Chiều cuối năm ấm áp

06:01, 20/01/2020

Chiếc xe đò chạy trên con đường uốn khúc giữa những cánh đồng vàng tươi ngày mùa. Vụ lúa thường đến trước ngày tết khoảng chừng nửa tháng...

Chiếc xe đò chạy trên con đường uốn khúc giữa những cánh đồng vàng tươi ngày mùa. Vụ lúa thường đến trước ngày tết khoảng chừng nửa tháng. Nông dân tranh thủ gặt lúa, suốt lúa, phơi lúa, đến khi chất lúa vào trong bồ cũng là lúc tất bật làm dưa kiệu, hai mươi ba đưa ông Táo về trời theo đúng phong tục Tết cổ truyền của người Việt. Những cánh đồng gặt muộn có gió xuân êm ái lùa qua, nhìn từ xa bạt ngàn đồng như tấm vải vàng tươi phủ rợp lên vùng đất lành màu mỡ.
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
Mây ngồi trên xe, cạnh cửa kính, mắt cô đăm chiêu nhìn ra bên ngoài ô cửa. Hàng cây chạy lùa về phía sau. Những cội mai vàng trước sân mấy ngôi nhà hai bên đường đang trổ hoa lung linh trong nắng gió. Ở nơi này đầu năm đẹp nhất là mùa xuân, cuối năm thì có mùa lúa chín. Mà giữa năm cũng đẹp. Nói chung, trong tâm trí Mây nơi này luôn đẹp, dẫu rằng cô chỉ gắn bó với nơi này những tháng năm tuổi thơ, với Mây thì nó đã xa xôi quá so với thực tại. Mây trở về sau bao nhiêu cuộc trở về bằng giấc mơ, bằng nỗi nhớ ngắt quãng chập chờn, giữa lúc mùa xuân đang tràn về trên từng nhành cây ngọn cỏ. Ngồi trên xe đò, Mây thu hết vào tầm mắt mình những hình ảnh rất đỗi quen thương, mặc cho câu hỏi đi đâu, gặp ai cứ lởn vởn trong đầu Mây. Mây biết, về chuyến này hoặc Mây gặp lại người xưa trong hình hài xương thịt, hoặc những nấm mồ xanh cỏ giữa quê nhà. Mây sẽ đón tết ở nơi này, một mình hay trong vòng tay của những người thân thuộc thì Mây chưa biết. Nhưng chắc chắn rằng Mây sẽ ăn tết trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình sau bao cái tết phương người. Chuyến xe đò Mây đang đi cũng là chuyến xe cuối cùng về xóm xa heo hút.
 
*
 
Ngoại nói đợi bầy gà lớn lên thì ngoại bán hết mua quần áo mới cho Mây. Mây thích lắm. Bảy, tám tuổi, ngoại vẫn chưa chịu cho Mây để tóc mà cắt ngắn ngang vai rồi ngoại cột thành hai chùm trên đầu. Ngoại nói còn nhỏ mà để tóc dài, ăn bao nhiêu nó nuôi tóc hết lấy gì mà lớn. Dĩ nhiên đó là quan niệm dân gian, nhưng Mây tin răm rắp. Mỗi khi Mây di chuyển hai chùm tóc trên đầu cứ rung rinh như hai nọn cỏ trong gió. Ngoại hứa vậy nên Mây hay giở lịch đếm ngày đếm tháng để được mặc đồ mới rồi chạy còng còng đi khoe với mấy đứa trẻ con trong xóm.
 
Đôi bàn tay của ngoại - đôi bàn tay người già xương xẩu và đầy những nốt đồi mồi chính là bàn tay yêu thương và cứu rỗi. Ngoại đã kéo Mây ra khỏi những ngày đen tối của tuổi thơ Mây. Ba Mây vì mê đắm nhan sắc của một người phụ nữ trẻ và đẹp hơn mẹ Mây gấp nhiều lần nên đã phá vỡ đạo lý luân thường, bỏ mẹ con Mây chạy theo người đàn bà giàu sang xinh đẹp ấy. Mẹ Mây bị chồng phụ bạc, lòng rạn nứt từ lâu. Chiều chập choạng, mẹ dắt tay Mây đi trên con đê về nhà bà ngoại ở luôn. Mẹ biết ba đi là không về, hoặc vì ba cạn tình thật sự, hoặc… người đàn ông có đôi lúc tỉnh táo mà nhận ra ai là tạm bợ ai là dài lâu, cũng muốn trở lại, cũng muốn hàn gắn, nhưng lòng tự trọng hoặc sự xấu hổ đã đẩy họ đi xa quá. Mẹ bảo vệ Mây trước những điều xấu xa trên đời. Mẹ ôm Mây trong những đêm trở trời trái gió. Một lần Mây với mẹ qua sông, chiếc xuồng con chòng chành, dòng nước xiết lắc lư chiếc xuồng hất mẹ con Mây văng xuống nước. Mẹ không biết bơi từ nhỏ. Mẹ sợ nước. Nhưng bản năng làm mẹ trỗi dậy mãnh liệt đã tiếp thêm sức mạnh để mẹ lặn xuống níu lấy tay Mây rồi hì hụp đạp nước trồi lên đặt Mây lên xuồng. Đến chừng Mây lên được xuồng thì mẹ đuối sức. Nhưng mẹ không dám lên xuồng bởi chiếc xuồng nhỏ quá, mẹ trèo lên một bên là chiếc xuồng mất thăng bằng và lật úp ngược. Mây tái xanh mặt mày, khóc không thành tiếng. Mẹ Mây một tay giữ lấy be xuồng, một tay vuốt ve Mây, mẹ cố gắng cười nhưng nước mắt mẹ tuôn ra, mắt đỏ lựng. Mẹ thả trôi người, tay quờ quạng nỗ lực đưa chiếc xuồng vào trong bờ. Nhưng mẹ đuối quá, được một quãng thì mẹ buông tay, chìm hẳn. Mây chứng kiến cảnh tượng đau lòng ấy. Mây khóc nấc, rồi ngất lịm đi. Đến chừng Mây tỉnh dậy thì mẹ đã về thế giới bên kia. Mây cũng lặng câm từ đó.
 
“Ngoan nào, cháu của ngoại. Bước ra ánh sáng cùng ngoại. Ở trong bóng tối khổ lắm! Dù thế nào cũng phải sống, sống cô độc, sống một mình vẫn phải sống mãnh liệt như cái cây”. Ngoại vừa nói vừa đưa tay nắm lấy tay Mây. Và, Mây đã bước đi cùng ngoại. Mây bước đi dưới ánh mặt trời chói chang. Mây bước đi trên cánh đồng mùa lúa chín xanh rờn, trên cỏ hoa đồng nội mùa xuân cùng thứ ánh sáng diệu kỳ của vầng dương chói lóa. Mây mở rộng lòng mình đón ngọn gió tết từ đâu thổi về mang theo hơi lạnh sắt se. Tết, ngoại bán bầy gà đúng như lời hứa. Sáng ba mươi ngoại dắt Mây đi chợ, mua cho Mây cái áo sơ mi kẻ sọc có đính nơ ở ngực trái và chiếc quần ống loe ngang mắt cá chân. Mây hái cành mai trước nhà cắm trước mộ mẹ, mai nở được hai, ba hôm rồi mai héo, cành chết khô, những cánh hoa vùi vào trong đất kết thúc một vòng đời. Mùa tết cũ lặng lẽ trôi qua. Mây nghĩ mình đang lớn dần. Mây sẽ nuôi ngoại như lời hứa trong những đêm nằm gối đầu lên tay ngoại: “Mai mốt lớn lên con sẽ nuôi ngoại, nuôi đến già. Ngoại phải sống đời với con nghen”. 
 
*
 
Cánh đồng trước mảnh đất có ngôi mộ của mẹ xanh cỏ đã chín vàng. Ngoại không đủ sức gặt lúa nên thuê người gặt lúa. Buổi chiều, cánh đồng trơ gốc rạ nằm phơi trong nắng tà. Mây xách con dao ra giẫy mấy búi cỏ trên mộ mẹ. Đất đồng khô nên Mây không đi trên bờ mà băng đồng để đi. Hình như gió lạnh đã bắt đầu ùa về báo hiệu một mùa tết nữa lại đến. Tóc Mây dài ra hơn. Ngoại thôi cắt tóc cho Mây, tóc dài thì Mây tết bím buông ở phía sau lưng. Càng lớn, trông Mây càng giống mẹ.
 
Nhưng, mùa tết năm đó Mây không được đón tết cùng ngoại. Và những mùa tết sau nữa cũng thế. Chiều hôm Mây ra mộ mẹ giẫy cỏ, đang lúi húi giẫy búi cỏ đột nhiên có đôi tay từ phía sau choàng ra bịt mắt Mây, cõng Mây đi. Đến khi Mây được người ta tháo tấm vải bịt mắt ra thì Mây thấy mình đang ngồi trong một chiếc xe tối đèn và kín mít. Bên ngoài cũng tối. Mai nhận ra bởi qua rèm xe mai thấy những nhà bên đường đã lên đèn cả rồi. Có cả đèn dây, đèn chớp quấn quanh cây mai đính kết vài bông giả... Người ta đang chuẩn bị đón tết. Nhà Mây cũng vậy. Mây nghĩ chắc giờ này ngoại đang ngồi ngoài cửa đợi Mây mà lòng ngoại lo âu. Mây khóc. Nước mắt Mây chảy ra đầm đìa. Mây đang ngồi cùng đám con nít trạc tuổi Mây, cũng đang bị trói, bị bịt miệng, và khóc. 
 
*
 
Những chuỗi ngày bơ vơ nơi đất khách kéo dài theo tháng năm. Mây lớn lên, cô gái bé bỏng cột hai chùm tóc trên đầu năm xưa giờ đã trở thành thiếu nữ. Mây được một người đàn bà tốt bụng cứu và đưa ra khỏi đường dây bắt cóc và chăn dắt trẻ em. Mây gọi người ta là “mẹ”. Tiếng “mẹ” thân thương bao nhiêu lâu Mây mới bật ra thành lời, Mây gọi mà trào nước mắt. Người đàn bà ôm Mây vào lòng, nói khẽ: “Mây ngoan. Nín đi, mẹ thương. Mẹ sẽ không để con bị bất cứ ai hành hạ nữa”. Lần đầu tiên sau bao tháng năm khổ đau Mây được đón nhận tình thương, rõ là tình mẫu tử. Mây hạnh phúc vô biên. 
 
Những hình ảnh đẹp của ngoại cứ ăn sâu vào tâm tưởng của Mây. Nhiều đêm Mây thấy ngoại ngồi co ro trước ngôi nhà có giàn mướp hương giăng ngang qua. Ngoại đợi Mây. Nhưng Mây không về. Mà Mây cũng chưa đủ lớn để trở về cái nơi xa tít mù mù trong tâm trí của Mây. Cô khóc. Mẹ nói chừng nào Mây lớn, Mây hồi tưởng lại nơi Mây từng sống với ngoại, với mẹ thì về. Mong là ngoại còn đủ sức lực để đợi chờ đứa cháu yêu thương.
 
*
 
Xe dừng tại một bến nhỏ nằm cạnh cánh đồng. Bến xe quê nghèo nên đơn sơ. Vài người quảy hàng rong bánh kẹo, mấy chị bán hoa vạn thọ tụ tập bên đường xởi lởi mời hàng trong ngày cuối cùng của năm cũ. Mây hít một hơi, làn gió ùa vào lồng ngực khiến Mây sảng khoái đến trào nước mắt. Lâu rồi Mây mới được đứng trên quê hương của mình. Tuy quê hương đã phát triển hơn xưa, nhưng so với những miền quê khác mà cô đã đi qua trên hành trình kiếm tìm ngoại thì nó nghèo nàn hơn rất nhiều.
 
“Cô gì ơi! Mua tiếp tui cành mai đem về làm quà tết đi cô! Ngày cuối rồi, ế hàng tội tui lắm, cô ơi!”. Một giọng trầm ấm của người già vang lên từ phía sau khiến Mây giật mình quay ra nhìn. Là cụ già tóc bạc lưng còng đang quảy gánh hoa giả, nào mai, nào đào, nào cúc, nào lan… đi bán ngày cuối năm. Nỗi lo âu gánh mưu sinh len lỏi trong đáy mắt của cụ. Mây nhìn cụ, chạnh lòng. Mà hơn cả chạnh lòng là nỗi đau dợn lên trong tim cô gái nhạy cảm. Mây nghĩ: nếu ngoại còn sống trên cõi đời này, chắc ngoại cũng già nua như bà cụ bán hoa đang đứng trước mặt Mây, giữa bến xe nhộn nhịp mà mỗi người mỗi phận đời, mỗi cảnh.
 
“Còn nhiều hoa quá! Cụ ơi! Chiều rồi, cụ về nhà để còn kịp đón tết cùng con cháu nữa. Nắng sắp tàn rồi kia kìa”, Mây nói. Bà cụ nhìn Mây định đưa tay lên sờ khuôn mặt cô nhưng cụ rụt tay lại. Chắc cụ ngại, vì Mây đang mặc bộ váy trắng, tóc xõa, đúng kiểu con gái thành thị. Mây nắm tay cụ đưa lên khuôn mặt của mình. Cụ ngạc nhiên nhưng rồi cụ vẫn sờ như thể Mây là người quen lâu ngày gặp lại. Cụ đáp: “Tui sống có một mình à cô ơi! Con tui không còn! Cháu tui... nó cũng không còn ở đây mà đón tết cùng tui nữa”. 
 
Mây im lặng một chốc rồi buột miệng: “Vậy cháu của cụ ở đâu? mà không đón tết cùng cụ. Thương cụ quá!”. 
 
Bà cụ lặng người, giọt nước mắt rỏ xuống từ hai khóe mắt sâu hõm của cụ: “Nó mất tích mười mấy năm rồi. Tui nhớ nó lắm! Năm nào tui cũng bán hoa chỗ bến xe này, tui đợi nó. Đợi chừng nào nó lớn nó về tìm tui. Tui tin nó sẽ về. Cháu tui... nó thương tui dữ lắm!”.
 
Mây ngước mặt lên trời cố để cho giọt nước mắt chảy vào trong mà nó vẫn tuôn ra ngoài để bà cụ nhìn thấy, “Sao cô khóc? Tui nói gì khiến cô buồn hả?”. Mây đột ngột ôm choàng lấy cụ, khiến bà cụ vừa ngạc nhiên vừa xúc động. Cô nói trong tiếng nấc nghẹn ngào: “Ngoại, đúng là ngoại của con rồi. Mây của ngoại nè. Mây về với ngoại rồi đây nè!”. 
 
Sau bao năm cả ngoại lẫn Mây - hai thế hệ đã thay đổi nhiều, ngoại già đi, lưng còng hơn, còn Mây lớn lên, xinh đẹp và trong trẻo như cái tên mẹ đặt cho Mây thuở ấy. Ngày họ gặp nhau, bịn rịn, xuyến xao. Trên trời có đám mây trắng bay về bên ấy. Nắng chiều sắp tắt. Xa xa, ai đó đốt đống un để khói vẩn lên trời. Tết đã về, quê hương vẫn trầm mặc nhưng đẹp đến nao lòng. Ngoại với Mây, hai chiếc bóng lật đật dìu nhau đi về ngôi nhà nhỏ cuối xóm, cạnh cánh đồng bao lâu không cấy cày, đất khô và cỏ mọc lên xơ xác...
 
*
 
Ngoại đốt mấy cây nhang đưa cho Mây, Mây đứng trước bàn thờ người mẹ quá cố của mình mà lẩm bẩm đôi điều. Mây khóc. Ngoại đang lật đật chuẩn bị cơm nước phía sau. Mây đứng nhìn ngoại hồi lâu. Khói rơm thơm tỏa khắp gian nhà bao bọc lấy Mây. Ngọn khói mà từ hồi nào Mây đã được ngửi, được nó xông vào mắt cay sè. Ngọn khói đã nuôi lớn, di dưỡng tâm hồn Mây để cô biết yêu thương, biết tìm về nơi chôn nhau cắt rốn.
 
Ngoại nói: “Này là dưa kiệu, này là mắm tôm... toàn mấy món con thích. À, còn canh chua cá ngát nữa chứ. Ngon lắm! Hồi nhỏ ngoại nấu cho mày ăn, mày ăn no cành hông. Năm nào ngoại cũng nấu đợi con về. Ngoại biết chắc con sẽ về với ngoại”.
 
Mây tựa đầu vào vai ngoại. Cảm giác ấm áp như xưa. 
 
Truyện ngắn: HOÀNG KHÁNH DUY