Đậm đà bản sắc dân tộc Thái

05:01, 08/01/2020

Câu Lạc bộ bản sắc dân tộc Thái (thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng) ra đời từ năm 2005, là nơi để bà con dân tộc Thái gặp gỡ, sẻ chia những buồn vui trong cuộc sống và đây cũng là cách rất riêng để những người Thái xa xứ gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc mình.

Câu Lạc bộ (CLB) bản sắc dân tộc Thái (thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng) ra đời từ năm 2005, là nơi để bà con dân tộc Thái gặp gỡ, sẻ chia những buồn vui trong cuộc sống và đây cũng là cách rất riêng để những người Thái xa xứ gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc mình.
 
Biểu diễn văn nghệ tại Lễ hội Hoa Ban. Ảnh: T.Vũ
Biểu diễn văn nghệ tại Lễ hội Hoa Ban. Ảnh: T.Vũ
 
Cộng đồng người Thái định cư trên đất Liên Nghĩa cách đây đã khá lâu và để gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc mình, họ đã cùng nhau thành lập CLB bản sắc dân tộc Thái. Ông Quàng Văn Lan - Chủ nhiệm CLB bản sắc dân tộc Thái cho biết: CLB hiện có khoảng 120 hội viên/400 hộ. Lý do ra đời của CLB này cũng đơn giản lắm, đó là để tập hợp bà con người Thái vào sinh hoạt, duy trì, bảo tồn và phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Thái, giáo dục cho các thế hệ trẻ biết yêu quý và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, không để mai một dần, mất gốc. Ông Quàng Văn Lan cũng cho biết thêm, tất cả con cháu các thế hệ dân tộc Thái sinh sống trên địa bàn thị trấn Liên Nghĩa đều nói thành thạo tiếng Thái. Và để có được điều này thì mọi người trong mỗi gia đình người Thái đều phải có trách nhiệm dạy tiếng dân tộc mình cho con cháu trong nhà ngay từ nhỏ. 
 
Từ lúc được thành lập đến nay, CLB bản sắc dân tộc Thái đều duy trì sinh hoạt với sự tham gia của đông đủ các hội viên. Tại những buổi sinh hoạt đó, các thành viên trong CLB cùng hỏi thăm nhau sức khỏe, gia đình; cùng chia sẻ với nhau những buồn vui trong cuộc sống. Và điều quan trọng nhất đó là thông qua những buổi sinh hoạt thường kỳ của CLB, các cụ, các bà truyền dạy lại cho lớp trẻ những bài dân ca, điệu múa của người Thái, những món ăn của người Thái... để các con, các cháu không chỉ biết hát, biết múa những bài hát, điệu nhảy của người Thái mà còn phải biết nấu những món ăn truyền thống của người Thái phải ngon như các bà, các mẹ... Và thêm vào đó, cũng tại những buổi sinh hoạt như vậy, các thế hệ trẻ cũng hiểu thêm về những nét đặc trưng rất riêng của dân tộc mình, chẳng lẫn vào đâu được. Đó là cộng đồng người Thái còn giữ văn hóa qua cách ăn mặc của mình. Những người Thái lớn tuổi họ xem trang phục truyền thống của dân tộc mình như là bộ lễ phục cao quý, đó là bộ cánh họ dùng để chưng diện khi đi tham dự lễ hội hay những việc lớn ngoài xã hội cũng như trong gia đình. Chị Trần Ngọc Minh (thành viên CLB) cho biết: “Trên quê hương mới Liên Nghĩa, tôi được coi là thế hệ người Thái thứ 3. Tôi tham gia CLB được 2 năm rồi, sau khi tốt nghiệp đại học từ TP Hồ Chí Minh và trở về đây lập nghiệp. Thật sự là sau khi tham gia vào CLB, tôi đã biết thêm rất nhiều điều thú vị về nguồn gốc của mình từ các bà, các ông, các thế hệ đi trước. Và chắc chắn sau này có gia đình, có con, tôi sẽ dạy các con tiếng Thái như mẹ đã dạy cho tôi song song với tiếng Kinh từ nhỏ và cũng sẽ kể cho các con nghe về nguồn gốc của dân tộc mình, để những nét đặc sắc của dân tộc Thái sẽ không bị mai một theo thời gian”.
 
Và cộng đồng người Thái ở thị trấn Liên Nghĩa còn gìn giữ bản sắc dân tộc thông qua các lễ hội được tổ chức trong năm. Ông Quàng Văn Lan - Chủ nhiệm CLB bản sắc dân tộc Thái cho biết, thông thường vào đầu năm mới, CLB sẽ đứng ra tổ chức lễ hội cầu an - mừng Xuân mới. Lễ hội cầu an của người Thái được tổ chức với nghi lễ trang trọng, thể hiện ý chí, tình cảm, nguyện vọng của người Thái, là cầu nối quá khứ với hiện tại, là sự hòa quyện giữa lòng người với khí thiêng của trời đất, là sự giao thoa văn hóa các vùng miền, và là một hoạt động văn hóa tín ngưỡng quan trọng đối với cộng đồng người Thái. Trải qua thời gian, lễ hội đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa tinh thần của người Thái tại thị trấn Liên Nghĩa nói riêng và của người Thái trên cả nước nói chung. Ngoài lễ hội cầu an thì hàng năm, khi hoa ban bắt đầu nở trắng núi rừng Tây Bắc, cũng là lúc cộng đồng dân tộc Thái ở đây tưng bừng tổ chức Lễ hội Hoa Ban - là lễ hội có ý nghĩa rất quan trọng đối với người Thái. Bởi, đó là lúc họ thỉnh bái thần rừng, thần hang và hồn vía của mọi người, cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật đơm hoa kết trái, cho lứa đôi hạnh phúc và cuộc sống của dân bản yên vui. Hội Hoa Ban còn là ngày vui của họ hàng, của bản, mường và là dịp cho trai gái gặp gỡ, hò hẹn. Vào ngày 5/2 (âm lịch) hàng năm, Lễ hội Hoa Ban được tổ chức. “Khi những lễ hội như vậy của người Thái diễn ra đã thu hút đông đảo cộng đồng người Thái tại thị trấn Liên Nghĩa và các huyện lân cận cùng tham gia. Bản thân tôi tham gia CLB từ lâu lắm rồi và rất tự hào về bản sắc văn hóa, ẩm thực của người Thái. Và tôi cũng vui vì mình đã góp phần vào việc gìn giữ văn hóa dân tộc mình” - ông Cao Sơn Hùng, Phó Chủ nhiệm CLB bản sắc dân tộc Thái, tự hào nói.
 
THY VŨ