"Đền Hùng" giữa lòng Đà Lạt

05:04, 21/04/2020

Giữa lòng Đà Lạt, "Đền Hùng" đơn sơ, trầm mặc được những cư dân nghèo dựng lên thờ phụng từ những năm 30 của thế kỷ XX. 80 năm qua, nơi đây ẩn chứa câu chuyện xúc động về tấm lòng của con dân đất Việt hướng về Quốc Tổ.

Giữa lòng Đà Lạt, “Đền Hùng” đơn sơ, trầm mặc được những cư dân nghèo dựng lên thờ phụng từ những năm 30 của thế kỷ XX. 80 năm qua, nơi đây ẩn chứa câu chuyện xúc động về tấm lòng của con dân đất Việt hướng về Quốc Tổ.
 
Ngôi đền mộc mạc được sắp đặt trang nghiêm thành kính với đầy đủ ý nghĩa của nó
Ngôi đền mộc mạc được sắp đặt trang nghiêm thành kính với đầy đủ ý nghĩa của nó
 
Đền thờ Vua Hùng lâu đời nhất Đà Lạt 
 
Đền thờ Quốc Tổ (76 Nguyễn Thị Nghĩa, Phường 2, Đà Lạt) có từ khi đất này còn lạnh lẽo do những người Việt từ khắp mọi miền đất nước đến đây khai hoang lập nghiệp xây dựng. Cụ Cường 92 tuổi cho biết: Trong giá lạnh, Đền Quốc Tổ là nơi cố kết cộng đồng, là điểm tựa tâm linh, làm ấm lòng bà con xa xứ. Mỗi người một quê, ai cũng nghèo, bà con sống đùm bọc, yêu thương nhau trong nghĩa đồng bào, coi nhau như người thân.
 
 Ban đầu “Đền Hùng” chỉ là ngôi nhà gỗ nhỏ; sau năm 1975, đền được xây lại khang trang theo kiến trúc đền thờ truyền thống. Bình phong có hoa văn nằm ngay trên đường. Cổng vào đền xây hình vòm với dòng chữ “Đền thờ Quốc Tổ”. Ngôi đền 3 gian có cửa chính 4 cánh, 2 ô cửa tròn hai bên. Mái đền lợp ngói, chính giữa có bông hoa sen che lấy bệ thờ lộ thiên trên cao; nhìn từ đường vào dễ dàng thấy bản đồ Việt Nam, cờ Tổ Quốc được đắp nổi và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở đời sau bảo vệ gìn giữ giang sơn gấm vóc: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. 4 cột trước thềm là 4 dòng chữ Việt: “Quốc Tổ Hùng Vương nhân nghĩa hào hùng xã tắc quốc tôn hùng khí”, “Nước có nguồn cây có cội người có tổ tiên, đất nước có Vua Hùng khởi dựng”, “Gia tiên Lạc Việt trí tâm lỗi lạc, giang sơn gia bảo Lạc Hồng”, “Nhân còn nghĩa, trí còn tình, sống còn công lý, non sông còn dân chúng”. 
 
Trong đền, bàn thờ Tổ ở chính điện được sắp đặt uy nghiêm với dòng chữ “Việt Nam Quốc Tổ” phía trên phù điêu bản đồ Việt Nam lồng trong trống đồng Đông Sơn gắn trên tường. 
 
Ngôi đền nhỏ, đơn sơ, nhưng mang ý nghĩa thiêng liêng, vừa thờ phụng các Vua Hùng, vừa thờ cúng các bậc tiền nhân, các liệt sĩ, những người hy sinh mở cõi, giữ nước, anh hùng giải phóng dân tộc, các vị tiền hiền hy sinh vì nghĩa lớn, vì sự trường tồn của dân tộc. 
 
Từ những ngày Đà Lạt cư dân còn thưa thớt, ngày Giỗ Quốc Tổ 10/3 âm lịch hàng năm luôn được bà con tổ chức long trọng. Từ chiều hôm trước các mẹ, các dì đã làm bánh chưng, bánh giầy, bày hoa, trái để làm lễ vật. Sau lễ tế diễn ra trang nghiêm, người già, con trẻ, thanh niên nam nữ cùng dâng hương cầu nguyện cho cuộc sống ấm no, quốc thái dân an, nhà nhà sung túc. Tình cảm xóm giềng, tình yêu quê hương, đất nước không ngừng được vun đắp. Nhân dân trong Tổ 11, Phường 2 đã cử người đại diện hành hương về đất Tổ - Phú Thọ rước đất và nước từ Đền Hùng ở Phong Châu vào đây đặt lên bàn thờ, như một mạch nguồn để ngưỡng vọng. 
 
Người hơn 40 năm tình nguyện giữ đền 
 
Ông Hoàng Thông (72 tuổi), đã dành hơn nửa đời mình gắn bó với ngôi đền, bàn thờ Tổ không ngày nào vắng khói hương. Khi 8 tuổi (năm 1957), ông Thông theo cha mẹ từ Huế đến đây lập nghiệp. Cụ bà (mẹ ông) tần tảo bán bánh căn ở đầu hẻm nuôi gia đình. Nhà ở cạnh đền, tuổi thơ của ông là trò chơi cùng đám trẻ ở sân đền trong những chiều hun hút gió. Cảm giác bình yên, thanh tịnh, ấm áp. Khi trưởng thành, ở độ tuổi 30, ngoài việc cùng vợ buôn bán nuôi lớn 4 người con, ông Thông dành thời gian làm phụ tá cho ông Phước (người giữ đền lúc bấy giờ) dọn dẹp, hương khói, tập các nghi lễ, cúng kiếng. Ông Phước qua đời, ông Thông tự nguyện nhận lấy công việc trông đền. 
 
Hơn 40 đã qua, đền thờ Quốc Tổ như ngôi nhà thứ hai của ông. Không chỉ ngày 10/3 âm lịch hàng năm, mà việc lau dọn sạch sẽ, sắp xếp ngăn nắp, dâng hương lên bàn thờ Quốc Tổ được ông duy trì bằng niềm tự hào, ngưỡng vọng. Không ai đòi, ai bắt, mỗi ngày ông Thông đều đến đền, dọn dẹp, thắp nén hương lên bàn thờ Tổ, rồi lại ra về. Như một thói quen, một niềm vui, không làm thì nhớ.
 
Tận tụy với ngôi đền, ông Thông không nhận bất cứ một đồng tiền công nào. Ông Thông luôn nghĩ, các Vua Hùng đã có công mở cõi, các anh hùng liệt sĩ hy sinh máu xương, bao vị tiền nhân cống hiến để làm nên hình hài đất nước, hồn cốt dân tộc, thì việc ông dành đời mình chăm sóc, khói hương nơi thờ tự, tỏ lòng thành kính tri ân thế hệ đi trước, thì có đáng gì. Khi nào còn khỏe thì ông còn làm công việc này mà không bao giờ thấy chán.
 
Giỗ Tổ năm nào bà con cũng tổ chức trang nghiêm, thành kính. Ban tế lễ 6 người do ông Thông làm chánh tế. Để lễ được diễn ra theo đúng nghi thức tế lễ truyền thống, ông Thông đã học từ các cụ đi trước, từ phục trang, áo, mão, hài, đến soạn chúc văn, cung cách dâng hương, dâng rượu, dâng lễ vật, lạy tạ... Mỗi năm đền tổ chức 3 ngày lễ long trọng: Giỗ Tổ (10/3), Lễ tế Thu cầu an (16/7 âm lịch) và Lễ Tất niên (20 tháng Chạp), bà con tùy lòng thành đóng góp, nhà nhà người người đều nô nức. Sau khi chi cúng 3 dịp lễ lớn, kinh phí còn dư sẽ dùng vào việc lo hương khói quanh năm. Ngày thường, ông Thông cúng hoa, quả vào ngày Rằm, mồng Một, thắp hương lên bàn thờ Tổ mỗi ngày. Nếu phát sinh, thiếu hụt, ông Thông sẽ dành tiền tiết kiệm của mình để bù vào. 
 
Bà con ở cả 3 tổ dân phố dọc hai con đường Nguyễn Thị Nghĩa, Bùi Thị Xuân đều thành tâm với đền Tổ. Ai cũng một lòng ngưỡng vọng, ghi tạc công đức các Vua Hùng, chung sức quan tâm đến việc thờ phụng. Cụ Cường 92 tuổi có mặt ở mọi nghi lễ, cụ đọc chúc văn, giọng đọc nhấn nhá, ngân nga ngữ điệu đậm nét truyền thống. Cô Phụng là Chi hội trưởng phụ nữ Tổ 11 lo cắm hoa, xếp ngũ quả trong các ngày tế lễ. Anh Hậu (Bí thư chi bộ), anh Hòa (Tổ trưởng dân phố) thường xuyên qua lại cùng ông Thông quan tâm chăm sóc ngôi đền...
 
Dù xa đất Tổ hàng ngàn cây số, Đền thờ Quốc Tổ là nơi người dân Đà Lạt thành kính tri ân công đức các Vua Hùng; tâm thức chung một cội nguồn đã hun đúc nên tình yêu quê hương, đất nước, bà con đoàn kết, thương quý nhau, cùng xây dựng cuộc sống ấm no, yên bình ở miền đất lành.
 
QUỲNH UYỂN