Tổ quốc chát mặn mồ hôi

06:03, 29/03/2020

Quê hương, đất nước luôn là nguồn cảm hứng của mỗi thi nhân. Nếu như tập thơ đầu tay "Hát ru bầu trời" của Lê Hòa (hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng)...

Quê hương, đất nước luôn là nguồn cảm hứng của mỗi thi nhân. Nếu như tập thơ đầu tay “Hát ru bầu trời” của Lê Hòa (hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng) ra mắt bạn đọc cách đây 5 năm chỉ là những xúc cảm về quê hương, về mẹ thì với tập thứ hai “Tổ quốc chát mặn mồ hôi”, vẫn với mạch cảm xúc đó nhưng với tình yêu lớn lao hơn về Tổ quốc.
 
Lê Hòa trở về Đà Lạt trong một ngày xuân hoa đào rực rỡ
Lê Hòa trở về Đà Lạt trong một ngày xuân hoa đào rực rỡ
 
Tổ quốc trong thơ Lê Hòa là những điều giản dị mà thiêng liêng, là “Nơi cây lúa lên đòng thơm lựng/Những con thuyền gối bến chờ trăng/Tiếng vò áo rụng vào đêm gió muộn/Mẹ ra sông níu cánh lục bình”. Tổ quốc là “Nơi con sóng xoáy vào tâm bão/Những đoàn tàu thẳng tiến tiền tiêu/Mỗi hải lý thủy triều rưng rưng đỏ/Cha gồng mình bẻ gọng phong ba” (Tổ quốc chát mặn mồ hôi). Bao dấu chân in mòn mặt đất, bao giọt mồ hôi lã chã cần lao của muôn vạn kiếp người thấm vào đất mẹ nhào nặn nên hình hài Tổ quốc.
 
Tổ quốc là biển đảo - không gian sinh tồn tự ngàn đời của dân tộc.Những vần thơ về biển của Lê Hòa như bài ca yêu nước, là tiếng sóng biển cuộn trào dồn lên lớp lớp, là những người con ngày đêm giữ biển, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng, để khi ngã xuống máu thắm nhuộm đỏ cờ hồng, đắm mình vào lòng biển sâu: “Gạc Ma. Đêm ấy. Ta trôi/ Theo màu cờ đỏ có đôi nhạn hồng/Sáng thăm thẳm. Chiều mênh mông/Xin về đây! Ngọn gió đồng hôm xưa” (Gạc Ma sau đêm ấy). “À ơi ngày có thật qua/Sao thềm lục địa bóng cha chập chờn?”... Mỗi ngư dân - Một ngọn đèn/Cháy không nguôi trước bậc thềm đỏ au/ À ơi này những thân tàu/ Như thân người lính hóa màu biển xanh/Tầng tầng lớp lớp cha anh/Hàng hàng mộ gió đắp thành lũy chông” (Ru thềm lục địa).
 
Tình yêu Tổ quốc, niềm tự hào dân tộc bắt nguồn từ truyền thống lịch sử, tuôn chảy thành thơ: “Cha ông ăn gió nằm sương/Bạch Đằng giang, sóng vẫn giương cờ hồng/ Máu của cha chảy mặn lòng/Nước mắt của mẹ ấm nồng trong con/Dẫu một tấc cũng chẳng mòn/ Mỗi một hải lý vuông tròn một quê/ Đảo xa mưa, nắng, đông, hè/Lính trẻ chấp hết bốn bề bão giông” (Lính trẻ). “Ánh chiều rụng xuống lòng sông/Đáy sông có một cánh đồng dựng lên/Mồ hôi từ áo mẹ hiền/Miên man chảy trắng một miền phù sa... Chủ quyền đóng triện chốn này/Ngàn năm cờ đỏ vút bay giữa trời” (Chủ quyền). Những người lính hải quân đang ngày đêm căng mình trên đầu sóng ngọn gió để gìn giữ từng tấc đất: “Người đứng đó/Máu của người chưa bao giờ giải nghĩa nỗi cô đơn/Mắt của người chưa bao giờ dõi tìm hạnh phúc/Bàn chân người găm biển/chát mặn những hoàng hôn” (Xin một lần hãy biển).
 
Tập thơ của Lê Hòa
Tập thơ của Lê Hòa
Sinh ra khi đất nước đã hòa bình thống nhất, không biết đến khói lửa chiến tranh; từng vần thơ của nhà thơ trẻ 8X thấu hiểu nỗi gian lao của thế hệ đi trước, thấm đẫm lòng biết ơn. Để giành lấy hòa bình, lớp lớp cha anh đã đánh đổi bằng xương máu. “Cây cầu hóa lính trẻ măng/Người lính ngã xuống hóa trăng Hàm Rồng/Người vợ bỗng hóa thành chồng/Người chồng hóa một đóa hồng đẫm sương” (Hóa). Trong sự mất mát hy sinh đó, có sự hy sinh, có nỗi đau của những người mẹ. “Bốn mươi năm! Mảnh vườn cũ hồi sinh/Mùa cúc nở hoa. Mùa hồng thay áo/Đóa dã quỳ giấu vào lòng cơn nắng/Mẹ một mình lặng lẽ... Thờ cha” (Tóc mẹ nở hoa). Mẹ là đất nước, mẹ là quê hương, cảm xúc về quê hương, đất nước trong thơ Lê Hoà luôn gắn với hình ảnh của mẹ: “Mẹ ngồi nhẩm bước con đi/Mẹ ngồi đợi cửa: Có khi nó về!/ Chỉ mình mẹ. Một cơn mê/ Nửa đêm. Tóc rụng giữa bộn bề. Mưa” (Trong túi áo mẹ có gì). “Ngày trôi trên nghĩa trang gầy/Khúc quân hành, vẫn đâu đây vẫy vùng/Đêm xanh. Lửa đốt. Trùng phùng/Lại nghe âm vọng tiếng hùng binh xưa/Bây giờ tháng bảy lại mưa/Mẹ lại ra ngõ đón đưa con về/Đường trơn. Lõm. Một vệt xe/Chỉ còn mắt mẹ. Trũng. Hoe hoắt. Chiều” (Tháng Bảy lại mưa).
 
Lê Hòa giỏi tiếng Anh, làm thông dịch viên, đi nhiều nơi. Vốn sinh ra không chỉ để làm thơ, nhưng phẩm chất thi nhân trong anh luôn trỗi dậy trên mỗi bước đường anh qua. Xúc cảm về quê hương, đất nước dâng trào khi đứng trước những miền đất, để đêm về lại trăn trở mà bật thành thơ. Nhiều bài thơ đã ra đời từ những đêm không ngủ như thế. “Giữa trưa vọng tiếng trống đồng/Nhấp chung rượu đỏ máu hồng Lũng Nhai/Câu ca giấu nỗi đêm dài/Hò lơ sông Mã xanh ngoài lũy tre” (Lam Kinh). Yêu quê hương, đất nước say đắm như yêu người tình “Chạm vào vạt áo thương yêu/Một vùng châu thổ phì nhiêu gọi mời/ Qua phà Vàm Cống anh trôi/Sang con dốc nhỏ, đúng nơi em chờ (Chạm vào châu thổ). Sông Tiền nặng mẻ phù sa/Vớt lên trăng sáng vỡ ào ạt. Say/Chạm vào châu thổ. Lịm. Ngây/ Một câu vọng cổ ngọt cay nỗi người/Tiếng đờn kìm đẩy bè trôi/ Đêm rưng rức mặn từ môi sang lòng”.
 
Ngay từ tập thơ đầu tiên “Hát ru bầu trời” được trao giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam dành cho các tác phẩm xuất sắc năm 2015, Lê Hòa đã khẳng định mình với thể thơ lục bát dân tộc. Ở tập thơ này, nhiều bài thơ ngũ ngôn (5 chữ), thất ngôn (7 chữ), thơ tự do - có điệu, không vần; nhưng chỉ thơ lục bát mới là “thương hiệu” của Lê Hòa. Hai câu 6 - 8 như cặp tình nhân dìu nhau lướt đi trong âm thanh, nhạc điệu, vần này gối lên câu kia, tài tình khiến người đọc say mê: “Trong túi áo mẹ có gì/Vài sợi tóc bạc xuân thì rụng rơi/Vầng trăng góa bụa trên trời/Tiếng con cuốc vọng tựa lời ru đêm” (Trong túi áo mẹ có gì). Thơ lục bát của Lê Hòa không lẫn vào đâu được, giản dị trong ngôn từ, ngắt dòng, chấm câu, nhả chữ, từng nhịp, từng phách gieo vào lòng người đọc mạch tâm tưởng, nỗi suy tư, không nhàm chán.
 
Sau 5 năm, thêm một tập thơ nữa ra đời, dày dặn với 65 bài thơ chứa chan tình yêu với quê hương, với đất mẹ. “Xin gửi cuốn sách này đến những người yêu thi ca và yêu nước Việt tự sâu thẳm trái tim mình!” - Ở ngay trang đầu tập thơ, nhà thơ trẻ đã viết. Lâm Đồng cuối tuần xin giới thiệu tập thơ “Tổ quốc chát mặn mồ hôi” của Lê Hòa đến bạn đọc.
 
QUỲNH UYỂN