Thấm đẫm tình yêu Đà Lạt

06:01, 02/01/2020

Từ những cảm xúc nhẹ nhàng, mượt mà như tình yêu thuở ban đầu trong "Với Đà Lạt ai cũng là lữ khách", đến tình cảm có phần lý tính hơn trong "Đà Lạt một thời hương xa", "Đà Lạt, bên dưới sương mù",...

Từ những cảm xúc nhẹ nhàng, mượt mà như tình yêu thuở ban đầu trong “Với Đà Lạt ai cũng là lữ khách”, đến tình cảm có phần lý tính hơn trong “Đà Lạt một thời hương xa”, “Đà Lạt, bên dưới sương mù”, và lần này là “Ký ức của ký ức”, tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên nói rằng, tình yêu với Đà Lạt trong anh vẫn luôn ở đó, chỉ là khác nhau theo từng giai đoạn. “Tôi cảm giác Đà Lạt luôn buộc chặt mình bằng một sợi dây có tính đàn hồi, nghĩa là mình càng dịch ra xa thì nó càng kéo mình lại” - nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên chia sẻ.
 
Lần trở lại này với thành phố sương mù, ngoài việc công bố tiểu thuyết Ký ức của ký ức mà nhân vật chính là một nhà biên khảo về lịch sử Đà Lạt, tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên còn ra mắt tủ sách “Chuyện Đà Lạt” do anh và những người bạn yêu văn hóa Đà Lạt gầy dựng.
 
Đà Lạt luôn có sức hút với văn chương nghệ thuật. Ảnh: Thụy Trang
Đà Lạt luôn có sức hút với văn chương nghệ thuật. Ảnh: Thụy Trang
 
Tủ sách của những người yêu Đà Lạt
 
Được đặt trong không gian nhẹ nhàng, tĩnh lặng của một quán cà phê nhỏ nhắn nằm trên đường Lý Tự Trọng, tủ sách mang tên Chuyện Đà Lạt được bắt đầu hoạt động từ đầu năm 2020. Mỗi tháng, nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên sẽ chọn 10 đầu sách hay từ chính thư viện hàng ngàn cuốn sách của mình tại Sài Gòn để đưa lên tủ sách. Cứ vậy, tủ sách sẽ được lấp đầy dần theo thời gian. 
 
Đây là dự án phi lợi nhuận do những người yêu văn hóa Đà Lạt thực hiện. Tủ sách được nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên chủ trương, hướng đến việc lan tỏa tri thức và chia sẻ tình yêu Đà Lạt, gợi ý những phương pháp tiếp cận văn hóa đô thị, đối chiếu những giá trị văn hóa Đà Lạt với các thành phố khác trên thế giới. Đây cũng là điểm phát hành các tác phẩm của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên - nhằm duy trì hoạt động của dự án này.
 
Trong mỗi kỳ, Chuyện Đà Lạt sẽ đặt ra một chủ đề nào đó, gợi ý những lối đi vào văn hóa Đà Lạt nói riêng, văn hóa đô thị nói chung. Bên cạnh các sách chuyên sâu, khảo cứu cần sự chậm rãi nghiền ngẫm, cũng sẽ có những đầu sách giải trí mà độc giả có thể đọc nhanh để được thư giãn.
 
“Những sách chúng tôi giới thiệu sẽ có đóng dấu logo “Dalat Story” ở trang đầu, dành cho độc giả ghé qua và đọc tại chỗ. Không tham vọng lớn lao, chúng tôi chỉ mong muốn được giới thiệu thật nhiều sách hay trong tương lai. Những cuốn sách hay sẽ làm nên những cuộc gặp gỡ bặt thiệp và nhiều dư vị Đà Lạt mà những người thực hiện tủ sách mong đợi” - nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên chia sẻ.
 
Ở kỳ đầu tiên vào tháng 1/2020, với chủ đề về Alexandre Yersin, tủ sách mang đến 6 đầu sách dịch, gồm: Yersin - Dịch hạch và thổ tả (Patrick Deville); Đốc-tờ Năm (Élisabeth du Closel); Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối (Patrick Modiano); Ký ức lạc loài (W.G. Sebald); Istanbul - Hồi ức và thành phố (Orhan Pamuk); Dạ khúc - Năm câu chuyện về âm nhạc và bóng đêm buông (Kazuo Ishiguro); và 4 đầu sách trong nước gồm: Đà Lạt năm xưa (Nguyễn Hữu Tranh); Đà Lạt, bên dưới sương mù (Nguyễn Vĩnh Nguyên); Đà Lạt xưa (Nhiều tác giả - Tuyển từ tập san Sử Địa); Vang vọng một thời (Phạm Duy).
 
Trong những quyển sách này, bạn đọc đều có thể gặp được hình ảnh của A.Yersin, hoặc được chuyển tải gợi ý cách tiếp cận về Yersin trong đó, hiện đại hơn, hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, thành phố Đà Lạt cũng được đặt bên cạnh những đô thị khác trên thế giới, để tiếp cận Đà Lạt theo những chiều kích khác, rộng hơn.
 
Tại buổi ra mắt tủ sách, nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên mời những người bạn là giáo viên, là học sinh có niềm đam mê đọc sách. Bởi những ngày tháng là sinh viên của Trường Đại học Đà Lạt, anh cũng đã có những lúc mò mẫm trong thư viện để tìm sách hay mà không có ai hướng dẫn, định hướng. Thế nên, đây là dự án anh ấp ủ từ lâu, để có thể tập hợp một cộng đồng những người đọc và giới thiệu những quyển sách có nội dung tốt đến với mọi người.
 
Từng có thời gian đi dạy cho sinh viên, từng một thời gian dài làm ở mục Điểm sách trên báo, và hiện tại làm công việc xuất bản, nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên tin rằng anh có đủ kinh nghiệm chọn sách và định hướng đọc sách, nhất là cho những bạn đọc trẻ tuổi, là học sinh, sinh viên hoặc du khách khi đến với Đà Lạt. Anh chia sẻ: “Tôi nghĩ đây chỉ là một dự án nhỏ, nhẹ nhàng chứ không quá lớn lao. Trong vài ngàn học sinh, sinh viên ở Đà Lạt, chỉ cần có vài người tìm đến và yêu thích với dòng sách này, chừng đó là đủ”.
 
 Cuối cùng, thông điệp của tủ sách vẫn là câu chuyện tri thức về Đà Lạt. Thế nên, trong một năm đầu, chủ đề chính được tủ sách ưu tiên vẫn là sách văn hóa, nghiên cứu, truy khảo liên quan đến Đà Lạt. Sau đó, nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên sẽ cùng sự hỗ trợ của một vài người bạn để có sự giới thiệu phong phú hơn về các đầu sách. Lâu dài hơn sẽ có những buổi nói chuyện về sách, với tác giả. Trong tương lai, anh muốn ở đây không chỉ có sách, mà còn có những triển lãm chuyên đề. Bởi trong những sách biên khảo của Nguyễn Vĩnh Nguyên, có những tư liệu về hình ảnh, văn bản liên quan đến lịch sử của Đà Lạt mà khi làm sách, anh không thể đưa vào đầy đủ. Đây chính là không gian mà anh có thể chia sẻ những điều đó đến với nhiều người. 
 
Ngoài tủ sách Chuyện Đà Lạt, trước đó, nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên đã lập ra trang web chuyendalat.com. Ở đó có thông tin về những quyển sách mà anh đưa lên tủ sách, đồng thời cũng là trang dữ liệu về Đà Lạt. “Tủ sách là không gian offline đi cùng không gian online của trang web, và đó là hai nơi mà tôi muốn tạo ra một giá trị cộng đồng” - nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên cho biết.
 
Tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên trò chuyện cùng bạn đọc tại quán cà phê Tùng trong buổi ra mắt tiểu thuyết “Ký ức của ký ức”. Ảnh: V.Quỳnh
Tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên trò chuyện cùng bạn đọc tại quán cà phê Tùng trong buổi ra mắt tiểu thuyết “Ký ức của ký ức”. Ảnh: V.Quỳnh
 
Tha thiết từng mốc thời gian
 
Có lẽ không cần phải nói quá nhiều về tình yêu của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên đối với Đà Lạt, bởi 4 quyển sách qua đã chứng minh rõ tình cảm đó. Anh nói rằng, ở thời điểm này, anh không biết nói như thế nào về tình yêu với Đà Lạt, bởi “càng về sau, tôi càng cảm thấy mình sẽ lý tính hơn với thành phố này, bởi chỉ có lý tính mới có thể bắt mình phải làm việc một cách bài bản, chủ động. Tôi vẫn yêu, nhưng yêu theo một cách khác”.
 
5 năm sinh sống ở Đà Lạt, Nguyễn Vĩnh Nguyên đùa rằng đó là giai đoạn anh chỉ gắn một số sai lầm và trải nghiệm của tuổi trẻ mà ai cũng có. Nhưng giai đoạn khiến anh cảm thấy gắn bó với Đà Lạt nhất là khi rời xa nơi yên bình và đẹp đẽ này. Có lẽ tình cảm đó khiến anh muốn hiểu về Đà Lạt nhiều hơn. 
 
Nói về công việc biên khảo, nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên khẳng định, đó là trách nhiệm với sự hiểu biết của mình về một thành phố. Anh cho hay: “Tôi muốn nhìn Đà Lạt không phải thông qua hiện tại, không phải thông qua một giai đoạn cắt khúc của lịch sử, mà là thông qua thời gian, thông qua rất nhiều giai đoạn khác nhau. Tôi cũng muốn đưa cách tiếp cận như vậy đến với nhiều người, để họ hiểu nhiều hơn về thành phố này, để họ có đủ sự gắn bó với Đà Lạt”.
 
Tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên trò chuyện cùng bạn đọc tại quán cà phê Tùng trong buổi ra mắt tiểu thuyết “Ký ức của ký ức”. Ảnh: V.Quỳnh
Là người sáng lập dự án tủ sách Chuyện Đà Lạt, nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên hướng đến việc lan tỏa tri thức và tình yêu với thành phố sương mù. Ảnh: V.Quỳnh
 
Công việc du khảo, biên khảo khiến tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên phải giữ một khoảng lùi với thực tế. Thử mình trong nhiều thể loại, anh cảm giác như mình bị lạc trong một Đà Lạt trộn lẫn giữa quá khứ và hiện tại. Chính vì vậy, tiểu thuyết Ký ức của ký ức ra đời cho phép anh được “bơi lội”, đắm mình trong đó. Cuốn tiểu thuyết là sự co giãn về thời gian, từ năm 1936 - lúc sáng lập thành phố, đến những năm thành phố trải qua những cuộc thay đổi lớn cuối thập niên 1980, cho đến thời kỳ hiện tại.
 
Có mặt tại buổi ra mắt cuốn tiểu thuyết “Ký ức của ký ức”, nhà báo Uông Thái Biểu đã nói: “Những câu chuyện mà Nguyễn Vĩnh Nguyên kể về Đà Lạt, bằng cách này hay cách khác, đều mang đến những điều thú vị. Tôi nghĩ rằng, ít nhất, có 1/3 thành phố này đã đọc tác phẩm của Nguyễn Vĩnh Nguyên. Nguyên đã mang đến cho Đà Lạt một niềm cảm hứng về đọc. Tôi đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người ở nhiều tầng lớp khác nhau, từ một người chạy xe ôm, một ông lãnh đạo sở, một anh cảnh sát giao thông,... đều đọc những tác phẩm của Nguyên - đó là niềm hạnh húc của người cầm bút”.
 
Cứ như vậy, như một người bị nhấn chìm trong quá khứ được dệt nên từ tư liệu, Đà Lạt trong nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên rất khác so với Đà Lạt trong mắt của nhiều người, bởi như anh chia sẻ rằng: “Có vẻ như hiện tại không ăn nhập gì nhiều với tôi. Trong tôi là một Đà Lạt của rất nhiều điểm mốc lịch sử, và tôi có thể chìm vào đó bất cứ mốc nào mà tôi đã có dữ liệu, đã thu thập, trải nghiệm hoặc hình dung về nó”.
 
VIỆT QUỲNH