Nhớ phiên chợ tết

05:01, 16/01/2020

Trời se lạnh. Người già co ro ngồi quanh bếp lửa. Người khỏe mạnh còn mải ra đồng cho kịp vụ Xuân. Trẻ con như không biết rét, má đỏ tựa bồ quân, da căng như chực nứt, chỉ biết tung tăng nô đùa.

Trời se lạnh. Người già co ro ngồi quanh bếp lửa. Người khỏe mạnh còn mải ra đồng cho kịp vụ Xuân. Trẻ con như không biết rét, má đỏ tựa bồ quân, da căng như chực nứt, chỉ biết tung tăng nô đùa.
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
Ông Xuân đã ngoài bảy mươi nhìn lũ trẻ, miệng nhẩm tính, hôm nay hai mươi, ngày mốt ông Táo về trời, mai phải giục mẹ nó đi chợ mới kịp. Thằng Hạ, đứa cháu nội, chín tuổi nghe ông nói vậy, chân nhảy, miệng reo:
 
- Mai đi chợ, mai đi chợ... Ông nói mẹ cho cháu đi với…
 
Ông Xuân trìu mến ôm lấy thằng bé, bỗng nhớ cái thời bằng tuổi nó, cũng chỉ mong được theo mẹ đi chợ tết. Ông nghĩ, đi chợ tết là một phong tục gắn liền bao đời, và chợ tết luôn mang ý nghĩa quan trọng trong tiềm thức của mỗi người con đất Việt.
 
 Thế mà đã mấy chục năm, một kỷ niệm thủa thiếu thời ùa đến…
 
* * *
 
Hôm ấy, mới bốn giờ sáng, bà Đông - mẹ ông đã lay ông và giục: “Dậy, dậy… có đi chợ với mẹ không?”. Xuân tung chăn chồm dậy, tay dụi mắt, miệng ngai ngái: “Có, có…”. Ngoài sân, trời như pha mực, mưa lui bui rây hạt, gió bấc rên từng cơn. Từ hôm qua, bà Đông đã xếp trên đôi quang gánh đầy hai chồng nón trắng. Đi chợ sắm tết, nhưng tranh thủ bán chục chiếc nón lá nhà làm được để kiếm đồng ra đồng vào. Thằng Xuân giành gánh giúp mẹ, nhưng đôi quang kéo lê trên đất, bị mẹ cốc một cái vào đầu kèm theo câu mắng: “Buông ra kẻo hỏng hết hàng của tôi này”. Khi hai mẹ con ra đến cổng, ông Thu - chồng bà Xuân dặn với theo: “Bà mua gì thì mua, chợ tết đông người, nhớ trông thằng Xuân đấy nha!”.
 
Bà Đông chạy trước, Xuân lẽo đẽo theo sau. Chợ Mơ cách nhà gần năm cây số, chẳng mấy đã hiện ra trong sương mờ. Từ xa, âm thanh đủ mọi cung bậc vọng đến. Người chào nhau, người mời mua hàng. Những chú trống choai cố thò những chiếc cổ dài qua từng mắt chiếc lồng, thi nhau khoe giọng. Lác đác có tiếng pháo nổ. Trong lò mổ, tiếng những chú lợn eng éc kêu như vải xé… Dọc đường vào chợ, cơ man nào là hoa. Cúc vạn thọ, hồng nhung, thược dược, hướng dương đua sắc. Những cành đào chớm nụ, những chậu quất chi chít quả vàng tươi… Đến gần, các mùi hương đặc trưng ngày tết như lôi cuốn mọi người bước nhanh vào chợ. Những trái bòng (bưởi), những bó hoa huệ… thơm ngát. Mùi hương trầm nghe thiêng liêng ấm cả một vùng quê. 
 
Bà Đông đặt gánh hàng, quay sang dặn con, ngồi đấy trông cho mẹ, chợ đông dễ bị lạc đấy. Bố con dặn, mẹ ra mua nhang cúng trời, Phật, tổ tiên trước đã. Từ lâu, nén nhang đã trở thành linh vật thiêng liêng trong tín ngưỡng người Việt. Nó đã đi vào đời sống văn hóa, tín ngưỡng như một nét đẹp truyền thống. Gian hàng nhang bày đủ loại. Nhang cây, cao có, thấp có, nâu có, đen có, lại còn cả nhang bọc giấy. Nhang vòng đựng trong các hộp, được trang trí hoa văn hình Đức Phật tọa thiền trang nghiêm. Lại còn các mảnh trầm để cho vào lư đồng trên bàn thờ, đốt trong ba ngày tết. Tất cả lan tỏa mùi thơm lâng lâng khó cưỡng lại được. Bà Đông nhớ mãi lời bố chồng, khi còn sống, căn dặn: “Con dâu ạ, ngày cuối năm đi mua sắm các thứ chuẩn bị cho tết, phải nhớ mua nhang về thắp cho ông bà, tổ tiên mình. Nén nhang được thắp lên mọi người thấy ấm lòng. Nó không còn là thứ hàng bình thường, mà đã trở thành một sản phẩm tinh thần không thể thiếu của dân ta”. Ông nhắc thêm: “Chị biết không, cùng với những phong tục truyền thống khác, nén nhang đã góp phần tạo nên và bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam ta đấy”.
 
Bà Đông đi một lượt từ đầu đến cuối gian hàng. Bà cẩn thận nhắc lên, đặt xuống mấy lần, rồi mua năm bó nhang đen loại cao, năm bó nhang bọc giấy loại vừa. Thứ nhang này khi đốt lên, mùi thơm dịu mỏng như hoa Ngâu. Tàn trắng tinh khiết, uốn cong, xoắn lại như lò xo. Bà chọn thêm hai hộp nhang vòng chính hiệu Vĩnh Phát - Hà Nội để thắp đêm giao thừa, trong nhà và ngoài sân.
 
Sau khi bán xong hai chồng nón lá, bà Đông dẫn Xuân đi xem các gian hàng tết trong chợ. Người đông như trẩy hội. Xuân khoái nhất là gian hàng bóng. Những quả bóng cao su đúc đủ màu. Nhỏ thì bẳng quả cam lớn. To thì như trái bòng. Xuân ước có nó thì đỡ phải cùng lũ trẻ trong xóm nhét giấy vào tất chân, dùng dây chuối chằng xung quanh, hay nướng quả bòng thay cho trái bóng mà đá… Đang say nhìn mấy quả bóng đặt trong lồng kính thì nghe tiếng bọn trẻ ồn ã cuối chợ: Sút, sút đi. Vào, vào rồi… Thế là Xuân phóng ngay ra xem, vừa vỗ tay vừa reo hò, còn chạy đi nhặt bóng giúp bạn khi bóng bay ra ngoài sân…
 
Bà Đông thì vào hàng lá dong, lạt giang, chọn những lá bánh tẻ, to bản, những sợi lạt mỏng, dai về gói bánh. Tiếp đến, bà chọn mua mấy cân hành tím, vài lạng nhánh kiệu, mấy bó rau cải về làm dưa. Bà vẫn nghe dân làng truyền nhau câu: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, cây nêu, tràng pháo bánh chưng xanh”. Có nó thì mới gọi là tết. À, phải rồi, còn mua câu đối nữa về trang trí cho đẹp những ngày xuân. Bà lại tong tả chạy đến hàng văn phòng phẩm, nhờ ông chủ hiệu chọn cho đôi câu đối thật ý nghĩa: “Chúc Tết đến, trăm điều như ý - Mừng Xuân sang, vạn sự thành công”.
 
Gần trưa, những thứ cần sắm đã đủ, bà Đông kiểm hàng lại lần nữa. Kỷ niệm những ngày đi chợ tết xưa tràn về, lòng bỗng bộn rộn những cảm xúc khó tả. Chợ tết là những phiên chợ cuối năm, đông vui hơn, tấp nập hơn và cũng hối hả hơn vì ai ai cũng bận rộn trang hoàng nhà cửa, cúng gia tiên, hoàn thành những công việc cuối cùng trước khi bước sang năm mới. Người ta đi chợ tết không chỉ để mua sắm mà còn để gặp gỡ, để tận hưởng cái không khí háo hức khi tết đến. Mua sắm chuẩn bị cho ba ngày tết thường không phải chỉ để “có cái ăn” mà đó là thói quen, làm dậy lên không khí ngày lễ hội nơi chợ quê... Chợt bà cảm thấy thiêu thiếu cái gì? Thôi chết rồi, thằng Xuân đâu! Bà Đông rối rít gọi: “Xuân ơi… ơi Xuân…con ở đâu?”. Không có tiếng trả lời. Hốt hoảng, bà bỏ mặc gánh hàng, vùng chạy vào trong chợ. Vừa chạy, bà vừa réo tên Xuân. Mặt trời đã lên đỉnh đầu vừa ló ra khỏi đám mây. Chợ thưa dần, nhưng không thấy tăm hơi thằng Xuân. Bà Đông như người mất hồn, ngồi phệt xuống vạt cỏ, kể lể:
 
- Con ơi, tết nhất đến nơi rồi. Con bỏ cha bỏ mẹ đi đâu. Con không về mẹ sống sao đây? 
 
Mọi người xúm vào động viên, an ủi bà. Khuyên bà gánh hàng về rồi cùng gia đình đi tìm cháu… Quãng đường về nhà như dài ra. Gánh hàng trên vai bỗng trĩu nặng.
 
* * *
 
Lại nói chuyện thằng Xuân. Nó mê bóng đá hơn cả ăn. Cạnh nhà nó có cái gò trống khá rộng, gọi là gò Chùa. Chiều nào bọn trẻ cũng đá bóng đến tối mịt. Bố mẹ gọi cũng không chịu về. Cạnh gò là đồng lúa. Nhiều khi bóng rơi vào ruộng mới cấy, bọn trẻ lội tìm. Khi thấy bóng thì chẳng còn cây lúa nào đứng thẳng.
 
Khi mẹ đi sắm hàng tết, Xuân xem bọn trẻ đá bóng, mê đến nỗi xin cho được vào đá. Bọn trẻ thấy lạ, nhưng khi xem nó dắt bóng lắt léo, chuyền bóng rất chuẩn liền cho đầu quân. Đội nó thắng nên được đá vòng trong, nhưng ở sân khác. Nó chẳng nhớ gì nữa ngoài quả bóng, thế là theo bọn trẻ. Đá tiếp lại thắng, được mời liên hoan kẹo bánh, Xuân ở lại luôn. Tan cuộc, khi nhớ ra không phải nhà mình thì lại quên đường về. Ra đường, rẽ phải không đi lại quẹo trái. Thế là lang thang đến tối. Ngồi ở rệ đường ôm mặt khóc, miệng kêu mẹ ơi khản cả tiếng. Có người đi qua, thấy thương tình:
 
- Cháu là con nhà ai, ở đâu?
 
- Bố mẹ tên gì?
 
- Kìa trông khôi ngô thế mà…
 
Nó chỉ nhớ mỗi tên Xuân. Ai hỏi gì nó chỉ lắc đầu. Có bà chừng ngoại bốn mươi, thấy nó bằng tuổi con mình, thương tình bảo: 
- Thôi tối rồi. Cháu theo bác về nhà. Mai bác nhờ người tìm bố mẹ cho. 
 
Vừa nói, bà vừa dắt tay thằng Xuân. Cậu bé vẫn còn xụt xịt. Nhưng đành đứng dậy theo người đàn bà lạ.
 
* * *
 
Mấy ngày rồi, ông Thu và bà Đông như ngồi trên đống lửa. Nhờ bao nhiêu người đi tìm. Đã hai tám tết rồi mà không thấy. Những bó rau cải định làm dưa, mấy trăm lá dong để héo, vứt xó chổng trơ. Ông Thu sực nghĩ ra điều gì liền quay vào bàn thờ, châm ba nén nhang, tay vái, miệng lẩm bẩm:
 
- Nam mô a di đà Phật… Con lạy mười phương chư Phật, chư Phật mười phương phù hộ độ trì cho thằng Xuân nhà con được chân cứng đá mềm, đi đến nơi về đến chốn…
 
* * *
 
Khi theo mẹ đi chợ tết năm ấy, Xuân mới chín tuổi. Còn bây giờ, ông Xuân đã bảy mươi mốt tuổi. Gần sáu mươi năm qua, chuyện gì đã xảy ra với ông kể từ ngày ông lạc mẹ. Quyển lịch thời gian lại dần mở từng trang.
 
Giáp tết năm ấy, Xuân được vợ chồng ông Tình sống ở Bạt, cùng huyện cưu mang, cho ăn học tử tế. Năm mười tám tuổi, học xong lớp mười, Xuân xin bố mẹ nuôi cho đi bộ đội. Sau sáu tháng rèn quân, anh được điều đi chiến trường, chiến đấu trên nhiều mặt trận. Cuối năm 1975, Xuân đã hai mươi lăm tuổi. Cái tết đầu tiên khi non sông thu về một mối đang đến gần, anh được điều về an dưỡng ở vùng trung du thuộc Sơn Tây cũ. Một hôm đi chơi chợ, hỏi ra mới biết đó là chợ Mơ, nơi anh cùng mẹ đi chợ tết năm xưa. Anh nghĩ, nhà mình chắc gần đây thôi, thế nào mẹ cũng sẽ đi chợ sắm tết. Và từ hai mươi tháng Chạp, sáng nào Xuân cũng ra chợ Mơ chờ mẹ.
Vào sáng ngày hai mươi hai tháng Chạp, Xuân thấy một phụ nữ chừng gần năm mươi tuổi, khuôn mặt khắc khổ, trên vai quẩy gánh nón lá đi vào chợ. Linh tính như mách bảo, anh lại gần vờ mua nón rồi hỏi thăm tên người, quê quán… Bỗng Xuân quỳ xuống và kêu lên: 
 
- Mẹ… con đây, Xuân đây, mẹ Đông phải không?
 
Hai mẹ con ôm lấy nhau, nói không nên lời, mừng mừng tủi tủi… 
 
Đã mười bảy mùa xuân, chừng ấy phiên chợ tết đi qua, phiên nào bà Đông cũng đến chợ mong tìm được con. Còn Xuân, cũng chừng ấy năm, anh được tham gia hai trận đánh có ý nghĩa là Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và đại thắng mùa Xuân 1975.
 
Cái tết năm ấy thật thiêng liêng và đấm ấm. Tết của đoàn tụ và hạnh phúc, không chỉ riêng gia đình ông Xuân mà của toàn dân đất Việt, được đón mùa xuân đầu tiên - Xuân thống nhất non sông.
 
* * *
 
Đối với ông Xuân, những phiên chợ tết đã ăn sâu vào ký ức. Chuẩn bị đón tết cổ truyền của dân tộc, ông lại nhớ đến phiên chợ tết năm nào. Những phiên chợ tết mang những sắc thái riêng, tạo nên những cảm xúc nao nao, gợi lên những hồi ức của một thời đã xa…
 
Truyện ngắn: NGUYỄN THƯỢNG THIÊM