Một quãng lặng phố phường

06:03, 05/03/2020

Đầu năm, phố phường bỗng lằng lặng nhịp xe, bớt những tiếng "dô, dô" huyên náo, giảm chút vồn vã thường tình...

Đầu năm, phố phường bỗng lằng lặng nhịp xe, bớt những tiếng “dô, dô” huyên náo, giảm chút vồn vã thường tình. Thập kỷ mới hot với từ khóa “nồng độ cồn” rồi bất chợt chuyển sang “khẩu trang”, “corona”. Người phố trở nên khép nép từ đi đứng tới ăn nói...
 
Quán xá trở nên vắng khách. Ảnh internet
Quán xá trở nên vắng khách. Ảnh internet
 
Hình như lúc nhập bàn, nó quên chuyện quy định “nồng độ cồn”. Ngồi một lúc, nó cầm ly bia xoay xoay: “Giờ “thoát” về đường nào hè...?”. Ông cùng bàn tỏ vẻ rành rẽ: “Đi đường hẻm... Từ đây qua kia... vòng phải, rồi luồn miết... là tới nhà mày”. “Ờ hé, lâu quá tui không đi đường này!”. Tuy nhiên, một ông khác phản đối: “Để tao gọi taxi tải cho mày về nhà cả người lẫn xe. Có men rồi chạy xe là phạm luật, đi luồn đi lách càng dễ tai nạn”.
 
Câu chuyện “cồn và xe” cứ thế trải dài. Thực sự trước đây, anh em trong nhóm chúng tôi chỉ đi taxi khi có việc ở quãng đường hơi xa xa. Còn loanh quanh trong phố, nhất là khi bạn nhậu “truy lùng” thì chủ yếu là chạy xe máy (đi taxi là bị chọc... chảnh). Thế nhưng Nghị định 100 đã buộc ai cũng “ngai ngùng dín gió e sương”, đôi lúc không có tiền đi taxi đành phải từ chối “tiếng gọi nơi hoang dã”. 
 
Quá đau đầu với chuyện “cồn và xe”, nhiều ông quay sang... thắt chặt tình hàng phố. Ấy là “quy hoạch” các cuộc bù khú vào chiều tối với mấy tay hàng xóm, cứ việc “họp” xong là “gà đi bộ” về nhà. Quá lợi hại, vẫn được “cử tạ” (nâng lên đặt xuống cái ly) vừa đỡ tốn phí di chuyển; coi như ổn thỏa cái vụ... thổi cồn ngoài đường. Mấy bà vợ thấy cảnh “lách luật” này cũng tặc lưỡi cho qua, bởi đỡ lo chồng bị công an thổi phạt... 
 
“Kỳ này, tao không dám cãi lộn với mấy tay hàng phố...”, một ông phát biểu. Rồi hắn bộc thêm: “Thực sự, lâu nay hàng phố tao mạnh ai nấy đi làm rồi về nhà mình, có người thỉnh thoảng mới chào nhau. Thế nhưng khi có quy định “thổi cồn” mấy lão tự nhiên... tình thương mến thương. Mấy trận bóng đá vừa rồi cũng “sum họp phố giềng” chớ không còn mạnh ai nấy ra quán coi với “nhóm sở thích” như trước nữa...”.
 
Tay khác góp chuyện: “Tết vừa rồi, tao đành “tình xa” mấy anh em bà con. Bởi Tết nhứt gặp mà không “cụng” thì cũng khó, mà taxi đi từng nhà thì rườm rà quá...”.
 
Câu chuyện tiếp tục cập nhật đến đại dịch virus Corona (COVID-19). Mỗi người một câu, cứ thế đủ thứ thông tin tới tấp bày ra bàn. Nào là nguyên nhân dịch Vũ Hán, tốc độ lây lan thiệt hại, khẩu trang tăng giá, cách ly, theo dõi, chữa trị, phòng tránh,... Ông làm nghề mở quán bỗng thở thượt: “Quán tao vừa tạm nghỉ ngày hôm qua. Còn quán thằng Ba đã nghỉ mấy ngày rồi. Ui, tiền thuê mặt bằng...”.
 
Tôi biết trong Tết, quán nướng của ông này còn nườm nượp khách. Vậy mà cứ thế khách tụt dần, tụt dần mau chóng, bán không đủ vốn, đành tạm nghỉ. Cũng phải thôi, mấy đối tác vừa rồi tôi gọi làm việc đều hẹn “từ từ rồi tính”. Luôn mấy nhà máy trong vùng đều đóng cửa “nối Tết”.     
 
“Hóa ra ai cũng sợ chết”, một tay vu vơ. “Sao hổng sợ, mậy!”, cả nhóm bật lại như cùng lúc. “À, tình hình dịch thế này mà mấy anh em mình tụ tập thế này là sai à nghe!”, một ông tỏ vẻ cảnh tỉnh rồi tư lự: “Tao lâu nay “sinh quán, trú quán” mà kỳ này chủ yếu ăn cơm vợ nấu. Bả suốt ngày đọc tin tức corona trên mạng, rồi “thiết quân luật” ăn uống 100% cơm tự nấu. Tối nào ăn xong lại cũng lo bữa sáng rồi đem luôn đến chỗ làm. Trưa, mỗi người một góc ngồi ăn, thiệt là như dân đi làm rẫy...”.
 
Buổi sáng dậy đi bộ, dẫu không có cảnh khói bếp mờ hơi sương nhưng tiếng xào nấu, mùi thức ăn sực nức cả con phố. Bà hàng xóm chép miệng “ba bữa sáng trưa chiều, chợ búa, nấu nướng, nội chuyện nghĩ ra đổi món ăn cái gì cũng đủ đau đầu”. Một cô giáo bồn chồn: “Chẳng biết trường lớp còn nghỉ đến bao lâu...”. Bà đi cạnh tiếp chuyện: “Ui, cô được nghỉ cùng tụi nhỏ thì tiện rồi. Còn tui phải chạy đôn chạy đáo gởi mấy đứa nhỏ để đi làm, thiệt khổ... Mong cho dịch bệnh mau qua để mà ổn định cuộc sống làm ăn”.   
 
ĐÀO ĐỨC TUẤN