Tôi gọi em hồ Đak Lou Kia

12:04, 26/04/2020

Nay, gọi tên hồ Đak Lou Kia, ấy là điều hiển nhiên. Nhưng ở thời điểm cách nay 37 năm, tên gọi ấy hãy còn quá xa lạ, bởi Đak Lou Kia đang là cánh đồng lúa.

Nay, gọi tên hồ Đak Lou Kia, ấy là điều hiển nhiên. Nhưng ở thời điểm cách nay 37 năm, tên gọi ấy hãy còn quá xa lạ, bởi Đak Lou Kia đang là cánh đồng lúa.
 
Nhạc sĩ Trần Khánh Nam bên hồ Đak Lou Kia
Nhạc sĩ Trần Khánh Nam bên hồ Đak Lou Kia
 
Tôi gọi em hồ Đak Lou Kia”, tên một ca khúc của nhạc sĩ Trần Khánh Nam (ngụ thị trấn Di Linh, huyện Di Linh) viết về miền đất Di Linh, nơi ông gắn bó phần lớn cuộc đời trong vai trò nhà giáo. Ca khúc này được nhạc sĩ Trần Khánh Nam viết năm 1983 và như ngọn gió mát lành của cánh đồng Đak Lou Kia. “Bấy giờ, tôi nghĩ giá mà nơi đây là một hồ nước, thay vì cánh đồng lúa, ngoài việc sẽ có nhiều người được hưởng ngọn gió mát lành kia, còn đảm bảo môi trường sinh thái, tạo điểm nhấn cảnh quan lẫn văn hóa cho cả vùng đất Di Linh”, ông chia sẻ.
 
Niềm hứng khởi ấy, cộng thêm lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ đã bật nẩy trong người nhạc sĩ những nốt nhạc reo vang niềm tin yêu cuộc sống, mang theo niềm hi vọng quê hương Di Linh sẽ phát triển đi lên cùng đất nước: “Hôm qua em còn là một màu xanh của lúa/ Nay mai em sẽ là một hồ nước mênh mông/ Dầu em không mang đến cho đời hạt thóc như xưa/ Nhưng nay mai em mang đến cho đời ngàn hạt nước long lanh/ Tưới mát cà phê với chè tưới mát vườn cây trái ngọt/ Cũng là điều mong muốn em ơi”. Nhạc sĩ Trần Khánh Nam hẳn phải yêu cuộc sống, yêu miền đất cao nguyên Di Linh đến mức trăn trở trước mỗi bước đi của quê hương, đặc biệt phải có niềm tin mãnh liệt ở tương lai thì mới viết đầy hứng khởi đến thế! Bởi vì ai ai cũng biết, ở thời điểm lịch sử năm 1983, lương thực đang là một mặt trận. Nhiệm vụ sản xuất lương thực là nhiệm vụ trọng yếu. Các cánh đồng lúa trên miền đất Di Linh như La Òn, Gung Ré, Bảo Thuận, Liên Đầm, Đak Lou Kia... cũng chỉ tập trung vào nhiệm vụ sản xuất lương thực, phục vụ đời sống. “Tôi hiểu mỗi thời điểm lịch sử có những nhiệm vụ riêng. Tôi luôn tôn trọng điều đó. Tuy vậy, tôi vẫn tin rằng cái ăn cái mặc rồi sẽ qua nhanh thôi. Ấy là lúc chúng ta cần tạo nên những giá trị văn hóa, giá trị sinh thái cho mọi người cùng thụ hưởng những giá trị tinh thần”, ông tâm sự.
 
Trăn trở biến cánh đồng sình lầy rộng hơn 50 ha thành một hồ nước cứ vây riết người nhạc sĩ: “Bao trăn trở lâu nay muốn thay đổi dáng hình em”, rồi vỡ òa trong niềm vui “Đến bây giờ mới làm được”, và “Em vẫn có ích cho đời”. Mặc dù trên thực tế thì Đak Lou Kia vẫn còn là cánh đồng lúa, nhưng ông không ngại đi xa hơn thực tế để khẳng định: “Di Linh vẫn có mãi tên em trong lòng người/ Di Linh xin ghi nhận một tên hồ Đak Lou Kia”. Tất nhiên, cái sự đi xa hơn thực tế này, khiến cho ca khúc “Tôi gọi em hồ Đak Lou Kia” nhận những ý kiến trái chiều, khen có và chê cũng có. Nhạc sĩ Trần Khánh Nam vui vẻ đón nhận và coi đó là một kỷ niệm trong hành trình sáng tác ca khúc của mình. Thời gian sau, ông đã trình ca khúc “Tôi gọi em hồ Đak Lou Kia” cùng 10 ca khúc khác trong tập ghi nhạc bản chép bằng tay lên cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Năm 1988, Phòng Nghiệp vụ Văn hóa Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Lâm Đồng, cụ thể cố nhạc sĩ Trọng Thủy lúc bấy giờ đang là Trưởng phòng đã ký và ghi chú “Đã xem và đã trao đổi với tác giả”, Phòng Văn hóa - Thông tin và Thể dục Thể thao huyện Di Linh cũng xác nhận “11 bài (trong tập ghi nhạc - NV) sáng tác của Khánh Nam đã tham gia hội diễn văn nghệ quần chúng huyện năm 1987 và 1988”. “Bây giờ, cánh đồng lúa Đak Lou Kia đã là hồ Đak Lou Kia. Nó đã trở thành hiện thực, không còn là mơ ước nữa. Hồ Đak Lou Kia đang là điểm nhấn tạo nên nét đẹp riêng lạ ở cao nguyên Di Linh”, nhạc sĩ Trần Khánh Nam mãn nguyện.
 
TRIỀU KA