Bạn làm gì trong đêm cuối năm?

06:01, 16/01/2020

Những đêm cuối năm, tôi vẫn thường nhớ những kí ức tuổi lên mười chưa bao giờ xa. Khi bố gặp khó khăn trong công việc bôn ba xuất khẩu lao động xứ người thì tết đến nhưng dường như xuân không theo về...

Những đêm cuối năm, tôi vẫn thường nhớ những kí ức tuổi lên mười chưa bao giờ xa. Khi bố gặp khó khăn trong công việc bôn ba xuất khẩu lao động xứ người thì tết đến nhưng dường như xuân không theo về. Có những năm khó khăn đến mức, đi đâu về hai mẹ con cũng nhìn quanh những góc cột điện, nơi đó thường có dăm vỏ lon bia, dăm hộp carton. Ngày thường, “đội quân” ve chai lượm rất nhanh. Ngày tết, họ về quê ăn tết hết nên mới có để lượm. Tiền bán ve chai và được mừng tuổi ít ỏi cũng đủ dành để mua áo quần, sách vở sau tết. Dọc đường đi, mẹ thường kể cho tôi nghe những chuyện xa lơ xa lắc hoặc những chuyện vui vẻ khiến tôi thích chí bật cười. Tôi nhớ những ngày khốn khó ấy, không bằng những tủi thân, mặc cảm, chỉ bằng nụ cười ấm cúng mà mẹ nhìn tôi - dù rằng mẹ tôi đã mãi mãi đi xa từ 5 năm trước. Nụ cười ấy, đến giờ vẫn như nhắc tôi rằng, đấy, khó khăn đến thế chúng ta vẫn có thể vui vẻ vượt qua, khi ta có sự chia sẻ, thấu hiểu.

 

Pháo hoa đêm giao thừa
Pháo hoa đêm giao thừa

 

Nhà tôi nằm bên chợ hoa tết Cửa Nam. Chập choạng đêm ba mươi, chợ hoa cuối năm chỉ còn dăm người quét rác. Hoa tươi bán chưa hết nhưng để kịp chuyến xe chiều về quê, những người bán bỏ lại ven đường. Những người dân nghèo ở gần đó như mẹ con tôi vẫn cùng ra chọn những nhành hoa đẹp nhất trong đám hoa bị cả người mua lẫn người bán chê, bỏ lại đó. Về cắm một bình hoa giá 0 đồng thật vội nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác buồn vì bình hoa như thế. Mẹ thường đọc câu ca dao: “Giữa đường nhặt cánh hoa rơi/ Hai tay nâng lấy, cũ người mới ta” khi cắm hoa, mắt bà ấm áp tươi vui. Một đứa nhỏ lớn lên với những nụ cười của mẹ trong sự khó khăn, dĩ nhiên sẽ quen với sự khó khăn và thấy những việc ấy rất đỗi bình thường.

 
Đêm cuối năm, nhà tôi có một bà cô lấy chồng xa quê hàng nghìn cây số. Bà đi B và lấy chồng về tận miền Tây. Di chứng chiến tranh do bị bắt và phải ra vào những nhà tù khắc nghiệt để lại khiến bà không thể sinh con, chỉ có một người con nuôi là dì Mai. Dì Mai thường bỏ nhà đi chơi bất kể những ngày tết về. Mẹ vẫn thường giục tôi gọi điện thoại bàn nói chuyện với ông bà hàng tiếng đồng hồ. Tôi vẫn thường thắc mắc, vì sao nhà mình có nhiều ông bà cô bác nhưng lại chỉ điện thoại cho ông bà ở xa nhất vào đêm cuối năm? Mẹ nói, kể ra có điều kiện và thư thả thì rất nên điện thoại hết thảy người thân của mình thăm hỏi. Nhưng không có điều kiện thì sẽ ưu tiên người thiệt thòi nhất. Đêm cuối năm, còn ai buồn hơn một người không con không cháu, xa quê?
 
Đêm cuối năm, những ngày bé xíu vẫn cùng mẹ đi qua nhà ông bà gần nhà hái lá mùi, lá sả, chanh, hương nhu về nấu nồi nước vừa xông vừa tắm. Có những năm lạnh tới mức làm gì cũng muốn quấn lấy chăn ấm nhưng chỉ cần nghe mùi nước xông ấm sực, thơm ngan ngát lại hít hà đi tắm. Mẹ gọi đó là việc tẩy trần cuối năm. Nước lá thơm sẽ gột rửa nốt những bụi bẩn cả một năm cả ngoài da và cả trong trí não. Mà quả thực, chỉ cần xông nước lá ấy xong, nghe mùi hương trầm lan tỏa, mùi dăm loại chè bánh hai mẹ con soạn sửa cùng cúng giao thừa thì đầu óc cũng chẳng còn buồn vương gì nữa. Lòng cứ náo nức như thể sắp nhận được quà. Món quà lộc biếc mùa xuân đang gõ cửa để trao tay người.
 
Đêm cuối năm thường kết thúc sau 12 giờ. Sau thời khắc cúng giao thừa, hai bố con sẽ cùng nhau đi bộ sang đầu đường Nguyễn Công Trứ, qua đền Hồng Sơn xin lộc. Bố kể những cái tết rực rỡ bên trời Tây, nơi bố đã sống cả chục năm. Dù làm ăn thất bát thì những hào nhoáng phương Tây vẫn ngợp trong tâm trí bố. Con kể về những cái tết mẹ con đi qua những ngày thiếu bố. Mưa xuân lắc rắc rơi kéo theo nỗi buồn cũ kĩ về nơi xa xôi. Cầm những cây phát tài phát lộc xanh tươi nhà chùa trao tặng mà thấy cả một mùa xanh bày ra trước mắt. Hai bố con sẽ ghé cổng đền gửi người ăn mày một chút lì xì để thấy lòng vui vui khi được chia sẻ và lại đi bộ về nhà. Tôi vẫn có những thói quyen vô tình nhớ những câu thơ về mùa xuân trong những thời khắc đi bộ đầu năm, tay cầm nhành lộc non như thế:
 
Mùa xuân là cả một mùa xanh/ Giời ở trên cao lá ở cành...
 
Đêm cuối năm của cô gái xa mẹ, xa quê, dù đã có gia đình nhỏ với những đứa trẻ đáng yêu hơn cả mình dạo bé sao vẫn không khỏi bùi ngùi khi liếc nhìn kim đồng hồ xích gần về nửa đêm. Và chỉ làm vài việc thân quen chuẩn bị mâm cỗ cúng giao thừa, nhìn lũ trẻ đang lớn mặc áo dài xanh đỏ sặc sỡ sao mà vẫn chùng lòng cay mắt khi nghĩ tới những cái tết xa xôi của mình. Là cái tết ngồi bên ông trong thời khắc giao thừa, nghe ông vu vơ lẩy Kiều, nhìn những cánh đào phai nhẹ nhàng đáp xuống. Là cái tết cùng mẹ, bám theo mẹ đi ra chợ, ra phố, về quê... để rồi bao năm vẫn thấy chơi vơi khi mãi xa mẹ mà nghe Quang Lê hát mà nhói lòng rằng: “chỉ bên mẹ là mùa xuân thôi”...
 
Đêm cuối năm năm ngoái, bạn tôi kể, bạn có một cái tết xuyên Việt bằng con ngựa sắt. Bạn sẽ du lịch homestay để biết những nhà khác, vùng khác ăn tết thế nào. Mình có nhiều cái tết bên bố mẹ rồi thì cũng phải có một cái tết rong ruổi với sở thích chính mình. Tết năm nay, bạn nói, đó là chuyến du xuân xuyên năm đầu tiên và cũng là cuối cùng của bạn. Không bao giờ đi đâu ngoài về với mẹ vào đêm ba mươi nữa. Đêm ba mươi năm ngoái, bạn nghe bài hát “Xuân này con không về” trong nhà người lạ và bật khóc. Tết là dịp để nhiều người trẻ nghĩ tới những chuyến ra đi nhưng bố mẹ, ông bà thì luôn nghĩ tới sum vầy, trở về. Điều rất bình dị ấy phải sau một lần trải nghiệm sự cô đơn trong đêm ba mươi, bạn mới thấm thía.
 
Cũng gần đêm cuối năm rồi. Về thu xếp lại thôi. Đêm cuối năm này bạn làm gì?
 
KHÔI NGUYÊN THẢO