu công trình to lớn khác. Không bao giờ được phép dừng lại, bà Liên từng nói với các con: Nếu ai cũng chỉ làm đủ thì ai sẽ là người phát triển xã hội, ai sẽ xây dựng những ngôi nhà cao tầng, những trung tâm thương mại sầm uất; và ai sẽ giúp những người còn khó khăn ngoài kia khi chúng ta chỉ làm vừa đủ.
 
“Việc gì người ta làm được thì mình cũng phải làm được”, câu nói đó luôn là câu châm ngôn của bà giúp bà vượt qua mọi khó khăn, làm mọi việc một cách kiên định. 30 năm gây dựng Tập đoàn Sắt thép Ngọc Biển Steel, bà đã đưa đến độc giả cuốn hồi ký “Trái tim của thép” kể về cuộc đời của mình - một phụ nữ không cam chịu số phận, luôn nỗ lực vươn lên làm giàu vì cộng đồng thịnh vượng. Hơn 200 trang sách đã có sức lay động trái tim bạn đọc, truyền cảm hứng sống, tiếp sức mạnh cho những người trẻ tuổi bắt đầu khởi nghiệp.
 
QUỲNH UYỂN