Sợi tóc mỗi người

02:05, 01/05/2020

"Sợi tóc" của Thạch Lam, truyện ngắn quen thuộc không chỉ bởi tính phổ cập mà còn bởi cả tính triết luận về ranh giới mong manh như sợi tóc giữa được và mất, tốt và xấu, đê hèn và cao thượng, thiện và ác, chính và tà, chiến thắng và gục ngã...

“Sợi tóc” của Thạch Lam, truyện ngắn quen thuộc không chỉ bởi tính phổ cập mà còn bởi cả tính triết luận về ranh giới mong manh như sợi tóc giữa được và mất, tốt và xấu, đê hèn và cao thượng, thiện và ác, chính và tà, chiến thắng và gục ngã... bằng lối viết tinh tế, miêu tả tâm lý vô cùng sâu sắc dù với dung lượng vài ba ngàn chữ, kể lại cuộc chiến với chính bản thân nhân vật Thành để anh ta không trở thành một kẻ ăn cắp. Ở truyện ngắn này, nhà văn Thạch Lam còn tỏ rõ khả năng quan sát của một nhà tâm lý khi mổ xẻ “cái khoái lạc bị cám dỗ, mà cũng có lẽ là cái khoái lạc đã đè nén được sự cám dỗ”.
 
“Sợi tóc” tiêu biểu cho lối viết cắt cứa, khoét sâu vào bản thể con người. Bởi thế, “Sợi tóc” còn khiến người đọc, người viết âm thầm soi chiếu, đặc biệt là soi rọi chính mình, xem ta đang ở bên này hay bên kia hay đang chùng chình và liệu có quỵ ngã trước cái ranh giới mong manh đó, mong manh đến nỗi không ít người đã không thể nhận ra.
 
Là một con người, ai cũng muốn mình đủ nghị lực, đủ tin yêu, đủ trí tuệ để vượt qua trở lực, nhất là những mưu cầu, những ham muốn của bản thân. Và đã là con người, ai cũng muốn mình làm được điều có ích, đem lại điều gì đó thật sự có ý nghĩa cho bản thân, cho gia đình, cho láng giềng, cho cộng đồng.
 
Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh mọc lên nhiều cây ATM gạo, là mô hình cứu trợ đầy ắp nghĩa tình, xuất hiện đúng lúc giúp người nghèo trong dịch bệnh.
 
Từ Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều cây ATM gạo tiếp tục mọc lên trên dải đất hình chữ S. ATM gạo trở thành dòng chảy nhân ái, lan tỏa, kết nối những tấm lòng tương ái tương thân.
 
Nhưng rồi lại có trúc trắc từ một vài điểm ATM gạo. Nơi thì chen lấn đẩy xô. Nơi thì làm tổn thương một thanh niên có gương mặt trong veo. Hình ảnh đáng trách này, mấy ngày qua trên mạng xã hội được truyền với tốc độ nhanh như gió cuốn cùng với vô số lời chỉ trích, lên án... mà chung quy, suy cho cùng tất cả cũng do cái ranh giới mong manh sợi tóc nơi mỗi con người. 
 
Vài ba ký gạo nhưng không ít người được nhận sự tương trợ lại tranh giành giẫm đạp. Chỉ vì sốt ruột muốn có ngay năm ba chục ngàn mà họ lại dễ dàng đánh mất giá trị làm người. Và cũng chỉ vài ba ký gạo, người mong làm được việc thiện, lại có hành vi, lời lẽ xúc phạm một con người. Việc này, rõ ràng là tự phơi bày cái chất người ít ỏi và có lẽ cũng chưa đủ phẩm cách của người làm được việc thiện như họ mong muốn. Ngay cả lời phê phán, chỉ trích những hành vi đáng trách trên, nếu thiếu kiềm chế, đi quá trớn, vượt quá đà với những lời lẽ rẻ khinh, thì cũng là cách hành xử của những người đang vướng phải làn ranh mong manh của sợi tóc. 
 
 Sợi tóc nơi mỗi người, nhiều khi không cần phải gặp tình huống để thử thách như Thành trong truyện “Sợi tóc” của Thạch Lam, hay như “tình huống” đáng tiếc xảy ra ở một vài nơi tương trợ gạo cho người nghèo.
 
Sợi tóc ấy hiện diện mỗi lúc, mỗi nơi. Sợi tóc với làn ranh mong manh có khi là một lời hứa và việc giữ được lời hứa. Chẳng hạn: Tôi kẹt tiền. Tôi hỏi mượn bạn và hứa với bạn đúng một tuần trả, nhưng rồi vô tình hay cố ý, tôi quên món nợ kỳ hạn đúng một tuần. Tôi kéo món nợ qua tuần sau. Ngay khi bạn không nói một lời trách, thì tôi cũng đã mắc kẹt trong cái ranh giới mong manh của sợi tóc. Hay tôi nhận lời sẽ hoàn bài viết vào ngày Chủ nhật, nhưng ngày thứ Bảy khi bài viết vẫn còn dang dở, tôi lại không cưỡng được lời mời dự một buổi picnic và ngày Chủ nhật tôi lại thất hứa. Ngay khi nói ra lời xin lỗi vì sự chậm trễ của mình, thì tôi cũng là kẻ không thấy được cái lằn ranh của sợi tóc. Hoặc khi tôi hứa với bạn là tôi sẽ gọi lại cho bạn bởi lúc bạn gọi tôi đang bận và nhưng rồi tôi lại nuốt lời hứa. Có thể tôi đổ thừa cho cái thói hay quên của trí nhớ hoặc tôi biện minh tôi đang có quá nhiều mối bận tâm. Nhưng, kỳ thực là tôi đã quên chính tôi, tôi không biết tôn trọng bản thân, tôi đã nuốt luôn sợi tóc và sợi tóc lúc này không còn chỉ là lằn ranh mong manh. 
 
Và, sợi tóc... mảnh hơn cả sợi tóc còn là mánh khóe của không ít kẻ hành xử của những con... “người”, sống theo kiểu... “bầy”, kiểu đặt tư lợi lên trên tất cả, bất chấp lợi ích và tính mệnh của cộng đồng, ví như sự trục lợi từ việc kê khống giá mua thiết bị chống COVID-19 của Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội và đồng bọn vừa bị lộ tẩy.
 
Sợi tóc... mảnh hơn cả sợi tóc còn là không ít cuộc tranh giành thâu tóm quyền lợi đang được khéo léo ngụy trang, thậm chí được tô vẽ, được tôn vinh. Sự biến hóa luồn lách ở đây còn đáng sợ hơn, bởi nó mảnh hơn sợi tóc mà lại khó đứt gấp vạn lần sợi tóc.
 
Mỗi ngày, mỗi người đều có những lằn ranh phải dừng lại hay bước qua. Cái ranh giới mong manh của sợi tóc nơi mỗi người, vừa là thử thách lại vừa là “cú chót”. Vượt qua nó, vướng lại hay té ngã?
 
Tối 21/4/2020
 
BÍCH NGÂN